Nam Phi – Đất nước cầu vồng của lục địa đen
- 04/11/2017
- E.MAGAZINE, ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- Cape Town, Editor picks, lục địa đen, Nam Phi, Pretoria, Table Mountain
Tôi nhận được quyết định đi công tác nam phi trước ngày khởi hành chỉ đúng một tuần. Lo sợ về một châu Phi thiếu thốn, nghèo nàn, tôi thầm mong đại sứ quán sẽ đánh trượt visa của mình. Thế nhưng, đúng 7 ngày sau, trong vai trò phiên dịch viên, tôi vẫn cùng đoàn khách đáp chuyến bay tới cape town – điểm đến đầu tiên của cuộc hành trình đầy bất ngờ và may mắn.
[rpi]
CAPE TOWN – THỦ ĐÔ NỐI 2 BỜ ĐẠI DƯƠNG
Francois – anh hướng dẫn viên địa phương gốc Hà Lan đón chúng tôi tại sân bay cùng nụ cười rạng rỡ và cái bắt tay thân thiện. Dù chỉ nằm trong số 9% ít ỏi người da trắng tại Nam Phi, anh rất tự hào vì tổ tiên anh chính là những người nhập cư đầu tiên đặt chân đến Cape Town, mở đầu cho công cuộc khai khẩn lục địa đen này.
Cape Town sở hữu vị trí địa lý tự nhiên vô cùng đặc biệt – nơi gặp gỡ của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, không khó để tôi cảm nhận được sự giao hoà giữa cảnh quan thiên nhiên, hệ động thực vật phong phú và tiết trời mê đắm lòng người tại nơi này.
Tháng 6, tuy không phải mùa của loài hoa Jacaranda nở tím các con phố, nhưng là lúc cuối thu chớm đông se lạnh, có nắng ấm, lại không quá đông khách du lịch nên là thời điểm lý tưởng để tận hưởng cảm giác tự do trên những con đường hai hàng cây rộng thênh thang điểm xuyết những vệt nắng vàng xuyên kẽ lá như chút dư âm ngọt ngào của mùa thu còn vương vấn lại để đón chào những lữ khách chúng tôi.
Trái với “định kiến” có sẵn trong tâm trí tôi về một miền đất nghèo nàn, Cape Town hiện ra đầy bất ngờ với những con đường 4 làn xe, những căn biệt thự sát biển trải dài, cây xanh phủ kín các con phố. Từ sân bay, chúng tôi đi thẳng tới V&A Waterfront để tiếp tục lại ngỡ ngàng với khu tổ hợp mua sắm nổi tiếng bậc nhất tại Cape Town, nằm trước bến cảng Vịnh Bàn với hơn 450 gian hàng cùng vô số các chủng loại, các thương hiệu lớn. Đoàn chúng tôi đã dành cả buổi chiều ở đây, đám phụ nữ mê mải shopping, để cho cánh đàn ông nhiệm vụ đưa lũ trẻ vào Thuỷ cung ( Two Ocean Aquariums) tìm hiểu về các loại sinh vật biển đang sinh sống tại vùng nước giao thoa 2 đại dương này. Còn với một người không ham mua sắm và cũng không có con nhỏ như tôi, ngồi ngắm những chiếc tàu đánh cá đi ra đi vào bến cảng, bốc dỡ hàng hoá, đón đưa khách du lịch, thưởng thức những tiết mục biểu diễn ảo thuật đường phố cũng quá đủ để một chiều cuối thu ở Cape Town trôi qua êm dịu.
Trái ngược với ngày thứ nhất khi đặt chân tới một Cape Town hiện đại, sầm uất, ngày thứ 2 chúng tôi được thăm thú những địa danh lịch sử đã gắn liền với với hành trình khai hoang mở cõi của người dân nơi đây.
Núi Bàn (Table Mountain) chính là một trong những biểu tượng của Cape Town vì đứng ở bất cứ nơi đâu trong thành phố, bạn đều có thể nhìn thấy ngọn núi này. Chỉ cần nhìn thấy Núi Bàn là người ta đủ hiểu được nguồn gốc tên gọi đặc biệt của nó. Ngư dân đánh cá nhìn thấy Núi Bàn lấp ló sau những đám mây từ khơi xa là biết họ đã trở về nhà an toàn. Thật may mắn khi xe chúng tôi đi đến chân núi, cũng là lúc trời tạnh mưa, sương mù tan nên cáp treo lại hoạt động. Từ đỉnh núi, tôi đã bị choáng ngợp bởi sự lộng lẫy của thành phố ôm dọc bờ biển từ trên cao, bao quanh 2 mặt của dãy núi. Cùng với đồi Signal, đỉnh Đầu Sư Tử bên trái và đỉnh Ác Quỉ bên tay phải tạo thành hình vòng cung, “Núi Bàn đang ôm lấy thành phố, che chở cho người dân khỏi những cơn bão từ hai phía đại dương em ạ” – Francois tự hào kể. Cũng tại đỉnh Núi Bàn, Francois tìm cho tôi một bông Protea – quốc hoa của Nam Phi. Loài hoa này được chọn làm biểu tượng của đất nước vì nó vẫn sống bất chấp sự khô cằn của các lớp đá granite và sa thạch tại nơi đây, như dân tộc Nam Phi đã trải qua nhiều thăng trầm để trở thành đất nước giàu có nhất tại lục địa đen.
Sẽ thật thiếu sót nếu đến thành phố của 2 đại dương mà không tới Mũi Hảo Vọng – điểm giao thoa của 2 đại dương này. Trên đường tới Mũi Hảo Vọng, anh Fran chỉ cho tôi đài tưởng niệm Vasco da Gama – người Bồ Đào Nha đầu tiên đã phát hiện ra Mũi Hảo Vọng vào thế kỉ 15. Từ đó, người Hà Lan mới biết và đưa người nhập cư vào lục địa để lập đồn trú nghỉ chân cho tàu bè chở hàng từ Hà Lan tới Ấn Độ vào thế kỉ 17. Mũi đất này đã chứng kiến quá nhiều những phát kiến vĩ đại của nhân loại. Đi thêm 1 đoạn là tới Cape Point – điểm cực nam của Cape Town, nơi đỉnh đồi có ngọn hải đăng dẫn đường chỉ lối cho các tàu đánh cá. Chúng tôi đi xe gòng kéo cáp cuối cùng để leo lên ngọn hải đăng, tận tay chạm vào tấm biển chỉ hướng và đo khoảng cách tới London, Rio de Janeiro, New York. Từ Hout Bay, tàu đưa chúng tôi tới đảo Hải Cẩu, nơi có hàng ngàn con đang bơi ngụp, sưởi nắng, tắm sóng mà không sợ sự xâm lấn của loài người. Vượt qua những căn biệt thự triệu đô của những ngôi sao Holywood tại thị trấn Simon, chúng tôi dừng xe tại Boulders Beach và đi bộ tới thuộc địa chim cánh cụt-loài chim đã được đưa vào danh sách đỏ và được bảo tồn tại duy nhất khu vực. Từ vài chục ngàn con cách đây 5 năm, tới giờ chỉ còn có vài trăm do biến đổi khí hậu. Vậy mà xém chút nữa, tôi đã không được tận mắt nhìn thấy những chú chim dễ thương quý hiếm này lũn tũn đi lại trên bờ biển.
PRETORIA – THỦ ĐÔ LỊCH SỬ
Ngay khi đáp xuống sân bay Johannesburg, chúng tôi được đưa tới Pretoria – thủ đô hành chính quan trọng với những dấu tích lịch sử đáng tự hào. Nam Phi, còn có tên là Đất nước cầu vồng bởi sự đa dạng về văn hoá, sắc tộc mà nó đang có. Trên chuyến xe đi tới Toà nhà Liên Minh, điểm đến đầu tiên, Chị Sonet – hướng dẫn viên tại Pretoria đã kể cho chúng tôi về sự không ngừng vươn lên của con người nơi này. Nam Phi là một nước phát triển, thế nhưng ít ai biết rằng để có ngày hôm nay, Nam Phi đã trải qua một quá trình đấu tranh dai dẳng.Câu chuyện của chị vừa kết thúc, cũng là lúc chúng tôi tới Toà nhà Liên Minh – nơi toạ lạc chính thức của văn phòng tổng thống Nam Phi. Đây là nơi diễn ra lễ nhậm chức của Nelson Mandela năm 1994, vị tổng thống đầu tiên được bầu sau khi chủ nghĩa Apartheid kết thúc. Sự chú ý của chúng tôi đổ dồn về bức tượng Mandela cao nhất Nam Phi ở bãi cỏ phía trước toà nhà. Bức tượng dang tay, kết nối 2 cánh của toà nhà liên minh như biểu tượng về tinh thần kết nối cả dân tộc của vị tổng thống huyền thoại này.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi tới thăm Đài tưởng niệm hoà giải Voortrekker – dành để tưởng niệm những người Hà Lan đã chết trong cuộc Đại di cư kéo dài 8 năm từ Cape Town tới Pretoria để thoát khỏi sự thống trị của người Anh. Bước vào trong Đài tưởng niệm, tôi đặc biệt ấn tượng với tấm thảm thêu tay tại tầng hầm mô phỏng các sự kiện đã diễn ra tại cuộc di cư. Nghe nói chín người phụ nữ đã phải làm việc suốt 8 năm để hoàn thiện tác phẩm này. Một yếu tố thú vị nữa là vòm mái của Đài tưởng niệm có một lỗ hổng và chỉ mở để tia nắng mặt trời chiếu vào mỗi năm vào lúc 12 giờ ngày 16 tháng 12 – ngày giao ước như để dẫn đường chỉ lối cho những người khai sáng vùng đất này năm xưa.
JOHANNESBURG – THÀNH PHỐ “VÀNG”
Người ta nói đến Nam Phi mà không mua vàng hoặc kim cương thì chẳng nên mua ở chỗ nào khác nữa. Nhưng nếu khi đến đây mà bạn chưa đủ tiền để tự mua cho mình một món đồ đắt đỏ như vậy thì cũng đừng nuối tiếc, bởi vì tôi đã có 1 trải nghiệm tham quan mỏ vàng đầy thú vị.
Chúng tôi yêu cầu được đi công viên giải trí Gold Reef City thay vì các di tích lịch sử. Công viên này được xây dựng trên nền mỏ vàng ngày xưa, vì thế các hầm mỏ vẫn còn trong lòng đất để chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy trình khai thác được mô phỏng lại vô cùng chân thật. Mua vé vào công viên bao gồm tour mỏ vàng có giá 190ZAR cho người lớn và 120ZAR cho trẻ em dưới 1m3. Chúng tôi được phát mũ bảo hiểm, đèn pin. Thang máy như chiếc lồng sắt đưa chúng tôi xuống độ sâu 13m để vào tầng thứ nhất nơi có những chiếc xe gòng đang chở đầy đá, mà lớp bên trong của những viên đá đó chính là vàng nguyên khối. Đi vào sâu hơn là những chiếc khoan, máy móc thật dùng để khai thác. Nghe nói hầm mỏ này có độ sâu 50m và rất nhiều vàng vẫn còn nằm nguyên ngay dưới chân tôi. Ra khỏi hầm mỏ, hướng dẫn viên đưa cả đoàn vào trong khán phòng xem trình diễn cách chế tác ra một thỏi vàng khối 1kg. Sờ vào thỏi vàng này và sờ lên 2 dáy tai là điều mà mỗi người đều thực hiện trước khi rời khỏi khán phòng để cầu cho mình những điều may mắn.
Cũng như vàng luôn nằm lẫn trong đất đá, sự giàu có của Nam Phi vẫn song hành cùng tình trạng đói nghèo. Johannesburg là một trong những thành phố thể hiện rõ nhất sự phân biệt giàu nghèo của đất nước này. Nếu như tới khu Sandton, tôi lạc giữa những toà nhà chọc trời, trung tâm thương mại sầm uất, những con phố sạch đẹp văn mình thì chỉ cách đó 7 cây số, khi xe chạy qua khu Alexandra, tôi cứ ngỡ mình đã sang một đất nước khác. Đường đất, khu nhà ổ chuột, những mái tôn xiêu vẹo, như trong những cuốn phim tôi vẫn thường xem trên tivi về Châu Phi đang ở trước mắt tôi rồi. Nam Phi đã mất gần 50 năm để lật đổ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sẽ là một chặng đường dài nữa để xoá đi ranh giới giàu nghèo của đất nước này. Nhưng, nếu thật kiên nhẫn và vững tâm, thì tôi chắc rằng, Nam Phi sẽ làm được điều ấy.
W.TIPS
VISA
Nên xin trước chuyến đi 1 tháng ở ĐSQ Nam Phi tại tầng 3, toà nhà Central Building, 31 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời gian xét hồ sơ tại ĐSQ Nam Phi là 10 ngày làm việc. Lệ phí visa 57USD. Lưu ý: trẻ em dưới 18 tuổi phải nộp kèm bản sao công chứng giấy khai sinh và mang 1 bản trong quá trình du lịch. Hải quan sẽ luôn yêu cầu kiểm tra ở các cửa khẩu.
PHƯƠNG TIỆN
Hai hãng hàng không chất lượng tốt, giá phải chăng bay từ Hà Nội đến Nam Phi là hãng Emirates (quá cảnh tại Dubai) và Kenya Airways (quá cảnh tại Nairobi, Kenya).
TIỀN TỆ
Nam Phi chỉ tiêu đồng Rand (1USD = 13.3ZAR), nên đổi tại sân bay và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, nếu dùng không hết, bạn không thể đổi lại sang đồng USD. Hơn nữa, cũng không nên mang nhiều tiền mặt trong người, chỉ để ít tiền tiêu vặt còn lại dùng thẻ tín dụng vì Nam Phi có tỉ lệ tội phạm cao nhất thế giới. Hầu khắp các nhà hàng, cửa tiệm đều cho thanh toán thẻ.
MỘT SỐ LƯU Ý ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN
Không đeo các phụ kiện đắt tiền, không để tiền mặt ở túi sau, không rút tiền ở ATM vào ban đêm, không đến các điểm thăm quan một mình, cảnh giác với những đề nghị đổi tiền của người lạ, tuyệt đối không nghe các lời chào mời mua bán các thứ bị cấm ở Nam Phi như ngà voi, sừng tê giác.
Các giấy tờ quan trọng, tiền mặt hoặc tài sản có giá trị không nên để lại trong phòng khách sạn mà nên gửi két sắt tại lễ tân khách sạn để phòng mất cắp
THỜI ĐIỂM DU LỊCH
Đẹp nhât là mùa xuân ở Nam Phi (từ tháng 9 – 11), khi tiết trời mát mẻ, các con phố rực rỡ sắc tím của loài phượng Jacaranda. Hoặc đi vào mùa đông ( từ tháng 6 – 8), lạnh nhưng không buốt. Cape Town mới đây cũng được National Geographic đánh giá là 1 trong 10 địa điểm có mùa thu đẹp nhất thế giới. Nhưng nên mang theo áo khoác, khăn vì nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm.
LƯU Ý KHÁC
Nam Phi sử dụng dòng điện 220V – 250V, ổ cắm loại 3 chấu vuông vì vậy nên mang theo ổ chuyển giắc cắm (Adapter) và ổ cắm đa năng dạng dành cho du lịch.
Nên chuẩn bị 1 bản photocopy hộ chiếu và các giấy tờ tuỳ thân cần thiết để phòng trường hợp bị mất, thì đại sứ quán có cơ sở giải quyết cấp lại hộ chiếu hoặc giấy thông hành trong thời gian ngắn nhất.
Nên kết hợp đi thêm Kenya hoặc Tanzania vì đường bay thuận tiện, xin visa 2 nước trên ngay tại cửa khẩu. Nên tiêm vắc xin sốt vàng da và mang theo nếu đi đến các nước Châu Phi có căn bệnh này. Bạn sẽ bị yêu cầu kiểm tra khi nhập cảnh.
Không tự ý chụp ảnh cảnh sát, dân da đen và động vật đang được cho ăn trước cổng các khu thăm quan vì sau đó bạn sẽ bị đòi tiền.
Hương Thảo | Wanderlust Tips