Náo nức đón chờ lễ hội Hoa Cúc chùa Ba Vàng 2016
- 08/10/2016
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- chùa Ba Vàng, du lịch Quảng Ninh, lễ hội hoa cúc, Quảng Ninh
(#wanderlusttips) Ngày 9/10 (9/9 âm lịch) tới đây, tại chùa Ba Vàng (thành phốUông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ diễn ra lễ hội Hoa Cúc. Lễ hội diễn ra vào đúng dịp Tết Trùng Dương hay còn gọi là Tết Cửu Trùng vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm.
[rpi]
Các hoạt động của lễ hội
Ngày 9/9 âm lịch là ngày Tết cổ xưa của người Việt, gọi là Tết Trùng Dương hay còn gọi là Tết Trùng Cửu, lấy sự lặp lại của hai số 9 để nói về sự trường thọ. Tết Trùng Cửu ở Việt Nam ngày nay ít người còn biết đến về một tập tục khá phổ biến xưa kia, mang nhiều nét đẹp về văn hóa.
Lễ hội Hoa Cúc được diễn ra vào đúng dịp Tết Trùng Dương. Năm nay là năm thứ hai lễ hội được tổ chức, tạo nên nét sinh hoạt văn hóa tâm linh ý nghĩa. Đây là một lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc được phục dựng để bảo tồn và tôn vinh những giá trị Chân Thiện Mỹ trong tinh thần Phật dạy với nhiều ý nghĩa cao quý và sâu sắc. Cụ thể hơn, lễ Hội Hoa Cúc nhắc nhở chúng ta ý thức rõ hơn về giá trị của đạo đức tri ân và đền ân trong đời sống con người.
Tại Lễ hội Hoa Cúc lần này Ban tổ chức sẽ triển lãm và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được tạo nên bởi nhiều loại hoa cúc đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong không gian chùa Ba Vàng, những làng hoa sẽ được các nghệ nhân khéo léo đầy tâm huyết dựng lên và trang trí theo nhiều chủ đề mang ý nghĩa khác nhau, với những cái tên như: Làng hoa tri ân cha mẹ, Làng hoa tri ân Bác Hồ, Làng hoa tri ân các anh linh anh hùng liệt sỹ, Làng hoa tri ân thầy cô… Với sự kết hợp hài hòa phong cách hiện đại và cổ kính, triển lãm hứa hẹn đem lại cho người thưởng lãm không chỉ là những khám phá bất ngờ thú vị, những phút giây thư giãn bình an trước vẻ đẹp chân phương mộc mạc của hoa cúc mà còn được nuôi lớn thêm trong tâm hồn những giá trị đạo đức cao quý của con người.
Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống mang tinh thần Phật giáo như: Hoạt động biểu diễn thư pháp; nghệ thuật cải lương, trình diễn các điệu múa Phật giáo; Thiền trà và nghe giảng Pháp; Hội họa, ẩm thực truyền thống; Biểu diễn pha trà và cắm hoa dâng cúng Phật…
Cũng nằm trong chương trình hoạt động văn hóa lễ hội, “Đêm Lễ Tri Ân” sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 9/10 nhằm nêu cao đạo lý tri ơn và đền ơn ấy.
Ý nghĩa loài hoa cúc – biểu trưng của lễ hội
Loài Hoa Cúc rất gần gũi với người dân Việt Nam, hoa mang một vẻ đẹp thanh cao thể hiện tính cách của ngưởi quân tử, là biểu tượng cho sự chung, tín, hiếu, nghĩa bởi đặc tính của loài hoa này là hoa nở quanh năm không như bao loài hoa khác chỉ nở theo mùa, và từ khi sinh ra đến khi tàn là dù hoa có héo đi thì cánh hoa vẫn không rụng xuống đất, lá vẫn không rời cành. Sắc đẹp hoa cúc dù ở góc độ nào cũng toát lên vẻ khiêm nhường. Ngắm hoa Cúc khiến cho tâm hồn ta có chiều sâu tĩnh lặng và bình an. Hình ảnh hoa cúc luôn khơi nguồn những đạo lý tốt đẹp và hướng tâm con người đến chỗ cao thượng, biết sống tri ân và đền ân để có được niềm hạnh phúc là chân thật góp phần xây dựng thế giới này văn minh, giàu đẹp, đáng sống.
Thiền sư Huyền Quang là Đệ Tam Tổ Trúc Lâm, không chỉ là một thiền sư lỗi lạc mà còn là nhà thơ tài ba, rất yêu hoa cúc. Ngài đã sáng tác những bài thơ rất hay góp phần tôn vinh những tính chất cao quý của loài hoa này trong nhân gian. Chùa Ba Vàng tiếp nối tinh thần ấy của tổ sư Huyền Quang khôi phục và tổ chức Lễ hội để truyền bá những tư tưởng đạo đức tốt đẹp trung, hiếu, tín, nghĩa đến mọi người.
LN (TH) | Wanderlust Tips | Cinet