Nên làm gì để có chuyến du lịch biển an toàn
- 30/05/2016
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- biển đảo, Du lịch an toàn, du lịch biển, du lịch hè, Editor picks, kinh nghiệm du lịch, lời khuyên hữu ích
(#wanderlusttips) Vào những ngày hè oi ả, không có gì tuyệt vời hơn được thả mình trong làn nước biển mát lạnh để xua tan đi cơn nóng. Những điều cần lưu ý dưới đây sẽ giúp du khách có một chuyến du lịch biển an toàn, vui vẻ.
[rpi]
1. Đặt phòng trước khi đi
Vào những dịp hè nắng nóng, lượng du khách đổ tới các bãi biển sẽ rất lớn, có thể dẫn tới tình trạng “cháy phòng” khách sạn. Chính vì thế, du khách nên đặt phòng trước chuyến đi để có thể chủ động hơn trong việc tìm điểm lưu trú cho chuyến đi của mình. Hiện nay, với sự tiện lợi của internet, có rất nhiều website đặt phòng online ra đời, giúp việc đặt phòng của du khách đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
2. Chuẩn bị các vật dụng cá nhân
Trước khi khởi hành, du khách nên chuẩn bị trước cho mình ít nhất 2 bộ áo tắm, quần short, váy và áo ngắn tay… để có được sự thoải mái, mát mẻ nhất cho chuyến đi. Thay vì đi giày thì những đôi dép xăng đan cũng sẽ giúp cho đôi chân của du khách thoáng mát hơn rất nhiều.
Ngoài trang phục thì bản chải đánh răng, khăn mặt, khăn tắm cũng là những vật dụng thiết yếu mà du khách nên chuẩn bị. Mặc dù đây là những thứ mà ở nhà nghỉ, khách sạn nào cũng có sẵn nhưng việc tự chuẩn bị các vật dụng cá nhân sẽ giúp du khách tránh khỏi tình trạng bị dị ứng với những đồ vật trong khách sạn.
Du khách cũng nên mang theo kem chống nắng để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng gay gắt thiêu đốt hay những chiếc kính bơi để tránh bị cay mắt khi vui đùa dưới làn nước biển. Bên cạnh đó thì những chiếc kính mát, vũ rộng vành cũng sẽ vô cùng cần thiết để bảo vệ cho mái tóc và đôi mắt của du khách trong lúc nằm thư giãn trên bãi biển đầy nắng.
3. Chọn vùng biển an toàn
Đối với những gia đình có trẻ em thì việc bảo đảm an toàn cho trẻ luôn là ưu tiên tối quan trọng. Cần đảm bảo trẻ luôn bơi trong vùng được phép (khu vực có cắm cờ báo hiệu). Nếu đến những vùng biển không có cờ báo hiệu an toàn, du khách nên hỏi trực tiếp ý kiến của đội cứu hộ để biết đâu là nơi an toàn. Trong trường hợp không có vùng an toàn hoặc vùng biển có dấu hiệu ô nhiễm do chất thải công nghiệp của các khu công nghiệp lân cận thì du nơi đó có hấp dẫn, nổi tiếng đến mấy, du khách cũng nên đưa trẻ đến một địa điểm khác an toàn hơn.
4. Những điều nên tránh
Vào những ngày nắng gắt, du khách không nên phơi nắng quá lâu trước khi xuống biển. Ánh nắng gay gắt vừa gây hại cho làn da vừa khiến bạn có thể bị cảm lạnh khi đột ngột từ nhiệt độ cao trên bãi biển ngập nắng chuyển sang nhiệt độ thấp của môi trường nước.
Du khách cũng không nên tắm tại những khu vực có cầu cảng hoặc trụ neo nằm rải rác. Những nơi này thường tập trung khá nhiều những loài động vật thân mềm như sứa nên khi tắm, du khách rất dễ bị sứa cắn. Nếu lỡ bị sứa cắn, du khách cần lập tức lên bờ và sát chanh vào vết cắn, sau đó tắm lại bằng nước ngọt.
Ngoài ra, du khách nên chú ý theo dõi thông tin dự báo thời tiết trước chuyến đi để tránh tắm biển vào những ngày mưa bão, sóng lớn. Những dòng nước ngược, nhữn con sóng lớn đặc biệt nguy hiểm cho du khách khi bơi. Hãy quan sát kĩ mặt biển nếu thấy bờ biển lặng sóng một cách bất thường, nước rút ra xa cùng với nhiều đàn chim bay dáo dác, du khách cần lên bờ ngay lập tức và tìm tới những nơi cao ráo.
5. Bảo vệ máy ảnh
Nước biển hay hơi nước muối bốc lên có thể khiến máy ảnh của du khách bị hỏng. Vì vậy, cần thường xuyên lau máy và quét cát trên thân máy, ống kính bằng chổi chuyên dụng sau mỗi lần chụp ảnh trên bãi biển để giữ cho chiếc máy ảnh được an toàn.
6. Bảo quản hải sản
Nếu như có ý định mua hải sản về làm quà cho bạn bè, người thân sau mỗi chuyến đi, du khách nên đặt hải sản trong thùng xốp có lót đá lạnh dưới đáy. Lưu ý trải một lớp nilong lên trên đá trước khi cho hải sản vào để giữ cho hải sản được tươi trong quá trình vận chuyển.
Trang Nguyen (TH) | Wanderlust Tips | Cinet