Người Chăm và những lễ hội văn hóa đặc sắc
- 28/07/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, lễ hội, văn hóa Chăm
Cộng đồng người Chăm sinh sống tại Việt Nam hàng nghìn năm. Dù bao thăng trầm, biến cố trong lịch sử xảy đến nhưng người Chăm vẫn giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình một cách trọn vẹn.
[rpi]
Hằng năm, đồng bào Chăm tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc, nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Thông qua những hoạt động lễ hội, người Chăm mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của ông cha. Cũng như nhắc nhở thế hệ trẻ về việc “uống nước nhớ nguồn”. Hãy cùng Wanderlust Tips khám phá các lễ hội lớn của cộng đồng người Chăm tại Việt Nam nhé.
Lễ hội cầu mưa của người chăm H’roi
Một nghi thức lớn của cộng đồng Chăm H’roi tỉnh Bình Định, mang ý nghĩa tạ ơn trời đất đã ban cho đời sống no ấm, mưa thuận gió hòa và bình an khỏe mạnh. Đối với lễ hội này, bà con có thể làm lễ riêng trên rẫy hoặc cả làng cùng chuẩn bị, đóng góp lễ vật cúng.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 16 đến 20/2 âm lịch hằng năm. Lễ vật cúng có thể là heo hoặc trâu nhưng quan trọng nhất là trên đài tế phải có một đôi gà trống, hai chén rượu, một vòng sáp ông, một chén gạo và trầu cau…để dâng lên cho các vị thần.
Trong lễ cúng, già làng sẽ là người chủ trì. Người Chăm quan niệm rằng, khi cầu nguyện với các vị thần chỉ nên vừa đủ không xin quá nhiều vì nếu có lòng tham sẽ khiến họ nổi giận. Đây là dịp để đồng bào Chăm H’roi gặp gỡ, quây quần bên nhau.
Lễ hội Rijia Nagar của Chăm Bàlamôn
Một lễ hội mang đậm tính ngưỡng của người Chăm Bàlamôn và Chăm Hồi Giáo ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Lễ hội được tổ chức vào tháng giêng Chăm lịch.
Có thể nói, Rija Nagar là “người tiên phong” cho hàng loạt các lễ hội từ lớn đến nhỏ trong năm của người Chăm. Lễ hội được tổ chức nhằm cầu xin mưa thuận gió hòa, dân làng có cuộc sống ấm no đầy đủ, xua đuổi những điều xấu xa để đón lấy may mắn trong năm mới.
Ngày đầu là lễ cúng thần mới. Người Chăm chuẩn bị các vật cúng, gồm thôn trầu, rượu và trứng, xôi, chuối và gà. Buổi lễ bắt đầu với điệu múa của Ka-ing. Sau đó, thầy vỗ Maduen với chiếc trống Baranang cất tiếng hát ca ngợi những vị thần mới và cũ. Tiếng hát của các Ka-ing như lời thỉnh cầu mời các thần về ăn lễ.
Ngày thứ hai là lễ cúng dành cho thần cũ. Vật cúng sẽ là một con dê, luộc lấy thịt thái nhỏ, xương dùng để nấu canh. Trong mâm cơm lễ phải có đủ canh gà, rượu, trầu, gạo nổ, xôi và hoa quả.
Sau khi buổi lễ kết thức, nghi thức đưa tiễn hình nhân (Salih) được ông Ka-ing thực hiện. Người chăm tin rằng, dòng nước sẽ mang đi những điều kém may mắn, tai ương của năm cũ và mang đến những điều may mắn, thuận lợi cho năm mới.
Lễ cúng Po Riyak – lễ hội cầu ngư của người Chăm
Ngày lễ thờ cúng Po Riyak là nét văn hóa biển quan trọng của người Chăm. Hơn hai thế kỷ rưỡi, dấu ấn này chẳng những không mất đi mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong ý thức, và nét sinh hoạt cộng đồng của người Chăm thuộc hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Theo truyền thuyết của người Chăm, Po Riyak nuôi chí lớn nên đã đi tầm sư học đạo từ nhỏ để có thể cứu nhân độ thế. Tuy nhiên, ông lại rất nặng lòng với quê hương, nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Ông muốn hồi hương sớm nhưng thầy ông lại không đồng ý. Cuối cùng, ông cùng đoàn tùy tùng trốn đi. Người thầy nổi giận đùng đùng và buông lời nguyền rủa ông sẽ bị nuốt chửng bởi đại dương mênh mông.
Sau khi mất đi, Po Riyak đã biến thành loài cá Voi. Mỗi khi trên biển có thuyền bè bị đắm do bão tố, cá Voi đều xuất hiện để cứu giúp. Vì thế, người Chăm đã tôn ông thành thần và thờ phụng.
Lễ tế thần thường được tổ chức vào đầu năm, khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch, theo nghi thức Rija Harei do các vị Mâduen, Ka-ing và ban nhạc lễ thực hiện. Mâm lễ có thịt gà, xôi, rượu và trứng, bánh trái các laoij và không thể thiếu cây mía đỏ, biểu tượng của mái chèo. Cũng như mọi lễ của người Chăm, cặp trống Ginơng, trống Baranưng, kèn Xaranai là không thể thiếu.
Lễ hạ thuyền ở miền trung thường có sự tham gia của các thầy cúng người Chăm để đọc kinh cầu an. Các lễ hội này là chiếc cầu nối gắn chặt tình đoàn kết của người dân biển và nghề biển.
Lễ hội Kate – di sản văn hóa quốc gia
Lễ hội Katê là lễ hội lâu đời nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận. Vào dịp lễ hội, người Chăm sẽ thể hiện sự biết ơn với các vị thần, anh hùng dân tộc và cầu mong sự thuận lợi cho mùa màng, con người hòa hợp và vạn vật nảy nở trong năm sau.
Lễ hội được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 25/9 đến 25/10 hằng năm. Trong dịp lễ, cộng đồng người Chăm sẽ tập trung tại đền tháp và biểu diễn ca múa nhạc dân tộc. Các gia đình người Chăm sẽ đi viếng thăm, gửi cho nhau lời chúc tốt lành.
Lễ hội được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các nghi thức đón rước phục y, lễ mở cửa tháp, tắm tượng thần, lễ mặc lại y phục cho tượng, đại lễ…Đến phần hội sẽ là những màn biểu diễn âm nhạc bằng các nhạc cụ cổ truyền, các tiết mục múa dân gian khiến cho người xem không thể dừng cảm thán. Năm 2017, lễ hội Katê được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ Poh Tapah – Lễ tôn chức Phó Cả sư
Lễ hội Poh Tapah là một trong những nghi lễ quan trọng của người Chăm Bình Thuận. Đây là nghi thức tái hiện quá trình một tu sĩ Bàlamôn giáo hình thành. Người dân Bình Thuận dành 3 ngày để tận hưởng lễ hội.
Vào ngày đầu tiên, các gia đình người Chăm sẽ dựng nhà lễ, đo rạp, tiến hành nghi thức cúng rạp. Đến ngày thứ hai (khai lễ), hoạt động trang trí nhà lễ diễn ra. Sau đó, trang phục của Ong Don Muk Don và hai cây nến to được đưa vào trong. Dưới sự điều hành của bà Đơm, nghi lễ diễn ra vào buổi chiều với nghi thức tẩy uế và nhận nước thánh.
Ngày thứ ba, nhà điện và nhà trang điểm được dựng lên. Lễ khai trương nhà trang điểm, nhà điện kết thúc. Người Chăm lại tiến hành tẩy uế giống ngày thứ hai. Cuối cùng, tu sĩ Bàlamôn được chính thức trở thành Tapah.
Lễ hội Roya của người Chăm xứ An Giang
Tết Roya Haji thường diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 theo lịch Hồi giáo. Đây là ngày tết truyền thống của cộng đồng Chăm Islam mang ý nghĩa tha thứ và yêu thương.
Vào dịp lễ hội, nhà cửa sẽ được trang hoàng đẹp đẽ, trẻ em khoác lên mình những bộ đồ mới…người Chăm sẽ dành thời gian bên cạnh gia đình, viếng thăm người thân, bạn bè và tặng những món quà ý nghĩa.
Thánh đường là địa điểm được nhiều người Chăm lui tới trong dịp tết Roya Haji để thực hiện các nghi lễ long trọng.
Với người Chăm, các ngày lễ hội đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngày lễ giúp cho người Chăm “lắng nghe” được tiếng nói của cội nguồn, dù thời gian có qua đi nhưng họ vẫn giữ gìn và bảo tồn nét riêng biệt của ông bà để lại.
Wanderlust Tips | Cnet