Người Tạng và đức tin thuần khiết
- 13/08/2018
- E.MAGAZINE, VĂN HÓA - LỄ HỘI
- bò Yak, Chú Đại Bi, Editor picks, Jokhang, Lhasa, Namsto, người Tạng, Phật giáo, Tây Tạng, Trung Quốc
[Wanderlust Tips tháng 8/2018] Chỉ khi thực sự đặt chân tới tây tạng tôi mới thấy vẻ đẹp nơi đây vượt xa mọi tưởng tượng phong phú nhất của mình. núi non Tây Tạng tràn đầy linh khí, những tu viện cổ kính ẩn hiện giữa mây trời, những thánh hồ thăm thẳm, tĩnh lặng, soi thấu cả lòng người… Thế nhưng, vượt qua tất cả những sự kỳ vĩ ấy, điều khiến tôi cảm nhận sâu sắc nhất về sự huyền bí, linh thiêng của tây tạng lại chính là… người Tạng. Bởi, từ nếp sống hay từ sâu thẳm trong tâm hồn họ, ở mọi lúc mọi nơi, đều toát lên vẻ đẹp rung động tâm can của một đức tin nguyên sơ và thuần khiết nhất.
[rpi]
LÒNG THÀNH Ở TRONG TIM
Phật giáo du nhập vào Tây Tạng từ thế kỉ VII và thịnh hành từ triều đại của vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsän Gampo)(617 – 650) – vị vua vĩ đại nhất của người Tạng. Nhà vua và hai vương hậu – công chúa Xích Tôn của Nepal và công chúa Văn Thành của nhà Đường (sau này được người Tạng suy tôn là Lục Độ Mẫu hay Đức Tara Xanh và Bạch Độ Mẫu hay Đức Tara Trắng) không chỉ xây dựng chùa chiền, tu viện, truyền bá kinh Phật, mà đã thực hành giáo lý của Đức Phật, làm gương cho nhân dân bằng chính cuộc đời họ. Họ đã cai quản đất nước bằng tinh thần khoan dung, vị tha và trọn đời dẫn dắt người dân sống theo đức hạnh của Phật. Nền tảng, tinh hoa tôn giáo mà họ tạo dựng được tiếp nối, bồi đắp và bảo tồn qua 1400 năm cho tới tận bây giờ.
Đến Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng, tôi thấy hầu hết người dân bản địa đều cầm trên tay một chuỗi tràng hạt và một vòng kinh luân (hay còn gọi là bánh xe Mani, một loại pháp khí được sử dụng trong tụng niệm), rồi vừa đi vừa rì rầm đọc kinh. Gương mặt họ luôn toát lên vẻ thành kính. Tôi có hỏi hướng dẫn viên của tôi tên Po-pua rằng: “Ngày lễ, rằm, mùng một, hoặc khi tới đền, chùa, các bạn thường cầu xin điều gì? Và thường sắm sửa lễ vật gì để cúng Phật?”. Po-pua ngớ ra, không hiểu và chỉ sau khi nghe tôi giải thích kỹ lương hơn, Po-pua cười rất hiền bảo rằng: “Chúng tôi cầu cho con người được bình an, cho nghiệp chướng nhẹ bớt sau từng kiếp sống, cầu cho gia súc đừng bị dịch bệnh, nắng đừng cháy quá, mưa đừng lớn quá, tuyết đừng lở, đừng động đất. Chúng tôi đến với Đức Phật không sắm sanh lễ vật gì cả, vì lễ vật lúc nào cũng có sẵn đây rồi” và anh áp bàn tay vào ngực trái. Đúng là như thế, người Tạng đã dâng lên Phật đức tin thuần khiết nhất. Những ngày trên đất Tây Tạng khiến tôi thực sự tin vào điều Po-pua nói: “Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là được thanh lọc, được hoàn thiện bản tâm sau mỗi kiếp sống, để được đến gần Đức Phật hơn.”
Trong những ngôi nhà của người Tạng, tôi không hề thấy có bàn thờ, thay vào đó họ treo ảnh Đức Phật, Bồ Tát, đại sư Liên Hoa Sinh, một vài vị Đạt-lai Lạt-ma, Ban-thiền Lạt-ma… trên tường. Đối với tranh, tượng đặt trên bàn, trên tủ thì phía trước cũng chỉ có 5, 7 bát nhỏ đựng đầy nước và không hề có hoa quả, bánh trái, tiền bạc thật giả gì hết. Người Tạng tới đền chùa, cũng chỉ mang theo một tấm vải hoặc tấm nệm mỏng trải xuống đất để hành lễ. Chưa ở đâu trên đất Tây Tạng tôi bắt gặp cảnh người Tạng đầu đội tay mang trĩu nặng lễ vật, song ở bất cứ nơi nào tại đây tôi đều thấy một niềm tin tín ngưỡng chân thành tỏa ra từ gương mặt, ánh nhìn, dáng vẻ của họ.
Trên đường phố chính của Lhasa, từ lúc 5h sáng, đã có rất nhiều người Tạng đi tới Đại chiêu tự (Jokhang) làm lễ hoặc đi kora quanh chùa thiêng. Giữa lòng đường có dải đá lát, chúng trở nên mòn nhẵn như được mài vì hàng trăm năm qua người dân và người hành hương đã nằm rạp theo nghi thức “nhất bộ nhất bái” hoặc “tam bộ nhất bái”. Họ đến sân chùa cúi lạy và cầu nguyện từ 30 phút đến 1 giờ: đứng chắp tay, vái lạy, rồi quỳ rạp người sát mặt đất. Tôi ngắm họ rất lâu, và luôn thấy họ không để ý gì đến xung quanh, nhất tâm hành lễ như thể họ đang sống trong một chiều không gian khác, đang thực sự nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác.
NGÂM NGA TIẾNG CẦU KINH
Đức tin của người dân Tạng không tồn tại trong các nghi lễ cúng bái, mà được thực hành ngay trong đời sống thường nhật. Trẻ em Tây Tạng được ru bằng lời kinh cầu nguyện, học nói bằng câu Chú Đại Bi: “Om Mani Padme Hum”. Trước đây, tu viện cũng là trường học và các vị Lạt-ma vừa dạy giáo lý vừa dạy chữ cho trẻ em. Mỗi người Tạng thường chọn cho mình một vị thầy tâm linh và gắn bó với họ trong suốt cuộc đời. Mỗi ngày của người Tạng bắt đầu và kết thúc đều bằng tiếng cầu kinh. Người Tạng đi trên đường bao giờ cũng lần tràng hạt hoặc quay vòng kinh luân, miệng ngâm nga những bài kinh.
Trong những ngày rong ruổi khắp các nẻo đường Tây Tạng, những câu chuyện, những con người tôi gặp càng khiến tôi thêm hiểu về đức tin đẹp đẽ và sâu sắc của người Tạng. Khi xe chở đoàn chúng tôi qua những đoạn đường hiểm trở hoặc đỉnh đèo nguy hiểm, những người Tạng trên xe đều hô lên lời kinh cầu nguyện. Tôi nghe không hiểu nghĩa nhưng luôn thấy an tâm, như được chở che, bao bọc. Hay hôm đến hồ Namsto, đoàn tôi được chụp ảnh cùng một chú bò Yak rất cao to và có đôi sừng hoành tráng. Bò Yak vốn không thích nước nên khi phải dầm chân lâu cho du khách chụp hình thì tỏ vẻ bực bội. Thế là ông chủ người Tạng đến bên, vỗ về và hát cho chú nghe một bài kinh ngắn. Chú Yak nghiêng đầu lắng nghe rồi dịu lại, không đe nẹt chúng tôi nữa. Còn ở thánh hồ Manasarovar rộng mênh mông, nước trong thấu đáy nhưng người dân sống ven hồ vẫn cần mẫn đến suối cách đó gần 2km chở nước về dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Họ tâm niệm rằng, nước thánh hồ cần phải được giữ gìn thanh sạch, để tẩy rửa bụi trần và nghiệp chướng cho con người.
Sống theo Phật pháp nên hầu hết người Tạng không tham lam, dối trá, độc ác. Tin tuyệt đối vào sự chở che, bao bọc của Đức Phật nên người Tạng rất bình thản, an nhiên. Họ lam lũ, vất vả, nghèo nàn mà hầu hết vẫn chân thật, tử tế, lương thiện vô cùng. Nếu bạn là khách du lịch lỡ độ đường, họ sẵn lòng mời bạn vào nhà, cho ăn, ngủ, mà không cần hỏi bạn là ai và từ đâu đến. Nếu bạn lạc đường, họ có thể bỏ việc đang làm, chỉ dẫn tận tình, thậm chí dắt bạn đến nơi dễ đi nhất. Họ tạo dựng và gìn giữ trong cộng đồng một “bầu khí quyển” riêng biệt, nơi con người dường như không thể làm, không thể nghĩ những điều xấu xa. Tôi có cảm giác họ không bao giờ đơn độc mà luôn sống cùng Đức Phật hàng ngày.
Ngay trên xe chở đoàn chúng tôi, sáng nào cũng diễn ra cảnh tượng vừa buồn cười vừa xúc động: anh lái xe tên Tup-den và cậu cảnh sát tên Pa-chis cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Tup-den lớn tuổi, thuộc kinh làu làu, vừa lái xe vừa ngân nga, còn cảnh sát Pa-chis mới 23 tuổi mở sách trước mặt ê a vậy mà thỉnh thoảng vẫn đọc sai, bị Tup-den gõ vào đầu. Ôn bài cho Pa-chis xong thì cả Po-pua cùng hòa giọng cầu kinh. Rất nhiều lần nhìn và lắng nghe họ hát lên những bài kinh bằng giọng trầm lắng, dịu dàng như vỗ về, yên ủi, tôi đã không cầm được nước mắt…
LỜI NGUYỆN CẦU BAO TRÙM ĐẤT TRỜI TÂY TẠNG
Đức tin thuần khiết thấm đượm toàn bộ cuộc sống vật chất và tinh thần của người Tạng. Khắp các ngôi làng, trên lối đi ra bến sông, đồng cỏ ở Tây Tạng bao giờ cũng có khoảng không gian dành riêng cho người dân dừng lại để cầu nguyện. Nhà ở, đường phố, ngõ xóm, đồng cỏ, núi đèo, sông hồ… chỗ nào cũng thấy chăng đầy những lá kinh ngũ sắc. Và vòng kinh luân không chỉ luôn ở trên tay người Tạng mà còn được dựng ở mọi chùa chiền, tu viện, bản làng. Ngước mắt lên là thấy lời Phật, quơ tay ra là chạm tới được lẽ vô thường, mở tai ra là nghe được nhịp luân hồi…
Ở các thành phố và thị trấn, luôn có những cây cột cầu nguyện cao vòi vọi, thân quấn lụa ngũ sắc, chân cột là tầng tầng, lớp lớp lá cờ Lungta bằng vải đủ màu: trắng, đỏ, lục, vàng, lam. Giữa thảo nguyên bao la, bên bờ những con sông, trên các đỉnh đèo cũng thế, sắc màu của những lá cờ cầu nguyện Lungta chép kinh Phật nổi bật trên nền đất, nền trời. Có những lá đã phai mờ hết chữ ghi trên đó, có lá còn tươi màu như vừa được dâng lên, cứ bay phất phới trong làn gió cao nguyên lồng lộng. Tôi không biết nửa chữ trên những lá cờ ấy nhưng lòng vẫn bình yên đến lạ. Sau này Tup-den kể tôi biết rằng khởi thủy những lá cờ cầu nguyện là phong tục của mỗi gia đình người Tạng khi có niềm vui như cưới hỏi, sinh con… họ sẽ chăng một dây lá cờ cầu nguyện ở ngoài trời để gió mang phước lành chia cho người khác. Đi mấy ngàn cây số qua thảo nguyên mênh mông Tây Tạng, tôi bất chợt gặp trên sườn núi câu Chú Đại Bi được ai đó cần mẫn, kì công xếp bằng đá trắng: “Om Mani Padme Hum”. Đó như những lời chào đón, lời đưa tiễn, nguyện cầu bình an và trao gửi yêu thương cho tất cả những ai có diễm phúc được ngắm nhìn vùng đất thiêng này.
Thế nhưng, nhiều nhất và khiến tôi xúc động nhất, lại là những lời nguyện cầu lặng thầm bằng đá. Khắp những nơi tôi đi qua, tôi đã vô số lần nhìn thấy hình ảnh những viên đá được xếp chồng lên nhau đủ mọi dáng hình. Po-pua bảo rằng, đó là cách cầu nguyện của người Tạng, từ xa xưa đến bây giờ vẫn thế, họ gửi vào mỗi viên đá lời tạ ơn hay chúc phúc, hay một ước nguyện, một nỗi niềm nào đó muốn tỏ bày với Đức Phật… Lúc thì mươi viên đá nhỏ chụm lại, nhô cao hơn mặt đất chỉ 15-20cm, lúc lại nổi bật lên như hình một thân người đang quỳ gối hành lễ. Người Tạng hành hương cũng xếp đá dọc đường lên các tu viện, ven bờ các thánh hồ. Hàng vạn hàng vạn viên, cứ chồng chất lên nhau, không biết đã trải bao nhiêu thời gian. Tôi đã chạm tay rất lâu vào nhiều viên đá, phiến đá, ở tất cả những nơi tôi đến, lúc nào lòng cũng thấy rưng rưng trước hàng triệu triệu lời cầu nguyện thầm lặng và bền bỉ ấy.
Có thể nói, đức tin thuần khiết và mãnh liệt người Tạng có sức lay động sâu sắc tới trái tim của bất kì ai còn tin vào sự hiện hữu của cái Đẹp và cái Thiện trong cõi đời này.
W.TIPS
Thời điểm lý tưởng
Thời điểm đển đến Tây Tạng tốt nhất là từ giữa tháng 5 cho đến tháng 10. Đẹp hơn nữa là giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 và cuối tháng 8 đến tháng 10. Thời điểm này là mùa hè ở Tây Tạng, có nhiệt độ cao nhất (trung bình từ 29°C) và lượng oxy nhiều nhất, vì vậy rất an toàn nhất cho khách du lịch. Vào mùa đông, từ tháng 11đến tháng 3, nhiệt độ xuống đến -15°C, tuyết phủ kín đường, là mùa du lịch thấp điểm ở Tây Tạng. Và Tây Tạng sẽ đóng cửa du lịch trong tháng 2,3khi băng tuyết chặn tất cả những con đường đến các điểm du lịch.
Di chuyển
Từ Việt Nam không có đường bay thẳng đến Tây Tạng, vì vậy du khách thường sẽ phải quá cảnh ở một sân bay ở Trung Quốc, trước khi bay đến Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng. Một cách khác là bạn cũng có thể di chuyển bằng tàu hỏa, tuy nhiên cách này sẽ mất nhiều thời gian hơn..
Visa và giấy phép
Tây Tạng thuộc Trung Quốc, vậy bạn phải xin visa Trung Quốc tại Đại sứ quán Trung Quốc khoảng 60-65USD. Tuy nhiên, sau khi vào Trung Quốc rồi, du khách phải tiếp tục xin giấy phép để vào Tây Tạng, tùy từng lịch trình mà bạn sẽ phải xin các loại giấy phép tương ứng:
>> Phổ biến là Tibet travel permit (TTP): thường được cấp trước 10-25ngày so với ngày khởi hành, hành khách cần phải cầm bản gốc giấy phép này để làm thủ tục lên máy bay tới Lhasa, kiểm tra an ninh và lên máy bay.
>> Military area entry permit: Đối với một số khu vực nhạy cảm và khu vực biên giới giữa Tây Tạng và các quốc gia láng giềng thì cần xin thêm giấy phép do quân đội cấp. Các khu vực này bao gồm: Ali, Vương triều Cổ Cách (Guge Kingdom), hồ Manasarovar, núi Kailash, Gyirong, huyện Nyima, Tsochen.
>> Alien’s travel permit (ATP): Nếu đi tới những khu vực hạn chế, sẽ phải xin thêm giấy phép được cấp bởi Cục an ninh công cộng (Public Security Bureau). Cục này chuyên giải quyết những vấn đề về ngoại giao với người nước ngoài. Du khách thường không thể tự đi du lịch ở Tây Tạng mà phải thông qua một công ty du lịch địa phương. Các công ty này sẽ lo lịch trình và các loại giấy phép cần thiết cho bạn.
Lưu ý
Tây Tạng là vùng cao nguyên gần dãy Himalaya, với độ cao trung bình là 4.900m, áp suất thấp và không khí rất loãng. Du khách đến đây dễ bị sốc độ cao với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, chảy máu cam, sốt. Để phòng tránh điều này thì bạn nên chuẩn bị thuốc từ Việt Nam theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ẩm thực
Các món ăn nổi tiếng của người Tạng phải kể đến như: trà bơ, bánh tsampa, mỳ Tạng, sữa chua…
Nguyễn Thị Nương | Wanderlust Tips