Travel blogger Nguyễn Hoàng Bảo và hành trình ngược “Con đường tơ lụa”

(#wanderlusttips #Conduongtolua) Một trong những hành trình Travel Blogger Hoàng Bảo tâm đắc nhất là chuyến đi ngược Con đường tơ lụa huyền thoại, qua Iran – vùng đất của nền văn minh Lưỡng Hà; Turkmenistan – đất nước của những câu chuyện thời hậu Xô Viết; Uzbekistan – nơi có 4 di sản hấp dẫn; hay Kyrgystan và Tajikistan, nóc nhà của thế giới. 

[rpi]

wanderlust_tips_nguyen_hoang_bao_hanh_trinh_con_duong_to_lua_1

Hành trình đi ngược “con đường tơ lụa” của anh đã đi qua những đâu và trong thời gian bao lâu?

Hành trình đi ngược “con đường tơ lụa” của tôi bắt đầu từ TP. HCM những ngày cuối tháng 6/2015. Sau 2 tháng, tôi đã một mình tới Kuwait, Iran và 5 nước Trung Á nằm trên cung đường “con đường tơ lụa” huyền thoại. Tuy nhiên, hành trình của tôi đi theo chiều ngược lại với đoàn thương nhân lạc đà năm xưa.

Tại sao anh lại chọn hành trình ngược thay vì đi theo con đường của người xưa dẫn lối?

Có nhiều lý do khiến tôi phải chọn Kuwait là nơi xuất phát cho hành trình khám phá của mình, trong đó vấn đề chi phí được tôi đắn đo nhiều nhất.

Nếu đi từ Trung Quốc, tôi sẽ phải chi số tiền khá lớn để mua vé máy bay từ Sài Gòn đến Tây An rồi tiếp tục nối chuyến để đến Urumqi, thủ phủ của vùng đất tự trị Tân Cương, ranh giới giữa Trung Quốc và các quốc gia Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ. Đây cũng là cửa ngõ để các thương nhân Trung Quốc xưa kia bắt đầu vượt biên giới sang các vùng lãnh thổ khác để mua bán và trao đổi phẩm vật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực này xảy ra nhiều bất ổn về chính trị nên không an toàn cho những khách du lịch bụi, đặc biệt với người không biết tiếng Trung như tôi.

Vé máy bay khá cao cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp cho quyết định này. Tôi nghĩ ngay đến việc bẻ cung để đến Trung Đông trước. Hiện nay có rất nhiều hãng hàng không Đông Nam Á mở các đường bay sang các nước Trung Đông để vận chuyển một lượng lớn lao động giá rẻ cho các quốc gia này. Philippines là một thị trường lao động như thế cung cấp cho Kuwait trong những năm gần đây. Hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific hàng ngày đều có các chuyến bay đến Kuwait với nhiều chương trình khuyến mãi liên tục. Tôi may mắn “vớ” được một tấm vé rẻ từ Manila đến Kuwait với giá chỉ 3 đô la Mỹ cho 10 tiếng bay trong thời điểm giá dầu đã giảm gần như chạm đáy. Một chi phí khiến tôi phải quyết định ngay trong vòng “một nốt nhạc”. Nhấn enter kích hoạt việc trả tiền vé máy bay trên mạng mà không do dự và thế là tôi lên đường từ Kuwait.

wanderlust_tips_nguyen_hoang_bao_hanh_trinh_con_duong_to_lua_2

Đây là một cung đường còn lạ lẫm với cộng đồng du lịch Việt Nam, chắc hẳn trước anh ít người thực hiện hành trình này. Trước chuyến đi anh đã chuẩn bị những gì?

Trước chuyến đi, tôi đọc các tài liệu về con đường tơ lụa, những địa điểm và nét văn hóa ở những nơi sẽ đi qua. Sau đó, tôi book vé máy bay, khách sạn, visa trước khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, Iran là nước bị cấm vận nên sẽ không book được trên các website phổ biến, bạn phải đọc thêm ở các trang tư vấn du lịch như TripAdvisor hay Lonely Planet để đặt phòng khách sạn ở Iran khi xin visa tại cửa khẩu.

Đồng thời, tôi tìm hiểu thêm về khí hậu của các quốc gia sẽ đặt chân tới. Đa số có khí hậu nóng, nhưng vùng Kyrgystan và Tajikistan ở độ cao lớn nên sẽ có sự khác biệt về khí hậu. Tôi quyết định đem theo một áo khoác có thể chịu lạnh tới 5 độ C, cùng những vật dụng cơ bản khác như thuốc thang, áo mưa, máy ảnh, pin dự phòng, đèn pin, ổ cắm điện…

Khu vực Trung Á nổi tiếng với nền văn hóa đặc sắc và cảnh đẹp hoang dã. Nơi nào thuộc hành trình đi ngược Con đường tơ lụa đã để lại trong anh ấn tượng sâu sắc nhất?

Đất nước Iran khiến tôi ấn tượng sâu sắc bởi sự an toàn, người dân thân thiện, sở hữu nhiều di sản thế giới, giá phương tiện vận chuyển rẻ và món ăn đa dạng, phong phú.

Nằm trong khu vực của nền văn minh Lưỡng Hà nên Iran sở hữu nhiều công trình kiến trúc có từ hàng ngàn năm lịch sử. Bên cạnh đó, Iran, trước kia là Đế quốc Ba Tư hùng mạnh, là điểm đến trên Con đường tờ lụa từ phương Đông nên sở hữu nhiều di sản vô giá.

Các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ có nét văn hóa tương đồng, tôn giáo đạo hồi đặc trưng theo dòng Sunni. Có nhiều điểm là nơi dừng chân của đoàn thương nhân xưa kia như Merv, Samarkand, Burkhara, hồ Isyyk Kul… Trải nghiệm đặc biệt ấn tượng là khi tôi đi trên cung đường Pamir được xem như nóc nhà thế giới, vô cùng heo hút, hiểm trở.

Anh có kỷ niệm gì đặc biệt với người dân các nước Trung Á mà anh đã đi qua?

Kỷ niệm đặc biệt của tôi là khi đi thăm ngôi nhà dân sống kiểu du mục ở gần hồ Songkul. Tôi đã được hiểu thêm văn hóa du canh du cư từ ngàn xưa của họ và tham gia lễ hội Manas truyền thống ở hồ Songkul. Đây là lễ hội chính diễn ra hàng năm. Khách địa phương khắp nơi đổ về để tham gia lễ hội kéo dài tận 3 ngày, với rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống, cùng những màn biểu diễn các tổ khúc dân ca, điệu múa của người Kyrgy bản địa.

wanderlust_tips_nguyen_hoang_bao_hanh_trinh_con_duong_to_lua_3

Anh gọi Turkmenistan là đất nước khép mình với thế giới. Vậy anh có cảm nghĩ gì về đất nước này?

Có hai thành phố được nhắc nhiều trên con đường Tơ lụa, một là Merv ở Turkmenistan và hai là Samarkand ở Uzbekistan. Bởi đây là hai thành phố quan trọng mà các thương nhân phương Đông dừng chân trước khi bước vào khu vực Tây Á. Merv được xem là cổng vào Trung Á của các thương nhân Ba Tư từ thế kỷ IX-X sau Công nguyên. Ngày nay, ngoài Merv, Turkmenistan còn nhiều địa danh thu hút khách du lịch bụi như cánh cổng địa ngục rực cháy suốt hơn 40 năm, thủ đô trắng Ashgabat với nhiều kiến trúc hiện đại, độc đáo, hay thành phố di sản Mary hiền hòa, hiếu khách. Nhưng đằng sau những giá trị du lịch hấp dẫn là một đất nước với nhiều quy định, luật lệ lạ đời bởi việc đề cao chủ nghĩa cá nhân quá mức. Đất nước xinh đẹp này vẫn đang khép mình với thế giới.

Được biết đây là cung đường không dành cho những người ưa nghỉ dưỡng, mà đòi hỏi đam mê, sức khỏe và sự kiên trì. Anh đã gặp những khó khăn gì trên hành trình khám phá con đường tơ lụa?

Khó khăn trên chuyến hành trình của tôi chính là khi bắt xe vượt cung Pamir. Sau khi vượt qua đoạn đường từ Eshkashem đến Langar với nhiều đoạn bùn lầy nguy hiểm, tôi quyết định sẽ chờ để bắt xe về Murghab trong đêm, vì ngày tôi bay từ Osh đã gần kề. Trong suốt 3 giờ, chỉ có vài xe trống dừng lại và ra giá trên trời cho một mình tôi đến Murghab. Tôi cố gắng chờ đợi thêm với hy vọng biết đâu sẽ có xe kèm khách để tôi có thể tiết kiệm được chi phí.

Nhưng 4 giờ trôi qua vẫn chưa thấy thêm chiếc xe nào. Trời bắt đầu lạnh với từng cơn gió buốt. Tôi nghĩ đến chuyện bắt xe tải để quá giang. Đây cũng là một mẹo mà tôi đọc được trên các sách tư vấn du lịch dành cho những người đi bụi.

Một chiếc, rồi 2 chiếc, 3 chiếc đi qua với những làn khói bụi mù mịt, bỏ tôi lại phía sau. Một bác tài dừng lại và ra hiệu cho tôi hiểu rằng trời đã gần tối, họ sẽ không di chuyển vào ban đêm nên họ sẽ tìm chỗ ngủ để sáng hôm sau tiếp tục hành trình. Quả thật, những chiếc xe tải chở hàng 18 bánh với tốc độ 20km/h, chạy chầm chậm trên cung đường này mà chỉ một sơ suất nhỏ là chúng có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào.

Tôi thất vọng và dự định tìm một chỗ ngủ ở nhà dân gần đó thì một xe 7 chỗ dừng lại. Tài xế ra giá luôn mà không cần đợi tôi gật đầu, vì anh ta hiểu rằng chỉ có những khách du lịch như tôi đến giờ này mới có nhu cầu đi trên cung đường mà người bản địa suốt vài năm còn chưa đặt chân tới. Không tìm được xe ghép như mong đợi, nhưng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm để đến Murghab trong một hành trình đêm với mức chi phí mà sau này nhiều người nói rằng tôi rất may mắn. Trên 250km đường đèo núi, tôi đã có một đêm không ngủ với trăng, sao và mùi gió lạnh buốt đến rợn người.

Anh đã đi nhiều và thường chia sẻ thông tin về những nơi đã đến. Khởi đầu năm 2016, anh đã đi những đâu?

Tôi đã chinh phục châu Phi trong thời gian nghỉ Tết âm lịch, với điểm đến là các nước Kenya, Tanzania, Uranda, Rwanda.

Tại sao anh lại chọn châu Phi? Điểm đến mà anh mong chờ nhất trong hành trình châu Phi là gì? Thủ tục xin visa tới châu Phi có phải chờ đợi hay khó khăn gì không? Những người chưa đi nhiều có thể xin visa được không?

Châu Phi sở hữu những vườn quốc gia rộng lớn với nhiều loài thú nằm trong sách đỏ của thế giới. Tham quan thú hoang dã là một sở thích của tôi từ bé. Ngoài việc khám phá những công viên, hay những dấu tích nguồn gốc của loài người, thượng nguồn của con sông dài nhất thế giới, tôi còn mong muốn tìm hiểu phong tục tập quán của người Maisai, một tộc người bản địa sinh sống ở Đông Phi còn giữ những nét văn hóa truyền thống. Tôi cũng muốn khám phá một châu lục đen còn khó khăn chật vật ở các khu ổ chuột, các thành phố lớn ở Kenya hay Tanzania.

Hầu như các quốc gia Đông Phi đều xin visa online hoặc xin tại cửa khẩu nên rất thuận lợi cho du khách Việt Nam. Bạn nhớ tiêm phòng bệnh “ruồi vàng” và mang giấy chứng nhận theo khi du lịch ở châu Phi.

Năm 2016, anh dự kiến sẽ tiếp tục chinh phục những vùng đất nào và tại sao anh lại lựa chọn những nơi đó. Anh có nghĩ sự lựa chọn của anh sẽ dẫn dắt thậm chí tạo xu hướng cho các trẻ du lịch năm 2016?

Vòng quanh Indonesia bằng xe máy vào tháng 7, đó chính là kế hoạch sắp tới của tôi. Hiện nay du lịch biển đảo là một nhu cầu khá lớn của giới trẻ. Indonesia là quốc gia có giá trị tài nguyên du lịch biển đảo rất lớn, là một trong 3 quốc gia sở hữu những vùng biển hoang sơ, xanh như ngọc ở Đông Nam Á cùng với Philippines và Thailand. Ngoài biển đảo, Indonesia còn có nhiều thắng cảnh kỳ vỹ: núi lửa, di tích lịch sử, những cánh rừng nhiệt đới, những lễ hội độc đáo, những tộc người với bản sắc văn hóa truyền thống còn được gìn giữ. Đây cũng là xu hướng dành cho các bạn trẻ Việt Nam muốn tìm tòi thế giới xung quanh còn khá nhiều điều bí ẩn, thử thách với chi phí chấp nhận được. Tôi dự định đi 45 ngày để khám phá đất nước Indonesia và sẽ tới hòn đảo Komodo, kỳ quan mới của thế giới.

Cảm ơn anh Hoàng Bảo về cuộc trò chuyện. Chúc anh có thêm nhiều hành trình khám phá thú vị với Những Bước Chân không mỏi!


Nguyễn Hoàng Bảo (1976) với “nickname” Những Bước Chân, là người nổi tiếng trong giới du lịch bụi Việt Nam. Anh đã đi qua hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: đến nơi sâu nhất trên trái đất ở Biển Chết, chinh phục sa mạc Gobi ở Mông Cổ, đặt chân lên vùng đất thiêng của Phật giáo Tây Tạng và trở về từ “Con đường tơ lụa” huyền thoại. Hiện là giảng viên một trường đại học ở TP. HCM, anh Hoàng Bảo đã có những chuyến du lịch ấn tượng từ năm 2005, và còn tiếp tục tới nhiều điểm đến tuyệt vời trong tương lai.

Ngọc Minh – Ngọc Anh | Wanderlust Tips