Nhật ký hành trình 10 ngày ở Tây Tạng (Kỳ 1)
- 23/06/2017
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- chinh phục Everest Base Camp, du lịch Tây Tạng, Editor picks, kinh nghiệm du lịch Tây Tạng, Lhasa, Tây Tạng
Đầu tháng 6 vừa qua, chị Bùi Thu Thủy cùng con trai Bốp (Phạm Hạnh Nguyên) 12 tuổi đã có chuyến du lịch Tây Tạng đáng nhớ. Cả hành trình dài là vô số những kỷ niệm đẹp, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và đặc biệt là những con người Tạng tốt bụng, thật thà nhất. Chị Thủy đã gọi đây là “Chuyến đi của cuộc đời”.
[rpi]
Mang trong mình căn bệnh ung thư, bà mẹ một con đến từ Hà Nội này chưa bao giờ từ bỏ hy vọng, chị vẫn khát khao sống, khát khao chinh phục từng phút giây. Và chị đã có một quyết định cực kỳ táo bạo, đó là cùng con trai tới Tây Tạng khám phá những cảnh sắc và văn hóa ấn tượng, đặc biệt là ngọn núi cao nhất thế giới – Everest. Cùng lắng nghe chị Thủy kể lại hành trình đầy thú vị này.
Kỳ 1: Kinh nghiệm du lịch Tây Tạng
Miền đất Tây Tạng kì bí có lẽ là mơ ước của bất kì ai đam mê du lịch. Cao nguyên Tây Tạng là nơi cao nhất trên thế giới, vì vậy chỉ tiền bạc thôi là không đủ, muốn đến Tây Tạng còn cần sức khỏe và có lẽ cả thêm chữ “duyên”.
Cao nguyên Tây Tạng nằm ở phía đông bắc của dãy Himalaya, đây là khu vực có cao độ lớn nhất trên trái đất với độ cao trung bình là 4900m. Người ta muốn đến Tây Tạng vì những cảnh đẹp mê người, kiến trúc của những tu viện, những hồ nước mặn cao nhất thế giới với màu xanh ngọc tuyệt đẹp, trekking đến base camp của ngọn núi cao nhất thế giới Everest hay đi hành hương đến núi thiêng Kailash… Ngoài ra văn hóa Tạng, con người Tạng cũng là một trong những lí do chính để mọi người khao khát được tới đây, để được hiểu thêm về phật giáo Tây Tạng linh thiêng, sự kì bí của một nền văn hóa đang bị người Trung Quốc phá hủy. Vậy đấy, hãy đến ngay Tây Tạng khi có cơ hội, trước khi nó biến thành một sản phẩm “made in China 100%”.
Tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi Tây Tạng khoảng 5 tháng trước khi đi. Những vấn đề đầu tiên là: chọn thời điểm thích hợp để đi, canh vé máy bay, tìm công ty tour uy tín bên đó, tìm bạn đồng hành và tiết kiệm tiền.
1. Thời điểm đến Tây Tạng
Thời điểm đển đến Tây Tạng tốt nhất là từ giữa tháng 5 cho đến tháng 10. Đẹp hơn nữa là giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 và cuối tháng 8 đến tháng 10. Thời điểm này là mùa hè ở Tây Tạng, là thời điểm có nhiệt độ cao nhất và lượng oxy nhiều nhất. Nhiệt độ trung bình từ 9 – 20 độ C, an toàn nhất cho khách du lịch. Vào mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 3, nhiệt đọ xuống đến -15 độC, tuyết phủ kín đường, là mùa du lịch thấp điểm ở Tây Tạng. Và Tây Tạng sẽ đóng cửa du lịch trong tháng 2, 3 khi băng tuyết chặn tất cả những con đường đến các điểm du lịch.
Tôi chọn du lịch Tây Tạng vào mùa hè vì cũng là lúc con trai được nghỉ hè dài, hơn nữa đây cũng là thời điểm an toàn nhất khi đưa trẻ con đi cùng. Tôi đi vào cuối tháng 5, cụ thể là ngày khởi hành 28/5. Thời gian đi: 10 ngày.
2. Vé máy bay
Có vài đường để đến Tây Tạng: bằng tầu hỏa, bằng máy bay… Tôi chọn cách bay vì đi bằng tầu hỏa đắt hơn và cũng rất khó để mua được vé. Có nhiều đường để bay đến Tây Tạng. Tôi chọn bay qua Thành Đô (Chengdu) vì đó là thành phố mà công ty tour tôi đặt có thể gửi permit (giấy phép) đến tận nơi, ngoài ra đó cũng là cách bay thẳng rẻ nhất ở thời điểm tôi đặt. Các bạn cũng nên cân nhắc khi chọn những đường bay rẻ hơn nhưng transit nhiều thành phố và thời gian chờ nhiều tiếng, tuy nhiên như vậy sẽ bị mệt và tiền ăn uống, nghỉ ngơi trong sân bay đôi khi lại còn nhiều hơn khi bay thẳng.
Chặng bay của tôi như sau:
- Hà Nội – Thành Đô
- Thành Đô – Lhasa
Lượt về bay ngược lại.
Sau một số ngày canh vé rẻ. Các bạn có thể vào www.skyscanner.com.vn , nhập ngày và nơi đi, nơi đến, trang web này sẽ tìm cho chúng ta cách rẻ nhất để đi và những hãng hàng không có đường bay đến nơi mình cần. Tôi thường sau khi tìm được hãng hàng không với tuyến bay hợp lí nhất rồi sẽ vào trang web của hãng đó và từ đấy bắt đầu công cuộc săn vé rẻ.
Giá vé rẻ nhất có thể ở thời điểm tôi đặt như sau:
- Hà Nội – Thành Đô: Khứ hồi bay của Vietnam Airlines: 6.548.000VND (Tuy nhiên đây không phải giá tốt nhất. Bạn tôi đã từng mua được chặng này với giá chỉ hơn 3 triệu đồng).
- Thành Đô – Lhasa: bay của China Eastern: 2.900.000VND.
- Lhasa – Thành Đô: bay của Sichuan AIrlines giá 3.750.000VND (Riêng hãng này là hãng hàng không nội địa Trung Quốc nên bạn sẽ không thể tự đặt vé từ Việt Nam. Tôi không rõ nguyên nhân, trang web bị chặn ở phần thanh toán tiền. Vì vậy tôi phải nhờ một người bạn bên Trung Quốc mua giúp.
Tổng tiền vé 1 người là: 13.148.000, tuy đây không phải giá rẻ nhất nhưng đây cũng xem là mức giá tạm chấp nhận được.
3. Tìm công ty du lịch uy tín
Xin khẳng định lại: Không một ai có thể vào Tây Tạng mà không qua công ty du lịch nào. Ở đây đang nói vào bằng cách hợp pháp, không tính các cách đi chui như đi từ Nepal, băng rừng, vượt núi trốn vào Tây Tạng.
Các công ty du lịch Tây Tạng nổi tiếng như:
- Tibet vista ( www.tibetvista.com)
- Great tibet tour ( www.greattibettour.com )
- Tibet F.I.T ( www.tibetfit.com, www.tibetkawakarpoadventure.com )
Chủ yếu về vấn đề uy tín và giá cả mà bạn lựa chọn cho mình công ty phù hợp. Nếu bạn là người muốn tận hưởng trọn vẹn chuyến đi và khám phá văn hoá Tạng 100% thì nên tìm những công ty của người Tạng làm (rất nhiều công ty du lịch bên đó là của người Trung Quốc làm).
Sau khi tham khảo giá và đặc biệt được sự trợ giúp từ những người đi trước, tôi chọn Tibet Fit. Lhakpa- giám đốc của Tibet Fit là một người khá nổi tiếng đối với người Việt Nam muốn đi Tây Tạng. Đến thời điểm này đây là công ty tour có giá tốt nhất. Và đến giờ sau khi đi về, với một người siêu khó tính như tôi thì cần khẳng định một lần nữa về uy tín của Tibet Fit. Bạn sẽ vô cùng yêu quý Lhakpa và những bạn hướng dẫn viên trong Tibet Fit. Sự tận tình, trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của họ khiến từng đồng bỏ ra cho chuyến đi đều vô cùng xứng đáng. Bạn có thể liên hệ với Lhakpa qua địa chỉ email: lhakpa88@yahoo.com hoặc lhapatsering7@hotmail.com
Lúc đầu dự định hai mẹ con sẽ ghép với đoàn khác do Lhakpa sắp xếp. Do vậy từ việc muốn đi 14 ngày tôi chỉ đi 10 ngày vì đa phần các nhóm khác họ chỉ đi thời gian như vậy. Hơn nữa thời gian đi có thể phải xê dịch không đúng ngày tôi đã chọn. Sau đó, tôi quyết định hô hào lập nhóm đi Tây Tạng.Cách tốt nhất là rủ rê bạn bè và những người quen để đảm bảo chuyến đi vui vẻ và ý nghia hơn. Bạn thử tưởng tượng trong cả hành trình tới phải trải qua với những con người khó chịu thì chuyến đi của bạn chắc chắn sẽ bị phá hủy, và như vậy thì thà đi riêng hai mẹ con còn hơn. Còn về tinh thần thì bạn phải luôn thoải mái, đây là đang đi du lịch, không phải đi hành xác. Vậy là sau vài sự thay đổi thì cuối cùng nhóm tôi có tất cả 9 người.
4. Lịch trình
Ngày 1 (29/5): HDV đón tại sân bay Lhasa và lái xe tới khách sạn tại Lhasa (mất khoảng 1 tiếng lái xe).
Ngày 2 (30/5): Thăm cung điện Potala, ngôi đền Jokhang và chợ Barkhor.
Ngày 3 (31/5): Thăm tu viện lớn nhất Tây Tạng – Drepung và tu viện Sera.
Ngày 4 (1/6): Đi xe tới Shegatse qua hồ Yamdrok và sông băng Karola, nghỉ đêm tại khách sạn ở Shegatse.
Ngày 5 (2/6): Lái xe tới ngọn núi cao nhất thế giới – Everest, nghỉ đêm tại nhà khách.
Ngày 6 (3/6): Buổi sáng khám phá Everest base camp và sau đó đi xe trở về Shegatse, nghỉ đêm tại khách sạn.
Ngày 7 (4/6): Buổi sáng thăm tu viện Tashilonpo, sau đó đi xe tới hồ Namtso – hồ lớn nhất ở Tây Tạng. Nghỉ đêm tại nhà khách.
Ngày 8 (5/6): Buổi sáng khám phá hồ Nmatso, sau đó đi xe trở lại Lhasa. Nghỉ đêm tại khách sạn.
Ngày 9 (6/6): Nghỉ ngơi tại Lhasa, thời gian mua sắm tự do.
Ngày 10 (7/6): Đi xe tới sân bay để bay về Thành Đô, sau đó là Hà Nội.
5. Visa Trung Quốc và giấy phép vào Tây Tạng
Visa Trung Quốc: Vì Tây Tạng thuộc Trung Quốc nên chắc chắn bạn phải làm visa Trung Quốc, việc xin visa cũng khá đơn giản. Visa rẻ nhất là loại cấp cho 3 tháng và vào 1 lần nên các bạn hãy căn thời gian cho chuẩn để bắt đầu làm nhé. Các bạn có thể liên hệ chị Chi: 0904608080 để làm visa nhanh nhất. Giá là 90USD, thời điểm tôi làm có mức giá khá cao, còn bình thường giá chỉ trong khoảng 60-65USD.
Giấy phép vào Tây Tạng: Vì Tây Tạng là khu vực tự trị nên muốn vào các bạn sẽ phải có thêm một giấy phép của riêng Tây Tạng nữa. Bên cạnh đó, tùy theo việc bạn muốn đi đến đâu của Tây Tạng mà sẽ cần những giấy phép riêng:
+ TTP ( Tibet travel permit) : được đi loanh quanh ở Lhasa
+ ATP ( Alien’s travel permit ): Đi đến EBC, Shigatse, Gyatse….
+ Military area entry permit : Đi đến Mt Kailash…
TTP, ATP, MP là những giấy phép chỉ được cấp cho khách du lịch qua các công ty tour. Và họ chỉ cấp theo nhóm. Nếu bạn đi một mình thì các công ty tour sẽ phải ghép bạn với một nhóm nào đó, sau đó sẽ trình bày hàng rất nhiều lý do để xin giấy phép riêng cho bạn. Thường là với những công ty du lịch uy tín và có kinh nghiệm, họ hoàn toàn xin được giấy phép riêng, nhưng sẽ mất thời gian hơn giấy phép nhóm.
Để làm TTP, ATP, MP, bạn chỉ việc gửi ảnh của hộ chiếu và trang có visa Trung Quốc cho các công ty tour. Giấy phép sẽ được cấp khoảng 2 – 5 ngày sau đó. Hoàn toàn không có chuyện họ chỉ cấp giấy phép trước khi đi 20 ngày, đây là thông tin rất sai lầm nhé.
Lhakpa có giải thích với tôi, TTP được cấp bởi Tibet Tourism Bureau – Cục du lịch Tây Tạng. Phải lấy đủ dấu của 4 văn phòng thuộc Cục này. 3 văn phòng đầu họ sẽ đóng dấu không cần visa Trung quốc. Vậy nên để tiết kiệm thời gian bạn hãy làm cuốn chiếu:
- Gửi copy hộ chiếu để xin dấu của 3 văn phòng
- Làm visa Trung Quốc
- Gửi ảnh có visa Trung Quốc khi có và xin nốt dấu của văn phòng cuối cùng.
Với cách làm này gần như bạn sẽ có giấy phép 1,2 ngày sau khi có visa trung quốc (nếu không rơi vào thứ bảy, chủ nhật).
Nhóm tôi có giấy phép sau 3 ngày kể từ khi người cuối cùng trong nhóm làm xong Visa Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng là sau đó là bạn cần giấy phép gốc để bay từ Thành Đô đến Tây Tạng chứ không phải bản sao. Do đó bạn cần có một địa chỉ chính xác và tin cậy ở Thành Đô để họ gửi giấy phép của bạn tới.
6. Khách sạn ở Thành Đô
Chúng tôi ở Mix Hostel – hostel rất dễ thương, sạch sẽ với các bạn lễ tân thân thiện và nói Tiếng Anh khá tốt. Ở đây có luôn dịch vụ đưa đón sân bay với giá khá ổn: 70 tệ/xe 7 chỗ. Địa chỉ: 23 Xing Hui Xi Lu. Email: mixhostel@hotmail.com.
Đây là chuyến đi đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi. Thật khó để diễn ta được cảm xúc, khi mà tôi đã về nhà được một thời gian rồi nhưng tâm trí vẫn còn ở Tây Tạng. Có những mảnh đất không phải là nơi chôn rau cắt rốn, có những con người không một mối liên hệ, nhưng chỉ một lần đi qua, một lần gặp gỡ tôi lại khao khát được trở về nơi đó đến thế. Nhất định tôi sẽ quay trở lại sớm nhất có thể với cao nguyên Tây Tạng hùng vĩ, với những ngọn núi tuyết trắng muốt, với những bài hát du mục thiết tha và với những người bạn mà tôi tin chúng tôi có một mối ràng buộc nào đó từ kiếp trước.
(còn tiếp)
Theo FB Thuy Bop | Wanderlust Tips | Cinet