Những địa điểm check – in không thể bỏ lỡ trong “Em và Trịnh”
- 03/07/2022
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- du lịch Việt Nam, Editor picks
“Em và Trịnh” là bộ phim đang gây được tiếng vang trên thị trường phim ảnh Việt Nam. Bộ phim tái hiện cuộc đời của cố nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, chạm đến cảm xúc người xem không chỉ qua những bản nhạc Trịnh da diết mà còn bởi những thước phim đẹp như cổ tích.
[rpi]
Góp phần đem đến thành công đó, là nhờ những địa điểm mang đẹp màu sắc thời gian và lịch sử được đoàn phim lựa chọn thành bối cảnh phim. Những địa điểm này chủ yếu ở hai thành phố xinh đẹp Đà Lạt và Huế. Hãy cùng Wanderlust Tips điểm qua những địa danh ấn tượng đó.
Nhà thờ Phủ Cam – địa điểm Trịnh Công Sơn gặp Bích Diễm
Trong phân đoạn Trịnh Công Sơn theo dấu chân Bích Diễm dưới mưa, khán giả bắt gặp hình ảnh một nhà thờ lạ lẫm. Đây là hình ảnh cũ của nhà thờ Phủ Cam, thành phố Huế. Hiện tại, địa điểm này đã được tu sửa và mang hình dáng mới.
Đây là giáo đường lớn nhất, nổi tiếng nhất xứ Huế. Nhà thờ Phủ Cam nằm trên ngọn đồi Phước Quả, phía Nam sông Hương. Với 300 năm tuổi đời, nhà thờ Phủ Nam đã trải qua nhiều đợt cải tạo và là địa điểm check-in được giới trẻ ưa chọn.
Năm 1682, nhà thờ được xây dựng khá đơn sơ bằng vật liệu tre, nứa, mây tại Xóm Đá, kề cận sông An Cựu. Tuy nhiên, sau sự kiện 1698, nhà thờ đã không còn ở vị trí này nữa. Đến năm 1900, nhà thờ Phủ Cam được xây dựng lại với quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu của giáo dân.
Đến năm 1963, nhà thờ được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tái thiết kế, xây dựng lại. Nhà thờ Phủ Cam được nhiều người đến check-in vì vẻ đẹp đậm màu phương Tây khiến bạn trẻ “cuồng chân phải đi”.
Nhà vườn An Hiên thơ mộng như khu vườn cổ tích
Trong phim, Trịnh Công Sơn và nhóm bạn đã vào nhà Bích Diễm, Dao Ánh để làm quen với nàng thơ lòng ông. Ngôi nhà cổ kính đó chính là nhà vườn An Hiên, nằm cạnh sông Hương, với diện tích 5000m2.
Nhà vườn là một loại hình kiến trúc đặc trưng của Huế, mang dáng vẻ quý tộc nhưng pha trộn màu sắc truyền thống.
Hiện tại, chỉ còn vài trăm ngôi nhà vườn có thiết kế độc đáo ở Huế, và nhà vườn An Hiên có lẽ là công trình tiêu biểu, đặc sắc bậc nhất.
Trước năm 1895, công chúa thứ 18 của vua Dục Đức là gia chủ đầu tiên của nơi đây. Tuy nhiên, sự thay đổi triều đại đã đổi chủ nhiều lần, tất cả chủ nhân đều là hoàng thân, quan lại và giới thượng lưu ở Huế.
Chùa Diệu Đế – ẩn mình bên dòng sông Đông Ba
Nằm cạnh dòng sông Đông Ba, gần cầu Gia Hội, chùa Diệu Đế sở hữu khuôn viên rộng 1000m2 thoáng đãng, tươi mát. Đây cũng từng là nơi ở của vua Thiệu Trị.
Chùa Diệu Đế từng xuất hiện trong một cảnh phim, có kiến trúc đặc biệt: một vòng thành lớn bao quanh chùa, có bốn cửa tượng trưng cho Tứ đế bố trí đối xứng. Khi đi từ cổng Tam Quan vào sẽ thấy bi đình và chung đình ở hai bên. Tiếp đến là Đạo Nguyên nằm ở giữa, hai bên là nhà Cát Tường và phòng Trí Tuệ.
Qua bao biến cố lịch sử, khi kinh đô thất thủ năm 1882 và 1885, chùa Diệu Đế hầu như bị phá hủy, tan nát. Đến năm 1910 – giai đoạn vua Duy Tân, chùa được tái thiết và xây dựng lại. Năm 1950, chùa được trùng tu lại lần nữa. Vế cơ bản, diện mạo bây giờ của chùa được hình thành từ hai đợt thiết kế này.
Dù không còn giữ lại nét đẹp thời hoàng kim nhưng đến thời điểm này, đây vẫn là một trong những địa điểm nổi bật của xứ Huế.
Cửa Hiển Nhơn -địa điểm lãng mạn của Duy Ánh và trịnh Công Sơn
Khung cảnh lãng mạn của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh ngồi trước cửa Hiển Nhơn cười đùa, ăn kem sẽ khiến người xem cảm thấy rộn ràng. Địa điểm này là nơi giao thoa của kiến trúc cũ trong một thời đại mới.
Cửa nằm tại phía Đông Hoàng Thành, trên đường Đoàn Thị Điểm, thành phố Huế. Hiện tại, cửa Hiển Nhơn chỉ dùng cho nhân viên của trung tâm bảo tồn Cố Đô Huế. Tuy nhiên, du khách vẫn có thể đứng trước cổng để chụp hình và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nó.
Cổng Hiển Nhơn được xây dựng vào năm 1805 dưới thời của vua Gia Long. Đến thời Minh Mạng năm 1833, cổng được đắp ghép mảnh sành và thời Khải Định thì được trùng tu một lần nữa. Trong chiến sự năm 1968, cửa bị phá hủy hoàn toàn do bom đạn, đến sau năm 1975, được trùng tu lại như ngày nay.
Theo thời gian, cổng đã nhuộm màu rêu phong, màu sơn cũng bị phai dần. Thế nhưng, cổng Hiển Nhơn vẫn là địa điểm nhận được sự quan tâm của những bạn trẻ đến để lưu lại khoảnh khắc đẹp đẽ trong những chuyến đi đến xứ Huế mộng mơ.
Cầu Trường Tiền – “nhân chứng” của lịch sử
Cầu được xây dựng ngay trung tâm của thành phố, được gọi là cầu Trường Tiền. Đây là cây cầu đầu tiên ở Đông Dương xây dựng theo kỹ thuật và vật liệu nhập từ phương Tây.
Với tuổi đời hơn 100 năm, cầu Tràng Tiền như một “nhân chứng” sống cho những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Cầu đã trải qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp với sự tàn phá nặng nề và được nhiều lần sửa chữa, trùng tu.
Cầu Tràng Tiền mang nét đẹp bình dị, cổ điển và đầy ấn tượng. Đối với người dân xứ Huế, địa điểm này được xem là niềm tự hào của họ. Ghi lại những khoảnh khắc thật đẹp ở đây là điều bạn đừng bỏ lỡ nhé.
Cà phê Tùng
Khi đến Đà Lạt, cà phê Tùng luôn là địa điểm được yêu thích của du khách. Họ luôn truyền tai nhau rằng “phải đến cà phê Tùng”. Không phải vì ở đây bán thức uống gì quá đặc biệt, mà vì địa điểm này chứa đựng những gì “rất Đà Lạt” ngày xưa.
Nếu đến đây, bạn sẽ thấy có hai thứ tạo nên sự đặc biệt của cà phê Tùng. Thứ nhất là không gian quán mang tinh thần của Pháp – Âu, vừa sang trọng nhưng lại rất bình dân, giản dị. Thứ hai, một điều không thể không nhắc đến đó là âm nhạc trong quán. Bạn sẽ được trở về những thập niên trước qua giọng hát của Dalida, Yves Montand, Edith Piaf…hay một vài bản nhạc Trịnh được phát từ bộ loa thùng cũ kỹ.
Chẳng phải tới khi Em Và Trịnh ra mắt thì các địa điểm trên mới nổi tiếng. Nơi này vốn đã rất đông khách, không chỉ người dân địa phương mà các du khách cũng rất yêu thích. Có những người tới Huế và Đà Lạt cũng nhất-định-phải-ghé để tìm về những kí ức xưa cũ.
Wanderlust Tips | Cnet