Những lâu đài bị bỏ hoang và câu chuyện lịch sử đằng sau đó
- 27/09/2018
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- Bannerman, Editor picks, Fasil Ghebbi, Heidelberg, Hoàng gia, kiến trúc, lâu đài, Lâu đài Gwrych, lịch sử, phá hủy, thế chiến thứ I, đồi Konigstuhl
Cùng điểm danh những tòa lâu đài bị bỏ hoang nổi tiếng trên thế giới với vẻ đẹp ma mị và những câu chuyện lịch sử kỳ bí ẩn giấu phía sau.
[rpi]
1. LÂU ĐÀI BANNERMAN, NEW YORK, MỸ
Tọa lạc tại đảo Bannerman, New York, tòa lâu đài cùng tên này từng thuộc sở hữu của Francis Bannerman, một người Scottland kinh doanh vũ khí nhập cư ở Mỹ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau khi Bannerman qua đời năm 1918, 200 tấn vỏ đạn và thuốc nổ dạng bột đã phát nổ, phá hủy một phần kiến trúc của lâu đài khiến nó bị bỏ hoang từ những năm 50. Đến năm 1969, một vụ cháy lớn đã thiêu rụi phần sàn và mái, một phần ba cấu trúc lâu đài đã bị sập. Cho đến giờ, các tàn tích của lâu đài vẫn còn đó và người ta vẫn nhìn thấy dòng chữ Bannerman trên những bức tường của tòa lâu đài này.
2. LÂU ĐÀI GWRYCH, ANH
Lâu đài Gwrych được xây dựng vào đầu những năm 1800, là ngôi nhà của gia đình Lloyd Hesketh Bamford-Hesketh. Người ta nói rằng Nữ hoàng Victoria đã đến thăm lâu đài này một lần trước khi lên ngôi. Lâu đài Gwrych có tổng cộng 128 phòng, bao gồm 28 phòng ngủ, một hội trường bên ngoài, hai phòng hút thuốc, một phòng ăn, một phòng vẽ, một phòng chơi bi-a, một phòng nghiên cứu gỗ sồi và một loạt phòng cho người hầu ở. Trong Thế chiến II, đây là nơi tị nạn của hơn 200 người Do Thái, và sau đó được mở cho công chúng vào tham quan như một công viên giải trí có sở thú. Gwrych đã được mua cách đây vài năm với ý định chuyển đổi thành một nhà hát opera và khách sạn sang trọng, nhưng kế hoạch đã không được thực hiện, và giờ nó trở thành tòa lâu đài bị bỏ hoang.
3. LÂU ĐÀI HEIDELBERG, ĐỨC
Lâu đài Heidelberg được xây dựng từ năm 1214 nằm ở độ cao 80m trên phần phía Bắc của đồi Konigstuhl. Nơi đây có sự kết hợp giữa nhiều kiểu dáng kiến trúc từ Gothic đến Phục Hưng. Mặc dù công trình vẫn đang được trùng tu, xây dựng lại nhưng nó vẫn mang một giá trị lịch sử và kiến trúc đặc biệt. Theo nhiều tài liệu còn ghi lại thì tòa lâu đài bị bỏ hoang này ban đầu chỉ là một pháo đài của vùng Heidelberg. Cho tới thời kỳ Phục hưng, Hoàng tử Elector Ruprecht II đã biến nó thành một dinh thự hoàng gia và sử dụng trong vòng 400 năm. Cho đến năm 1764, lâu đài bị sét đánh và hầu như đã bị phá hủy.
4. FASIL GHEBBI, ETHIOPIA
Fasil Ghebbi là phần còn lại của một pháo đài nằm tại Gondar, Ethiopia. Fasil Ghebbi được xây dựng vào thế kỷ 17 bởi hoàng đế Fasilides, và là quê hương của các Hoàng đế Ethiopia. Kiến trúc độc đáo của tòa lâu đài cho thấy những ảnh hưởng đa dạng bao gồm cả phong cách kiến trúc Nubian. Nó được ghi vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1979. Ghebbi là một từ trong tiếng Amhara để miêu tả một khoảng đất rào kín hoặc đất đai rào xung quanh.
5. LÂU ĐÀI BAMBURGH, ANH
Lâu đài Bamburgh nằm ở vùng Northumbria, phía Đông Bắc nước Anh, là tòa lâu đài có lịch sử lâu đời nhất ở đây. Trong một thời gian dài, Bamburgh là pháo đài kiên cố của người Anh trong các cuộc chiến với Scotland và người Viking. Trong cuộc chiến tranh Hoa hồng thì Bamburgh bị bắn phá hư hỏng nặng. Một thời gian dài người ta dường như lãng quên và nó trở thành tòa lâu đài bị bỏ hoang. Trong thời gian đó, lâu đài thuộc quyền sở hữu của một vài cá nhân nhưng phải đến khi Chúa Willam Amstrong mua lại tòa lâu đài nó mới thực sự được sống lại. Ngài Willam Amstrong đã cho sửa và phục hồi lại một số phần như trước kia. Với một bề dày lịch sử như thế, Bamburgh sở hữu khá nhiều những truyền thuyết xoay quanh nó. Ngoài ra, bãi biển đẹp mê hồn gần lâu đài Bamburgh còn là điểm hẹn ưa thích của các cặp đôi tổ chức đám cưới và nhà làm phim.
6. LÂU ĐÀI PIDHIRTSI, UKRAINE
Tòa lâu đài kiêm pháo đài này từng là một biệt thự xa hoa được xây từ những năm 1636 – 1640. Trong suốt Thế chiến thứ I, hầu như kiến trúc phía trong của nó đã bị phá hủy. Những món đồ nội thất quý giá cũng bị hoàng tử Rome Sanguszko mang theo khi bỏ trốn đến Brazil. Vào thời kỳ Thế chiến II, nơi đây lại được dùng làm phòng khám của quân đội Xô-Viết. Tuy nhiên, sau đó lâu đài đã bốc cháy và bị hủy hoại nghiêm trọng. Hiện Bảo tàng Nghệ thuật ở Lviv – nơi lâu đài bị bỏ hoang này tọa lạc đang nỗ lực để khôi phục công trình tuyệt đẹp này.
Wanderlust Tips | Cinet