Những lưu ý trên bàn ăn ở một số nước
- 16/06/2016
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- du lịch, Hàn Quốc, kinh nghiệm du lịch, Nhật Bản, Philippines, thế giới
(#wanderlusttips) Không ăn hết thức ăn trên đĩa, không được ngửi mùi đồ ăn hay không xin thêm muối và hạt tiêu là một số lưu ý trên bàn ăn ở các nước.
[rpi]
Thái Lan: Không dùng dĩa cho thức ăn vào miệng
Ở Thái Lan, bạn có thể dùng dĩa cùng với thìa để chia thức ăn, nhưng không được đưa dĩa vào miệng khi đang ăn cơm bởi người Thái Lan coi đây là hành động có tính xúc phạm. Lời khuyên dành cho du khách là nên quan sát cách người dân ăn trong cửa hàng. Người Thái Lan thường có xu hướng chỉ dùng một vật dụng, hoặc dĩa, hoặc thìa và không bao giờ có dao trên mặt bàn ăn.
Chile: Không ăn nếu không có dĩa
Người Chile có phong tục dùng dĩa và thìa kết hợp cho bất kỳ loại thức ăn nào, kể cả khi đó là món ăn dùng tay.
Italy: Không bao giờ cắt nhỏ mỳ
Nếu bạn không muốn xúc phạm người Italy thì không bao giờ được dùng dao cắt nhỏ mỳ rồi mới ăn. Thay vì thế, hãy dùng dĩa để cuốn các sợi mỳ lại và cho vào miệng.
Trung Quốc: Không được ăn hết thức ăn trong đĩa
Ở một số quốc gia, ăn sạch sẽ thức ăn trong đĩa được cho là dấu hiệu của việc bạn rất thích đồ ăn. Tuy nhiên ở Trung Quốc, để lại một ít thức ăn trên đĩa là thể hiện việc đầu bếp đã hào phóng cho bạn rất nhiều thức ăn mà bạn không thể ăn hết được.
Ấn Độ: Không tự rót đầy nước cho mình
Nếu cốc nước của bạn đã gần uống hết, sẽ có người rót thêm cho bạn, nhưng không phải là bạn tự rót cho mình. Thay vì thế, hãy rót cho người khác và họ sẽ rót lại cho bạn.
Tây Ban Nha: Không nhúng bánh mỳ vào trong súp
Cho bánh mỳ vào súp làm món ăn ngon và phổ biến ở nhiều nước, nhưng không phải vậy khi ở Tây Ban Nha. Nó bị xem là hành động bất lịch sự tại quốc gia này.
Nhật Bản: Không dùng đũa gắp thức ăn cho người khác
Có khá nhiều điều cấm kỵ khi dùng đũa ở Nhật, một trong số đó là không dùng đũa gắp cho người khác. Điều này gợi lên nghi thức đám tang trong Phật giáo liên quan đến việc chuyển xương cốt hỏa táng. Không được cắm đũa lên bát cơm, không được liếm đồ ăn khi vẫn còn đang cầm đũa, không được vắt chéo đũa mà luôn phải đặt song song cạnh nhau cũng là những quy tắc cần ghi nhớ.
Tanzania: Không ngửi mùi đồ ăn
Ở các quốc gia khác, việc hít mùi thơm đồ ăn thể hiện sự thích thú, nhưng không phải ở Tanzania. Việc hít mùi thức ăn là ngụ ý cho rằng đồ ăn bị thối và bộc lộ sự thiếu tôn trọng đối với đầu bếp.
Philippines: Không dùng tay trái khi ăn
Ở Philippines, luôn ăn bằng tay phải và để tay trái khỏi bàn ăn. Ngoài ra, bạn bắt buộc dùng tay phải để đưa thức ăn cho người khác. Quy định này cũng được áp dụng tại một số nước khác ở Bắc Phi và Trung Đông do bàn tay trái bị coi là “ô uế” theo truyền thống Hồi giáo.
Bồ Đào Nha: Không yêu cầu muối và hạt tiêu
Hành động xin thêm muối và hạt tiêu gây khó chịu cho đầu bếp bởi họ sẽ nghĩ bạn không vừa miệng với món ăn và cần thêm gia vị bổ sung.
Hàn Quốc: Không ăn trước người lớn tuổi
Tôn trọng người lớn tuổi là nguyên tắc rất quan trọng trong văn hóa Hàn Quốc, thể hiện ngay ở bữa ăn. Người lớn tuổi phải là người ăn đầu tiên như là biểu hiện của sự tôn trọng từ người ít tuổi hơn.
Vnexpress | Wanderlust Tips | Cinet