Những ngôi chùa ở miền Bắc làm say đắm lòng người (phần 1)
- 12/08/2019
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- chùa Bái Đính, Chùa Tam Chúc, Du lịch Ninh Bình, du lịch tâm linh, Những ngôi chùa đẹp ở miền Bắc
Những ngôi chùa với vị trí đẹp, kiến trúc độc đáo, không gian yên tĩnh từ lâu không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là thắng cảnh thu hút khách thập phương ghé thăm, tìm về với những điều bình yên, giản dị của cuộc sống. Dưới đây là những ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở miền Bắc mà bạn nên ghé thăm.
[rpi]
CHÙA TAM CHÚC
Chùa Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Quần thể chùa Tam Chúc có diện tích gần 5.100ha, với gần 1.000ha hồ nước, 3.000ha núi đá, rừng tự nhiên… Năm 2019, chùa là nơi được chọn để tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc. Hiện nay chùa Tam Chúc vẫn đang được tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại, và mặc dù đang trong quá trình xây dựng, chùa vẫn thu hút rất đông lượt khách ghé thăm, đặc biệt là dịp cuối tuần.
Những khu vực bạn đừng quên ghé thăm khi đến với chùa Tam Chúc bao gồm: Chùa Ngọc được xây dựng trên đỉnh núi Thất Tinh. Từ dưới chân núi, du khách phải leo gần 200 bậc thang đá mới lên được đến chùa. Trong chùa có 3 ngôi tượng Phật được làm từ đá granit nguyên khối nhập khẩu từ Ấn Độ và một pho tượng Phật được làm từ ngọc quý. Một địa điểm tiếp theo không thể bỏ lỡ là điện Tam Bảo: Điện Tam Bảo có sức chứa khoảng 5.000 người. Bên trong điện có 3 bức tượng Phật bằng đồng, mỗi bức có trọng lượng tới 80 tấn, tượng ngồi trên đài sen nặng 30 tấn, phía sau là cánh sen dát vàng có trọng lượng 15 tấn.
Ngoài ra còn có các điểm tham quan như Điện thờ Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni thờ pho tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn, tượng được công nhận là pho tượng Phật lớn nhất ở Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Khu vực tham quan ngoài trời là vườn kinh, đây là nơi có 99 cột kinh bằng đá, mỗi cột cao 13,5m, nặng 200 tấn. Để xây dựng những cột kinh như thế, người ta đã phải làm móng sâu dưới lòng đất tới 30m để có thể chịu được sức nặng của các cột kinh này. Trên các cột kinh có khắc những bài tụng kinh để Phật tử và du khách có thể chiêm ngưỡng và niệm Phật ngay tại chỗ. Cách vườn kinh không xa là đình Tam Chúc thờ Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt, Đinh Tiên Hoàng Đế và thần Bạch Mã. Sự tích cho biết rằng khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đã đến vùng Kim Bảng ngày nay chiêu mộ binh mã, tích trữ lương thảo, đã tiến đến đền thần Linh Lang Bạch Mã cầu đảo. Khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng lệnh cho dân Kim Bảng lập đền thờ Thần Linh Lang Bạch Mã.
Tips: Khi tham quan chùa Tam Chúc, tất cả các phương tiện đều được gửi ở bãi giữ xe ngoài cổng. Từ cổng đi vào chính điện Tam Chúc dài khoảng 5km, bạn có thể đăng kí dịch vụ xe điện để di chuyển, giá vé cho một chiều đi là 30.000đ. Hoặc bạn cũng có thể đăng kí dịch vụ đi thuyền, vì cổng chính đi vào chính điện là mặt hồ nước rộng 1.000ha, chính vì vậy đi thuyền cũng là một điều thú vị mà bạn có thể thử.
KHU DU LỊCH TÂM LINH CHÙA BÁI ĐÍNH
Chùa Bái Đính nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viên, cách cố đô Hoa Lư 5km về phía Tây Bắc, cách thành phố Ninh Bình 12km. Khuôn viên chùa Bái Đính có diện tích rộng 539ha bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới. Quần thể chùa được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam đã được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Năm 2010, chùa Bái Đính là nơi tổ chức Đại lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam.
Khi ghé thăm chùa Bái Đính, bạn đừng bỏ lỡ những địa điểm như:
Cổng Tam quan: Vị trí này được đặt hai tượng Hộ pháp bằng đồng cao 5,5m và 8 pho tượng Kim Cương. Hành lang La Hán gồm 234 gian nối liền với hai đầu Tam Quan, chiều dài 1.052m.
Tháp chuông: Ngay đường lên chùa, bạn sẽ bắt gặp ngọn tháp chuông với 3 tầng, 24 mái, là nơi đặt quả chuông đồng nặng 36 tấn.
Điện Tam Thế: Điện nằm ở vị trí cao 76m so với mực nước biển, bên trong điện có 3 pho tượng Tam Thế Phật đại diện cho ý nghĩa quá khứ, hiện tại, tương lai được làm bằng đồng cao hơn 7m, nặng 50 tấn. Đây cũng là những pho tượng giúp Bái Đính trở thành ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Điện Quan Âm: Là nơi đặt tượng Phật bà đúc bằng đồng, nặng 80 tấn, cao hơn 9m và được công nhận là tượng Phật bà lớn nhất Việt Nam.
Điện Pháp Chủ: Điện gồm 5 gian, khu giữa đặt pho tượng Phật Pháp Chủ bằng đồng cao 10m, nặng 100 tấn và được ghi nhận là pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Trong điện còn treo 3 bức hoành phi và cửa võng lớn nhất Việt Nam.
Khu vực chùa Bái Đính cổ: Trước khi được đầu tư và tôn tạo thành một quần thể rộng lớn thì trước đây nơi này chỉ có một ngôi chùa cổ. Khi xây dựng, các thiết kế được đưa ra để bảo tồn khu vực chùa cổ. Khu vực chùa cổ cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía Nam, chùa cổ nằm tựa lưng vào những dãy núi trùng điệp. Chùa gồm một nhà tiền đường ở giữa, bên phải là hang sáng thờ Phật, sau đó tới đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau, bên trái là đền thờ thánh Nguyễn và động tối thờ Mẫu.
Tips: Khi tham quan quần thể chùa Bái Đính, mọi phương tiện đều phải để ngoài bãi gửi xe. Từ bãi gửi xe di chuyển vào chùa sẽ có dịch vụ xe điện đưa bạn di chuyển đến điện chính để tham quan, giá một lượt đi xe điện là 30.000đ. Bạn cũng có thể đăng kí dịch vụ hướng dẫn viên, giá dịch vụ tùy theo gói mà bạn chọn, dao động từ 300.000đ – 500.000đ.
(còn tiếp)
Wanderlust Tips | Cinet