Những ngôi nhà sàn ở thung lũng mây trời

Nằm giữa trời mây hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, nhà sàn là một trong những biểu tượng của di sản của người dân tộc Thái ở Mai Châu. Toàn bộ không gian nhà sàn chứa đựng nếp sống văn hóa của con người xứ bản nơi đây.

[rpi]

Nhà sàn được xây dựng như thế nào?

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Những ngôi nhà sàn ở thung lũng mây trời
Nhà sàn của người Thái thường được xây dựng trên mặt bằng hình chữ nhật, có lưng dựa vào dáng núi, cách mặt đất vài mét để tránh ẩm và thú dữ.

Kỹ thuật làm nhà của người Thái rất kỳ công. Ngôi nhà sàn truyền thống được làm bằng gỗ rừng mọc trên núi đá như gỗ nghiến, gỗ chò chỉ và các loại cây tre, vầu, nứa… Để dựng được ngôi nhà sàn ưng ý, người Thái rất chú trọng đến việc chọn gỗ. Việc chọn gỗ của người Thái có những quy tắc bất di bất dịch. Họ kiêng, không lấy những cây gỗ cụt ngọn; bởi ngoài ý nghĩa không trọn vẹn, không đầy đủ, cây gỗ cụt ngọn rất dễ có mối mọt, ảnh hưởng đến độ bền của ngôi nhà. Ngoài ra, gỗ tốt mà bị sét đánh, thân gỗ có dây leo trông như rắn bám quanh cũng bị bỏ qua bởi người Thái cho rằng cái cây đó có ma, không lành. Sau khi mang về, gỗ phải được ngâm từ 2-3 năm mới có thể dùng để dựng nhà. Và đó cũng là khoảng thời gian thông thường để người Thái chuẩn bị cho việc xây tổ ấm.

Điều độc đáo trong quá trình thi công là người Thái không phải tốn bất cứ một chiếc đinh hay mẩu sắt nào. Thay vào đó, một hệ thống dây chằng, buộc thắt vô cùng công phu bằng lạt tre và dây mây được sử dụng để nâng đỡ ngôi nhà. Trái ngược với người Kinh khi làm nhà thường sử dụng mộng thắt, nhà sàn của người Thái sử dụng những đòn dầm xuyên qua các lỗ đục của các cột. Cách làm tưởng như đơn giản này lại rất chắc chắn khiến tuổi thọ cùa những nếp nhà này lên tới hàng trăm năm.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Những ngôi nhà sàn ở thung lũng mây trời

Dựng nhà xong thì tới phần lợp mái. Nếu nhà sàn của người Thái đen có hình mai rùa, cấu trúc lợp liền hai mái thành một liên kết thì người Thái trắng (ở vùng Quỳnh Nhai, Sơn La) lại làm nhà giống với nhà người Mường, người Tày, tức là nguyên tắc 4 mái. Hai mái chính và hai mái phụ riêng biệt rõ ràng. Đặc biệt, điểm dễ nhận biết nhất của nhà người Thái đen đó chính là “khau cút” (“khau” là cái sừng, “cút” là cái cụt, “khau cút” tức là đôi sừng cụt của con trâu) được trang trí trên nóc nhà. “Khau cút” được chia làm nhiều kiểu dáng khác nhau tùy theo các tầng lớp trong xã hội, có thể kể đến vài cái tên như: cút hoa sen, cút mải chim, cút phùa mia (cút “vợ chồng”), cút po me (cút “bố mẹ”),…

Kết cấu ngôi nhà sàn

Từ ngoài nhìn vào, nhà sàn thường có 2 cầu thang: cầu thang phía trước nhà dành cho nam giới và khách đi có 7 bậc mang ý nghĩa ứng với 7 vía của người đàn ông, còn cầu thang ở cuối nhà dành cho phụ nữ đi, có 9 bậc ứng với 9 vía của người phụ nữ.

Ngoài ra, số bậc thang lên xuống, số gian trong nhà chỉ có thể là số lẻ. Theo ông Lường Văn Dòm, người dân tộc Thái (ở bản Pán, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) cho biết: Theo quan niệm dân gian, số lẻ tượng trưng cho sự phát triển; số chẵn là điều tối kỵ, mang “điềm chết”.

Bên trong nhà sàn, mỗi gian đều có vai trò riêng. Gian chính giữa – gian trang trọng nhất, là nơi người Thái đặt ban thờ để bày tỏ lòng tưởng kính đến tổ tiên và người thân đã khuất. Gian này chỉ cho phép nam giới trong nhà được ngủ lại; người lạ không được tới và cũng tránh làm những cử chỉ không đẹp mắt. Hàng ngày, trước bữa cơm người Thái thường đến khấn cầu mọi linh hồn trú ngụ ở bàn thờ cả hai bên nội ngoại để xin phép cho con cháu được ăn. Vào các dịp hệ trọng như lễ xên hườn, kháu trạch (ăn cơ mới), làm vía, đám hiếu, chá chiêng, ngày tết,… các gia đình đều sắm sửa cỗ bàn bày trước bàn thờ, kính dâng linh hồn tổ tiên.

Nhà sàn người Thái thường có hai bếp: bếp trong và bếp ngoài. Bước lên cầu thang, vào cửa gian ngoài, ta sẽ thấy bếp lửa chính đặt ở giữa ngôi nhà, tại nơi tiếp khách của gia chủ. Còn bếp lửa phía ngoài dùng vào việc nấu nướng, sinh hoạt hàng ngày. Lò bếp là một cái khung hình vuông, cũng có thể là hình chữ nhật rộng chừng hơn 1m2, ghép bằng những tấm ván dày; bên trong có nện đất, đặt ngay trên mặt sàn. Trên bếp, người ta treo một cái giá to và vững chắc để sấy khô các lương thực như: ngô giống, lúa giống và thịt trâu, thịt bò. Những khi trời trở lạnh, gia đình sẽ tổ chức ăn ngay tại bếp lửa.

Ý nghĩa của nhà sàn

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Những ngôi nhà sàn ở thung lũng mây trời

Trong đời sống tinh thần của người Thái, ngôi nhà sàn có ý nghĩa rất quan trọng. Từ lúc lọt lòng gắn với nghi lễ chào đời; qua những khi người con trai lớn đi làm nương rẫy, người con gái học bài học đầu tiên về se tơ, dệt vải; đến những khi người đàn ông bắt đầu công việc cáng đáng cuộc sống gia đình như đan lưới, bắt cá, làm đồ mỹ nghệ, người phụ nữ làm rẫy và dệt khung cửi kẽo kẹt bên ô cửa; rồi đến tận lúc lìa đời, người Thái vẫn luôn gắn bó với ngôi nhà sàn. Nhà sàn là nơi gắn kết tình yêu đôi lứa, là nơi vang lên tiếng đàn tính, tiếng lời hát trao gửi của các đôi lứa yêu nhau, trao nhau chiếc khăn tay với lời hẹn ước trở thành vợ chồng, là nơi diễn ra các nghi lễ tờ cúng tổ tiên, mừng nhà mới, nơi thầy cúng làm lễ xin tổ tiên chấp nhận cô dâu mới,…

Ngày nay, với sự giao thoa giữa các vùng miền cùng việc nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, nhà sàn Thái đã có những biến đổi nhất định, cột gỗ được thay thế bằng bê tông, mái lợp lá thành mái lợp ngói hoặc pro-xi-măng. Những ngôi nhà sàn nguyên bản đang trở nên ngày một “hiện đại hóa” trong từng bản làng, lối xóm.

Wanderlust Tips | Cnet