Những sự thật về Tháng 7 Âm lịch

Tháng 7 Âm lịch hàng năm hay được dân gian gọi với cái tên có phần rùng rợn là “tháng cô hồn”. Vậy sự thật thời gian này có đáng sợ như nhiều người nghĩ? Sau đây sẽ là những sự thật về tháng này có thể bạn chưa biết.

Theo quan niệm của người phương Đông, tháng 7 Âm lịch còn được gọi là “tháng ngâu” hay “tháng cô hồn”, là tháng mang lại những điều không may mắn. Hiện nay thì chưa có căn cứ khoa học nào chứng minh những quan niệm này, nhưng theo kinh nghiệm người ta cứ truyền miệng nhau thì có vẻ như không phải là không có căn cứ để tin vào những gì được đồn đại vào tháng xui xẻo này.

Cùng Wanderlust Tips tìm hiểu nhé.

Tháng 7 Âm lịch – Tháng “cô hồn”

Tên gọi “Tháng cô hồn” được bắt nguồn từ trong truyền thuyết. Từ ngày mồng 2 đến ngày 14 tháng 7 Âm lịch, đây là khoảng thời gian Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng, trở về dương thế tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát. Đến 12 giờ đêm ngày 14/7 cánh cửa sẽ được đóng lại, các linh hồn đó phải quay về địa ngục.

dv
Truyền thuyết rùng rợn về Diêm Vương, Âm Phủ vào tháng 7 Âm lịch.

Vì vậy, mà dân gian ta quan niệm trong tháng 7 Âm lịch này, chúng ta không nên tiến hành những việc đại sự của bản thân và gia đình để tránh những điều không hay do bị ma quỷ, cô hồn quấy nhiễu, phá hoại. Và cũng trong tháng này, người dân nên làm nhiều việc thiện, cúng cô hồn,… 

Cúng cô hồn còn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Người Việt cho rằng, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi, phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai kiếp khác hay có người thì bị đày xuống địa ngục.

Tín ngưỡng cúng cô hồn vào tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam.
Tín ngưỡng cúng cô hồn vào tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam.

Tháng 7 Âm lịch – Mùa Vu Lan báo hiếu

Bên cạnh ý nghĩa, cái tên rùng rợn “Tháng cô hồn”, Tháng 7 Âm lịch còn được nhiều người biết tới vì đây là tháng của mùa Vu Lan báo hiếu. Trong văn hoá tín ngưỡng người Việt, đây là ngày lễ lớn trong năm, có ý nghĩa giáo dục con người biết đền đáp công ơn sinh thành và thể hiện lòng hiếu thảo với bố mẹ.

Ngày Vu Lan báo hiếu không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo vô cùng lớn mà còn trở thành ngày truyền thống của người dân đất Việt, mang đến một nét văn hóa tinh thần tốt đẹp, chứng tỏ tháng 7 âm lịch là tháng chúng ta nên làm những điều tốt đẹp, hướng thiện.

Nguồn gốc của lễ Vu Lan xuất phát từ kinh Vu Lan Bồn, kinh này nói về sự tích của Tôn Giả Mục Kiền Liên (Vị Bồ Tát đại hiếu) một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Câu chuyện nói về tình yêu thương người mẹ, dạy mọi người đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần báo ân – báo hiếu đối với cha mẹ, tổ tiên, những người có công sinh thành dưỡng dục.

Vào rằm tháng 7 Âm lịch, ngày chính của lễ Vu Lan, tại các đền chùa, nơi có tín ngưỡng Phật Giáo linh thiêng thường tổ chức những buổi tụng kinh, giảng đạo của các Phật tử, chú nguyện cho cha mẹ còn sống được song đường trường thọ, hạnh phúc; tổ tiên, cha mẹ và những người đã mất được siêu sinh tịnh cảnh.

Tháng 7 Âm lịch có thật sự xui xẻo?

Theo quan niệm của nhà Phật, hoàn toàn không có khái niệm tháng cô hồn trong phong tục của người Việt. Ngày xá tội vong nhân không phải là ngày xấu, hay ngày mang đến những điều xui xẻo mà là thời gian ân xá cho những tù nhân cõi âm được siêu sinh, an lành. Chính vì vậy, ngày này mang đến một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hoàn toàn không phải là ngày vong hồn bước ra khỏi cánh cửa địa ngục, lên trần thế phá phách cuộc sống bình yên.

Bên cạnh đó, tháng 7 Âm lịch còn có lễ Thất Tịch, ngày lễ được mệnh danh là Ngày lễ tình yêu của Đông Á, nên không có gì là quá đáng sợ hay xui xẻo vào tháng này cả.

Vì vậy, chúng ta cũng đừng nên quá hoang mang về tháng 7 Âm lịch. Vì chỉ cần chăm chỉ làm những điều tốt đẹp, có ý nghĩ cho cuộc sống thì dù là tháng nào, ngày nào trong năm cũng sẽ nhận được may mắn, hạnh phúc.

Ảnh: Internet.

Wanderlust Tips | Cnet.