Phóng sinh cá chép sao cho đúng với quan niệm xưa
Tục lệ phóng sinh cho những con vật nhỏ gặp nạn để lấy may đã được truyền lại từ nhiều đời nay. Mọi người thường phóng sinh cá, chim, rùa nhỏ vào mùng một, ngày Rằm, đặt biệt là vào ngày 23 tháng Chạp khi các gia đình phóng sinh cá chép tiễn Táo Quân về trời. Tuy nhiên không phải hành động phóng sinh nào cũng tốt và mang lại nhiều lợi ích. Để làm việc thiện trước hết chúng ta cần biết cách phóng sinh cá chép sao cho đúng để mẹ thiên nhiên không phải gánh chịu những hậu quả do chúng ta gây ra.
[rpi]
Quan niệm phóng sinh
Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là cứu mạng người, kéo dài sự sống của họ hay sinh vật khác. Hình thức phóng sinh thể hiện tâm từ bi của người thực hiện, là một phương tiện để tu tập trong Đạo Phật. Lễ phóng sinh là một nghi lễ xuất hiện sau này, nhằm ban phát lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh vạn vật.
Vào những dịp Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy hay những dịp cầu nguyện cho bản thân hay gia quyến, người ta thường tổ chức phóng sinh chim, cá. Ngoài ra, vào ngày lễ Ông Công Ông Táo, người Việt sẽ phóng sinh cá chép như một nghi lễ tiễn các vị Táo Quân về trời. Bởi vậy, phóng sinh không chỉ là một phong tục lâu đời mà còn là việc làm tốt, thể hiện lòng Đại từ Đại bi của người dân Việt Nam.
Hậu quả của việc phóng sinh bừa bãi
Ở Việt Nam không chỉ dịp 23 tháng Chạp, mà các ngày vía, lễ, sóc vọng đều có nhiều người phóng sinh cá chép và các con vật khác. Một thực tế đáng buồn là dù nghi thức phóng sinh mang nhiều ý nghĩa đẹp cần được trân trọng nhưng hậu quả của nó khi mọi người không tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện đã và đang gây ra những thiệt hại khôn lường cho thiên nhiên và môi trường xung quanh ta.
Không ít những con thú nhỏ đã chết sau khi được phóng sinh. Tình trạng thả cá chép phóng sinh ra bị ngộp không còn sức để bơi, hoặc chết, hoặc bị người khác vợt bắt lại để bán diễn ra thường xuyên. Vòng luẩn quẩn không hồi kết khiến chúng kiệt sức, chết dần chết mòn và không còn có thể bơi được nữa.
Nhiều trường hợp, cá chép bị ném khi vẫn còn đang nằm trong túi nilon xuống sông, hoặc bị đổ từ trên cao xuống cho nhanh. Có người còn ném cả túi cá chép đỏ cùng tàn nhang, tro vàng mã, hoặc thả cá nơi mương rãnh đen sì, ô nhiễm. Hầu hết chúng sẽ chết nếu không được cứ giúp kịp thời.
Ngoài cá chép, việc mua động vật hoang dã để phóng sinh đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ động vật hoang dã nói chung.
Những hành động trên khiến việc phóng sinh nói chung và thả cá chép nói riêng vốn là những việc thiện, nhiều công đức trở thành việc không thiện lành như mong muốn.
Những việc cần chú ý khi phóng sinh
- Khi phóng sinh cá, nên thả nhẹ nhàng, tránh để cá dập bụng dập phổi chết trương.
- Không cầm cả túi nilon quẳng từ trên cao xuống. Vừa chết cá vừa ảnh hưởng môi trường.
- Sau khi phóng sinh, vứt giấy rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi.
- Ngoài phóng sinh cá chép dịp Tết Ông Công Ông Táo thì nên nhớ, đạo pháp nhà Phật quan trọng hai chữ tuỳ duyên. Nếu phóng sinh thì cứ hoan hỉ mà tuỳ duyên cứu giúp.
- Không phải cứ phóng sinh mới là thiện. Giúp người cũng là thiện. Cứu người cũng là thiện. Không hại người cũng là thiện. Ăn chay cũng là hình thức của việc phóng sinh gián tiếp. Không sát sinh cũng như đang phóng sinh vậy.
Phóng sinh chính là hình thức trao trả động vật lại về với thiên nhiên, khi ta phóng sinh chim cá cũng giống như ta đang hỉ xả buông bỏ hết những sân si muộn phiền trong con người ta vậy. Hãy thực hiện nghi lễ này sao cho đúng và chân thành nhất.
Wanderlust Tips | Cnet