“See tình” với miền Tây thu nhỏ trong MV của Hoàng Thùy Linh
- 08/04/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, Hoàng Thùy Linh, miền Tây, See tình, Văn hóa miền Tây
Sau khi mở màn thành công với “Gieo quẻ”, gần đây Hoàng Thùy Linh lại tiếp tục trở lại đầy ấn tượng với ca khúc “See tình”. Sẽ không quá ngạc nhiên nếu bắt gặp chất liệu dân gian trong các sản phẩm âm nhạc của Hoàng Thùy Linh. Lần này, nữ ca sĩ mang đến một miền Tây vô cùng độc đáo, cuốn hút, cùng khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống miền tây qua MV mới của Hoàng Thùy Linh nhé.
[rpi]
Với “See tình”, cô ca sĩ trẻ đầy sáng tạo cùng ekip của mình đã thành công tái hiện một miền Tây trẻ trung chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn và biến hóa trong thời đại mới.
Khởi đầu ấn tượng với đờn ca tài tử
Ngay từ những giây đầu tiên, “See tình” đã đưa người xem tới với những cánh đồng thẳng cánh cò bay của vùng sông nước miền Tây.
Trên nền nhạc mang âm hưởng của đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng đã mở ra không gian đậm chất miền Tây, rực rỡ sắc màu, tạo hiệu ứng mãn nhãn cho người xem.
Vở cải lương Tình anh bán chiếu
Vở cải lương kinh điển Tình anh bán chiếu cũng được khéo léo lồng ghép vào “See tình” trong bối cảnh ngôi nhà sặc sỡ cũng những tấm chiếu đủ màu.
Tình anh bán chiếu là câu chuyện về tình yêu lứa đôi rất phù hợp với chủ đề của “See tình”. Đưa một vở cải lương được biến tấu sáng tạo nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vào sản phẩm âm nhạc, đã tạo nên hiệu ứng gây nghiện, khơi dậy sự thích thú cho người xem.
Rừng tràm và đàn sếu đầu đỏ
Nối tiếp MV là hình ảnh khu rừng tràm bát ngát với mô hình bầy sếu đầu đỏ. Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc vùng Đồng Tháp Mười là nơi có nhiều loài chim nước di cư về đây vào mùa đông, đặc biệt trong số đó phải kể đến loài chim quý hiếm, sếu đầu đỏ.
Mỗi mùa sếu đầu đỏ về, đông đảo du khách mọi miền lại đổ về miền Tây để tận mắt chiêm ngưỡng loài chim hiếm. Vì thế, sếu đầu đỏ là loài chim mang tính biểu tượng cho vùng đất lành này.
Cổng cưới lá dừa
Trong phân cảnh Hoàng Thùy Linh cùng các nàng tiên cá trò chuyện, người xem có thể thấy hình ảnh các cổng cưới lá dừa. Mỗi vùng miền trên đất nước đều có những phong cách riêng, đa dạng trong việc tổ chức và trang trí đám cưới. Nhưng chỉ cần nhắc tới cổng cưới lá dừa là người ta nghĩ ngay đến miền Tây.
Cổng cưới lá dừa ở miền Tây vô cùng giản dị, gần gũi những cũng rất trang trọng. Để có một chiếc cổng cưới thủ công đẹp, người thợ phải bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết và thời gian chuẩn bị. Mỗi chiếc cổng cưới lá dừa, có thể cần đến 5 – 10 người cùng thực hiện trong suốt 1 ngày trời.
Bởi vậy những chiếc cổng cưới này còn mang theo cả sự mộc mạc, hữu tình, đậm đà tình làng nghĩa xóm của người dân miền Tây.
Khu vực thủy cung với nhiều hình ảnh đậm nét miền Tây
Khu vực thủy cung được vẽ hoàn toàn bằng công nghệ với tâm điểm là một bông lục bình khổng lồ. Ngoài ra, bên trái là hình ảnh một chú ba khía bằng máy lớn hơi hướng hoạt hình và bông súng màu tím.
Tất cả các loài động vật – thực vật vô cùng đặc trưng của vùng miền Tây dưới bàn tay sáng tạo lại trở nên vừa thân quen, vừa lạ lẫm lại vô cùng ấn tượng.
Một khung cảnh rực rỡ sắc màu gói gọn hệ sinh thái phong phú của miền Tây đẹp xinh và thơ mộng.
Ẩm thực miền Tây
Hình ảnh các anh, các chú quây quần bên nồi lẩu cù lao truyền thống, nhâm nhi ly rượu và ngân nga hát bên đàn guitar là một khung cảnh quá đối quen thuộc với người dân miền Tây.
Nhưng khi nhìn gần lại hiện ra trầu cau, lễ vật không thể thiếu trong ngày cưới truyền thống ở Việt nam. Một cách lồng ghép vô cùng tinh tế khiến cho MV trở nên thú vị và thu hút hơn.
Các loại bánh cổ truyền của miền Tây như bánh tét, bánh bò, bánh da lợn, đậu xanh,… cũng được xuất hiện ngay sau đó.
Mô hình tết lá dừa nước
Ở miền Tây, người ta thường dùng lá dừa nước, rửa sạch, phơi khô rồi tết thành các hình tượng độc đáo. Từ những hình đơn giản như trái tim, chiếc lá,… đến cả những mô hình cầu kì hơn hình con cào cào, con cá, bông hoa hồng.
Các sản phẩm từ lá dừa nước sẽ giữ được màu tươi từ 4 – 5 ngày, sau đó chúng phai màu dần và ngả về màu trắng như nón lá. Món đồ chơi tuy nhỏ nhưng chứa đựng kỷ niệm thủa thơ ấu của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Chợ nổi
Về miền Tây mà chưa đi chợ nổi thì chưa phải là chuyến đi trọn vẹn. Các phiên chợ nổi họp từ sáng sớm cho đến khoảng trưa, người buôn kẻ bán tấp nập nhưng tất cả đều diễn ra trên những chiếc thuyền chở trĩu nặng hàng hóa.
Chợ nổi là nơi mà bạn có thể thỏa thích khám phá cả kho tàng văn hóa đặc sắc miền sông nước. Đây là những hình ảnh đẹp đẽ và khó quên với tất thảy những ai đã từng đến miền Tây.
Điệu múa Lâm Thôn của đồng bào Khmer
Điệu múa Lâm Thôn là điệu múa truyền thống rất phổ biến đối với đồng bào dân tộc Khmer. Đây là một điệu múa gần gũi, thân thiện, vừa thiêng liêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động.
Nghệ thuật múa Lâm Thôn được Hoàng Thùy Linh lồng vào MV cùng giai điệu vui tươi của “See tình” càng khiến nét miền Tây thêm đa dạng, phong phú. Tham gia điệu múa này, từng đôi trai gái vừa múa vừa đi vòng tròn, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt, cũng hết mực vô tư và hồn nhiên.
Nữ giới khi múa sẽ lượn 2 cánh tay đưa ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình; kết hợp đồng điệu với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại.
Điệu múa cổ truyền Lâm Thôn từ lâu luôn được bà con dân tộc Khmer trân trọng và giữ gìn như một tài sản tinh thần vô giá mà ông cha đã dành tặng.
Wanderlust Tips | Cnet