Share the love with travel: Sắc màu các khu chợ
- 01/11/2019
- ĐỐI THOẠI
- Editor picks, khám phá khu chợ, Sắc màu các khu chợ, share the love, Wanderlust Tips 09/2019
[Wanderlust Tips 09/2019] Len lỏi trong các khu chợ lớn nổi tiếng trên thế giới, tạp chí du lịch song ngữ Anh – Việt Wanderlust Tips với chủ đề “Sắc màu các khu chợ” sẽ đem đến cho độc giả những câu chuyện về hành trình khám phá những khu chợ tưởng chừng bình thường nhưng lại ẩn chứa những nét độc đáo đến lạ.
[rpi]
VAKIL BAZAAR – HƠN CẢ MỘT ĐỊNH NGHĨA VỀ CHỢ THÔNG THƯỜNG
LE HỒNG QUÂN – NHÂN VIÊN NGÂN HÀNG, TP. HCM
Trong từ điển của Iran thì từ “Bazaar” nghĩa là các khu chợ có mái vòm che với kiến trúc tinh xảo. Bazaar là trung tâm giao thương tại những thành phố lớn và cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng ở xứ Ba Tư từ rất lâu đời. Nhắc đến Iran, nhiều người thường nghĩ ngay tới Grand Bazaar ở thủ đô Tehran – một trong những khu chợ lớn nhất tại Ba Tư, thế nhưng Iran còn nhiều khu chợ đặc sắc khác mà trong đó không thể bỏ qua Vakil Bazaar ở miền Tây của đất nước. Khu chợ Vakil Bazaar gồm những khoảng sân vườn, đài phun nước, nhà tắm công cộng, các cửa hàng cũ kỹ và một số nhà thờ Hồi giáo được xây dựng liền kề hoặc phía sau. Trò chuyện cùng người bản địa, tôi nghe kể rằng có nhiều du khách còn chưa đi được hết khu chợ hay một số khác thì bị lạc không tìm được lối ra bởi các ngõ ngách chằng chịt.
Vakil Bazaar với tôi không đơn thuần là khu chợ mà nó còn là một trung tâm triển lãm các ngành hàng cực kỳ phong phú và đa dạng của người dân Trung Đông, có thể kể đến một số mặt hàng tiêu biểu như: thảm dệt, đồ cổ, trang sức, đá quý, nước hoa, rau quả, trái cây khô, gia vị… được chia thành từng khu, từng gian hàng rất bài bản, chuyên nghiệp. Một điều cực kỳ thú vị mà chắc ít người biết, đó chính là sẽ không tìm thấy được bóng dáng của người phụ nữ bán hàng nào cả, bởi vì theo truyền thống ở đây, việc bán hàng là của nam giới. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà ngần ngại trả giá, người Iran luôn thân thiện, vui vẻ và mỉm cười cảm ơn mặc dù bạn không ưng ý được món hàng nào.
DẤU ẤN KHÓ QUÊN TỪ LA BOQUERIA, TÂY BAN NHA
LE THÚY – GIÁO VIÊN MẦM NON, THỤY ĐIỂN
Khi dừng chân ở một địa danh mới, sau khi tham quan các điểm đến nổi tiếng thì mình thường chọn đi chợ, vì theo mình nghĩ các khu chợ sẽ in đậm dấu ấn đặc trưng của miền đất đó. Mình muốn được thưởng thức các món ăn địa phương, ngắm nghía các món đồ handmade nhỏ xinh hay đơn giản chỉ là dạo quanh để quan sát cuộc sống của người dân.
Một trong những khu chợ mình có cơ hội đặt chân đến và để lại những dấu ấn khó quên là khu chợ Mercat de Sant Josep de la Boqueria (thường gọi là La Boqueria) nằm dọc theo phố đi bộ La Rambla tại Barcelona, đây là một trong những khu chợ ẩm thực nổi tiếng bậc nhất Tây Ban Nha. Khi bước vào khu chợ mình đã rất hào hứng với những quầy hoa quả được cắt sẵn, bày biện vô cùng đẹp mắt. Tiếp đó là những gian hàng bán thịt với món thịt hun khói jamón đặc trưng. Có thể nói, đến với La Boqueria là bước vào thế giới của đồ ăn, từ các loại mì, hải sản, thịt cừu cho đến các loại bánh, mứt thơm ngon, các loại hạt và nguyên liệu khô phong phú, thoải mái để du khách lựa chọn. Ngoài ra thì ở đây cũng có các quán cà phê độc đáo và quán bar phục vụ nhu cầu giải trí của du khách. Do khu chợ ở trung tâm thành phố nên lúc nào cũng tấp nập người qua lại, bạn nên bảo quản đồ đạc cẩn thận để chuyến đi được vui vẻ, trọn vẹn.
TRẢI NGHIỆM CHỢ SÁNG VÀ ĐÊM Ở LUANG PRABANG, LÀO
LE BÌNH – NHÂN VIÊN TRUYỀN THÔNG, HÀ NỘI
Hiện nay ngày càng có rất nhiều các khu trung tâm thương mại lớn, nhỏ được xây dựng lên trong khi mọi người thì hay muốn thử cái mới, nên mình lo sợ rằng theo thời gian, những khu chợ sẽ dần bị lãng quên. Vì vậy, mình đều dành nhiều thời gian ghé thăm các khu chợ trong những chuyến du lịch. Và trong số các khu chợ đã đi thì mình ấn tượng nhất với chợ Luang Prabang ở Lào.
Đến Luang Prabang, mình dậy từ 5h sáng để có cơ hội được trải nghiệm và mua sắm. Chợ sáng ở Luang Prabang không bán nhiều đồ lưu niệm mà hầu hết là các loại lương thực, thực phẩm như rau, thịt, cá, tôm… phục vụ cho đời sống hằng ngày. Nôm na thì nó giống như một chợ cóc ở Việt Nam, tuy nhiên, đồ ăn ở khu chợ này rất phong phú, từ cá nướng nguyên con, thịt nướng, cho đến bún, phở… Hơn thế nữa, các loại rau, củ ở khu chợ này được sắp xếp một cách rất đẹp mắt khiến mình cực kỳ thích thú.
Ở Luang Prabang cũng có chợ đêm. Gọi là chợ đêm, nhưng chợ lại bắt đầu từ lúc 4h chiều. Vì từ khoảng thời gian này, người dân đã bắt đầu chuẩn bị sắp xếp hàng quán bán ở hai bên đường. Buổi chiều tối, đồ ăn đa dạng và nhiều hơn hẳn so với buổi sáng, mình còn khám phá ra một con ngõ nhỏ bán các món ăn hấp dẫn mang đậm nét đặc trưng ẩm thực Lào. Ngoài ra, chợ đêm Luang Prabang cũng có rất nhiều món quà lưu niệm độc đáo để du khách mua về tặng cho người thân, bạn bè.
ĐẾN CHỢ ĐÔNG BA CỦA XỨ HUẾ VÀO MỘT NGÀY MƯA
NGUYEN VĂN THANH – TRAVELLER, HÀ NỘI
Có người bạn từng chia sẻ với mình rằng, khi đến một miền đất nào đó, để hiểu về văn hóa và con người bản địa thì nên ghé thăm khu chợ trung tâm. Và mình đã kiểm chứng điều đó trong chuyến khám phá chợ Đông Ba, xứ Huế vào một ngày mưa.
Điều mà mình ấn tượng về khu chợ này là những cảnh tượng đậm chất đời sống ở xứ Huế vào buổi sáng sớm. Những chiếc xe chở hàng ướt nhẹp và lung linh trong ánh đèn pha; người ta khoác áo mưa đỏ, xanh, vàng bước vội vã qua các quán hàng với đủ loại sắc màu; những người kéo xe lưng trần vạm vỡ cười nói với mình vào thời điểm mà mình nghĩ họ có thể sẽ la lối, bực bội và khó chịu khi chúng mình giơ máy lên chụp hình. Chính những điều đó khiến mình cảm nhận được sự gần gũi, lành tính của người dân xứ Huế. Người ta không thích gặp mưa trong những chuyến đi, còn với mình, những cơn mưa luôn quý giá, nói một cách khác là những thứ đến với mình một cách bất chợt như vậy thường quý giá. Khi đó, mình có thể bộc lộ hết được góc nhìn, sự nhanh nhạy và khả năng nắm bắt khoảnh khắc của mình qua những bức hình, và thông thường, mình thấy chúng đầy cảm xúc, như chợ Đông Ba ngày mưa thật đặc biệt.
Wanderlust Tips