Siberia: Khắc nghiệt và kì vĩ

[Wanderlust Tips tháng 7/2018] Siberia gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi không chỉ bởi khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới, thiên nhiên kỳ vĩ tuyệt đẹp, mà còn bởi sức mạnh kiên cường của người dân nơi đây.

[rpi]

Ấn tượng của tôi về Siberia là một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới không chỉ bởi băng tuyết, giá lạnh bao phủ quanh năm mà còn bởi những câu chuyện lịch sử bi tráng từng được nghe về mảnh đất này. Thế nhưng đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, chỉ khi thực sự đặt chân tới Siberia tôi mới có thể hiểu sâu sắc hơn về mảnh đất này. Chính từ trong sự khắc nghiệt tưởng chừng như không thể tồn tại ấy, thiên nhiên càng trở nên kỳ vĩ mê hoặc, người dân Siberia càng kiên cường mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một Siberia đẹp lạ lùng sẽ mãi ở trong tôi, để lại nhiều thương nhớ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Siberia: Khắc nghiệt và kì vĩ

VÙNG ĐẤT CỦA NHỮNG KỶ LỤC THIÊN NHIÊN

Nếu nói về một vùng đất có nhiều con số đáng nể nhất trên thế giới thì không thể không nhắc tới Siberia. Vùng đất rộng lớn lên tới 13,1 triệu km², chiếm 77% diện tích Nga và lớn xấp xỉ bằng Canada – quốc gia lớn thứ hai trên thế giới. Vùng đất này trải dài qua rất nhiều vùng địa lý khác nhau, từ phía Đông dãy núi Ural trải dài đến Thái Bình Dương, phía Bắc là Bắc Băng Dương xuống phía Nam là các ngọn đồi miền Bắc Kazakhstan, và có biên giới với Mông Cổ và Trung Quốc. Siberia cũng là nơi có mật độ dân số thấp gần như nhất thế giới với trung bình 3 người/km².

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Siberia: Khắc nghiệt và kì vĩ

Bạn có thể tưởng tượng được một vùng đất rộng gấp gần 50 lần nước Anh, nhưng lại có dân số chỉ bằng một nửa. Cũng dễ hiểu vì sao mật độ dân số ở đây lại ít vì cuộc sống khắc nghiệt ở Siberia khi phải chịu đựng sự thay đổi thời tiết rất lớn vào các thời điểm trong năm. Ở đây, mùa hè chỉ kéo dài từ 1 đến 3 tháng, mùa đông kéo dài hầu như quanh năm, nhiệt độ trung bình cả năm là khoảng 0oC, chênh lệch nhiệt độ giữa hai mùa có thể lên tới 100oC. Nhưng thời tiết chủ yếu giá lạnh quanh năm, tuyết rơi ngay cả giữa những ngày hè tôi có mặt tại đây. Thậm chí, nhiệt độ kỷ lục ghi được là -71,2oC tại thị trấn Oymyakon, được coi là thị trấn lạnh nhất trên thế giới, trong khi mùa hè có nơi lên tới trên 35oC. Giữa thời tiết khủng khiếp như vậy, những cây thảo mộc và nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm lại vươn lên mạnh mẽ trở thành biểu tượng cho sức sống Siberia.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Siberia: Khắc nghiệt và kì vĩ

Ngoài ra, Siberia còn nắm giữ nhiều kỷ lục như sở hữu hồ Baikal, hồ nước ngọt lâu đời nhất, sâu nhất thế giới, 4 con sông dài nhất thế giới hay hệ thống đầm lầy lớn nhất Bắc bán cầu.

HỒ BAIKAL HOANG SƠ VÀ KỲ VĨ

Tôi bị choáng ngợp bởi khung cảnh tự nhiên hoang dã đẹp sững sờ của hồ Baikal với địa hình, hệ sinh thái và thảm thực vật đa dạng hiếm có. Hai trong số những địa danh đại diện cho thiên nhiên Siberia hấp dẫn tôi nhất là rừng Taiga và hồ Baikal.

Nằm ở phía Nam Siberia, hồ Baikal có tuổi đời trên 25 triệu năm là hồ nước ngọt lớn nhất, sâu nhất và lâu đời nhất trên thế giới, chiếm 20% lượng nước ngọt không bị đóng băng trên bề mặt trái đất. Lướt trên mặt nước trong vắt, trải rộng mênh mông trên con thuyền phấp phới quốc kỳ Nga, tôi không thể dứt ra khỏi những câu chuyện kỳ thú của cô hướng dẫn viên trẻ về hồ nước được công nhận là Di sản thế giới này. Hồ Baikal nằm trong một thung lũng tách giãn, được tạo thành bởi đới đứt gãy Baikal, nơi lớp vỏ trái đất bị tách ra, do vậy mà hàng năm sự dịch chuyển đó vẫn làm thay đổi kích thước của lòng hồ. Các nhà khoa học thường ví hồ Baikal như một em bé vẫn còn đang lớn. Hồ Baikal rộng 23.766km2 (gấp đôi diện tích của thành phố Sydney (Úc) và sâu khoảng 1.637m, là nơi cư trú của hơn 2.500 sinh vật quý hiếm và có đến 2/3 loài chỉ cư trú và sinh trưởng tại đây. Một số loài quý hiếm tại Baikal phải kể tới như hải cẩu Nerpa Baikal; loài cá Golomianka độc đáo với thân mình trong suốt, Golomianka không đẻ trứng giống như các loài cá khác mà đẻ ra cá con…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Siberia: Khắc nghiệt và kì vĩ

Với 328 ngày nắng mỗi năm, hồ Baikal lúc nào cũng khoác lên mình vẻ đẹp lộng lẫy và thơ mộng. Nước hồ luôn trong suốt như một tấm gương lớn phản chiếu ánh nắng lấp lánh, thậm chí các nhà khoa học còn phát hiện ra hiện tượng nước phát sáng kỳ diệu tại đây. Nhiệt độ trung bình của nước vào mùa hè từ 5-10oC, là môi trường thích hợp của rất nhiều loại cá và sinh vật vùng nước ngọt. Với mắt thường bạn có thể nhìn thấy các loài thực vật, động vật dưới hồ sâu tới hơn 50m.

Khi mùa đông tới, hồ Baikal mang một vẻ đẹp kỳ ảo, hấp dẫn vô cùng. Mặt hồ đóng băng dày từ 1.5-2m, có thể chịu sức nặng của xe tải hàng chục tấn, nhưng ta vẫn có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lội tung tăng bên dưới. Các sinh vật vẫn sống được dưới lớp băng dày là nhờ hiện tượng băng nứt, có khi dài tới 30km và rộng chừng 2-3m giúp chúng vẫn có thể hít thở oxy. Băng nứt và các bọt khí đóng băng tạo nên trên mặt hồ nhiều hình thù kỳ lạ và đẹp mắt. Khi ánh sáng mặt trời phản chiếu trên mặt băng cả vùng lấp lánh nhiều màu sắc, một cảnh tượng nhiệm màu tưởng chỉ thấy trong các thước phim kỹ xảo Hollywood mà hóa ra là hoàn toàn có thật tại Baikal.

Một tương truyền bí ẩn về “hồ thiêng” Baikal cho rằng hồ sở hữu một năng lực siêu nhiên có thể kéo dài tuổi thọ con người. Chính vì vậy có không ít người sẵn sàng ngâm mình trong nước ở nhiệt độ 5oC với hy vọng được trở nên bất tử…

RỪNG TAIGA BAO LA VÀ BÍ ẨN

Nếu như hồ thiêng Baikal có vẻ đẹp như một cô gái quyến rũ, bí ẩn thì rừng Taiga lại như một chàng trai Bắc Âu cao lớn, điển trai đầy mê hoặc. Khu rừng này cuốn hút tôi từ khi biết về nó qua những bộ phim như “Lạc vào rừng sâu” và “Lost” hay gameshow sinh tồn nổi tiếng của Nga “Game 2: Winter”. Khi thực sự đặt chân đến đây tôi mới hiểu vì sao rừng Taiga được gọi là “quần xã sinh vật đất liền lớn nhất thế giới”. Rừng cây hiện ra bao la, ngút ngàn với những cây lá kim to lớn, mọc lên thẳng tắp, dưới đất những loài cây dại, rêu, địa y um tùm, xanh ngát, điểm thêm một số loài hoa đẹp kỳ lạ. Ở đây cũng có một số loại cây gỗ như bạch dương, tống quán sủi, liễu và dương rung; nhưng phổ biến nhất là thông ở khu vực có mùa đông lạnh giá miền Đông Siberia.

Wanderlust Tips siberia khac nghiet va ky vi 04

Giống như khí hậu chung của Siberia, rừng Taiga có sự khác biệt rất lớn giữa các mùa trong năm, nhiệt độ chênh lệch nhau rất lớn, từ -50oC đến 30oC, nhưng mỗi mùa Taiga lại có vẻ đẹp riêng. Mùa hè khi thời tiết ấm và ẩm là cơ hội cho rất nhiều loài sinh vật đâm chồi, nảy lộc, đâm hoa kết trái sau một mùa đông giá lạnh. Mùa thu là thời điểm ưa thích của khách du lịch khi cây chuyển sắc vàng, những dòng suối chảy êm đềm xuyên qua những cánh rừng xanh tốt, xa xa là dãy núi trùng điệp còn vương tuyết trắng, khung cảnh đẹp như những bức tranh của các danh họa.

Rừng Taiga còn nổi tiếng là ngôi nhà của rất nhiều loài động vật từ những động vật ăn cỏ lớn cho đến những loài gặm nhấm nhỏ. Trong quá trình tiến hóa, chúng có nhiều cách để thích nghi và sống sót trong môi trường khắc nghiệt này. Một số loài tích cực kiếm ăn vào mùa hè để tích lũy năng lượng cho thời gian ngủ đông dài. Số khác lại tạo một lớp lông đủ dày để tránh rét vào mùa đông.

Câu truyện về hồ Baikal, về rừng Taiga cứ miên man theo con thuyền rẽ nước đưa chúng tôi đi tham quan. Hai bên rừng cây rậm rạp, những vách núi đá sừng sững, mặt nước mênh mang xanh thẫm khiến tôi có cảm giác như đang ở giữa miền đất xa xôi trong những câu truyện cổ tích Bắc Âu.

SIBERIA BỀ DÀY LỊCH SỬ VÀ ĐAN XEN VĂN HÓA

Cũng chính nhờ khí hậu băng giá khắc nghiệt của Siberia đã giúp gìn giữ biết bao di tích khảo cổ có một không hai từ thời nguyên thủy, giúp con người khám phá những bí ẩn lịch sử của nhân loại.

Đến thăm bảo tàng ngoài trời Listvyanka, tôi mới biết thêm nhiều những câu chuyện thú vị về xứ sở tưởng như chỉ có một màu trắng xóa của tuyết và băng giá. Ít người biết rằng vùng đất Siberia khắc nghiệt trước đây là một vùng đất rộng lớn, trù phú, xanh tươi trước khi có vụ va chạm thiên thạch với trái đất khiến loài khủng long tuyệt chủng và gây ra biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng, địa lý toàn thế giới. Những người đầu tiên sống ở Siberia có từ 45.000 năm TCN, trong suốt thời kỳ đồ đá, đồ đồng, các tộc người sinh sống ở đây khá đông đảo và để lại rất nhiều di tích, hiện vật khảo cổ quý giá mà tới ngày nay chúng vẫn được lưu trữ, nghiên cứu tại các viện bảo tàng trên toàn thế giới chứ không chỉ ở riêng Siberia.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Siberia: Khắc nghiệt và kì vĩ

Cách thành phố Irkutsk không xa, Bảo tàng Kiến trúc bằng gỗ và Dân tộc học Taltsy cũng là điểm đến bạn không thể bỏ qua. Bảo tàng này được thành lập vào năm 1966, mở cửa đón khách vào tháng 7/1980 và từ đó trở thành điểm dừng chân nổi tiếng trên đường đến hồ Baikal. Bảo tàng Taltsy đưa du khách tham quan 40 di tích kiến trúc lịch sử và hơn 8.000 triển lãm khác nhau, nơi mà bạn có thể tìm hiểu cuộc sống của người Siberia qua nhiều thế kỷ.

Siberia là vùng địa lý rộng lớn và có lịch sử phát triển dài lâu nên có rất nhiều chủng người cùng sinh sống. Họ chủ yếu là người Nga và người gốc Xlavơ, phần lớn sống ở phía Nam, dọc theo tuyến đường sắt xuyên Siberia. Một số tộc người có nguồn gốc Mông Cổ đã sống ở đây từ rất lâu, và một số dân tộc thiểu số khác như Ket, Evenk, Chukchi , Koryak và Yukaghir… Ngày nay, ở Siberia vẫn còn tồn tại một số tộc người có dân số vài chục đến vài trăm người, quây quần thành nhóm nhỏ trong rừng, thảo nguyên, sâu phía trong núi hoặc ở các đảo. Nhiều tộc người sắp có nguy cơ biến mất như: Evenki, Tofalar, Nanai, Ulchi, Dolgan, Udege, Tazy, Uilta, Sakha… Họ thuộc rất nhiều sắc tộc, mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, có những ngôn ngữ riêng, sống nhờ săn bắn, hái lượm,…

Đến Siberia tôi rất hứng thú với việc tìm hiểu văn hóa, tập quán của những người bản địa. Họ luôn mặc những bộ quần áo dày cộp sặc sỡ làm từ nhiều chất liệu vải, da và đeo các đồ trang sức khá tinh xảo. Họ rất cởi mở, lạc quan và có sức chịu đựng cao để thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt, thường xuyên thay đổi tại xứ Siberia này.

NHỮNG TRANG SỬ BI TRÁNG VÀ HÀO HÙNG

Siberia cũng đã trải qua rất nhiều cuộc xâm lược và bị chia cắt, thống lĩnh bởi người Mông Cổ, Trung Quốc rồi đến người Turkistan từ thế kỷ 13 đến 16. Năm 1661, khi Hãn quốc Siberia bắt đầu suy yếu, những người Cozak đầu tiên từ phía Tây băng qua những dòng sông bằng những con thuyền gỗ thô sơ tới Siberia và đặt nền móng cho sự xâm lược và thống trị vùng đất này của nước Nga. Nhờ những người lính Cozak, quân đội Nga bắt đầu lớn mạnh và kiểm soát sang phía Đông, vươn tới bờ Thái Bình Dương vào giữa thế kỷ thứ 17. Người Cozak có nguồn gốc từ phía Nam của Đông Âu và phần châu Á của nước Nga, nổi tiếng vì sự độc lập và các kỹ năng quân sự, đặc biệt là tài cưỡi ngựa bởi họ thường sống trên các thảo nguyên rộng lớn. Sau này họ trở thành người đóng vai trò lớn trong việc gìn giữ hòa bình và phát triển của vùng Siberia.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Siberia: Khắc nghiệt và kì vĩ

Siberia còn được biết đến là vùng đất lưu đày tàn khốc của những tù nhân Nga hoặc những người dân tộc bị Nga cai trị, điển hình là người Ba Lan. Vào năm 1940, hàng trăm nghìn người dân Ba Lan đã bị lưu đầy đến các trại lao động và các “địa ngục nhà tù Gulag” tại Siberia bằng các toa tàu chật kín người và những ngày đi bộ khổ hạnh đến vùng đất giá lạnh. Có nhiều người nói rằng chỉ còn 1/3 số người Ba Lan sống sót và đến được Siberia để tiếp tục cuộc sống khắc nghiệt ở đây. Ngoài việc phải lao động khổ sai, đời sống kham khổ, họ còn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và đương đầu với vô vàn nguy hiểm luôn rình rập từ rừng Taiga. Thú dữ, côn trùng hút máu hay những loại cây độc lúc nào cũng có thể cướp đi mạng sống của họ.

Nhắc tới các cuộc lưu đày của tù nhân Nga, phải kể tới Cuộc nổi dậy tháng 12 (Decembrist) năm 1825 chống lại Sa hoàng Nicholas I vừa lên ngôi. Sau thất bại của cuộc nổi dậy tự phát này, 121 quý tộc và những người có quan hệ với hoàng tộc tham gia nổi loạn đã bị đày đến Siberia. Chính thời gian khổ ải tại Siberia đã khiến nhiều trí thức Nga tôi luyện ý chí, sống sót và tạo nên nhiều tác phẩm để đời, góp phần xây dựng một cuộc sống mới tại Siberia. Ngày nay ở đây còn rất nhiều bảo tàng, nhà thờ, nhà tù, các chứng tích lịch sử, chiến tranh và cả những câu truyện bi tráng, hào hùng được truyền lại qua nhiều thế hệ người Siberia.

Wanderlust Tips siberia khac nghiet va ky vi 07

Những câu chuyện cảm động về những người bị lưu đày biệt sứ, những người khai phá và phát triển vùng đất nghiệt ngã tưởng như không có sự sống này khiến tôi cảm thấy trân trọng khát vọng sống của con người. Chúng tạo động lực và cảm hứng mạnh mẽ cho tôi tiếp tục sống, làm việc, khám phá và chinh phục giữa cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng còn nhiều điều tốt đẹp để hướng tới.

W. TIPS

wanderlust tips ICON 65 1

VISA

Có rất nhiều loại visa để vào Nga, và sau đó đi tới Siberia, nhưng phổ biến nhất cho khách du lịch là visa phổ thông. Thường bạn sẽ cần thư mời của các công ty du lịch, khách sạn được cấp phép để gửi kèm đơn xin visa tới Đại sứ quán Nga tại Hà Nội và các Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Phí xin visa là: 460.000VND/người và 920.000VND/người.

wanderlust tips ICON 27 6

DI CHUYỂN

Cách di chuyến nhanh nhất và tiết kiệm nhất từ Việt Nam tới Siberia là chuyến bay nối chuyến tại Bangkok, Thái Lan. Có rất nhiều chuyến bay từ giá rẻ đến hạng sang từ các thành phố của Việt Nam đến Bangkok. S7Airlines cung cấp chuyến bay thẳng từ Bangkok đến Irkutsk với giá vé hợp lý. Bạn có thể bay từ các nước khác đến Irkutsk, từ đây đi du lịch tới các thành phố khác của Siberia cũng rất thuận lợi. Thành phố này có 2sân bay: Sân bay quốc tế Irkutsk và Sân bay Tây Bắc Irkutsk.

wanderlust tips ICON 2 3

THAM QUAN

Siberia rất rộng lớn, bạn cần có kế hoạch tham quan theo các vùng, trong đó nhất định bạn phải tới hồ Baikal, rừng Taiga và dãy núi Altay. Irkutsk là thành phố phát triển và hấp dẫn nhất Siberia, bạn nên chọn một tour tham quan thành phố và ghé thăm các công viên, bảo tàng, triển lãm như Listvyanka, Taltsy; các công trình kiến trúc và đặc biệt là các nhà thờ tuyệt đẹp như Kazanskaya, Epiphany, Cross tại đây. Bạn cũng nên thử ẩm thực của Siberia tại các nhà hàng, quán cà phê.

wanderlust tips ICON 43 1

MUA SẮM

Các thành phố lớn như Novosibirsk và Irkutsk có các trung tâm mua sắm và nhiều chợ địa phương để bạn có thể mua các đồ lưu niệm. Bạn nên mua khăn, các sản phẩm da, trang phục và đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức của các dân tộc với giá khá rẻ so với các nơi khác, khoảng từ 500.000VND đến hơn 1.000.000VND.

Hà Thu | Wanderlust Tips