Sống “khỏe” như người Apatani

Hành trình tới Ziro đầy khó khăn, trắc trở, song dường như, một cuộc sống hoàn toàn khác biệt mà tôi cảm nhận được ở chốn thanh bình này đủ để bù đắp cho tất cả. Ẩn sâu trong ngôi làng còn hoang sơ kia là một lối sống giản dị, lành mạnh và gắn kết chặt chẽ với tự nhiên, từ đời sống vật chất cho tới tinh thần. Và có lẽ chính vì thế, Apatani trở thành một bộ tộc bền vững, lâu đời bậc nhất Ấn Độ dù sống tách biệt với thế giới hiện đại bên ngoài.

[rpi]

wanderlust tips song khoe nhu nguoi apatani3

SỐNG KHỎE NHỜ NHỮNG ĐẶC SẢN LẠ ĐỜI

Đến Ziro, bạn sẽ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, chỉ bằng cách dạo quanh những khu chợ, hay những góc bếp của ngưởi bản địa, dù thoạt trông có vẻ sơ sài.

Ghé thăm nhà nhạc sĩ và cũng là “nhà văn hoá” Hage Komo, chúng tôi mới may mắn được thưởng thức một chút thịt gác bếp có tuổi thọ hơn… 30 năm ăn kèm với muối thảo dược truyền thống của người Apatani, gọi là tapyo. Theo lời Komo thì trong các lễ hội hay cưới xin, lễ sinh con,…nói chung là các sự kiện quan trọng nhất, người Apatani thường đặt lên bàn thờ thần linh một đĩa muối tapyo kèm một tảng thịt gác bếp đã được để qua nhiều thập kỷ. Và hai món này cũng là đặc sản thiết đãi khách phương xa để tỏ lòng mến khách của người bản xứ.

Tapyo là một loại muối dược liệu truyền thống rất đặc biệt của người Apatani. Nhờ Tapyo mà dù cho có hít khói hàng ngày thì hệ hô hấp của người Apatani vẫn rất tốt. Tapyo được chế biến từ tro của một số loại cỏ và lá cây trong vùng như: măng, sarshe và pepu. Theo lời của những người trong làng thì loại cây pepu còn có công dụng điều trị ho, sốt và kháng khuẩn tốt.

Để làm ra muối tapyo, người ta phải thực hiện nhiều công đoạn. Các loại lá cây sau khi được hái về sẽ được phơi khô, rồi đốt cháy. Lớp tro đó được thu lại và bỏ vào một tấm lọc bằng tre, gọi là sader. Sau đó họ dùng nước để lọc lấy nước từ tro. Phần nước này tiếp tục được đổ vào đun cùng một ít nước tinh bột từ gạo. Họ sẽ đun dung dịch này trên lửa từ 5 – 7 tiếng. “Cần khoảng 15 lít nước để cặn “muối” đạt được độ dày khoảng 3cm thì quá trình đun kết thúc” – Punyo Assu, vợ Komo cho biết.

wanderlust tips song khoe nhu nguoi apatani1

Nhưng chưa hết, sau khi lớp cặn đã nguội thì họ lại tiếp tục phải bọc vào một loại lá gọi là lolly. Chiếc bọc này sẽ được đặt trên một lò bia lên men trong ba ngày. Sau ba ngày, chất muối cặn được hấp thụ đủ hơi của bia, gạo và nhiệt độ phù hợp thì sẽ được mang đi dùng. “Nó rất tốt cho sức khoẻ đấy, nó có iot và có thể chữa được nhiều bệnh” – Komo khoe.

Chúng tôi liếc nhìn đĩa muối kỳ lạ có tên tapyo, nó là một chất bột hơi ẩm và có màu đỏ nhạt, đã kết lại khô như đất sét. Hiếu kỳ, tôi nhón một miếng thịt đầu tiên chấm vào đó. Một chút lạnh lạnh ở đầu lưỡi, tapyo có vị mặn nhờ nhợ, với tôi thì khá khó ăn. Nhưng Komo lại nói “Loại gia vị này luôn kích thích vị giác của chúng tôi. Chúng tôi không có biển, từ hàng trăm năm qua chúng tôi đã sử dụng nó. Giờ đây đã có muối khoáng, nhưng chúng tôi vẫn thích ăn loại muối này. Bên ngoài, nó được bán với giá 6USD/kg” – Komo cho biết.

Cùng với muối tapyo, chúng tôi cũng cố gắng để ăn vài miếng thịt gác bếp có tuổi thọ hơn 30 năm của người Apatani. Nó có màu đen, rất cứng, và mùi hơi khó chịu. Nhưng đây là một tài sản quý trong mỗi gia đình Apatani. Có những tảng thịt đã được để qua… nửa thế kỷ, ngang với gần một đời người. Và vào mỗi dịp quan trọng họ chỉ dùng một miếng nhỏ để dâng lên tổ tiên, thần linh.

Khi món thịt đã hết, Punyo Assu tiếp tục mang ra vài con cá nhỏ xíu bằng ngón tay để nướng. Rồi chia cho mỗi người một ít. Michi Tajo giải thích rằng những con cá này là món ăn quý ở đây. Tuy được nuôi ở đồng ruộng nhưng không thể nuôi quá nhiều cá nên ở Ziro chúng được bán với giá cao. Chúng tôi hiểu rằng, mình là những vị khách may mắn.

THIÊN NHIÊN – SUỐI NGUỒN SỰ SỐNG BỘ LẠC APATANI

wanderlust tips song khoe nhu nguoi apatani4

Qua cách sinh hoạt, ăn uống của người Apatani, tôi đã cảm nhận được cuộc sống của họ vốn gắn liền với tự nhiên. Và thực tế, Apatani là một trong số rất ít bộ tộc trên thế giới tôn thờ thiên nhiên. Những lá cờ trắng mang biểu tượng mặt trăng và mặt trời màu đỏ được dựng khắp nơi trong các ngôi làng tre của người Apatani. Ngọn cờ này bắt nguồn từ một tôn giáo đặc biệt mà người Apatani tôn thờ, được gọi là Danyi-Piilo là Mặt trời (Ayo Danyii) và Mặt trăng (Atoh Piilo). “Danyii-Piilo là chúa trời, là nguồn ánh sáng dẫn đường chỉ lối, là nguồn năng lượng của cuộc sống, là người bảo vệ cho các sinh vật trên thế giới” – Bullo Boga, một thầy phù thuỷ người Apatani trong làng cho biết.

Trong tâm linh của những người Apatani, Mặt trăng và Mặt trời giống như cha mẹ và luôn đại diện cho sự thật, công lý, vẻ đẹp, đạo đức, tình yêu và sự tốt lành. Bởi vậy họ cũng có những nghi lễ riêng với những vật cúng tế đặc biệt để bày tỏ sự tôn kính và lòng biết ơn đến thần Danyi-Piilo. Người Apatani có hai lễ hội lớn, Myoko và Dree.

Myoko là lễ hội mùa xuân, đại diện cho sự hữu nghị và thịnh vượng. Lễ hội này được tổ chức suốt 10 ngày từ 20/3 đến 30/3 hàng năm. Vào ngày này những người đàn ông trong làng sẽ mang những cành lá cây từ rừng vào làng để tạo ra một ngôi nhà tạm trú, (được gọi là nago) cho linh hồn tổ tiên đến, nghỉ ngơi và xem các lễ hội. Tại lễ hội Myoko, thầy phù thuỷ (shaman) của bộ tộc sẽ tiến hành làm nghi thức hiến tế lợn, gà và mithun trong thời khắc bình minh. Lễ hội này là một trong những hoạt động quan trọng nhất của cộng đồng người Apatani. Người Apatani gửi gắm những lời cầu nguyện về sự thịnh vượng, tình yêu thương trong lễ hội Myoko.

Khác với Myoko, lễ hội Dree là một lễ hội nông nghiệp, được tổ chức từ ngày 4/7 đến 7/7 hàng năm. Người Apatani tin rằng Dree sẽ giúp họ có một vụ mùa bội thu. Tại lễ hội này, dân làng sẽ cúng tế chim, trứng, gà và Mithun cho 4 vị thần chính là: Tamu, Metii và Danyi, Harniang. Trong đó, thần Tamu được cầu nguyện để chống lại côn trùng phá hoại mùa màng; thần Metii được cầu nguyện để xoá bỏ nạn đói và dịch bệnh; thần Harniang được cầu nguyện để giữ đất được màu mỡ tốt tươi, giúp lúa không bị khô hạn; và cuối cùng là thần Danyi được cầu nguyện để bảo vệ cộng đồng người Apatani và ban cho họ một cuộc sống thịnh vượng.

wanderlust tips song khoe nhu nguoi apatani2

Gắn bó với tự nhiên, do đó “linh vật” biểu trưng cho sức mạnh, sự thịnh vượng của bộ tộc Apatani cũng là một loài bò tót sừng ngắn sống hoang dã trong rừng, còn gọi là gayal hay mithun. Trong nhiều gia đình, bạn có thể thấy đầu sừng mithun treo một cách trang trọng chính giữa nhà. Người Apatani không bao giờ gọi Mithun là “con” mà sẽ gọi là “ngài Mithun”. Chúng tôi thắc mắc: “Vậy muốn có mithun thì phải vào rừng săn bắt sao?” Taro liền chỉnh lại: “Không phải săn bắt mà phải gọi là ‘rước về’“. Mithun rất thích muối, vì thế rất dễ dụ dỗ và thuần hóa”. Mithun có một giá trị rất cao trong tín ngưỡng của người Apatani và vì vậy, hiến tế mithun trở thành tập tục tồn tại lâu đời trong các nghi lễ truyền thống như cưới hỏi ở đây.

Dù rằng, một cô gái ở thế giới hiện đại như tôi sẽ thật khó để quen với nhiều tập tục, hay cả những món đặc sản mà người Apatani đã gắn bó qua nhiều thế hệ. Song tận sâu trong tiềm thức, tôi cảm nhận được rõ ràng cội rễ sức mạnh bền bỉ của bộ tộc này, đó chính là sự gắn kết và trân trọng Mẹ Thiên Nhiên thể hiện trong từng tập quán, nếp sống và cả tâm tưởng.

Mai Hương | Wanderlust Tips