Nghe bánh kể chuyện – linh hồn của tết đoàn viên

Ngày trung thu đang cận kề, lòng người dọn bớt những ngổn ngang bộn bề của cuộc sống để ngồi bên nhau thưởng trăng, ăn miếng bánh ngọt, nhấp ngụm trà xanh và “nghe” bánh trung thu kể chuyện ân tình, chuyện đời xưa và cả chuyện đời nay.

wanderlust tips nghe banh ke chuyen linh hon cua tet doan vien

TỪ HƯƠNG VỊ KÝ ỨC

Trong kí ức của tôi, dường như khi những câu hát đồng dao bắt đầu vang lên đều đặn hơn trên môi của những đứa trẻ cùng làng thì ấy là đã sắp đến Tết trung thu, sắp được ăn chiếc bánh nếp màu bạch ngọc thoảng mùi hương bưởi và bánh nướng thập cẩm màu nâu già thơm phức.

Tết trung thu là ngày lễ đã có từ cả ngàn năm trước. Không chỉ là ngày để người nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa lao động vất vả, Tết trung thu trong văn hóa truyền thống Á Đông còn là dịp để người thân, bạn bè hội ngộ, đoàn viên, là lúc để con cháu sắm sửa đồ lễ, cúng dâng gia tiên, tạ ơn vì một vụ mùa đã qua và cầu mong những điều tốt đẹp cho ngày sau.

TỚI TINH HOA ẨM THỰC Á ĐÔNG

Cũng như Tết trung thu là ngày truyền thống chung của các nước Á Đông thì bánh trung thu cũng không phải chỉ có riêng ở một quốc gia nào. Văn hóa ẩm thực vốn có tính cộng hưởng, kế thừa và hòa nhập rất nhanh nên bánh trung thu từ lâu đã là món bánh mang tinh thần đoàn viên và phước lành tròn vẹn, đại diện cho ngày Tết trung thu của một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Myanmar…

Nếu nói về sự đẹp mắt và tinh tế thì món bánh trung thu của Nhật Bản có lẽ phải đứng đầu. Bánh trung thu của đất nước mặt trời mọc là bánh nếp, viên bánh tròn màu trắng trong tượng trưng cho vầng trăng, được gọi là “Tsukimi Dango”. Cầu kỳ hơn thì họ trang trí viên bánh thành hình dáng chú thỏ ngọc rất đáng yêu rồi xếp bánh thành hình tháp, đặt trước hiên nhà, bên khung cửa sổ hoặc ở nơi nào có thể ngắm trăng đẹp nhất để thưởng thức bánh Tsukimi Dango với nước trà, mật mía và bột đậu nành Kinako.

Trái với khái niệm “tròn trịa viên mãn” của người Nhật, người Hàn Quốc lại tin rằng sự “hao khuyết” mới là nền tảng của sự sống hết vơi lại đầy, là biểu tượng của sự may mắn, sinh sôi nảy nở. Thế nên vào dịp Trung thu, người dân Hàn Quốc lại cùng nhau làm bánh dẻo bán nguyệt Songpyeon. Ngoài việc dùng màu trắng của bột nếp tinh làm chủ đạo, họ còn dùng bột trà xanh hoặc nước cốt lá ngải cứu để tạo màu xanh, bí đỏ tạo màu vàng, nước ép quả dâu tạo màu hồng rồi hấp bánh với một ít lá thông tươi để bánh Songpyeon vừa có mùi thơm đặc trưng và hấp dẫn thị giác hơn.Minh Hà – cô bạn đã làm dâu 10 năm ở xứ sở kim chi kể cho tôi rằng: “Bánh trung thu Hàn Quốc không khó làm. Người dân ở đây tin rằng, những cô dâu tương lai khéo tay nặn những chiếc bánh songpyeon đẹp đẽ, thơm ngon thì sẽ lấy được một người chồng tốt nết, đẹp trai. Còn những ai đã có gia đình và đang mang bầu, thì sẽ sinh con gái ngoan ngoãn, giỏi giang và xinh xắn, đáng yêu như mặt trăng vậy.

Còn ở Trung Quốc, mặc dù cùng có chung các nguyên liệu cơ bản như mứt bí, đậu xanh, hạt sen, trứng muối… nhưng ở mỗi vùng miền lại có những hương vị, màu sắc, hình dáng khác nhau. Trong khi bánh trung thu Tô Châu hình tròn, vỏ mỏng, nhân đậu xanh trứng muối ăn rất ngọt và béo thì bánh trung thu Quảng Đông có mùi vị và hình thức giống hệt bánh trung thu thập cẩm của chúng ta. Với bánh trung thu Đài Loan, là loại bánh trung thu “ngoại quốc” duy nhất tôi đã từng ăn thì thấy nó có vị mềm mịn và hình dáng giống như bánh ngàn lớp. Vỏ ngoài thô ráp, xù xì nhưng bên trong mềm mịn, thơm nức là bánh trung thu của Philippines có tên Hopia. Hoặc đặc biệt hơn bạn có thể nếm thử bánh trung thu sầu riêng của Thái Lan.

wanderlust tips nghe banh ke chuyen linh hon cua tet doan vien3

BÁNH TRUNG THU VIỆT – HÀNH TRÌNH TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI

Khi còn nhỏ, trong những ngày Tết trung thu, lũ trẻ con chúng tôi luôn ganh đua nhau xem xóm nào làm đèn ông sao to nhất, lớp nào bày mâm cỗ đẹp nhất nhưng cũng cùng có chung niềm mong ngóng về món bánh ngọt ngào một năm chỉ được thưởng thức một lần.

Đối với người dân Việt Nam như gia đình tôi, bánh trung thu không đơn giản là một loại đồ ăn. Đó còn là biểu tượng của sự đoàn viên, sum vầy. Bởi vậy dù không quá thèm thuồng một miếng bánh ngọt ngào, trong ngày Tết trung thu, trong mỗi gia đình bất kể giàu nghèo đều có cặp bánh cúng ông bà tổ tiên, trời đất. Bánh trung thu xưa chỉ gồm bánh nướng và bánh dẻo với một loại nhân duy nhất là thập cẩm. Nhân bánh dẻo được làm từ mứt bí, hạt dưa, hạt sen, vừng rang, lạp xường. Nếu vỏ bánh dẻo mềm mại bao nhiêu thì vỏ bánh nướng thơm ngậy và xốp giòn bấy nhiêu. Nhân bánh cũng nhiều hơn và có thêm mỡ phần thái hạt lựu tăng thêm vị béo ngậy thơm ngon cho mỗi miếng bánh. Hương vị đặc trưng của bánh nướng là lá chanh. Khuôn bánh dẻo bao giờ cũng hình tròn còn bánh nướng hình vuông, tượng trưng cho trời đất.

Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, dường như ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu ít nhiều đã phai nhạt hơn. Tôi ít còn được thấy những đứa trẻ vui mừng vì được ăn miếng bánh nướng, bánh dẻo hay hình ảnh những gia đình trùng phùng đón Tết đoàn viên. Ngay cả bánh trung thu cũng vậy, ẩm thực hiện đại đã cho ra đời rất nhiều loại bánh với các loại nhân đặc sắc, mẫu mã khác nhau. Bánh ngày nay cũng không thuần túy chỉ là nhân thập cẩm như xưa mà còn được biến tấu với nhiều hương vị đa dạng như vị trà xanh, phô mai, thậm chí cả yến sào, đông trùng hạ thảo, bào ngư, nhân sâm, vi cá… Nếu ví bánh trung thu hiện đại như một cô gái phương Tây rực rỡ, hấp dẫn, thì bánh trung thu cổ truyền như một cô gái phương Đông dịu dàng, tinh tế. Dù hình thức thế nào, mục đích của bánh trung thu cuối cùng vẫn là mang đến niềm vui và sự viên mãn cho ngày Tết đoàn viên, ấy mới là điều đáng quý.

wanderlust tips nghe banh ke chuyen linh hon cua tet doan vien5

Vì là một người cứ mãi hoài niệm về ngày cũ, tôi vẫn tiếc nuối cho rằng sẽ không còn tìm thấy được những phong vị xưa của ngày tết truyền thống này, nhưng trong một dịp đi cùng chị đồng nghiệp là người gốc Hà thành, len lỏi qua từng góc phố cổ để tìm mua chiếc bánh trung thu truyền thống tôi mới nhận ra mình đã lầm. “Người Hà Nội gốc ai cũng “trung thành” với bánh nướng, bánh dẻo ngày xưa. Không chỉ an toàn, thơm và đúng vị hơn mà quan trọng là ăn những chiếc bánh này mới thấy lại được những ký ức về ngày tết trung thu của tuổi thơ”, chị nói.

Giấu mình giữa thế giới bánh trung thu hiện đại sặc sỡ, bánh trung thu truyền thống vẫn có sức sống riêng như mạch ngầm không bao giờ cạn. Trong hằng hà sa số những tiệm bánh lộnglẫy, người ta vẫn tìm đến những cửa hàng bánh trung thu với mặt tiền nhỏ và biển quảng cáo cũng nhỏ nốt ở Hàng Bè, Mã Mây, Hàng Than, Hàng Đường… để mua một cặp bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền cúng ông bà, tổ tiên, trời đất. Bởi miếng bánh ấy như một sự kết nối thầm lặng mà thiêng liêng với quá khứ, với những ký ức tuổi thơ.

Bố tôi kể rằng, trong kí ức của Người, Tết trung thu đơn giản mà ấm áp lắm. Sau những ngày mùa vất vả, các gia đình lại tụ tập cùng nhau mừng mùa trăng tròn. Trong khi mâm cỗ trung thu được dâng lên cúng gia tiên, thì lũ trẻ đầy phấn khích, từng nhóm từng nhóm cầm đèn ông sao được làm thủ công đi vòng vòng khắp các xóm, các làng. Đi theo chúng là tiếng trống, tiếng cười nói náo động, nhưng đứa nào cũng nghiêng ghé kẻo cháy mất lớp bóng kính mỏng manh trên cây đèn nhỏ. Rước đèn về, sà vào mâm cỗ, bóc từng múi bưởi thơm, nếm từng miếng bánh ngọt ngào, đó sẽ là những thức quà nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé của nhiều thế hệ người Việt, trong đó có tôi.

CỬA HÀNG BÁNH TRUNG THU CỔ TRUYỀN Ở VIỆT NAM VÀ TRÊN THẾ GIỚI

1. TIỆM BÁNH NINH HƯƠNG
♦ Địa chỉ: 22 Hàng Điếu, Hoàn Kiếm, Hà Nội
♦ SĐT:+8424 3825 1148
♦ Giờ mở cửa: 09:00 – 20:00
♦ Mức giá: từ 40.000VND/chiếc

2. TIỆM BÁNH BÀ DẦN
♦ Địa chỉ: 52 Hàng Bè, Hoàn Kiếm hoặc 126 ngõ 554, Trường Chinh.
♦ SĐT: +8424 3926 1042
♦ Mức giá: từ 45.000VND/chiếc
♦ Website: http://banhtrungthubadan.vn/

3. TIỆM BÁNH PHƯƠNG DIÊM THUẬN
♦ Địa chỉ: 108 -110 Phạm Phú Thứ, P3, Q6, TP HCM
♦ SĐT:+8428 3854 4599 – +8428 3967 0388
♦ Mức giá: từ 52.000VND/chiếc
♦ Website: http://phuongdiemthuan.com/mobile/#

4. BÁNH TRUNG THU ĐÔNG HƯNG VIÊN
♦ Địa chỉ: 176 – 177 Bãi Sậy, Phường 4, Quận 6, TP HCM
♦ Điện thoại: +8428 3967 0988 – +8428 3967 0989
♦ Mức giá: từ 55.000VND/chiếc
♦ Website: http://donghungvien.com.vn/

5. XING HUA LOU – 杏花楼
♦ Địa chỉ: 343 Fuzhou Lu, near Shandong Zhong Lu, Thượng Hải, Trung Quốc
♦ Điện thoại: +86 21 6373 1777
♦ Web: www.xinghualou.org

6. JIANG MAI TANG (TRƯỚC ĐÂY LÀ L’ATELIER)
♦ Địa chỉ: No. 6, Tower 20, Central Park, 6 Chaoyangmen Wai Dajie, Bắc Kinh, Trung Quốc
♦ Điện thoại: +86 010 6597 0724
♦ Giờ mở cửa: 08h – 19h
♦ Website: http://jiangmaitang.com/

7. YU AI
♦ Địa chỉ: Lot 6596, Kawasan Perindustrian Kampung Balakong, Jln KPB 12/B, Balakong, 43300 Seri Kembangan, Selangor, Malaysia
♦ Điện thoại : +603-8962 2233
♦ Email : customer.care@taithong.com.my.
♦ Website : http://www.yu-ai.com.my

8. FOH SAN
♦ Địa chỉ: 51, Jalan Leong Sin Nam, 30300 Ipoh, Perak Darul Ridzuan, Malaysia.
♦ Website: www.princehotelkl.co
♦ Điện thoại: +605 254 0308
♦ Giờ mở cửa: Thứ 4 đến thứ 2 từ 6h30 – 14h30

9. THE BAKER’S COTTAGE
♦ Địa chỉ: 24, Persiaran Ara Kiri, Lucky Garden, Bangsar, 59100 Kuala Lumpur, Malaysia
♦ Điện thoại: +603-7980 8086 / +603-2095 2293
♦ Giờ mở cửa: 9h30 – 22h00
♦ Email: tbcsales@thebakerscottage.com.my
♦ Website : http://www.thebakerscottage.com

10. BAKERZIN
♦ Địa chỉ: 18 Marina Garden Drive #03-03 Singapore 018953
♦ Điện thoại: +65 6604 7370
♦ Mức giá: Từ 52.34USD/hộp (khoảng 1.119.000VND)
♦ Giờ mở cửa: thứ hai đến thứ 6 từ 10h00 – 21h30
♦ Website: https://www.bakerzin.com

Thu Hoài | Wanderlust Tips