Sự lên ngôi của máy bay hai động cơ so với bốn động cơ trong ngành hàng không
- 04/01/2018
- PHƯƠNG TIỆN
- Airbus A330, Airbus A340, Boeing 747, Boeing 777, hỏng động cơ máy bay, máy bay bốn động cơ, Máy bay hai động cơ
Do ngốn quá nhiều nguyên liệu cộng thêm việc công nghệ hàng không ngày càng phát triển mà các máy bay sử dụng 3 động cơ như MD11 hoặc 4 động cơ như Boeing 747 và Airbus A340 ngày càng lui vào dĩ vãng. Thay vào đó là sự lên ngôi của dòng máy bay 2 động cơ, tiêu biểu là Airbus A330 hay Boeing 777.
[rpi]
Máy bay hai động cơ và máy bay bốn động cơ
Nhiều người cho rằng đi máy bay có 4 động cơ thì an toàn hơn máy bay 2 động cơ. Nhưng trong thực tế, các loại máy bay chỉ có 2 động cơ phản lực nhưng lại thực hiện những chuyến bay tầm xa liên lục địa ngày càng gia tăng, trong khi các chiếc 4 động cơ đang nối tiếp nhau nghỉ hưu sớm. Lý do là vì động cơ máy bay nay rất hiện đại, mạnh, an toàn. Giới chức năng hàng không Mỹ và châu Âu nay cấp chứng nhận bay an toàn thêm 5, 6 tiếng đồng hồ cho các máy bay 2 động cơ.
Trước đây không lâu, các loại máy bay thân rộng, với 3 (chẳng hạn như MD11) hoặc 4 động cơ (như Boeing 747, Airbus A340) thường được sử dụng trong những chuyến bay đường dài xuyên đại dương, vì ngành hàng không cho rằng độ an toàn của máy bay lệ thuộc vào con số các động cơ. Tuy nhiên, do các động cơ tuốc-bin khí hiện đại đã trở nên đáng tin cậy hơn, việc hỏng hóc ít xảy ra. Kết quả là, hầu hết các hãng bay đã chuyển sang loại 2 động cơ, sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn.
Ví dụ như đối với máy bay Airbus A340, mặc dù 4 chiếc động cơ này ngoài mang đến ngoại hình độc cho A340 nhưng chúng lại ngốn khá nhiều nhiên liệu. Do vậy, cùng với việc công nghệ càng ngày càng phát triển, độ tin cậy cũng như mức độ tiêu thụ nhiên liệu của động cơ cũng ít đi, các hãng hàng không dần ngưng sử dụng A340 để chuyển sang những sử dụng các loại máy bay 2 động cơ với khả năng kinh tế và an toàn cao hơn như Airbus A330 hay Boeing 777. Với các chuyên gia, sự ra mắt của Boeing 777, đặc biệt là 777-200LR gần như đã chính thức đưa A340 vào quên lãng.
Theo các chuyên gia hàng không, với chỉ hai động cơ phản lực, dòng máy bay 777 đã góp phần quan trọng làm xóa mờ quan niệm rằng để bay đường xa được an toàn phải cần đến máy bay gắn 4 động cơ phản lực (dòng 747 của Boeing; dòng A340 của Airbus) hoặc 3 động cơ (như MD-11 nay gần như tuyệt tích).
777 là loại máy bay 2 động cơ phản lực đầu tiên được Cục Quản trị Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận ETOPS 180 (extended-range twin-engine operations), tức dù bị hỏng một động cơ nhưng vẫn có thể bay an toàn thêm 180 phút trên đại dương hoặc nơi hoang vu rồi mới hạ cánh khẩn cấp ở sân bay gần nhất. Nhờ vậy, nhiều hãng đã có thể khai thác các tuyến bay non-stop kéo dài 15-16 tiếng đồng hồ, từ New York đến Hồng Kông; từ Los Angeles đến Singapore; từ Los Angeles đến Auckland (Úc)…
Ngày nay, động cơ của các nhà sản xuất máy bay ngày càng hiện đại, không chỉ mạnh hơn mà còn “sạch, xanh” hơn rất nhiều so với những loại động cơ phản lực của các thế hệ trước. Bây giờ có động cơ cho phép máy bay dù chỉ với 2 cỗ máy nhưng vẫn đạt chuẩn ETOP 240. Điều này đã lần đầu diễn ra hồi tháng 11/2009 với kiểu máy bay A330 của Airbus. Đến tháng 12/2011, Boeing cũng được FAA cấp chứng nhận ETOPS 330 cho các kiểu: 777-200ER trang bị động cơ GE 90; 777-200LR; 777-300ER và 777 Freighter.
Phi công sẽ làm gì khi máy bay hỏng động cơ?
Thông thường trong buồng lái, các phi công được trang bị hệ thống tra cứu các chỉ dẫn cách xử lý khi gặp những tình huống bất ngờ, bao gồm cả việc tất cả động cơ máy bay bị mất điện.
Theo các phi công dày dạn kinh nghiệm, máy bay có khả năng trượt trên không và có thể hạ cánh an toàn ngay cả khi tất cả động cơ đều hỏng. Kể cả những máy bay cỡ lớn cũng có thể trượt trên không trung một quãng dài, đồng nghĩa với việc chúng hoàn toàn có cơ hội đáp xuống được đường băng.
Trả lời trên Daily Mail, một cơ trưởng chuyên bay đường dài ở Anh cho biết: “Thông thường một máy bay có thể trượt khoảng 3km cho mỗi 300m độ cao”. Tức là nếu đang ở độ cao 12.200m, máy bay có thể đáp xuống cách đó 130km”. Ông nói thêm: “Tất cả phi công đều được đào tạo kỹ thuật lái trượt, nhưng là để có thêm thời gian cho động cơ hoạt động trở lại, do việc hạ cánh xuống đất thành công từ độ cao hơn 12.000m mà không có động cơ là điều vô cùng khó khăn”.
Patrick Smith, tác giả cuốn Cockpit Confidential (tạm dịch “Bí mật buồng lái), viết: “Điều đó cũng giống như tắt máy xe hơi lúc xuống dốc. Xe vẫn tiếp tục đi, và máy bay cũng thế”. Theo ông, hầu như mọi chuyến bay đều có một khoảng thời gian máy bay trượt xuống gọi là “bay tĩnh”. Trong đó, động cơ về trạng thái không tạo lực đẩy nhưng vẫn hoạt động để vận hành các hệ thống thiết yếu. Tất nhiên, điều đó khác với việc động cơ ngừng hoạt động, nhưng việc bay trượt không có gì khác biệt. Phi công sử dụng kỹ thuật này để cho máy bay hạ độ cao lúc chuẩn bị hạ cánh.
Lịch sử đã ghi nhận, các phi công thương mại đã nhiều lần giải cứu máy bay thành công nhờ kỹ thuật bay trượt. Nổi tiếng nhất là lần do cơ trưởng Chesley ‘Sully’ Sullenberger thực hiện vào năm 2009 trên. Ông đã đưa máy bay đáp xuống sông Hudson sau khi động cơ hỏng do chim đâm vào. Toàn bộ 155 hành khách và phi hành đoàn đều sống sót.
Một sự kiện khác là chiếc Boeing 747 của British Airways bay qua tro bụi núi lửa trên đường tới Jakarta vào năm 1982 khi còn cách đích 180km. Bốn động cơ của máy bay ngừng hoạt động. Tổ bay đã cho máy bay trượt từ độ cao 11.300m xuống 3.600m và khởi động lại thành công. Máy bay hạ cánh an toàn dù phi công không nhìn được, do kính buồng lái dính tro bụi núi lửa. Việc bay trượt đem lại cho họ 20 phút quý giá để khởi động động cơ.
TH | Wanderlust Tips | Cinet