Tết Hàn thực và những câu chuyện văn hóa thú vị bên đĩa bánh trôi, bánh chay
- 02/04/2022
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- Ẩm thực Việt Nam, bánh chay, bánh trôi, bánh trôi bánh chay, Editor picks, Tết Hàn thực
Ngày Tết Hàn thực với món bánh trôi, bánh chay đặc trưng từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong phong tục tập quán của người dân Việt.
[rpi]
Tết Hàn thực trong tâm thức người Việt
Tết Hàn thực vào ngày mùng 3/3 (âm lịch) là một ngày Tết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tương truyền rằng, vào thời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công đã không may đốt rừng làm thiêu chết trung thần Giới Tử Thôi. Để tưởng nhớ Thôi, vua đã cho lập miếu thờ và hạ lệnh phải kiêng đốt lửa 3 ngày từ 3/3 – 5/3 âm lịch hàng năm, và sau này trở thành Tết Hàn thực. Theo đó mọi người sẽ dùng thức ăn lạnh như một cách để tưởng nhớ người đã khuất.
Sau này người Việt ta cũng theo tục ấy và ăn Tết Hàn thực vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm nhưng thay đổi cho phù hợp với phong tục, văn hóa của người Việt. Tết Hàn Thực ở Việt Nam không cần kiêng lửa; làm bánh trôi, bánh chay để thế cho đồ lạnh và dâng cúng trên bàn thờ gia tiên để thể hiện lòng thành kính và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhiều điều tốt đẹp.
Ngày Tết Hàn thực trong tâm thức người Việt mang ý nghĩa hướng về tổ tiên, nguồn cội và ghi nhớ công ơn của người đã khuất, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” chứ không có liên quan đến điển tích của Trung Quốc. Ngày này cũng là dịp để cả nhà quây quần gắn kết khi cùng nhau nặn những chiếc bánh trôi, bánh chay, sum họp bên mâm cơm gia đình.
Tết Hàn thực của người Việt có ý nghĩa dân tộc sâu sắc, thể hiện rõ nét những đặc trưng của lối sống và văn hóa giàu bản sắc. Hiện ngày Tết này được duy trì phổ biến nhất ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam và một số tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng,…
Những ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong chiếc bánh trôi bánh chay
“Hàn thực” về nghĩa trên mặt chữ tức là “thức ăn lạnh”. Vậy nên ông cha ta đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay dùng làm món nguội để thờ cúng ông bà tổ tiên trong ngày Tết này. Đây là món bánh đặc trưng không thể thiếu trong ngày này nên Tết Hàn thực còn có tên gọi dân giã khác là Tết bánh trôi – bánh chay.
Chiếc bánh “vừa trắng lại vừa tròn”, dẻo mềm lớp vỏ gạo nếp bên ngoài và đường, đỗ ngọt ngào bên trong là kết tinh của vẻ đẹp văn hóa và nền ẩm thực giàu bản sắc của người Việt. Bởi vậy ẩn chứa bên trong chiếc bánh tròn xinh dân giã, dung dị ấy là nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Tương tự như bánh chưng, bánh dày, hai món bánh trôi, bánh chay với nguyên liệu chính từ bột gạo nếp thơm ngon cũng mang đậm sức sống ý nghĩa của nền văn minh lúa nước Đại Việt. Bánh được làm từ những hạt gạo chính là thành quả của quá trình lao động vất vả, là sản vật sau một mùa lúa bội thu, đem dâng lên ông bà tổ tiên trong Tết Hàn thực như một lời nhớ ơn và cầu cho một năm tiếp theo mưa thuận gió hòa.
Hình tượng của món bánh trôi, bánh chay ngày tết Hàn thực còn được bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ. Theo đó, bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng đã nở ra 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng. Bánh chay tượng trưng cho 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Nên nói đĩa bánh trôi, bánh chay trên bàn thờ gia tiên ngày Tết Hàn thực mang ý nghĩa “uống nước nhớ nguồn” là bởi như vậy.
Độc đáo bánh trôi bánh chay ở mỗi vùng miền
Mang một ý nghĩa chung nhưng món bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực ở mỗi vùng miền lại có những phiên bản khác nhau về tên gọi và cách chế biến.
Ở các tỉnh trung du miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương,… ngày Tết Hàn Thực chỉ phổ biến món bánh trôi chứ không thường làm thêm bánh chay hay nấu chè. Bánh trôi truyền thống có cách chế biến rất đơn giản nên vào ngày này, các em nhỏ đều háo hức khi được mẹ cho cùng nặn bánh.
Gạo nếp sau khi xay thành bột nước sẽ được cho vào túi lọc, treo lên cho đến khi róc hết nước rồi đem nhào thành khối bột dẻo. Khi ấy chỉ cần nhúm một chút bột nhỏ, xoa tròn, ấn dẹt rồi bọc xung quanh một viên đường phên rồi lại xoa tròn là viên bánh trôi đã thành hình. Bánh thả vào nồi nước sôi, sau khi thấy “3 chìm, 7 nổi” là bánh đã chín. Đem bánh chín ngâm vào bát nước lạnh cho săn lại rồi vớt bày ra đĩa, rắc thêm chút vừng là đĩa bánh trôi trắng ngần đã hoàn thành.
Tại Hà Nội, bên cạnh đĩa bánh trôi thì còn thường kèm thêm bát bánh chay ngọt mát. Vỏ bánh cũng là bột gạo nếp được nhào dẻo mịn nhưng nhân bên trong sẽ là đậu xanh nấu chín, giã mịn và trộn với đường kính trắng. Bánh được để trong bát và chan nước bột sắn ướp hoa bưởi tạo hương thanh mát, nồng nàn, phía trên còn rắc thêm chút rừa nạo và lạc vừng béo ngậy.
Trong khi đó, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, món bánh trôi của Tết Hàn thực lại được gọi bằng cái tên Coóng phù. Bánh có nhân lạc và ăn cùng với nước đường mật mía, đun nóng cùng gừng tươi đập dập mang đến mùi vị vừa ngọt ngào, vừa cay sực ấm ấp.
Dẫu cách chế biến có khác nhau, song món bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực ở mỗi vùng miền vẫn mang chung một ý nghĩa, đó là tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn mỗi dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch.
Wanderlust Tips | Cnet