Thả hồn trong không gian sơn thủy hữu tình của Lăng Tự Đức

Với kiến trúc hoa mỹ, những đường nét mềm mại và nằm trong một khung cảnh sơn thủy hữu tình, Lăng Tự Đức được coi là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của cố đô Huế. Tự Đức là một nhà vua hay chữ, có tâm hồn lãng tử, bay bổng, do đó, từng dấu ấn trong quần thể lăng tẩm này đều chứa đựng và mang màu sắc tâm hồn của ông.

[rpi]

VUA TỰ ĐỨC

Tự Đức là Hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn, có tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì. Tự Đức là nhà vua hay chữ nhất trong số các nhà vua của triều Nguyễn. Ông đề cao Nho học, chăm lo việc khoa bảng, thi cử để chọn người có tài văn học ra làm quan. Vua Tự Đức ham học hỏi, có hiểu biết trên nhiều lĩnh vực như thơ văn, lịch sử và nghệ thuật. Ông có nhiều bài thơ bằng chữ Hán, làm sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân, chỉ đạo Quốc sử quán soạn bộ sử lớn “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” hay cho người soạn ra nhiều vở kịch tuồng lớn như “Vạn bửu trình tường” hay “Quần phương hiến thụy”.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đắm mình trong không gian lãng mạn của Lăng Tự Đức

LĂNG TỰ ĐỨC (KHIÊM LĂNG)

Tọa lạc tại một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế), Lăng Tự Đức là một trong những lăng tẩm đẹp và thu hút được nhiều du khách nhất ở Cố đô Huế.

Lăng bắt đầu được xây dựng vào năm 1864, có tên là Vạn Niên Cơ với mong muốn được trường tồn. Để xây dựng lăng, hàng trăm nghìn dân phu, thợ thuyền đã phải làm việc lao động quần quật và vất vả, dẫn đến sự căm phẫn trong dân chúng. Dân gian lúc bấy giờ còn lưu truyền một câu thơ về công trình này là “Vạn niên là vạn niên nào / Thành xây xương lính, đào hào máu dân”. Năm 1866, vì không chịu được cảnh lao động khổ sai, những người xây dựng lăng nổi dậy nhưng bị thất bại. Sau đó, Tự Đức đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Khiêm Cung được đổi thành Khiêm Lăng khi Vua Tự Đức qua đời.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đắm mình trong không gian lãng mạn của Lăng Tự Đức

QUY MÔ VÀ CẤU TRÚC

Lăng Tự Đức lớn gấp 10 lần lăng Gia Long và là một quần thể gồm gần 50 công trình lớn nhỏ dàn trải trên những thế đất cao, và hầu hết tên của những công trình này đều có chữ Khiêm. Cấu trúc của lăng được bố trí đối xứng dựa trên 2 trục dọc song song khác với sự đối xứng cổ điển ở một số lăng khác.

Toàn cảnh lăng Tự Đức trông như một công viên rộng lớn, quanh năm có suối chảy, thông reo và muôn chim ca hát. Đây chính là yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức để tạo nên sự hài hòa của đường nét, nghệ thuật tạo hình không trùng lặp và rất sinh động.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đắm mình trong không gian lãng mạn của Lăng Tự Đức

Khu vực tẩm điện

Du khách phải đi qua một lối đi bằng được lát gạch Bát Tràng gọi cửa Vụ Khiêm, sau đó đến miếu thờ Sơn Thần trước khi đến với khu vực điện thờ, nơi vốn là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Đầu tiên, bạn sẽ bắt gặp bên tay trái là Chí Khiêm Đường, nơi thờ các bà vợ vua. Sau đó, đi qua dãy tam cấp sẽ đến được với Khiêm Cung Môn, một công trình hai tầng dạng vọng lâu với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đắm mình trong không gian lãng mạn của Lăng Tự Đức

Hồ Lưu Khiêm vốn là một con suối nhỏ chảy trong khu vực lăng, sau được đào rộng thành hồ. Đây chính là yếu tố “minh đường” để tụ thủy và tích phúc, đồng thời còn là nơi để thả hoa sen tạo cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, rực rỡ. Ở giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với rất nhiều hoa và những động vật quý hiếm. Trên hồ, Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ thường là nơi để ngắm hoa, làm thơ và đọc sách. Đi qua Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm, bạn sẽ đến được với đồi thông bạt ngàn, như thể đang ở thế giới thần tiên ngay giữa chốn đời thường.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đắm mình trong không gian lãng mạn của Lăng Tự Đức

Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi với điện Hòa Khiêm ở chính giữa (trước để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu), hai bên tả hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Phía sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, nơi thờ bà Từ Dũ, mẹ của Vua Tự Đức. Đặc biệt, nơi đây còn có nhà hát Minh Khiêm, một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam. Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là khu vực chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đắm mình trong không gian lãng mạn của Lăng Tự Đức

Khu lăng mộ

Công trình đầu tiên ở nơi đây chính là Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi. Sau đó là Bi Đình với tấm bia bằng đá nặng 20 tấn. Do không có con nối dõi nên thay tấm bia “Thánh đức thần công” thường thấy ở các lăng khác, vua Tự Đức đã tự soạn thảo bài “Khiêm Cung Ký” để kể công và nhận tội trước lịch sử.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đắm mình trong không gian lãng mạn của Lăng Tự Đức

Sau tấm bia kia chính là hai trụ biểu đứng sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng thể hiện quyền uy và tài đức của nhà vua và hồ Tiểu Khiêm, có hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn của nhà vua được rửa tội. Sau hồ Tiểu Khiêm là Bửu Thành, bức tường thành bao quanh mộ vua với mặt trước là cánh cổng hai tầng mái, được khảm sứ cầu kỳ. Mộ vua được xây dựng bằng đá và có hình dáng như một ngôi nhà.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Đắm mình trong không gian lãng mạn của Lăng Tự Đức

Trong khu vực lăng mộ còn có cả lăng Khiêm Thọ, nơi Lệ Thiên Hoàng Hậu – vợ cả vua Tự Đức, được nghỉ ngơi. Ngoài ra còn có một di ti tích đặc biệt khác là Bổi Lăng, nơi yên nghỉ của vua Kiến Phúc – vị vua thứ 7 của triều Nguyễn. Vua Kiến Phúc được vua Tự Đức nhận làm con nuôi từ khi 2 tuổi, lên ngôi vào năm 1883 nhưng đã đột ngột qua đời, chỉ sau 8 tháng trị vì.

Lăng Tự Đức:

  • Địa chỉ: 17/69 Lê Ngô Cát, Thủy Xuân, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Website: http://hueworldheritage.org.vn
  • Giá vé:
    • Người lớn: 100.000đ
    • Trẻ em: 20.000đ

Wanderlust Tips | Cinet