Thác Damb’ri và câu chuyện tình buồn giữa xứ B’Lao mù sương
- 04/07/2018
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- Lâm Đồng, Tây Nguyên, thác Dambri
Cách thành phố Bảo Lộc 18km, thác Damb’ri hay thác Đợi chờ là dòng thác lớn và cao nhất của cao nguyên Lâm Viên luôn sôi sục suốt đêm ngày như tiếng nức nở của nàng sơn nữ K’ho “đợi chờ” người yêu quay về.
[rpi]
Dường như những địa danh nổi tiếng như ngọn núi, thác nước, thung lũng,.. trên địa bản tỉnh Lâm Đồng đều gắn liền với những huyền thoại, truyền thuyết, những câu chuyện tình lãng mạn nhưng buồn thảm, bi thương.
Thác Damb’ri (Đợi chờ) cũng vậy, nhiều già làng người Kơ Ho đều biết đến chuyện tình buồn này. Chuyện kể rằng, ngày xưa trong vùng rừng núi nơi đây có hai bộ tộc đông con cháu sinh sống, nhưng hai bộ tộc không thuận hòa, thường xảy ra xung đột, tranh chấp gay gắt. Oái ăm thay, dân gian có câu “Cây độc mà trái không độc”, giữa 2 bộ tộc lại có đôi trai tài, gái sắc yêu nhau tha thiết, chàng trai tên là K’Dam và nàng là B’ri. Tuy nhiên, trớ trêu thay, họ bị bộ tộc cấm kỵ không được lấy nhau, sống chung dưới một mái nhà, không được làm chung một cái rẫy,…
Buồn vì mối tình trắc trở, chàng K’Dam đã lặng lẽ bỏ làng ra đi biệt tích vào mãi rừng sâu. Nàng B’ri hay tin đã đi tìm, vượt qua bao nhiêu ngọn núi, con khe, rừng rậm…nàng đi tìm mãi qua bao nhiêu con trăng tròn, lại khuyết, qua bao nhiêu mùa rẫy…vẫn không thấy người yêu. Trở về, nàng B’ri ngồi ở con suối đá đầu làng than khóc, chờ đợi. Nàng cứ chờ, khóc mãi cho đến khi thân xác tan thành đất, biến thành đá. Nước mắt nàng chảy dài thành suối, thành dòng thác bạc giữa mênh mông núi rừng. Thương cảm đôi tình nhân chung thủy, bất hạnh, dân làng hai bộ tộc đã đặt tên cho dòng thác này là thác Damb’ri, ghép hai tên cuối của hai người và theo tiếng Kơ Ho có nghĩa là “Đợi chờ” – Thác “Đợi chờ”.
Bên cạnh đó, truyền thuyết về thác Damb’ri cũng còn nhiều dị bản khác. Ví như, dòng thác bạc đổ xuống từ độ cao gần 100m và tạo thành 3 dòng chảy trắng xóa. Ba dòng thác trắng này gắn với một câu chuyện huyền thoại, đó là mái tóc của 3 cô con gái của vị tộc trưởng giàu có, quyền lực trong làng. Vì bị cha ép gả cho con trai của vị tộc trưởng làng bên khét tiếng gian ác, không nghe theo lời cha, lần lượt 3 cô con gái đã trẫm mình trong dòng thác này quyên sinh.
Ngày nay, thác Damb’ri là điểm đến tuyệt vời trong những ngày hè nắng đẹp. Du khách chắc chắn sẽ được trải nghiệm những giây phút thoải mái với các dịch vụ sinh hoạt gắn với tự nhiên: rừng xanh nguyên sinh cổ thụ tỏa bóng mát rượi; thác nước ngày đêm tung bọt trắng xóa giữa không trung, thưởng lãm không gian văn hóa của người bản địa; thử cảm giác với máng trượt dài nhất Đông Nam Á; nghỉ ngơi ở các phòng khách sạn được thiết kế trong rừng.
Để đến thác Damb’ri có 3 cách do du khách lựa chọn; đó là đi bộ vượt qua khoảng 140 bậc tam cấp bằng đá xuyên qua rừng xanh nguyên sinh ẩm ước, đi thang máy hoặc trải nghiệm cảm giác mạnh với máng trượt xuyên qua nhiều đoạn quanh co, uốn lượn trong rừng, suối nước. Mỗi cách trải nghiệm đều tạo cho du khách những cảm giác riêng biệt về chuyến hành trình khám phá thác Damb’ri – thác “đợi chờ”.
Nếu chọn lối đi bộ theo những bậc tam cấp dẫn xuống thác. Du khách sẽ quan sát và cảm nhận được nhiều góc độ khác nhau của con thác. Đặc biệt là tiếp cận ở vị trí gần thác nhất ngay tại giữa dòng đổ của nước bằng một lối dẫn vào rất an toàn, men theo vách đá luôn có những khe nước nhỏ róc rách rơi xuống. Đứng ở đây mới thấy được sự kiến tạo tài tình của thiên nhiên. Vết đứt gãy của những tầng địa chất ở đất Tây Nguyên luôn tạo nên những điều kỳ thú. Nhất là chỗ đứt gãy của những con sông lớn hình thành nên những con thác hùng vĩ.
Dù gắn liền với câu chuyện tình buồn nhưng thác Damb’ri đã trở thành nơi thề hẹn của các đôi. Damb’ri hiện lên như một minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu trên đất B’Lao thơ mộng.
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cinet