Thanakha còn vương trên má

[Wanderlust Tips tháng 4/2018] Đàn ông Miến có hàng chục cách buộc longyi để thể hiện tính cách của mình thì phụ nữ Miến dường như khi trang điểm gương mặt bằng Thanakha cũng đã nhắn gửi nhiều điều qua từng nét vẽ.

[rpi]

wanderlust tips thanakha con vuong tren ma 3

Bạn sẽ mang những gì trở về sau chuyến du hí tới miền đất Myanmar đẹp thuần khiết đến ngỡ ngàng? Những tấm hình về khoảnh khắc diệu kỳ của làn sương mỏng bảng lảng quẩn quanh trên hàng ngàn đền đài trong buổi bình minh hay hoàng hôn ở Bagan, chiếc Longyi dù là quốc phục nhưng lại quá đỗi thân quen, câu chào Mingalabar còn ngân nga, chiếc vòng đá quý hay những trăn trở về cuộc sống sau chuyến tàu vòng quanh Yangon… Có lẽ, chẳng có câu trả lời nào đúng cho tất cả mỗi người bởi vì ai cũng đã mang về cho mình những thương nhớ Burma, nhớ thương hàng trăm ngàn thứ ở mảnh đất không xa nhưng lạ này. Còn tôi, tôi mang về cho mình những hoài niệm chứa trọn trong vệt Thanakha còn vương vấn trên hai má.

Thật hiếm có nơi nào trên thế giới mà chiếc Longyi – quốc phục của một đất nước lại gần gũi và thân thiện với những người khách du lịch như ở Myanmar. Và có lẽ, cũng chẳng có thứ mỹ phẩm nào lại bình dân và mang trong mình nhiều câu chuyện như thứ bột màu vàng được mài ra từ loài cây cùng tên Thanakha. Ở đó, nơi mảnh đất Bagan đầy khói bụi, cũng có một bảo tàng Thanakha duy nhất trên toàn thế giới. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, Thanakha có gì mà thú vị đến mức ấy, nó chẳng qua cũng chỉ là một loại bột bôi lên mặt như những người thổ dân vùng Nam Mỹ vẫn hay trang trí, chỉ một cơn mưa, chút sữa rửa mặt là chẳng còn lại dấu vết gì nữa.

Nhưng với tôi, sau khi rời Myanmar, thứ vương vấn nhất là vệt Thanakha trên má mình, chúng tròn xoe, vàng rộm và đầy ắp tiếng cười thân thiện của cô gái kiểm soát xuất nhập cảnh ở sân bay. Người Myanmar đơn giản như chính cuộc sống trên đất nước này, chậm rãi, nhẹ nhàng, phảng phất chút buồn nhưng lại đầy xúc cảm, phải chăng vì thế mà câu chào của họ cũng thật bình dị “Mingalabar”. Mingalabar được chào ở mọi lúc mọi nơi, chẳng phân biệt buổi sáng trưa chiều như trong tiếng Anh, Mingalabar là sự thân thiện và cởi mở đến diệu kỳ, là nụ cười của cả người nói và người nghe. Thanakha cũng thế, nó là chút tự hào của người đã mài ra thứ bột nước để bôi cho bạn lẫn trong chút tò mò thi vị của người được bôi lên má mình.

Dù rằng, trong bảo tàng nhỏ xinh ở giữa Bagan có đến hàng trăm câu chuyện xoay quanh Thanakha từ lịch sử, nơi sống, đất trồng, các giống cây cho đến hàng loạt đồ lưu niệm được làm ra từ cành, thân. Nhưng khi chính bạn được những người dân địa phương hiếu khách tự tay mài, rồi bôi lên má với những tiếng cười giòn tan thì đó mới là khoảnh khắc đáng nhớ trên hành trình.

wanderlust tips thanakha con vuong tren ma 1

Loại mỹ phẩm đã được sử dụng từ hơn 2.000 năm nay được cho là có tác dụng chống nắng, ngăn nếp nhăn, làm cho da tươi mát, dưỡng da. Mới nhìn, những vệt Thanakha khiến người ta liên tưởng đến các thổ dân ở vùng Nam Mỹ nhưng khi đã quen, bạn sẽ thấy chúng nổi bật trên nền da đen bánh mật khỏe mạnh mà không một chút mụn, dưới đôi mắt đen cùng hàng mi cong, trên gò má mặn mà của người phụ nữ Miến.

Thanakha được chế biến theo một quy trình vô cùng đơn giản và chẳng có gì thay đổi trong suốt hàng thế kỷ qua. Mức giá của loại mỹ phẩm quốc dân này cũng vô cùng rẻ và có thể mua được ở bất cứ đâu trên đất nước Myanmar với giá chỉ khoảng 1.000-2.000kyats (khoảng 16.000VNĐ- 30.000VNĐ) cho một đoạn cành cây dài chừng 15-20cm. Rất khó để tìm thấy một người phụ nữ không bôi Thanakha trên khắp đường phố của Myanmar.

Từ đoạn thân cây đó, phụ nữ Miến sẽ mài chúng trên một hòn đá nhỏ với một chút nước để tạo ra một dung dịch màu vàng sệt sệt, bôi thẳng chúng lên mặt mà chẳng cần thêm bất cứ phụ gia nào khác. Người ta dùng ngón tay miết Thanakha thành vệt trên mặt, hai bên má, sống mũi, trán, cằm thậm chí là cả cánh tay. Những người điệu đà hơn, họ vẽ Thanakha thành hình tròn, hình chiếc lá, hình hoa văn để cho đẹp và nổi bật hơn. Ngày nay, cũng có loại bột Thanakha bán sẵn, tức là bạn không cần phải mài từ thân cây nữa nhưng đại đa số người dân Myanmar vẫn mài chúng hàng ngày.

Thanakha không chỉ được sử dụng hàng ngày, chúng còn hiện diện trong các nghi lễ tôn giáo hoặc thể hiện địa vị xã hội khi xưa. Các cung tần mĩ nữ thường phải chuẩn bị loại Thanakha màu sáng và nâu nhạt có điểm xuyết các hạt bụi vàng li ti cho những người phụ nữ thượng lưu trong hoàng gia. Công chúa dùng Thanakha có pha bụi vàng, còn người dân dùng Thanakha pha với một loại phấn hoa rất thơm và quyến rũ. Tại ngôi chùa Mahamuni Buddha, một ngôi chùa được coi là thiêng liêng nhất ở Mandalay, mỗi buổi sáng vẫn diễn ra nghi lễ rửa mặt cho Phật bằng những chiếc khăn tẩm Thanakha. Hay ở Rakhine vào đêm ngày Tết té nước mừng năm mới, các cô gái trẻ bắt đầu nghiền vỏ cây Thanakha để làm thành một loại kem mịn, trong khi các chàng trai nhảy múa và chơi các nhạc cụ.

Cho tới hôm nay, trên chuyến phà từ Yangon tới Dala, tôi cứ ngồi nhìn mãi vào một cô bé chừng 6-7 tuổi đang miệt mài tô những hình thù ngộ nghĩnh trên khuôn mặt của mình bằng bột Thanakha. Cái khoảnh khắc cuối chiều ấy, khi cả mặt sông được nhuộm vàng bởi thứ ánh sáng vớt vát, từng đàn chim vẫn vây quanh chiếc phà ríu rít để chờ đồ ăn từ hành khách, dăm ba chú quạ kêu lớn, dòng người hối hả về nhà. Cô bé ngồi ở góc phà, miệt mài vẽ hình trái tim, hình lá, hình quả bóng, có cả hình thoi nữa lên khuôn mặt đen nhẻm của mình.

wanderlust tips thanakha con vuong tren ma 2

Hay phút giây như “đánh mất mình” ở ngôi chùa Shwedagon khi nhìn thấy một nàng thiếu nữ Miến đang ngồi cầu nguyện trong hàng ngàn ánh nến với khuôn mặt đầy Thanakha nhưng được vẽ một cách nghệ thuật. Tôi thấy cuộc đời thật trong veo quá đỗi…Đàn ông Miến có hàng chục cách buộc Longyi để thể hiện tính cách của mình thì phụ nữ Miến dường như khi trang điểm gương mặt bằng Thanakha cũng đã nhắn gửi nhiều điều qua từng nét vẽ.

Từ ngôi làng nghèo khó nhất ở bên kia sông – đối lập với bờ bên này là Yangon nhộn nhịp, những cô bé cậu bé vẫn vui cười trên cánh đồng cho đến anh lái xe ngựa dẫn chúng tôi băng qua những con đường đầy bụi của Bagan để ngắm nhìn các đền đài, tất cả đều có những vệt Thanakha trên làn da ngăm đen khỏe khoắn. Trong ánh bình minh của xứ Bagan, cô gái Miến nhẹ nhàng đổ từng bầu nước nhỏ vào các âu nước bên đường cho người lữ khách giải tỏa cơn khát, nụ cười nhẹ mà như tỏa ánh nắng để xua tan làn sương mỏng đón chào một ngày mới. Những cô cậu học trò đi học, anh công chức đi làm, người phụ nữ ra chợ… tất cả, tất cả đều gắn liền với những vệt Thanakha diệu kỳ trên khuôn mặt.

Người Miến dịu dàng như thế, họ chinh phục bạn từ những điều giản dị nhất là nụ cười ở ngay sân bay, từ bộ Longyi ở khắp phố phường, từ những chiếc taxi chẳng có đồng hồ tính giá cước, từ em bé trong ngôi làng nghèo ven sông đến anh cảnh sát vui tính, từ cố đô Yangon đa sắc màu đến Bagan huyền ảo, từ Mandalay sầm uất tới hồ Inle đẹp như tranh vẽ. Từ mùi Thanakha dịu thơm đến những ngón tay mịn màng dịu dàng phết thứ mỹ phẩm quốc dân này lên má bạn.

Người Miến làm cho bạn quên đi quá khứ, quên luôn cả tương lai mà chỉ sống cho hiện tại. Một hiện tại mà con người dành cho nhau những điều tốt đẹp, những khoảnh khắc đầy thương yêu. Và tương lai, với họ có lẽ là những đứa trẻ, những đứa trẻ lớn lên trong sự bao bọc của Longyi và của thứ hương Thanakha đã có từ ngàn đời trên đất nước Myanmar đang trở mình mạnh mẽ.

Trần Giáp | Wanderlust Tips