Tháng Sáu: Mùa Phượng Vỹ đỏ rực
- 13/06/2023
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- Editor picks, Hà Nội, Hải Phòng, Hậu Giang, Vũng Tàu
Khi bầu trời mùa hạ đầy nắng bắt đầu được điểm xuyết vài đốm lửa cháy đỏ lên nền trời xanh thẳm là lúc ta biết rằng một mùa phượng vỹ nữa lại đến, đem theo biết bao nỗi bâng khuâng của tuổi học trò mộng mơ.
Cái tên “phượng vỹ” bắt nguồn từ hình dáng của cánh hoa trông như đuôi của chim phượng hoàng nên người dân đã gọi ví von là “phượng vỹ”. Đây là loài cây tạo bóng râm sinh sống ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, có nguồn gốc từ Madagascar. Phượng vỹ được người Pháp đem về Việt Nam từ thế kỉ 19 và dần trở nên phổ biến với người dân khắp mọi miền đất nước. Hoa phượng còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tuổi học trò vì mùa hoa nở đúng vào dịp tan trường, chứa đựng biết bao nỗi nhớ nhung và kỉ niệm về một thời niên thiếu đã qua. Tùy theo từng vùng miền mà phượng vỹ lại có vẻ đẹp thật khác. Cũng là chùm phượng vỹ đỏ rực đó nhưng có lẽ chúng đem theo bên mình tình yêu dành cho mảnh đất đó đã tạo nên sự khác biệt cho hoa phượng ở từng vùng miền.
Phượng đỏ Hải Phòng – biểu tượng của một thành phố
Nhắc đến thành phố Hải Phòng, chắc chắn nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến loài hoa phượng vỹ. Không đâu trên đất nước Việt Nam xuất hiện nhiều phượng như ở Hải Phòng. Thậm chí, vùng đất Hải Phòng cũng là nơi đầu tiên mà người Pháp gieo trồng giống phượng vỹ. Chính vì vậy, người dân Hải Phòng vô cùng yêu mến loài hoa này và phượng vỹ cũng đã đi sâu vào đời sống của nhân dân Hải Phòng biết bao đời nay. Cũng vì gắn kết chặt chẽ đó đã nâng tầm phượng vĩ lên thành loài hoa biểu trưng cho thành phố này.
Hải Phòng đã dành cho phượng vỹ rất nhiều sự ưu ái. Tại đây có cả con đường hoa phượng dài nhất Việt Nam với hơn 4.000 cây phượng vỹ dài gần 20km. Đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng. Cứ mỗi độ hạ về, cung đường này là rực khắp sắc đỏ nồng nàn của những cánh hoa tung bay trong gió. Nhìn từ trên cao, từng hàng hoa phượng trải dọc khắp con đường trông như những lá cờ đỏ đang phủ khắp thành phố Hải Phòng. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều địa điểm khác ở xứ cảng trồng nhiều phượng như đường Nguyễn Đức Cảnh, đường Quang Trung, hồ An Biên,…
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ cũng là một nét văn hóa đặc sắc của thành phố Hải Phòng. Bắt đầu từ năm 2012, lễ hội Hoa Phượng dần trở thành một sự kiện hằng năm không thể thiếu của người dân nơi đây. Tại lễ hội Hoa Phượng Đỏ, các buổi triển lãm, sự kiện, cuộc thi nghệ thuật lấy cảm hứng từ Hoa Phượng được tổ chức vô cùng sôi nổi nhằm tôn vinh loài hoa đặc trưng của thành phố. Thông qua lễ hội này, ngành du lịch của Hải Phòng cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hàng phượng đỏ ven biển – sức hút của thành phố Vũng Tàu
Cứ đến độ tháng Năm, tháng Sáu hằng năm, du khách ghé đến Vũng Tàu lại xiêu lòng vì vẻ đẹp của những hàng phượng đỏ thắm trải dọc cung đường Hải Đăng dẫn lên ngọn Núi Nhỏ. Hai bên đường một bên là núi đá, một bên là hàng phượng đỏ trông ra biển cả xa xăm. Màu đỏ chói chang của hoa phượng hòa cùng màu biển xanh vô tận cùng những cồn cát vàng ươm khiến không khí biển mùa hè như càng trở nên đặc sắc hơn với những gam màu ấm nóng. Không ít người phải dừng chân nán lại đôi chút để chiêm ngưỡng vẻ đẹp vô cùng nên thơ này. Đây cũng là địa điểm check-in lí tưởng được các bạn trẻ lựa chọn để cho ra đời những bức ảnh vô cùng nghệ thuật.
Không chỉ ở đường Hải Đăng, ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những “đốm lửa di động” ấy tại nhiều nơi ở Vũng Tàu. Cây phượng với tán ô xòe rộng ở núi Tương Kỳ, dàn phượng vỹ tỏa sắc ở khu vực tượng đài Liệt sĩ của thành phố, hay thấp thoáng ở những sườn núi phượng vẫn ngày đêm ẩn mình giữa thiên nhiên kì vĩ. Dạo gần đây còn có rất nhiều người tìm đến cây phượng “nửa hoa, nửa lá” trước Khu du lịch San Hô Xanh tại đường Thùy Vân. Cây phượng này đặc biệt ở chỗ chỉ có một nửa bên có thể trổ hoa, nửa bên còn lại chỉ có lá xanh um tùm.
Nồng nàn Hà Nội – những mùa phượng đỏ ở những con phố
Thấm đẫm hơi thở cổ kính của một Hà Nội nghìn năm văn hiến, phượng Hà Nội mang một vẻ đẹp thật lãng đãng, hoài niệm. Qua bao năm tháng, phượng vỹ đã ăn sâu và nếp sống và văn hóa của người dân Hà Thành. Phượng Hà Nội nếu xét về độ phổ biến thì không hề kém cạnh các tỉnh thành khác vì cứ đến mùa phượng, khắp phố phường lại bừng lên sắc đỏ ở nhiều nơi.
Tại bờ sông Tô Lịch êm đềm, mỗi dịp hè sang người ta lại bắt gặp những cành phượng thắp sáng cả một vùng sông. Những buổi sáng mờ sương khi người dân bắt đầu dạo quanh hai bên bờ sông để tập thể dục, phượng nở đỏ rực hòa cùng sắc tím lãng mạn của bằng lăng như xua đi cái se lạnh của buổi sớm mai. Dừng chân lại một lát, ngồi bên hàng ghế đá ven sông dưới chùm phượng hồng, lặng lẽ ngắm nhìn nhịp sống chầm chậm trôi, ta lại thấy yêu thêm xứ sở này.
Nhành phượng bên Hồ Gươm cũng là một dấu ấn riêng của Hà Nội. Trong bức tranh thiên nhiên Hồ Gươm cổ kính, giữa mặt hồ phẳng lặng và tòa tháp Thê Húc xưa cũ, tông màu đỏ ấm của phượng vỹ được tô điểm khiến tổng thể bức tranh như trở nên sinh động, ấm cúng hơn. Hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh hồ gươm mùa phượng đỏ cũng được ra đời từ đây.
Hồn quê miền Tây – đường phượng Hậu Giang
Không chỉ tập trung ở khu vực miền Bắc, miền Trung hay ven biển, phượng còn mang sức sống của cả một miền sông nước Tây Nam Bộ. Tại tỉnh Hậu Giang, có một con đường hoa phượng kéo dài từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị xã Long Mỹ. Vì tuyến đường tương đối nhỏ cộng thêm cây cối hai bên mọc tương đối nhiều, nhà cửa không quá đông đúc khiến cho những hàng phượng vỹ nơi đây như những “gã khổng lồ” của vùng quê này.
Nhìn từ trên cao, màu đỏ của phượng kết hợp cùng sắc xanh lá pha chút nâu đặc trưng của những rặng dừa vừa làm cho phượng vỹ thấm đượm hồn quê, vừa khiến cho vẻ đẹp của miền Tây thêm phần độc đáo. Dưới những tán phượng rực rỡ, có những mái nhà tranh giản dị đang trú ngụ. Nơi đó cũng có những con người miền Tây Nam Bộ chất phác với tấm lòng hồn hậu, hào sảng. Tất cả những điều này hòa quyện lại làm nên một mùa hè miền Tây thật bình dị, gần gũi nhưng cũng thật tươi vui, đáng mến.