Thổ Nhĩ Kỳ và 5 địa điểm cổ xưa đáng kinh ngạc
- 28/08/2021
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, Editor picks, Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, Thành Troy, Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước có các thành phố cổ điển nằm rải rác dọc theo bờ biển, các địa điểm khảo cổ có từ những thời kỳ đầu tiên của lịch sử loài người, những vùng đồng bằng phì nhiêu hay thảo nguyên cao và những ngọn núi hiểm trở. Đất nước này luôn biết thu hút du khách bằng vẻ cổ xưa, bí ẩn vốn có của nó.
[rpi]
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, từ thời đồ đá, tiền sử của Anatolia và Đông Thrace, hay đến thời La Mã cổ đại, bị Hy Lạp hóa, đồng nghĩa với việc nền văn minh, văn hóa ở Thổ Nhĩ Kỳ đa dạng, phong phú bậc nhất trên thế giới.
Đến với Thổ Nhĩ Kỳ, tạm bỏ qua những bãi biển ngập nắng, những bữa tiệc sôi động, cùng Wanderlust Tips khám phá những di sản văn hóa cổ đại đặc trưng nhất của đất nước này nhé.
Ngôi đền cổ nhất thế giới – Göbeklitepe
Gobekli Tepe là ngôi đền cổ nhất thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngôi đền do những người tiền sử sống bằng hình thức săn bắt, hái lượm xây dựng trong thời kỳ đồ đá mới, trước khi chữ viết và bánh xe ra đời. Được xây dựng cách đây 12.000 năm, ngôi đền chủ yếu phục vụ mục đích tín ngưỡng, tôn giáo của con người thời ấy.
Gobekli Tepe là một trong những địa điểm khảo cổ học quan trọng nhất thế giới. Nó nằm trên một ngọn đồi nhỏ, cách thành phố Urfa 15 km về phía Tây Bắc. Ngôi đền là tập hợp các cấu trúc bằng đá, điển hình là bao gồm 12 cây cột lớn hình chữ T (tượng trưng cho con người) xếp thành vòng tròn có đường kính 9,1m. Những cây cột này làm từ đá granit rắn, cao tới 6,1m và nặng 20 tấn. Hầu hết hình chạm khắc trên cột đá đều là động vật và con người.
Ở trung tâm vòng tròn cũng có hai cây cột hình chữ T nhưng kích thước của chúng lớn hơn. Bao bọc xung quanh cấu trúc hình tròn là bức tường bảo vệ được xây dựng từ những viên đá xếp chồng lên nhau.
Một số chuyên gia nhận định rằng, ngôi đền Gobekli Tepe là một bước tiến lớn trong sự phát triển của tôn giáo cũng như mối liên hệ giữa con người với Chúa Trời. Nó đánh dấu sự khởi đầu của nền văn minh nhân loại, và có thể là gốc rễ của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới bao gồm: Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo.
Tàn tích thủ đô đế quốc Hittite – Hattuşa
Câu chuyện về Hattusa là một câu chuyện tuyệt vời về sự bền bỉ, bí ẩn và bề dày lịch sử. Trước đây, người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn tin rằng, Hattusa cùng Đế chế Hittite chỉ là một huyền thoại trong truyền thuyết. Cho đến năm 1834, những nhà khảo cổ đã phát hiện ra Hattusa và Đế chế Hittite thực sự tồn tại.
Thành phố Hattusa nổi tiếng với các loại hình xây dựng đa dạng cùng cấu trúc trang trí độc đáo như đền lớn, cổng Lions và cổng Hoàng gia. Đặc biệt, thành phố còn được bao quanh bởi một bức tường khổng lồ dài 8km. Những bức tường này chia thành phố thành các quận khác nhau. Ngoài ra, một số bức tường của thành phố Hattusa còn có dấu vết những dòng chữ tượng hình lâu đời của người dân Hittite.
Uớc tính trước kia dân số thành phố lên đến đỉnh điểm từ 40.000 đến 50.000. Sau khi đế chế Hittite sụp đố, thành phố bị phá hủy, Hattuşa bị bỏ hoang cho đến năm 800 TCN. Các ngôi nhà được xây bằng gỗ và gạch bùn dường như đã biết mất hoàn toàn, ngày nay chỉ còn lại những bức tường được xây dựng bằng đá của đền thờ và cung điện.
Để có tầm nhìn đẹp nhất, hãy đi bộ qua đường hầm có đầu hồi của cổng sau, sau đó lên cầu thang hoành tráng cắt vào gò nhân tạo đồ sộ đến Cổng Nhân sư ở trên cùng. Từ đây, một bức tranh toàn cảnh của các cung điện và đền đài lớn đổ nát của thành phố, giờ đây đã được thu nhỏ thành những đường viền bằng đá rải rác, trải dài xuống đồi.
Vào năm 1986, thành phố này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Thành Troy
Được biến đến qua những câu chuyện thần thoại hay những bộ phim Holywood nổi tiếng, chắc chắn trong chúng ta ai cũng đã ít nhất được nghe về Thành Troy nổi tiếng.
Thành Troy (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là “Troia”) được người Hittite thành lập từ thế kỷ III TCN và sau đó được toàn thế giới biết đến qua hai trường thi của Homer là “Iliad” và “Odyssey”. Theo Homer, cuộc chiến thành Troy xảy ra vào khoảng 1184 TCN. Nguyên nhân là do hoàng tử Paris của thành Troy đã quyến rũ hoàng hậu Helen xinh đẹp của vua Menelaus xứ Sparta, khiến Menelaus tức giận mang quân tấn công thành Troy, dẫn đến chiến tranh đổ máu kéo dài suốt 10 năm trời. Cuối cùng, quân Hy Lạp đã sử dụng kế “con ngựa gỗ” nổi tiếng khiến thành Troy thất thủ và bị vùi sâu xuống lòng đất suốt hàng ngàn năm.
Từ Istanbul đến Canakkale (Thổ Nhĩ Kỳ), thành Troy hiện ra trước mặt, một thành Troy có thật bằng đất, bằng đá chứ không phải trong truyền thuyết. Tuy nhiên, thành Troy không hoành tráng như trong tưởng tượng của các nhà làm phim Hollywood, dựa trên dấu tích hoang phế còn lại thì nó nhỏ hơn nhiều.
Ngày nay, công tác khảo cổ vẫn tiếp tục, có nghĩa là cả thế giới vẫn chưa có cơ hội được nhìn thấy toàn cảnh thành Troy trong thần thoại.
Thành phố cổ Lycian – Patara
Patara là thành phố cổ thuộc vùng Aegean và Địa Trung Hải Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là được thành lập bởi Patarus, con trai của thần Apollo.
Xưa kia, đất nước Lycia cổ đại trải dài từ Dalyan đến Antalya cai trị Patara ngay cả dưới thời La Mã cổ đại. Sau khi sụp đổ, ở Patara còn lại nhiều tàn tích của thành phố cổ Lycian khi bị vùi xuống cát.
Cái tên Patara vẫn được gắn với muôn vàn tàn tích của thành phố. Theo kết quả khai quật, người ta tìm thấy đường mòn tàn tích của Patara dài 1,5 km giữa bãi biển và ngôi làng nhỏ Gelemiş, cách Kalkan 16 km về phía tây bắc. Bên cạnh đó là các tàn tích khác bao gồm một nhà hát La Mã cổ đại, những cánh cổng bằng đá vững chãi, những bức tượng, cây cột được điêu khắc, chạm khắc tinh xảo có niên đại trên 1000 năm.
Thành phố cổ Ephesus
Ephesus từng là thành phố La Mã lớn thứ hai trong thời kỳ cổ đại, góp một phần giá trị to lớn trong kinh tế và văn hoá. Mỗi bước chân trên nền của thành cổ này, chúng ta như được trở lại khoảng thời gian 3.000 năm trước. Đô thị lớn nhất Tiểu Á , ngày nay thuộc phía Tây Nam thị trấn Selcuk, tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.
Vùng đất này lần đầu được tìm thấy bởi người Arzawa vào khoảng thế kỷ X Trước Công Nguyên. Khi người Hy Lạp tiếp quản thì trở nên thịnh vượng với dân số đến hàng trăm ngàn người. Khi người La Mã chiếm Tiểu Á thì thành phố này được đưa làm thủ phủ đồng thời là đô thị lớn nhất của khu vực.
Sau khi bị bỏ rơi, tàn tích này mới được tìm thấy vào năm 1863. Hàng loạt công trình cổ đại của Ephesus đã được khai quật trên con đường trải dài hơn 3km, gồm có cung điện, quảng trường, nhà hát, thư viện, sân vận động…Những căn nhà cổ hay con đường toàn những cột đá cẩm thạch cũng là những di sản văn hóa quý giá còn lưu lại đến ngày nay ở Ephesus.
Ngoài những nhà thờ Kito giáo nổi tiếng, nơi đây còn có các công trình mang đậm tính các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Hồi giáo (Nhà thờ Isabey). Tất cả các tư tưởng văn hoá ấy đã tạo nên một vùng đất Ephesus tuyệt vời.
Núi Nemrut
Nemrut là một ngọn núi cao 2.134 mét nằm ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đỉnh núi là một khu vực rất đáng chú ý với những bức tượng lớn hình người, thú vật được cho là của một ngôi mộ hoàng gia có từ thế kỷ thứ 1 TCN. Nó là một trong những đỉnh núi cao nhất ở phía đông Dãy núi Taurus. Năm 1987, ngọn núi đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Di chỉ khảo cổ được khai quật vào năm 1881 bởi Charles Sester, một kỹ sư người Đức. Những gì khai quật được là ác bức tượng, tất cả trong tình trạng mất đầu, cùng với khu lăng mộ an táng của Antiochus nhưng không thấy mộ của ông.
Trở lại lịch sử trong quá khứ của nơi đây. Khi đế chế Seleucid bị đánh bại bởi những người La Mã vào năm 189 TCN tại lâu đài ở Magnesia, vương quốc mới được thành lập trên lãnh thổ do chính quyền địa phương Commagene chiếm một vùng đất ở giữa hai dãy núi Taurus và Euphrates.
Chính quyền của Commagene do vua Antiochus I trị vì từ năm 62 – 38 đã thực hiện chính sách tôn giáo đặc biệt, trong đó các vị thần được tôn kính không chỉ có Hy Lạp và Ba Tư. Đây có thể là việc nhằm thống nhất các dân tộc trên một vương quốc đa sắc tộc nhằm đảm bảo sự vững mạnh của vương quốc.
Núi Nemrut trở thành một địa điểm cho những người dân sùng bái tôn giáo. Khu vực quan trọng nhất là ngôi mộ của Antiochus I, trong đó được trang trí bằng những bức tượng khổng lồ được làm bằng đá vôi. Mặc dù sự sùng bái không kéo dài lâu sau khi Antiochus qua đời. Hầu hết thời gian trong năm, Núi Nemrut bị bao phủ bởi tuyết, một phần khiến những bức tượng thành đống đổ nát.
Nếu là một người yêu thích sự cổ kính, hoành tráng của lịch sử, đặc biệt là với các nền văn minh La Mã, Hy Lạp cổ đại, thì chắc chắn bạn không nên bỏ qua những địa điểm cổ xưa trên khi đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng sẽ khiến bạn choáng ngợp đấy.
Ảnh: Internet
Wanderlust Tips | Cnet