Thông Nông: Từ làng giấy đến nếp sống của người Cao Bằng

Những làng nghề truyền thống của người Việt tựa như từng “chiếc nôi văn hóa”, được chắt chiu và gìn giữ qua nhiều năm lịch sử để rồi trở thành “cái hồn”, một nét rất riêng của đất nước. Một trong số đó phải kể đến làng giấy truyền thống của người vùng cao Cao Bằng.

[rpi]

Thông Nông, một thị trấn nhỏ của Cao Bằng mấy trăm năm nay vẫn giữ được nét yên bình với làng nghề làm giấy. Mặc cho những đổi thay của công nghệ hiện đại, nơi đây vẫn giữ được nét riêng đầy lôi cuốn, dẫu không quá năng suất nhưng lại đổi lấy cả một giá trị văn hóa đặc sắc.

Từ làng giấy đến nếp sống của người Cao Bằng
Làng nghề truyền thống của người Cao Bằng đã được hình thành từ mấy trăm năm trước.

Người đồng bào vùng cao coi công việc này như một “gia bảo”, truyền từ đời cha sang con, con lại kế thừa cho cháu. Vào mùa xuân trên thị trấn nhỏ của Cao Bằng, những thớ giấy khoác lên mình diện mạo mới để thực hiện sứ mệnh đặc biệt.

Từ vỏ cây đến giấy: Hành trình của sự chỉn chu, tỉ mỉ

Mặt trời dần khuất sau những rặng tre già rũ rượi trên triền núi, cũng là lúc người dân nơi đây bắt đầu viết nên lên câu chuyện về trang giấy. Hòa giữa tiếng í ới kêu gọi của người dân là tiếng đập cây, sàng nước,… tất cả tạo nên một không khí nhộn nhịp, đầy ấm no của một làng nghề truyền thống.

Chẳng biết rằng nghề làm giấy được bắt đầu tự khi nào, chỉ biết nó đã trở thành một nếp sống, một nét văn hóa truyền thống mà người dân nơi đây luôn gìn giữ, phát huy. Được biết, vì vùng đất này khá khô cằn không phù hợp để trồng trọt nông nghiệp nên người dân ưu tiên việc làm giấy. Chính vì vậy, cứ đến mùa bóc vở mạy sla, nhịp sống thị trấn bỗng trở nên nhộn nhịp, nô nức.

Từ làng giấy đến nếp sống của người Cao Bằng
Mọi công đoạn đều được làm tỉ mỉ, cẩn thận.

Vào tháng 2, 3, 6, 7, bà con thường đi bóc vỏ vì thời điểm này, cây dễ bóc vỏ nhất. Sau đó, bà con tước bỏ phần vỏ đen rồi đem ngâm trong nước vôi trong khoảng 12 giờ. Sau khi ngâm, phần vỏ này được rửa qua nước rồi đun lên khoảng 3 giờ, sau đó ngâm nước sạch khoảng 2 ngày.

Tiếp đó, nhân công sẽ tiến hành dùng gậy đập cho thật nát rồi đem xuống bể khuấy đều, thu được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Trong quá trình khuấy, đem trộn cùng bã giã từ cây dây trơn nhằm làm cho giấy khi vào khuôn không bị dính.

Từ làng giấy đến nếp sống của người Cao Bằng
Giấy sau khi thành phẩm sẽ thơm mùi vỏ cây.

Giấy vừa lấy ở khuôn ra được ép nước và rải lên 2 mặt lò nóng, khoảng gần 1 giờ sau, giấy sẽ khô. Cuối cùng thu được một sản phẩm giấy bản có màu vàng nhạt, có độ mỏng vừa phải và dai.

Giấy đối với đời sống của người Cao Bằng

Trong nếp sống của người Tày, người Nùng, từ khi sinh ra và mất đi đều gắn liền với những nghi lễ. Đặc biệt, trong những ngày ấy luôn có sự xuất hiện của giấy bản. Như vậy, giấy bản mang một giá trị hết sức tôn nghiêm trong các phong tục văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng.

Từ làng giấy đến nếp sống của người Cao Bằng
Làng nghề đã ăn sâu vào nếp sống của người dân nơi đây.

Ngoài ra, nhờ có thành phần thiên nhiên, lành tính cho sức khỏe con người cũng như môi trường, giấy bản còn được dùng để gói bọc các loại bánh, xôi, bỏng ngô,… Một điều đáng mừng là đến nay, giấy bản do bà con dân tộc Tày, Nùng làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh Cao Bằng mà còn được một số địa phương khác sử dụng thông qua các thương lái làm trung gian.

Wanderlust Tips | Cnet