Thương nhớ miền Tây
- 14/10/2017
- E.MAGAZINE, ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- miền Tây, Trà Sư, Đất phương Nam, đồng bằng sông Cửu Long
Bắt đầu cảm thấy ngột ngạt với chốn văn phòng những tòa nhà cao tầng, dòng người, xe đi lại tấp nập, ồn ào, bụi bặm, một giọng hát đâu đó chợt vang lên trong tâm trí tôi: “Nhắn ai đi về miền đất phương Nam. Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang. Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh…” Bài hát trong bộ phim truyền hình Đất Phương Nam tôi xem hồi bé ngân nga gợi nhắc tôi mong ước của một thời thơ ấu. Một ngày nào đó ghé thăm vùng đất phương Nam khám phá miền sông nước mênh mông xa xôi, lạ lẫm so với phương Bắc nơi tôi sinh ra và lớn lên.
[rpi]
Không phải từ một cái hang thỏ như cô bé Alice đầy hiếu kỳ mà từ cửa máy bay, tôi đã “chui” ra TP HCM. Từ đây, có rất nhiều chuyến xe đến miền Tây Nam Bộ. Mười ba tỉnh, thành của miền Tây đều có sông, nước, cây cối trù phú làm nên đặc thù của đất phương Nam, nhờ sông Tiền và sông Hậu là hai nhánh lớn nhất của sông Cửu Long ở Việt Nam với chín cửa sông được ví như chín con rồng, tạo nên tên gọi cho sông. Từ những cửa sông này chảy ra nhiều dòng tạo thành một mê cung suối, kênh, rạch của miền Tây mà mỗi vùng đất lại có một phong vị riêng khó lẫn.
VƯƠNG QUỐC DỪA
Nói tới miền Tây chẳng thể nào bỏ qua những rừng dừa xanh bạt ngàn, nhưng đó không phải những cây dừa vươn cao từ mặt đất mà là rừng dừa nước hoang dã sinh tồn chỉ trong đầm lầy – vốn được coi là một “đặc sản” nơi đây.
Cù lao Thới Sơn hay còn gọi là cồn Lân nằm ở hạ lưu sông Tiền, thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, là một trong những nơi có nhiều dừa nước nhất vùng. Giữa một màu xanh miên man của những tán dừa, chiếc xuồng ba lá của chúng tôi luồn lách giữa những con kênh trong yên ả. Chúng tôi đi qua rất nhiều những “cổng vòm” tự nhiên thơ mộng được tạo nên từ những tán dừa uốn cong về phía nhau như để buông lời tán tỉnh. Không có bất kì một tiếng động cơ nào, chỉ có tiếng mái chèo quạt nước êm đềm như tiếng nhịp thở cuộc sống chậm rãi. Thỉnh thoảng vang lên tiếng chim ríu rít gọi nhau đâu đó khiến cho bức tranh quê càng thêm màu êm đềm.
Những cây dừa nước không chỉ tạo nên nét độc đáo cho phong cảnh miền Tây mà còn hữu ích trong đời sống. Lá dừa nước được người dân nơi đây dùng để lợp nhà che nắng mưa, làm rổ rá, còn bẹ và sống lá làm lạt buộc, bện thừng, dệt thảm hoặc phơi khô làm chất đốt, theo lời cô lái xuồng. Đặc biệt, dừa nước trở thành món giải khát thanh mát cho mùa hè. Cùng họ nhà dừa nhưng dừa nước trông như một quả thông khô khổng lồ được kết hợp từ nhiều “mắt” dừa nhỏ bằng quả trứng. Gọi là dừa nước nhưng quả lại không có… nước, chỉ có cùi dừa. Cùi chứa trong từng “mắt” dừa được nạo ra và pha cùng nước đường với đá là một trong những món giải khát ưa thích của người miền Tây.
Ngoài dừa, một minh chứng nữa cho thấy tổ tiên ta đã thích ứng và làm chủ thiên nhiên tuyệt vời như thế nào chính là chiếc xuồng ba lá đang chở chúng tôi. Khi Nam tiến khai hoang từ hơn ba thế kỉ trước, ở cái vùng quanh năm chỉ thấy mênh mông sông nước đầm lầy, khởi thuỷ từ chiếc xuồng độc mộc, ngày nay chiếc xuồng ba lá là cả một sự sáng tạo tuyệt vời của người dân nơi đây. Gọi là xuồng ba lá vì xuồng nhỏ, gọn, nhẹ, nên xuồng có thể dễ dàng luồn lách trên những đoạn đường chật hẹp. Đồng thời, do diện tích mặt tiếp xúc với nước nhỏ làm hạn chế tối đa sức cản của nước nên nó có khả năng di chuyển nhanh ngay cả ở nơi nước nông. Vì thế mà xuồng ba lá được xem như là “đôi chân” của người Nam bộ. Từ ngày họ sinh ra, lớn lên, dựng vợ gả chồng rồi lại sinh con đẻ cái, đi chơi, thăm viếng nhau… đều đi bằng xuồng. Ngày nay, dù đường sá đã phát triển, xuồng ba lá vẫn được sử dụng rất nhiều ở các làng quê.
Miền Tây còn có một “đặc sản” vô cùng độc đáo không đâu có là café võng. Ban đầu, chỉ là những chiếc võng của các gia đình mắc nằm nghỉ ngơi. Nhưng khách dừng chân lại cứ hỏi nằm nhờ. Những người bán quán đã tinh tế nhận ra nhu cầu của khách để biến quán café của họ trở nên hấp dẫn và đặc biệt hơn theo cách này. Từ khi ra đời, các quán café võng rất được khách đường xa, nhất là khách lái xe gắn máy hoan nghênh. Ðường càng có nhiều xe cộ qua lại thì càng nhiều “thiên la địa võng”, thậm chí một khúc đường chừng vài chục mét cũng có tới 5-6 quán võng liền kề. Những quán cà phê này rất bình dân, trong quán tuềnh toàng chẳng có gì đáng kể ngoài mấy cái võng mắc lên những cọc tre vừa là cột chống cho phần mái lá lợp phía trên. Một tủ kính nhỏ với vài trái dừa lạnh, đôi bộ ly cốc là quá đủ cho một điểm dừng chân quán võng bên đường. Ấy vậy mà với bất cứ ai, ngay cả với người địa phương quen thuộc, cà phê võng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Còn với du khách lạ phương xa, cảm xúc về một ly cà phê đung đưa cánh võng sẽ vẫn không thể nào quên trong những hành trình dài khám phá.
THẾ GIỚI NƯỚC NỔI
Chợ nổi là một trong những thứ xuất hiện đầu tiên ở vùng đất này khi mọi giao thương đều diễn ra trên sông nước. Và ai đến miền Tây cũng không thể bỏ qua những phiên chợ này. Một trong những chợ nổi lớn nhất miền Tây là chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ.
Trước khi đến được chợ nổi Cái Răng là một bức tranh khác của miền Tây trên chuyến tàu xuất phát từ bến Ninh Kiều. Dọc theo bờ sông là san sát những ngôi nhà nhỏ với mái tranh hoặc mái tôn nằm chênh vênh trên các cột gỗ hoặc bê tông, giống như những nhà sàn trên mặt nước. Một người địa phương cho biết chỉ có những gia đình “giàu có” mới đủ khả năng sử dụng cột bê tông. Những người nghèo hơn không có lựa chọn nào khác ngoài những cây cột gỗ, thường là thân cây sao đen có thể chịu được nhiệt độ và độ ẩm cao từ 10 đến 20 năm. Nếu đến đây vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 12, chúng tôi sẽ không thấy những cây cột này khi chúng bị “giấu” dưới nước khiến tất cả những ngôi nhà này trở thành nhà nổi như một Venice của Việt Nam. Nhưng thực sự phiên bản Venice này quá lam lũ, tồi tàn đến nhói lòng, dù là nhà cột bê tông hay cột gỗ. Giờ tôi mới cảm nhận hết cái nghèo khó của miền Tây như những lời đồn từng được nghe.
Và còn có những gia đình nghèo hơn nữa khi không thể cất nổi một ngôi nhà mà bên sông mà sống ngay trên chiếc thuyền đánh cá của mình. Họ đang giăng lưới hoặc làm các việc hàng ngày như rửa bát, phơi quần áo, trong khi lũ trẻ hồn nhiên bơi lội xung quanh, té nước vào nhau và cười vang một góc trời. Dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, con người nơi đây vẫn giữ được nét hồn hậu, yêu đời đáng quý.
Trong khi mỉm cười với mấy đứa bé, tôi nhận ra chúng tôi đã đến chợ, vì chợt “tắc đường”. À mà phải gọi là “tắc sông” dù sông rộng bát ngát, không phải do quá đông người họp chợ mà quá nhiều thuyền chở khách du lịch tham quan, nhiều hơn cả thuyền bán hàng. Thuyền của chúng tôi phải chờ một một lúc mới đến gần những chiếc thuyền chở đầy rau củ quả như khoai tây, cà chua, bí ngô, dưa hấu, dứa… và một số thuyền bán thực phẩm, đồ uống ở trung tâm chợ. Động cơ ầm ĩ của những chiếc thuyền máy xen lẫn tiếng mời chào của người bán hàng tạo nên một không khí nhộn nhịp, sầm uất đầy sinh khí. Tôi có chút thất vọng bởi không thấy một chiếc thuyền chèo tay nào và số lượng thuyền cũng rất ít, không đông đúc như tôi đã tưởng tượng sau khi xem ảnh. “Mọi thứ đã khác trước,” bà Caroline Shaw, một du khách đến từ Anh Quốc, đã giải đáp thắc mắc của tôi bằng giọng điệu có phần hơi hụt hẫng, “Tôi đã đến đây 13 năm trước. Lúc ấy có nhiều thuyền hơn, hầu hết là chèo tay và hàng hóa cũng đa dạng, màu sắc hơn.” Nhưng bà vẫn thấy chợ nổi rất thú vị và khác biệt, hoàn toàn không có ở châu Âu. Tuy nhiên, bác lái tàu lo lắng rằng trong tương lai gần, chợ nổi sẽ biến mất khi đường sá ngày một phát triển và không còn ai cần đi chợ trên sông nữa.
Rời khỏi chợ nổi Cái Răng, chúng tôi lại một lần nữa đi ngang qua những ngôi nhà nhếch nhác thấp thoáng những tòa nhà cao tầng, hiện đại ngay phía sau. Cuộc sống vẫn cứ luôn mâu thuẫn là vậy.
Trở lại thành phố, chúng tôi tản bộ dọc bến Ninh Kiều thơ mộng. Nằm ở ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, bến Ninh Kiều là trung tâm thương mại của thành phố Cần Thơ, nơi hàng trăm tàu thuyền qua lại. Bến Ninh Kiều được xây dựng vào thế kỷ 18, với mục đích giao thương nhưng vẻ đẹp của nó đã khiến nó có mặt trong nhiều tác phẩm văn học. Đặc biệt về đêm, những ánh đèn lấp lánh từ các nhà hàng nổi soi xuống sông làm tăng thêm vẻ huyền ảo cho bến thuyền. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đến đây vãn cảnh và tận hưởng làn gió mát từ sông. Dọc phố Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh ngay cạnh bến là một thiên đường đồ nướng và đồ ăn vặt vô cùng đa dạng, không thua kém gì các khu chợ đêm Đài Loan. Từ các món phổ biến như chân, cánh gà nướng, thịt xiên nướng, rau củ nướng, tàu hũ, sinh tố, chè đến các món đặc sản của vùng như Tung lò mò – món lạp xưởng bò của người Chăm, hải sản xiên nướng như tôm, bạch tuộc, mực đều ngon “hết xảy” và giá thì rất mềm, chỉ bằng một nửa so với ở Hà Nội.
VƯƠNG VẤN TRÀ SƯ
Chúng tôi đã định kết thúc hành trình miền Tây ở Cần Thơ. Nhưng một anh bạn người Mỹ gặp trong hành trình khuyên chúng tôi đến rừng tràm Trà Sư ở Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang. Anh ta đã vô cùng ấn tượng và cho biết sẽ quay lại Trà Sư nếu có dịp ghé thăm Việt Nam lần nữa.
Đường đến Châu Đốc thật xa xôi khi rất gần với biên giới Cam-puchia. Nhưng hành trình dài đó được đến bù ngay khi chúng tôi vừa đặt chân đến Trà Sư, nơi tôi hoàn toàn bị “hớp hồn” bởi màu xanh bạt ngàn của 850ha cây tràm mọc trong nước. Dường như màu xanh của hàng ngàn cây tràm vẫn chưa đủ làm vùng đất này thỏa mãn nên vào mùa nước nổi, thiên nhiên còn phủ thêm một màu xanh tươi mát khắp mặt nước bằng một thảm bèo dày đặc, tạo nên một thế giới xanh lá tuyệt đẹp độc đáo vô cùng cho nơi đây.
Khu rừng ngập mặn này còn là nơi sinh sống của 140 loài thực vật, 11 loài thú, 23 loài cá, gồm nhiều loại quý hiếm được đưa vào danh sách bảo tồn. Vì vậy, rất dễ dàng bắt gặp những chú cò, bìm bịp, le le… đang kiếm ăn hoặc dạo chơi trong vương quốc của chúng.
Chúng tôi dừng lại ở một chiếc chòi lá giữa rừng, thấp thoáng xa xa những ngôi làng của người Khmer, nằm đung đưa trên những chiếc võng, thư thái hòa mình với thiên nhiên hoang dã để thấy cuộc sống thật đẹp như một giấc mơ và chẳng hề muốn bị tỉnh giấc quay về thực tại như Alice chút nào.
Lệ Diễm | Wanderlust Tips