Thụy Sỹ ra mắt tuyến đường sắt leo núi cao và dốc nhất thế giới
- 19/12/2017
- PHƯƠNG TIỆN
- Editor picks, Thụy Sĩ, đường sắt, đường sắt leo núi, đường sắt Schwyz-Stoos
Tuyến đường sắt leo núi cao và dốc nhất thế giới tại Thụy Sỹ đã khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/12. Công trình này được xem là một thành tựu lớn của kỹ thuật thiết kế hiện đại.
[rpi]
Được biết, tuyến đường sắt này có tên Schwyz-Stoos (tên tiếng Đức là Standseilbahn Schwyz-Stoos). Việc xây dựng tuyến đường sắt leo núi cao nhất thế giới này tiêu tốn 44,6 triệu EUR. Các toa tàu được thiết kế hình trụ, trông giống như các thùng bia lớn, cho phép hành khách có thể đứng thẳng dù đang đi lên hay đi xuống trên đường ray dài 1.720m và kể cả khi đi qua những đoạn có độ dốc tới 110% (47,7º).
Tàu khởi hành từ một nhà ga thung lũng gần Schwyz và đi tới ngôi làng vùng núi ở Stoos, nơi chỉ có khoảng 100 người dân sinh sống, nằm cách phía nam thành phố Zurich khoảng 50km, ở độ cao 1.300m trên mực nước biển.
Ông Ivan Steiner, người phát ngôn của tuyến đường sắt, cho biết tuyến tàu này thay thế cho tuyến tàu cũ đã hoạt động từ năm 1933. Ông nói: “Sau 14 năm lập kế hoạch và tiến hành xây dựng, mọi người đều rất tự hào về tuyến tàu này”.
Tuyến Gelmerbahn ở thủ đô Bern của Thụy Sĩ trước đây là tuyến đường sắt dốc nhất thế giới, với độ dốc tối đa là 106%. Còn tuyến đường sắt cao tốc East Cliff Lift được xây dựng vào năm 1902 là tuyến đường sắt dốc nhất ở Anh, với độ dốc là 78%. Tuy nhiên, với độ dốc lên tới 110%, tuyến đường sắt Schwyz-Stoos đã trở thành tuyến đường sắt leo núi dốc nhất thế giới hiện nay.
The Guardian | Wanderlust Tips | Cinet