Tìm hiểu các tục lệ đón Trung thu độc đáo

Tết thiếu nhi, Tết trăng tròn, Tết Đoàn viên… cùng là tên gọi chung cho Tết Trung thu nhưng ở mỗi quốc gia lại mang một ý nghĩa khác nhau. Mời bạn cùng Wanderlust Tips “du lịch” tới nhiều quốc gia để tìm hiểu về những tục lệ Trung thu đa dạng, hấp dẫn nhé!

[rpi]

LỄ TRĂNG TRÒN Ở MYANMAR

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Các tục lệ đón Trung thu độc đáo
Lễ trăng tròn rực rỡ ánh đèn tại Myanmar

Ngày Trung thu ở Myanmar được gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Đêm Rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Quốc vương Myanmar năm nào cũng đích thân chủ trì lễ hội và xuất cung đi ngắm đèn trong sự hộ tống của hàng trăm quân lính. Mọi người tập trung lại cùng xem múa hát, xem kịch và tham gia nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt về đêm.

Ở Myanmar nổi tiếng với lễ hội trăng tròn Waso, bắt đầu vào ngày trăng tròn tháng 4 hằng năm theo lịch Myanmar (tháng 7), diễn ra trong 15 ngày. Đây là lễ hội thiêng liêng của Phật giáo được tổ chức hàng năm. Thời gian này được biết đến như lần đầu tiên Đức Phật rao giảng bài Pháp luân sau khi giác ngộ, cũng là thời điểm bắt đầu tháng ăn chay Phật giáo. Các nhà sư không được đi ra khỏi tu viện vào ban đêm nhưng vẫn đi khất thực vào ban ngày trong mùa mưa. Do đó, tín đồ Phật tử dâng cúng các bộ áo choàng cho nhà sư để dùng trong mùa mưa và tháng ăn chay.

THU TỊCH TIẾT Ở TRIỀU TIÊN

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Các tục lệ đón Trung thu độc đáo
Mâm cỗ Trung thu đủ đầy của người Triều Tiên

Tết Trung thu ở Triều Tiên còn gọi là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Vào ngày này, người Triều Tiên sẽ đến thăm tượng đài Nhà sáng lập Kim Il-sung tại Mansudae ở thủ đô Bình Nhưỡng trước rồi mới đi viếng thăm mộ tổ tiên. Đây là dịp để người dân Triều Tiên tỏ lòng tôn kính và biết ơn cha ông, các gia đình thường chuẩn bị những mâm cúng tổ tiên tròn đầy, ấm cúng với món bánh nướng xốp truyền thống (muffin). Mọi nhà đều hấp bánh này và biếu tặng cho nhau. Bánh muffin nướng xốp giống như bán nguyệt- nửa vầng trăng, làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo… Trời bắt đầu tối cũng là lúc người Triều Tiên cùng nhau ngắm trăng. Dưới ánh trăng rằm, họ chơi kéo co, vật hoặc biểu diễn ca múa còn các cô gái trẻ sẽ diện bộ trang phục đẹp nhất để tham gia ngày hội.

TỤC LỆ CÚNG ĐÀO TIÊN ĐÓN TRUNG THU

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Các tục lệ đón Trung thu độc đáo
Lễ cầu trăng là dịp để người dân Thái Lan thành kính cầu mong một năm phước lành

Người Thái Lan gọi Tết Trung thu là “Tết cầu trăng”. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Phía trên bàn thờ sẽ bày đào trường thọ và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người. Đặc biệt người Thái thường ăn bưởi trong dịp này vì đây là tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.

TỤC LỆ “NGUYỆT PHÚC TIẾT” ĐÓN TRUNG THU TẠI LÀO

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Các tục lệ đón Trung thu độc đáo
Lễ hội Pha That Luang nổi tiếng tại Lào

Tết cầu phúc mặt Trăng, hay còn gọi là “nguyệt phúc tiết” là tục lệ Trung thu truyền thống tại Lào. Vào ngày 15/8 âm lịch, nam nữ, già trẻ, gái trai đều có phong tục ngồi ngắm trăng tròn. Khi trời tối, người lớn sẽ thưởng thức trà và ngắm trăng, thanh niên nam nữ bắt đầu nhảy múa cho đến tận sáng hôm sau. Tại Lào, lễ hội That Luang cũng là lễ hội lớn liên quan đến ngày trăng tròn diễn ra suốt một tuần trăng tròn vào trung tuần tháng 12 Phật lịch (rơi vào vào tháng 11 hoặc đôi khi là tháng 10 dương lịch). Trung tâm lễ hội là Pha That Luang, ngôi bảo tháp linh thiêng và đẹp nhất của đất nước “Triệu Voi”. Vào những ngày lễ hội, các ngả đường đến Pha That Luang lung linh ánh nến và tòa tháp cùng được trang hoàng rực rỡ, tạo thành một không gian huyền diệu, linh thiêng.

LỄ HỘI OK OM BOK Ở CAMPUCHIA

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Văn hóa ngày Rằm tháng Tám
Hoạt động của nhà sư trong nghi lễ “Bái Nguyệt”

Tết Trung thu ở Campuchia diễn ra muộn hơn hẳn so với các nước châu Á khác. Người Campuchia thường tổ chức lễ hội “bái nguyệt” sớm vào ngày 15/10 âm lịch. Sáng sớm, người dân tổ chức “bái nguyệt tiết” (lễ hội vái lạy trăng) truyền thống với lễ vật cúng nguyệt gồm hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía. Đến tối, lễ hội bắt đầu với tên gọi Ok Om Bok, mọi người bày đồ cúng lên bàn, cùng đợi trăng lên. Khi trăng lên, tất cả bắt đầu lễ cúng và chúc phúc cho nhau. Người Campuchia còn có tục lệ nhét gạo vào miệng trẻ con cho đến khi không cho được nữa thì thôi, thể hiện sự dồi dào, đầy đủ. Ngoài ra, cuộc thi thả đèn gió cũng thường tổ chức tại Campuchia. Đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn.

VIỆT NAM – TRUNG THU LÀ ĐỂ VỀ NHÀ

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Văn hóa truyền thống ngày lễ hội
Múa lân trong ngày Tết Trung thu tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

Ở Việt Nam, Trung thu được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch. Vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để chúc mừng, mua và làm nhiều loại lồng đèn thắp bằng nến, treo trong nhà và tổ chức cho trẻ em rước đèn. Cỗ mừng gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và đủ các thứ hoa quả khác. Đây là dịp để các bậc cha mẹ, ông bà thể hiện tình thương yêu con cháu và giúp tình yêu gia đình thêm khăng khít, gắn bó. Cũng trong những ngày này, mọi người mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.

Ngoài ý nghĩa gắn kết tình cảm gia đình, Tết Trung Thu còn là dịp để người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Wanderlust Tips | Cinet