Tìm hiểu văn hóa của người Khách Gia ở Miêu Lật

[Cẩm nang du lịch Đài Loan] Để tìm hiểu về một nền văn hóa Khách Gia đậm đà bản sắc, từ những món ăn hấp dẫn cho tới phong tục truyền thống được lưu giữ qua thời gian dài, Miêu Lật chính là điểm dừng chân hoàn hảo.

[rpi]

Người Khách Gia (Hakka) được coi là một nhánh nhỏ của dân tộc Hán tại Trung Quốc, có gốc gác từ các tỉnh miền Bắc Trung Quốc từ 2700 năm trước. Họ di dân dần xuống phía Nam nhằm tránh loạn lạc qua các triều nhà Tần, nhà Đường rồi nhà Tống… Người Khách Gia đã đặt chân đến Đài Loan từ khoảng nửa cuối đời nhà Minh, nhưng đại đa số đã di cư đến đây vào khoảng 300 năm trước, dưới các triều vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long nhà Mãn Thanh. Người Khách Gia hiện nay tại Đài Loan nói chung và Miêu Lật nói riêng là con cháu của dòng người di cư này.

Miêu Lật là một huyện nhỏ của Đài Loan, thu hút du khách bởi những nét văn hóa vô cùng khác biệt. Cái tên Miêu Lật được tạo thành từ hai từ tiếng Khách Gia, miêu (mèo) và ly (hay lửng – một loài chó hoang giống như gấu trúc). Cả cụm từ Miêu Lật trong tiếng của thổ dân Taokas bản địa được đọc gần giống như Pali (hay Bari). Huyện lỵ là thành phố Miêu Lật, còn được gọi là phố núi, do có nhiều ngọn núi xung quanh. Nơi đây được khai phá, hình thành bởi người Khách Gia, cũng là nơi một bộ phận lớn người Khách Gia tại Đài Loan hiện đang sinh sống.

VĂN HÓA ĐẶC SẮC

Người Khách Gia có truyền thống coi trọng giáo dục, xem trọng người có hiểu biết. Trong tâm thức của người Khách Gia xưa và nay, chữ viết là hiện thân của thần thánh, đồng thời giấy viết trân quý, khó làm, vậy nên giấy đã viết chữ lên không được tùy ý vứt bỏ, phải được gom lại rồi đốt thành tro ở Thánh Tích Đình hoặc Tích Tự Đình. Bên cạnh đó, bản thân là một dân tộc phải nhiều lần di cư, từng sống cảnh cơ cực, người Khách Gia nhận thức được con đường tốt nhất để thay đổi hoàn cảnh là học vấn. Nhiều năm sau chiến tranh, người Khách Gia đạt được những thành công nhất định khi họ dùng thành quả học tập, làm việc để cải thiện vị trí trong xã hội. Điều này cũng thể hiện truyền thống coi trọng tri thức đáng quý cũng như tầm nhìn chính xác của cha ông, tổ tiên người Khách Gia năm xưa.

Về tín ngưỡng, nơi đâu có miếu thờ Tam Sơn Quốc Vương, nơi đó có người Khách Gia. Theo truyền thuyết, đây là ba vị thần núi: Hắc Diện Cân Sơn, Hồng Diện Minh Sơn và Bạch Diện Độc Sơn do đã hiển linh hộ dân hộ quốc nên được vua nhà Đường phong hiệu Tam Sơn Quốc Vương. Người Khách Gia cũng tin rằng các vị thần này luôn bảo hộ cho họ trong suốt quá trình di cư. Tại Đài Loan hiện có ít nhất 150 miếu thờ Tam Sơn Quốc Vương, trong đó miếu Quảng Phúc Cung vừa được trùng tu tại Tân Bắc đã có đến trăm năm lịch sử, là nơi có kiến trúc được bảo tồn hoàn chỉnh nhất. Miếu Lâm Triệu Cung ở Chương Hóa là miếu thờ có niên đại sớm nhất, được lập nên vào thời nhà Minh… Ngay từ buổi đầu đặt chân đến Đài Loan, tại mọi nơi khai khẩn, người Khách Gia đều lập miếu thờ phụng để cầu sự chở che và bảo vệ linh thiêng của Tam Sơn Quốc Vương. Trang phục truyền thống thường ngày của người Khách Gia là Lam Sam, cách phối thường gặp là trên mặc áo sam dáng dài còn dưới là quần ống thụng, với hai màu chủ đạo là xanh lam và đen. Bộ quần áo truyền thống này khá gọn gàng, vừa thuận tiện trong lao động, vừa tạo ấn tượng tao nhã, lịch sự.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tìm hiểu văn hóa của người Khách Gia ở Miêu Lật

NHỮNG NGÀY TẾT ĐẶC BIỆT

Năm 1955, chính phủ đã ấn định ngày 20/7 âm lịch hàng năm là ngày Lễ Nghĩa Dân. Ý nghĩa của ngày lễ này xuất phát từ lịch sử thời trước khi các vị tổ tiên vượt ngàn gian khổ đến đảo Đài Loan, trải qua binh biến loạn lạc, những người tự nguyện tham gia nghĩa quân đã hy sinh trong hai lần bạo loạn dưới triều Thanh, đều là những Nghĩa Dân Gia của người Khách Gia. Theo đó, Nghĩa Dân chính là chỉ những lớp người Khách Gia đi trước đã vì bảo vệ gia đình mà mất đi tính mạng. Đa phần Nghĩa Dân Gia là các vị liệt tổ liệt tông đã có công khai hoang lập ấp, sau là đã hy sinh thân mình giữ vững làng mạc quê hương. Cùng với Trung Dũng Từ ở Lục Đôi phía Nam, tạo nên nét tín ngưỡng độc đáo “Nam Trung Dũng, Bắc Nghĩa Dân” của riêng người Khách Gia, thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng của người Khách Gia tại Đài Loan.

Dịp Tết Âm lịch của người dân nơi đây thường kéo dài từ mùng Một đến Rằm tháng giêng. Vào ngày này, ngoài việc ăn bánh trôi, đăng đèn, thưởng đèn, giải đố đèn thì Long Hỏa Bàng – nghênh rồng là một trong những tập tục truyền thống quan trọng nhất. Long Hỏa Bàng là lễ hội lớn của người Khách Gia tại Miêu Lật vào mỗi dịp Tết Nguyên Tiêu. Điểm nhấn của lễ hội chính là hoạt động đốt pháo, múa rồng do người Khách Gia tại Miêu Lật phát triển nên, tới nay đã tổ chức được 18 năm liên tiếp với quy mô lớn, khí thế tráng lệ. Ngoài hàm ý nghênh xuân đón phúc, lễ hội còn mang ý nghĩa bảo tồn phong tục văn hóa cổ truyền từ bao đời trước. Mỗi năm gần tới tết Nguyên Tiêu, hàng loạt đội múa Rồng đều chuẩn bị luyện tập để tham dự Long Hỏa Bàng. Lễ hội sử dụng một lượng pháo bánh, pháo bông trong suốt quá trình múa rồng, nhằm xua đuổi những điều không may, đón chào năm mới, đồng thời cầu thần Rồng mang đến cuộc sống ấm no, thịnh vượng.

Wanderlust Tips van hoa nguoi khach gia mieu lat 06

ẨM THỰC KHÁCH GIA PHONG PHÚ

Chiếm vị trí quan trọng trong ẩm thực của người Khách Gia chính là đồ khô và rau củ muối. Trước đây, để thích nghi với việc thường xuyên phải di cư do chiến tranh hay nhiều hoàn cảnh khác, người Khách Gia đã tập trung vào việc sấy khô hay muối chua các nông sản để giúp bảo quản được thực phẩm lâu hơn. Người Khách Gia rất sáng tạo trong việc làm ra các món ăn dùng nước tương để ngâm/muối thực phẩm như: cải muối tương, cải khô ngâm tương, dưa leo ngâm tương, củ cải muối tương, su hào ngâm tương, gừng non muối tương, cá khô muối tương, thịt ngâm tương… Chỉ cần là loại thực phẩm có thể ngâm muối hoặc phơi khô để bảo quản, họ đều dùng mọi cách thức tự nhiên để kéo dài thời gian sử dụng, tạo nên một hệ thống kỹ nghệ bảo quản thực phẩm tuyệt vời. Các đặc trưng ẩm thực đã phản ánh tinh thần truyền thống cần cù chăm chỉ, không ngại gian khổ của người Khách Gia cùng nguyên tắc sinh hoạt giản dị tiết kiệm trong đời sống hàng ngày của họ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tìm hiểu văn hóa của người Khách Gia ở Miêu Lật

Nói về ẩm thực của người Khách Gia không thể không nhắc đến Ban, đây cũng được xem là nét đặc trưng riêng trong văn hóa lúa gạo của người Khách Gia. Đối với những người Khách Gia vốn cực kỳ coi trọng việc cúng bái tổ tiền mà nói, Ban không chỉ là một món ăn, mà còn là một phần không thể thiếu trong những dịp lễ Tết trong năm. Bánh gạo là loại Ban thông dụng nhất, dù là hôn lễ, tang sự, kính lễ, dâng miếu, mọi việc cúng bái đều dùng tới. Cách làm món bánh này là dùng gạo nếp đã hấp chín, cho vào giã trong cối đá, hai người luân phiên dùng chày giã xuống đến khi quyện mịn thành một khối là đạt đủ tiêu chuẩn. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ bánh gạo lại trở thành món ăn thiết yếu trong những dịp trọng đại của người Khách Gia, bởi thuở ban đầu người Khách Gia sống tương đối khó khăn, mà bánh gạo lại có thành phần chính là gạo nếp – loại ngũ cốc ăn vào dễ sinh cảm giác no bụng, vì vậy mời bánh gạo trước khi dọn bàn ăn lên khiến thực khách hầu như sẽ khó ăn thêm nhiều món khác. Cách lập luận này cũng khá phù hợp với truyền thống tiết kiệm của người Khách Gia.

Bên cạnh đó, những món ăn thường ngày của người Khách Gia còn phải kể tới: măng khô hầm lòng lợn (ruột già), tràng lợn om dưa, thịt kho tàu, xương hầm củ cải, lòng lợn xào gừng, gan lợn xào dứa, huyết vịt xào hẹ v.v…

Wanderlust Tips van hoa nguoi khach gia mieu lat 08

W. TIPS:

  • Để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu cũng như bảo tồn nền văn hóa, lịch sử của người Khách Gia, Chính phủ Đài Loan đã cho thành lập Công viên Miêu Lật hay còn gọi là Khu văn hóa Khách Gia Miêu Lật. Du khách tới đây có thể tự do tìm hiểu về quá trình định cư cũng như những nét cuốn hút trong văn hóa Khách Gia.
  • Số 6 đường Đồng Khoa Nam, làng Cửu Hồ, hương Đồng La, huyện Miêu Lật (No. 6, Tongkenan Road, Jiuhu Village, Tongluo Township, Miaoli County). Ban là loại ẩm thực nổi tiếng của người Khách Gia.

Hana | Wanderlust Tips