Tìm một Hồng Kông cổ điển trong lòng Vượng Giác
- 19/10/2018
- ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU, E.MAGAZINE
- bán đảo Cửu Long, Editor picks, Hong Kong, trà chiều, văn hóa lâu đời, Vượng Giác, Đài Loan, đèn neon
Nằm trên bán đảo Cửu Long, Vượng Giác là hiện thân của vẻ đẹp cổ điển, bình phàm nhưng đầy dư vị bản sắc của thị thành Hồng Kông vốn bị quy chụp phiến diện là hào nhoáng và đô hội.
[rpi]
Tôi lớn lên cùng phim bộ TVB và nền điện ảnh Hồng Kông một thời được mệnh danh là Hollywood phương Đông. Những cuốn phim lưu lại trong tôi một xứ Hương Cảng kỳ lạ và kỳ diệu. Nó mang vẻ đẹp giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, giữa Đông Á và Tây Âu, đưa đẩy hai thái cực cảm xúc sôi nổi cuồng nhiệt và tĩnh tại an yên cùng tồn tại. Tôi ít khi gắn Hồng Kông với những trung tâm thương mại sầm uất, đại lộ hào nhoáng, nhà hàng sang chảnh, hay khu Lan Quế Phường nồng cháy của rượu, khói thuốc và những vũ điệu quán bar. Từ lúc còn là một cô bé, tôi vẫn luôn mơ về một Hồng Kông của dáng vẻ bình phàm, tiệm cận với nhịp sống cổ truyền của người địa phương. Và giấc mơ Hồng Kông sau bao năm đó cuối cùng đã thành hiện thực.
Mỗi lần ngồi máy bay hay tàu xe, tôi hay tranh thủ đọc vài trang sách trên đường. Vậy mà chẳng hiểu sao, chỉ riêng chuyến đi Hồng Kông, tôi không thể nào nhập tâm vào câu chữ. Chặng đi, tôi nôn nao bồn chồn. Chặng về, tôi lưu luyến nuối tiếc. Tôi nhớ mãi chuyến bay từ Hà Nội qua Hồng Kông vào buổi sáng đẹp trời hôm ấy. Màn hình thỉnh thoảng thông báo vị trí của máy bay còn bao nhiêu cây số, bao nhiêu phút sẽ hạ cánh. Ngước nhìn hình ảnh điện tử ấy, tôi thấm thía bản thân đang từng bước tới gần miền đất tôi hay gọi là “quê hương kiếp trước” của mình thế nào. Tim tôi rộn ràng, đầu óc tôi hồi hộp. Máy bay giảm dần độ cao. Qua ô cửa kính sát ghế ngồi, Hồng Kông hiện ra trước mắt tôi bé xíu với màu xanh ngọc lục bảo thăm thẳm của biển khơi và cơ man tàu thuyền lướt sóng trắng xóa. Mắt tôi nhòa đi, tay tôi run rẩy, tôi bật khóc như đứa con nít được trở về nhà sau bao năm tháng đi lạc.
HỒNG KÔNG ĐẤT CHẬT NGƯỜI ĐÔNG
Sau chừng 30 phút ngồi xe bus hai tầng, thưởng lãm Hồng Kông từ bờ biển ven sân bay tới các con đường trong thành phố, tôi và các cô bạn thân xuống xe tại trạm dừng trên đường Nathan. Khu vực Vượng Giác đông đúc nhất của bán đảo Cửu Long trải ra trước mắt tôi đầy sống động. Vượng Giác thuộc quận Du Tiêm Vượng, nằm ở phía Tây của bán đảo Cửu Long. Dân trí ở đây thấp hơn so với các khu vực tập trung cơ quan chính phủ hay các khu vực trung tâm văn hóa, kinh tế, như Tiêm Sa Chủy hay Trung Hoàn, nhưng hơi thở cuộc sống thì đậm đà bản sắc truyền thống. Hòa vào dòng người và xe hối hả trên phố, mắt nhìn những tòa chung cư màu vôi tường đã bạc gắn lô nhô biển quảng cáo, tai nghe tiếng đèn hiệu giao thông lẫn với tiếng người nói chuyện, tôi mới dám tin rằng, mình đã thực sự ở trong lòng của Hồng Kông.
Nhà ở Hồng Kông phần nhiều nằm bên trong chung cư, lại hạn chế đánh số trước cửa nhà, chúng tôi tìm nhà trọ như mò kim đáy bể. Tôi gọi điện cho chủ nhà để hỏi đường. Cả tôi và chú ấy đều cố gắng diễn tả vị trí của mình, nhưng việc chỉ đường trở nên bất khả giữa đại lộ quá nhiều tòa nhà và góc ngã tư giống nhau. Lấy các cửa hiệu đặc trưng như Seven Eleven, Mannings hay Sasa làm điểm mốc cũng không ổn, vì một dãy phố có tới vài cửa tiệm thuộc cùng hệ thống. Sau gần một tiếng kéo vali ngoài phố, nhờ sự giúp đỡ của người đi đường, tôi cũng tìm thấy căn nhà của mình.
Nhà trọ của chúng tôi nằm trên lầu 9 của một tòa chung cư cũ ở Vượng Giác. Khu nhà có cổng vào bé, tường sặc sỡ, hành lang hẹp chạy dài các dãy nhà ở bốn phía, để lộ một khoảng sân chung rộng lớn ở giữa. Phong cách này được lưu giữ từ những năm 1960 – 1970, có ảnh hưởng lớn tới kiến trúc nhà ở của dân Hoa kiều ở Sài Gòn. Các khu nhà ở Vượng Giác dày đặc nhà trọ, khách sạn giá rẻ, cùng với không ít cửa hàng gia dụng, quán cà phê, hiệu sách, tiệm cắt tóc, thậm chí lớp học. Nhiều khi đi ngoài đường, người ta ngó thấy biển hiệu một cửa tiệm nào đó, muốn ghé vào mà phải mất công vòng vèo vào chung cư, leo bộ hoặc xếp hàng đợi thang máy khá lâu mới tìm thấy. Dạo bộ giữa hành lang tòa nhà, tôi tưởng như đang đến chơi nhà của hai nhân vật do Lưu Đức Hoa và Trương Mạn Ngọc đóng trong phim “As Tears Go By” nổi tiếng của đạo diễn Vương Gia Vệ.
Nhà trọ của chúng tôi rất chật, phòng ở của chúng tôi cũng chật, mở cửa có thể bước thẳng lên giường, từ giường nhón một chân là ra đến cửa. Sống như vậy hơi bất tiện một chút, song là cách hay để tôi nhập thân vào cuộc sống hiện thực tại Hồng Kông, bởi nhà ở của dân địa phương cũng không khác là bao. Hồng Kông rộng lớn mà cũng trở thành bé nhỏ khi dân tứ xứ nườm nượp đổ về. Người ta đành trân trọng từng mét đất để ở, tận dụng từng mét đất để kinh doanh. Riêng tại Vượng Giác, không ít gia đình sinh hoạt trong vỏn vẹn hơn 10m², sử dụng giường tầng, đựng đồ trong túi vải bạt để tiết kiệm diện tích.
MIỀN ĐẤT ĐÊM KHÔNG NGỦ, SÁNG DẬY TRỄ
Là một phần của Hồng Kông, Vượng Giác cũng “quen thói” đêm không ngủ, sáng dậy trễ. Mọi hoạt động của con người nơi đây bao gồm cả đi học ở trường, đi làm nơi công sở hiếm khi bắt đầu trước 9 giờ sáng. Giờ tan tầm của họ cũng diễn ra vào khoảng 7-8 giờ tối. Cuộc sống sôi nổi về đêm vì lẽ đó mà tồn tại nhiều thập kỷ.
Một buổi sáng của chuyến đi, tôi xuống phố từ 7 giờ sáng, đem theo mối tò mò về một diện mạo khác biệt của xứ Hương Cảng. Bữa đó trời se lạnh khi gió mùa về, bầu trời xam xám, người chưa thức giấc, cửa hiệu chưa mở, phố chưa kịp đông. Trên phố, lác đác vài anh người Ấn Độ, Philippines bốc vác hàng hóa, các cô chú lớn tuổi người Hồng Kông đập bẹp thùng carton, chất lên xe và kéo đi. Người ở các quốc gia Nam Á, Tây Á hay xuất khẩu lao động sang Hồng Kông, phụ nữ làm giúp việc trong các gia đình bản địa, đàn ông nhận nhiều công việc chân tay. Thị trường lao động của Hồng Kông rất thú vị khi có sự tham gia của người lớn tuổi và người khuyết tật. Mỗi người trong số họ đều ý thức được nghĩa vụ lao động của mình, còn xã hội cũng luôn trao cho họ cơ hội được kiếm tiền bình đẳng như mọi thành phần khác. Tôi nhớ buổi tối đầu tiên ở Hồng Kông, tôi tình cờ gặp một ông cụ khoảng ngoài 70 kéo đàn nhị trên phố. Ông chơi nhạc mê mải và phiêu nhất khi có khách bộ hành đi qua. Ông bảo ông từ đại lục qua và còn rất nhiều người Quảng Đông như ông tối nào cũng ngồi kéo đàn ở chợ Phụ Nữ (Lady Market), mong dùng tài nghệ đổi lấy chút tiền lẻ mưu sinh.
Thả mình vào khung cảnh vắng lặng, tôi thư thả tản bộ qua nhiều quãng phố, ngóc ngách, nghe tiếng đèn giao thông đổ chuông tích tóc như ly cà phê phin nhỏ từng giọt thời gian. Nhịp sống chậm lại, cuốn trôi sự bận rộn, trả lại cho Hương Cảng vẻ đẹp tĩnh tại an yên. Thường ngày, đi bộ ở Hồng Kông phải tuân thủ luật giao thông rất nghiêm ngặt, sang đường đúng vạch vôi trắng và chỉ khi đèn giao thông cho phép. Nhưng vào ban sáng vắng hoe thế này, thỉnh thoảng chạy xuống lòng đường, chụp vài kiểu ảnh không phải chuyện gì quá khó khăn.
Vượng Giác sôi động nhất từ sau 7 giờ tối. Ánh đèn neon rực rỡ rọi xuống từ các biển hiệu xóa nhòa ranh giới ngày và đêm. Ngoài trục đường chính Nathan, các con phố nhỏ đều cấm xe, trở thành phố đi bộ hoặc chợ đêm. Dọc các con đường, một vài sạp báo nép mình bên cửa hàng băng đĩa giá rẻ, bên dãy cửa cuốn hay bức tường chi chít tờ rơi quảng cáo, trong khi chiếc xe kem dừng ở một góc đường thuận tiện cho việc buôn bán. Khách bộ hành nườm nượp bước qua nhau. Người vô gia cư lặng lẽ ngồi ở một góc. Đoàn người biểu tình dựng ô vàng diễn thuyết. Nhóm nghệ thuật đường phố tấu nhạc hát ca. Bên cạnh rất nhiều tòa cao ốc sang chảnh và những đại lộ ngập tràn ánh sáng, Hồng Kông cũng có vô vàn ngõ hẻm bé tẹo, lắt léo, mở ra những mảnh ghép đời sống đa diện sắc màu như vậy.
NGƯỜI DÂN ÍT AI QUÊN GIỜ TRÀ CHIỀU
Giữ thói quen khi đi du lịch, tôi không kén chọn quán xá ở Hồng Kông, để mặc những bước chân lang thang vô tình dẫn lối, tôi tìm tới nhiều tiệm ăn cổ điển ở lề đường Vượng Giác. Tối đầu tiên, tôi và các bạn mua các loại đồ xiên que nóng hổi, bóng nhẫy, mỡ màng và thơm nức mùi gia vị tẩm ướp. Cả đám đứng thưởng thức ngay trên hè phố, giống hệt như phong cách của người Hồng Kông. Lúc ấy tôi trộm nghĩ, giá kể ghé Vượng Giác vào mùa đông, xì xụp vừa thổi vừa ăn những món ăn vặt nổi tiếng thì càng thích mê hơn nữa.
Không ít cửa tiệm ở Vượng Giác mở bán cả ngày lẫn đêm, được phục vụ bởi các cô chú trung tuổi hồn hậu. Các tiệm ăn bình dân thường không bài trí cầu kỳ, bàn chữ nhật xếp dọc từng hàng, ghế xoay lưng vào nhau để giảm thiểu diện tích. Thứ làm nên vẻ quyến rũ cho chúng là làn khói mang theo mùi đồ ăn thơm phức lan ra tận ngoài cửa. Thực đơn của các quán này thường hội tụ đầy đủ tinh hoa ẩm thực Hồng Kông với mỳ hoành thánh, mỳ bò kho, sandwich, bánh cuốn, cháo thịt kèm quẩy nóng, sữa đậu nành… Thứ duy nhất thiếu thốn ở xứ này là rau, bởi Hồng Kông rất hạn chế đất nông nghiệp.
Tôi thích nhất bữa trà chiều mỗi ngày, bởi người Hồng Kông có thể bỏ bữa sáng, ăn muộn bữa trưa, bữa tối nhưng ít ai quên mất giờ trà chiều. Đó là thời điểm mà quán xá tập trung thực khách thuộc đủ mọi đối tượng, lứa tuổi. Người già thong thả đọc báo, nhấp ngụm trà, ăn miếng bánh thơm hay chiếc há cảo nóng. Người trẻ vừa thưởng thức bữa ăn nhẹ vừa rôm rả chuyện trò. Hai món đồ uống tinh túy của Hồng Kông là trà sữa và trà chanh cũng hợp nhất khi uống vào quãng 3 – 4 giờ chiều, và cũng ngon nhất khi thưởng thức ở những tiệm ăn lề đường. Trà sữa được pha bằng vợt lưới, đậm vị chát của trà, sánh vị ngậy của sữa, riêng với đường thì người uống tự nêm nếm cho vừa khẩu vị. Ăn kèm với bánh trứng vàng ruộm, bánh dứa kẹp bơ thơm bùi, cả bữa ăn nhẹ nhàng, không nhiều dầu mỡ vẫn gói trọn cả tinh thần Hồng Kông.
Hơn một tuần lưu lại Hồng Kông, tôi ghé thăm nhiều điểm đến xinh đẹp qua mỗi ngày. Chỉ riêng Vượng Giác thì giống như ngôi nhà của tôi, nơi tôi rời đi mỗi sáng và trở về mỗi tối, nơi lưu giữ những bữa ăn ngon, những cuộc chuyện phiếm hay với người bản địa, những lần hòa giọng và nhảy nhót vô tư giữa phố nếu tình cờ bắt gặp một bản nhạc quen. Tôi nhớ nhất trong chuỗi ngày này là cảm giác khi đứng ở ngã tư đường phố, đèn giao thông đổ hồi chuông dài, người đi bộ từ hai bên đường ùa vào nhau, vội vã nhưng ít khi va đập. Khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận được sự hòa nhập tuyệt vời của mình vào nhịp sống nơi đây. Thời gian chảy trôi, con người hối hả song những giá trị văn hóa lâu đời vẫn vẹn nguyên lưu truyền. Nếu gọi tên cảm xúc lắng đọng sau cùng của tôi khi chuyến đi khép lại thì có lẽ không gì ngoài hai chữ “tìm thấy”. Bởi sau bao năm tháng du hành trong ảo mộng, tôi cũng gặp được Hồng Kông, gặp Vượng Giác đúng như ý niệm của riêng tôi.
W.TIPS
DI CHUYỂN
Từ Việt Nam, bạn có thể bay thẳng tới sân bay Quốc tế Hồng Kông trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, Hồng Kông Airlines, Cathay Pacific, Jetstar Pacific.
VISA
Visa Hồng Kông giới hạn cho du khách Việt Nam trong 7 ngày lưu trú và cần làm trước khi khởi hành một tháng.
TIỀN TỆ
Đô la Hồng Kông. 1HKD ~ 2.969VND (tính theo tỷ giá hiện tại). Hồng Kông có nhiều mức chi tiêu cho du khách lựa chọn, tùy thuộc việc sử dụng dịch vụ cao cấp hoặc bình dân.
KHÍ HẬU
Khí hậu Hồng Kông giống hệt miền Bắc Việt Nam, bốn mùa luân chuyển, chênh lệch nhiệt độ giữa hai nơi cùng một thời điểm không lớn.
LƯU TRÚ
Tại Hồng Kông có nhiều loại hình khách sạn, hostel, homestay với kiểu phòng riêng hoặc phòng tập thể (dorm), giá thấp nhất là khoảng hơn 100HKD/đêm (~300.000VND/đêm).
DI CHUYỂN NỘI ĐỊA
Khi xuống sân bay, bạn nên mua ngay một thẻ Octopus. Đây được mệnh danh là chiếc thẻ thần kỳ vì có thể thanh toán khi đi 11 loại phương tiện: tàu điện ngầm (MTR), xe bus hai tầng, mini bus, xe điện, tàu biển, thuyền, tàu cao tốc…, ngoài ra có thể dùng để mua hàng tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
QUÀ LƯU NIỆM
Bạn có thể lựa chọn các món ăn truyền thống: bánh bà xã, bánh trứng, bánh đậu phộng, trà… hoặc bánh Trung thu, bánh Tết vào các dịp lễ đặc biệt. Ngoài ra, bưu thiếp in ảnh chụp, tranh vẽ Hồng Kông cũng là những món quà ý nghĩa.
Phong Kiều | Wanderlust Tips