Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt: “Tìm những thứ phi thường trong những điều bình thường”

Wanderlust Tips đã có cuộc trò chuyện thú vị với nhiếp ảnh gia trẻ Trần Tuấn Việt. Dù không được đào tạo bài bản về nhiếp ảnh song với niềm đam mê c ầm máy, anh đã sở hữu nhiều bức ảnh được vinh danh trên các cộng đồng nhiếp ảnh lớn của thế giới như National Geographic hay Smithsonian.

[rpi]

wanderlust tips tim nhung thu phi thuong trong nhung dieu binh thuong 3

Trần Tuấn Việt là một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi. Tốt nghiệp khoa Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng, là một kiến trúc sư nhưng Việt đã “lạc nghề” sang nghề công nghệ thông tin, và lạc thêm lần nữa cùng chiếc camera. Hiện tại Trần Tuấn Việt là giám đốc một công ty về công nghệ thông tin nhưng chưa lúc nào từ bỏ đam mê cầm máy ảnh.

Làm quen với với nhiếp ảnh đến 2017 là tròn 10 năm, “tay ngang” Trần Tuấn Việt đã gặt hái được những thành công nhất định trên con đường của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Ảnh của Việt được tham dự các triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội, triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia, anh cũng đạt một vài giải thưởng quốc tế tại Hoa Kỳ, Italy, Argentina, Ấn Độ, Phần Lan, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Séc… Một vài tác phẩm của Trần Tuấn Việt được chọn là ảnh đẹp trong ngày tại các cộng đồng nhiếp ảnh lớn của thế giới như National Geographic, Smithsonian…

Trần Tuấn Việt đã xuất sắc sở hữu 13 bức ảnh được chọn vào “Top ảnh đẹp nhất trong ngày – Daily Dozen” – là người Việt Nam có nhiều ảnh được chọn vào “Daily Dozen” nhất cho tới thời điểm hiện tại. Việt cũng là người Việt Nam thứ 2 có ảnh được đăng trên hạng mục VISIONS là mục tiêu biểu ở những trang đầu tạp chí, nơi đăng tải những hình ảnh độc đáo trên thế giới.

wanderlust tips tim nhung thu phi thuong trong nhung dieu binh thuong 1 2

images 1 Mỗi người thường theo đuổi một phong cách chụp ảnh, sở thích chụp khác nhau. Theo anh thì “gu” ảnh của anh là gì? Điều gì sẽ thôi thúc anh lên đường “săn” những bức ảnh đẹp?

Mình là “Visual Storyteller” đúng nghĩa – một người kể chuyện bằng hình ảnh. Những câu chuyện ảnh của mình chủ yếu tập trung về những câu chuyện Việt Nam, những làng nghề truyền thống, những con người lao động… Nét đẹp mộc mạc, đơn sơ của họ là thứ thôi thúc mình tìm hiểu, đồng cảm và ghi lại.

images 2Các bạn chụp ảnh tốt thường rất thích chụp các vùng phong cảnh thiên nhiên nên thơ Tây Bắc Việt Nam, hoặc chụp ảnh nước ngoài, các điểm đến theo xu hướng. Vậy còn anh? Style ảnh của anh là… ? Anh có lựa chọn đề tài theo xu hướng không (mùa lúa chín, ruộng bậc thang, săn mây, hay chụp người đẹp)?

Đa số người chơi nhiếp ảnh ở mình đều nằm trong xu thế đó. Và nhiếp ảnh gia Việt Nam rất nhạt nhòa, vì không chuyên sâu vào một mảng nào. Họ hôm nay có thể là nhiếp ảnh gia phong cảnh, ngày mai là nhiếp ảnh gia chân dung, ngày hôm sau đã sáng tác ảnh đời thường. Trước đây, mình cũng nằm trong những “guồng quay” theo xu hướng, theo mùa như nhiều nhiếp ảnh gia khác. Với mong muốn có sự khác biệt, mình tập trung vào chuyên sâu kể những câu chuyện ảnh về đời thường, về nghề truyền thống, về những thứ sẽ mất dần với thời gian.

images 2 Theo anh điều gì làm nên một tác phẩm nhiếp ảnh đẹp? Đằng sau những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp có những khó khăn vất vả thế nào?

Một tác phẩm nhiếp ảnh đẹp, theo cá nhân mình ngoài đạt yếu tố về kỹ thuật, mỹ thuật còn phải truyền tải được nội dung hấp dẫn, sâu sắc, ý nghĩa. Khi mới làm quen với máy, mình phải tự mày mò tìm tòi từ những tài liệu nước ngoài để học hỏi về kỹ thuật chụp, làm chủ chiếc máy ảnh. Còn về mỹ thuật, nội dung hay ý nghĩa bức ảnh, thì đó là cả một quá trình dài. Đôi khi chụp cả ngàn bức ảnh chỉ để bắt lấy một khoảnh khắc là chuyện rất bình thường. Mình nghĩ khó khăn nhất với mình là luôn phải tự mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu. Ban đầu là cách sử dụng và làm chủ thiết bị, tiếp đó là cách nhìn nhận, chụp và hậu kỳ hình ảnh. Ngoài ra, luôn phải tìm ra những cái mới mẻ, độc đáo và nhiều giá trị.

wanderlust tips tim nhung thu phi thuong trong nhung dieu binh thuong 2

images 2 Anh có thể kể một “câu chuyện đằng sau bức ảnh” mà anh ấn tượng nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình không?

Mình có rất nhiều kỷ niệm với các bức ảnh của mình, nhưng đến giờ bức ảnh “Làm hương” – bức ảnh được in trong chuyên mục Visions of Earth (“Những góc nhìn của thế giới”) trên tạp chí National Geographic tháng 6 năm 2017 là bức ảnh ấn tượng nhất của mình.

Ảnh ghi lại một người phụ nữ là công nhân làm tăm hương, ở làng Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội. Qua bức ảnh, mình muốn truyền tải câu chuyện về hương – công cụ để kết nối thế giới hiện thực với tâm linh – và nghề truyền thống làm hương lâu đời, có từ hàng nghìn năm nay tại Việt Nam.

images 2 Anh có bí quyết gì để những bức ảnh của một nhiếp ảnh gia Việt Nam trẻ tuổi lọt vào mắt xanh của các ấn phẩm báo chí quốc tế?

Bí quyết của mình là kể những câu chuyện ảnh thực tế, thật và độc đáo, chỉ có ở Việt Nam. Nếu những sự độc đáo đó gắn liền với văn hóa truyền thống, thì ảnh sẽ trở nên tuyệt vời hơn. Bởi đó là những điều đặc trưng, khác biệt, là bản sắc của chúng ta, là những câu chuyện văn hóa, lịch sử, tập quán vô cùng thú vị.

Nhiều bạn bè quốc tế khi xem những bức ảnh của tôi thì tỏ ra rất hiếu kỳ. Họ không biết bó hương là gì, tôi lại giải thích đây là gắn với phong tục thờ cúng tổ tiên lâu đời của người Việt. Rồi khi chụp những “ngư dân đi cà kheo” trên biển Hải Hậu, Nam Định, cũng có rất nhiều người ngạc nhiên, tôi lại giải thích đó là cách để họ có thể bắt được tôm, cá. Nhờ những câu chuyện như vậy, nhiều nhiếp ảnh gia đã tìm đến tôi để hỏi về Việt Nam, họ hỏi xem có thể tìm đến đâu để có được những góc ảnh đẹp.

images 2 Anh có lời khuyên gì cho các bạn “thích chụp ảnh” và mong muốn theo đuổi con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp?

Mình nghĩ, để theo đuổi con đường nhiếp ảnh cần luôn giữ vững đam mê. Luôn phải học hỏi, tìm tòi, sáng tạo và tìm ra được những cái riêng biệt cho bản thân bằng cách thật “khắt khe” với những sản phẩm của mình. Nếu không có đam mê thực sự và một tinh thần học hỏi thì sẽ đến lúc bạn cảm thấy “chùn chân mỏi gối” bởi hành trình trở thành một nhiếp ảnh gia cũng không phải con đường trải hoa hồng mà thực tế nó rất khắc nghiệt.

wanderlust tips tim nhung thu phi thuong trong nhung dieu binh thuong 1

images 2 Điểm đến nào ở Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với anh? Nếu như được đề xuất 5 điểm đến cho 2017, anh sẽ chọn những điểm đến nào?

Nếu được chọn 5 điểm đến cho năm 2017, mình sẽ chọn: Quảng Bình với quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long, Yên Bái với ruộng bậc thang kỳ vĩ, cố đô Ninh Bình với thắng cảnh và lịch sử, và cuối cùng là thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước. Điểm đến ấn tượng và mơ ước với cá nhân mình nhất là hệ thống hang động của Quảng Bình, đặc biệt là hang Sơn Đoòng.

images 2 Gần đây, những người chụp thì có rất nhiều, họ cũng có thể sở hữu máy tốt, đi được nhiều địa điểm, nhưng điều gì sẽ phân biệt giữa các du khách yêu thích chụp ảnh với một nhiếp ảnh gia thực sự? Việc ai cũng có thể sở hữu máy, ai cũng có thể đi du lịch, và ai cũng có thể bấm máy để săn ảnh có bất cập gì không ạ?

Một du khách chỉ có nhu cầu ghi lại hình ảnh mỗi nơi họ đặt chân đến. Còn nhiếp ảnh gia thực sự, sẽ đầu tư kỹ về thời gian, về giá trị từng khuôn hình. Họ sẽ luôn đòi hỏi mình cao hơn sau mỗi lần bấm máy.

Giờ là thời điểm rất dễ nhầm lẫn giữa những người chụp ảnh chơi và một nhiếp ảnh gia thực thụ. Cá nhân mình thấy có nhiều điều bất cập, như nhiều người lợi dụng máy ảnh để làm việc xấu, rồi chụp ảnh chỉ thỏa mãn cái tôi của bản thân, chụp ảnh rẻ mạt để đánh bóng tên tuổi, để câu “like”…

images 2 Anh có dự định xuất bản sách ảnh không và điểm đến tiếp theo anh mong đợi được tác nghiệp là ở đâu?

Khi cảm thấy hành trình nhiếp ảnh của mình đủ chín, “gia tài” ảnh đủ lớn mình mong sẽ cho ra đời những sách ảnh, tổ chức những triển lãm riêng. Với đặc trưng riêng như mình đã nói, điểm đến tiếp theo của mình vẫn là những làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Xin cảm ơn anh đã tham gia trò chuyện cùng Wanderlust Tips. Chúc cho anh gặt hái thêm nhiều thành công trong hành trình mang hồn Việt ra thế giới bằng nhiếp ảnh.

Hồng Nhung | Wanderlust Tips