Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

[Wanderlust Tips tháng 8/2018] Elizabeth Gilbert đã viết trong cuốn tự truyện “ăn, cầu nguyện và yêu” rằng: “Ai đến Bali cũng có một mối tình”. Và cô ấy đã thực sự tìm thấy một mối tình lãng mạn ở Bali. Còn tôi, tôi cũng tìm thấy cho riêng mình một tình yêu say đắm ở hòn đảo xinh đẹp này, nhưng theo một cách khác.

[rpi]

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali
VÙNG ĐẤT CỦA NGHỆ THUẬT

Từ Việt Nam, trải qua 2 chặng bay khá vất vả (nối chuyến ở Kuala Lumpur, Malaysia), cuối cùng tôi cũng đặt chân tới hòn đảo nổi tiếng nhất của đất nước vạn đảo Indonesia – Bali. Vừa đặt chân xuống sân bay, dường như mọi mỏi mệt đều tan biến hết bởi sự choáng ngợp và bỡ ngỡ. Sân bay Bali vô cùng sạch đẹp, rộng rãi, và đặc biệt trong suốt chặng đường từ cửa ra máy bay cho tới khu vực nhập cảnh, rồi tới cổng chính của sân bay đều được bài trí những họa tiết, tranh tường, mặt nạ tinh xảo… Tất cả mang đậm chất Bali, khiến bất cứ ai cũng không thể nhầm lẫn rằng mình đang ở một nơi nào đó khác mà không phải là Indonesia, không phải là Bali. Sự nhắc nhở đầy khéo léo ấy có lẽ còn mang theo niềm tự hào của người Bali muốn khoe với du khách khắp thế giới ghé thăm rằng: Bali là một vùng đất của nghệ thuật.

Người dân Bali được xem là dân tộc tài hoa nhất nhất trong số khoảng 300 sắc tộc ở Indonesia. Vì vậy mà nền văn hóa triết học tôn giáo Hindu vốn đã vô cùng phong phú, khi đến Bali lại kết hợp với tín ngưỡng đa thần giáo độc đáo tại đây, trở thành nguồn cảm hứng để người dân địa phương phát triển nhiều loại hình nghệ thuật rực rỡ. Và trong những ngày rong ruổi trên khắp những nẻo đường Bali, tôi thường tự hỏi rằng liệu có phải người dân nơi đây nếu không làm du lịch thì có lẽ đều làm nghệ thuật và trở thành những nghệ sĩ thực sự tài ba. Hãy nhìn những kiến trúc đền đài ấn tượng họ xây nên, cổng trời tách đôi huyền bí, các điệu vũ đi vào lòng người hay vô số nghề thủ công khéo léo…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

Tôi vẫn nhớ mãi con đường Jalan Raya Andong ở Ubud khi ghé thăm ruộng bậc thang Tegalalang. Tên gọi của nó thì là vậy nhưng cá nhân tôi thích gọi nó bằng cái tên “con đường nghệ thuật”. Bởi, suốt chặng đường dài hàng km xa tít tắp ấy, vô số cửa hàng đồ thủ công san sát nhau kéo dài suốt dọc hai bên đường. Mỗi cửa hàng thường bán tập trung vào một mặt hàng, hoặc tượng điêu khắc, hoặc quần áo, hoặc đồ trang trí từ vỏ sò hay chuyên đồ gốm… Và điều thú vị là trong số gần cả trăm cửa hàng như thế, số lượng những cửa hàng bán trùng một loại mặt hàng rất ít. Sự sáng tạo chính là điều tiên quyết để mỗi cửa hàng làm nên phong cách riêng.

Tôi cứ say mê ngắm nghía không biết chán vô số những món đồ thủ công nhiều màu sắc. Những chiếc võng tết kỳ công giăng mắc kín một cửa hàng. Ở một tiệm khác lại bán dreamcatcher (lưới bắt những giấc mơ xấu) với đủ kiểu tết sinh động, trên đó gắn những chiếc lông vũ mềm mại bay bay trong gió. Cách đó vài bước chân, một cửa hàng bày đầy terrarium (bồn cảnh thủy tinh) cỡ lỡn trên những thân cây cũng cỡ lớn, bên trong mỗi terrarium mở ra một thế giới xanh tuyệt diệu… Còn nếu bạn là “fan” của đồ nội thất, vậy chắc hẳn bạn sẽ muốn “mua cả thế giới” đem về nhà khi lang thang trên con đường nghệ thuật này. Những bộ bàn ghế, tủ kệ bằng gỗ với đa dạng phong cách, từ giản dị hiện đại tới vintage cổ điển, từ một gam màu nhẹ nhàng tới tổng hòa nhiều gam màu sặc sỡ… Và còn cửa hàng bán gương nữa, những vòng trang trí kim loại tinh xảo bao quanh những chiếc gương đủ hình dạng kích cỡ sẽ biến căn phòng của bất cứ ai tựa như bước vào các câu chuyện cổ tích.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

Bên cạnh con đường Jalan Raya Andong, một địa điểm mua sắm đồ lưu niệm chắc chắn không thể bỏ qua của du khách ghé Bali chính là chợ nghệ thuật Ubud. Khu chợ truyền thống này luôn đông đúc với các quầy hàng san sát nhau bán đủ các mặt hàng: quần áo, giày dép, túi xách, sarong, tranh vẽ… Len lỏi qua các lối đi hẹp, lời chào mời ngọt ngào của chủ hàng cùng những món đồ thủ công tinh xảo khiến tôi quên cả thời gian và nỗi lo ngân sách vượt quá mức.

CỨ VÀI MÉT LẠI BẮT GẶP MỘT NGÔI ĐỀN

Ở Bali có hàng ngàn ngôi đền. Thật vậy. Người ta ước tính rằng Bali có khoảng 11.000 ngôi đền, còn nếu tính cả những điện thờ ở các gia đình thì con số có lẽ là hơn 200.000. Các ngôi đền Bali thường chia làm 2 nhóm chính: đền công và đền của gia đình, dòng họ. Đền công được mọi người trong cộng đồng đóng góp xây dựng và là nơi tôn thờ thần thánh, luôn mang dáng vẻ đồ sộ nguy nga. Trong khi đó đền gia đình, dòng họ để thờ cúng tổ tiên, được lưu giữ và phát triển qua nhiều đời con cháu, và qua kiến trúc của đền (diện tích, số lượng, tòa tháp, đền thờ, nét chạm trổ chi tiết…) có thể đoán biết được sự giàu có, hưng vượng của dòng họ ấy. Tôi lái xe băng qua những góc phố tuyệt đẹp, những ngôi đền gia đình xen lẫn các ngôi đền công cứ thế san sát nối tiếp nhau đủ kiểu dáng, lớn nhỏ. Thậm chí nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy trên nhiều con đường người ta không đánh số lên khu vực nhà ở mà đánh số lên chính ngôi đền thuộc sở hữu của gia đình nằm ngay sát cạnh.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

Phần lớn dân số Bali theo Hindu giáo (Ấn Độ giáo) vì vậy mà kiến trúc các ngôi đền ở Bali cũng chịu ảnh hưởng tôn giáo này khá rõ nét. Các ngôi đền thường xây theo một lối kiến trúc quen thuộc, gồm ba tầng tượng trưng cho ba thế giới: thế giới trần gian, thế giới tâm linh, và thế giới các thánh. Ở chính diện đền, khu trung tâm thường là ba toà tháp cao thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo là thần sáng tạo (Brahma), thần bảo vệ (Vishnu) và thần huỷ diệt (Shiva). Đền thờ thần Shiva thường ở giữa, hai vị thần còn lại ở hai bên, biểu hiện sự thống nhất của ba quá trình tái tạo gồm sáng tạo, huỷ diệt và bảo vệ.

Ngôi đền cổ lớn nhất, quan trọng bậc nhất đối với người dân Bali chính là đền Mẹ (Besakih). Tựa lưng vào núi lửa Agung, đền Mẹ được bao bọc bởi thiên nhiên tuyệt đẹp với mây trời bao la, núi non hùng vĩ và cánh đồng lúa xanh rì. Quấn chiếc sarong bằng vải batik truyền thống, tôi theo đoàn người hành hương leo lên những bậc thang cao tựa như đang leo lên đỉnh núi. Khoảng 30 công trình cổng, tháp lớn nhỏ dần hiện ra ấn tượng với sự kết hợp hài hòa cùng cảnh quan. Vào năm 1963 khi núi lửa Agung đột nhiên phun trào khiến 1.700 người chết, dòng nham thạch đã chảy đến rất sát khu vực đền Mẹ, chỉ cách có vài mét rồi dừng lại. Người dân Bali tin rằng đó chính là phép màu và dấu hiệu từ các vị thần.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

Ngày kế tiếp tôi dành thời gian thăm đền Nước (Tirta Empul) nằm ở trung tâm đảo Bali, vùng Tampaksiring. Ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, được bao bọc bởi dòng suối chảy quanh năm. Nước từ con suối chảy qua một ao nước thánh trầm tích sủi bọt và từ đó chảy vào hai hồ bơi lớn hình chữ nhật qua các đài phun nước được chạm trổ cầu kỳ trong đền. Đền Nước không gây ấn tượng bởi sự đồ sộ như đền Mẹ, nơi đây thu hút du khách bởi nghi lễ truyền thống đặc biệt của người dân Bali. Họ đằm mình xuống bể tắm, di chuyển qua lần lượt các đài phun để gột rửa, thanh tẩy bản thân và cầu mong đem đến nhiều sức khỏe, may mắn. Dòng nước suối trong vắt và lạnh toát, từng bước chạm chân và hòa mình vào dòng nước ấy, tâm trí tôi bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, cả cơ thể nhẹ nhõm và thanh sạch kỳ lạ.

Do không có thời gian thăm tất cả các ngôi đền ở Bali, nên ngôi đền thứ ba tôi lựa chọn là ngôi đền trên biển Tanah Lot đóng một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Bali. Ngôi đền cũng là nơi người dân Bali thể hiện lòng thành với những vị thần trấn giữ đại dương. Người dân Bali cũng tin rằng các loài rắn độc trú ngụ quanh ngôi đền là để bảo vệ nơi linh thiêng này khỏi những linh hồn ma quỷ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

Được xây dựng bởi một thầy tu người Java, đền Tanah Lot ngự trị trên đỉnh một khối đá khổng lồ, bốn bề là nước xanh thẳm. Một điều thú vị là khi thủy triều lên, khối đá lớn này bị tách rời ra khỏi hòn đảo chính, nhưng khi thủy triều xuống, du khách có thể theo lối đi ẩn hiện trên mặt nước để đến gần ngôi đền hơn. Sau khi lang thang khám phá mọi ngóc ngách của ngôi đền, chụp đủ các hình ảnh đẹp, tôi lựa chọn nghỉ chân tại bãi cỏ gần đó, bãi cỏ xanh rì với những thân cây giăng mắc đầy các họa tiết bằng chỉ nhiều màu. Ngồi dưới vòm cây, từng tia nắng chiếu xuyên qua kẽ lá, những dải chỉ xanh đỏ tím vàng khẽ đung đưa trong gió, xa xa là biển xanh sóng vỗ bờ rì rào, một không khí thực sự yên bình tuyệt diệu. Giá như giây phút này trôi chậm lại để tôi có thể ở lại với Bali lâu hơn chút nữa.

NHỮNG MẢNG MÀU THIÊN NHIÊN

Tất nhiên nếu chỉ có những ngôi đền hay nghệ thuật phát triển rực rỡ, chưa chắc Bali đã nổi tiếng đến thế. Còn một lý do nữa khiến ai đến Bali cũng phải đắm say, đó chính là thiên nhiên tuyệt diệu nơi đây. Bali có những bãi biển đẹp như mơ, có núi lửa hùng vĩ, có thác nước ào ào tuôn, có ruộng bậc thang xanh mướt… Tôi nghĩ rằng mỗi một yếu tố đó không phải là đẹp kỳ vĩ nhất nhưng bởi chúng được đặt cùng nhau trên một hòn đảo nên đã tạo được dấu ấn vô cùng đặc biệt.

Trong cái nắng chang chang của buổi trưa, tôi dường như chẳng bận tâm mấy đến việc làn da sẽ biến đổi sang một tông màu khác, cứ thế chạy dài trên bãi cát rồi lao thẳng vào làn nước lấp lánh. Ngụp lặn dưới làn nước xanh trong vắt ấy, tôi có thể thấy những khóm san hô nhiều màu sắc, thi thoảng lại có đàn cá nhỏ bơi qua lại. Trong khi đó, cô bạn đi cùng tôi lại chọn cách thức thưởng ngoạn an nhàn hơn, đó là gọi một ly cocktail rồi nằm dài ngắm biển, cứ thế hít hà cho đã hương vị biển sảng khoái. Các dịch vụ tại Bali rất phát triển nên nếu ưa hoạt động hơn, bạn có thể tham gia rất nhiều môn thể thao hấp dẫn như lướt ván, motor nước, lặn biển bình dưỡng khí…, mỗi trải nghiệm lại mang đến những sự hứng khởi khác nhau.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

Như đã kể trên, ngoài trải nghiệm bờ biển thơ mộng, Bali còn ẩn chứa vô số gam màu thiên nhiên cuốn hút khác, một trong số đó là ruộng bậc thang Tegalalang nổi tiếng. Nếu bình thường người ta chỉ đứng yên ngắm nhìn những thửa ruộng ngút ngàn, thì ở Bali tôi được ngắm chúng theo một góc nhìn hoàn toàn độc đáo – trên đu. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác thót tim khi nhịp đu đầu tiên văng tôi lên cao tít như chạm đến tận trời xanh. Thế nhưng khi vượt qua được cảm giác sợ hãi đầu tiên ấy, tôi thấy mình như đang bay trên những ruộng lúa mướt mả và những ngọn dừa đu đưa trong gió, phía trên là áng mây trắng lững lờ trôi, ánh nắng vàng ươm như nhảy nhót theo từng nhịp đu.

Hay cảm giác lo lắng rồi phấn khích đến tột cùng khi đưa mình theo dòng nước xiết để trượt trên mặt đá trơn nhẵn ở khu du lịch thác Aling Aling. Cũng tại đây, một đứa nhát cáy như tôi đã dám nhắm mắt nhắm mũi để thả rơi tự do bản thân ở độ cao 10m xuống dòng thác xiết. Cảm tưởng như bạn đang nhảy lầu vậy, mọi khung cảnh cứ thế trôi tuột trước mắt cho tới khi toàn thân chìm nghỉm xuống dòng nước lạnh. Sau đó là một loạt những vùng vẫy cùng sự hỗ trợ của các nhân viên tại thác để đưa tôi từ chân thác trở về bờ. Quay lưng nhìn lại dòng thác đang đổ thẳng đứng trắng xóa, tôi thấy tim mình vẫn đang đập mạnh liên hồi, chân tay bủn rủn nhưng lại có gì đó mừng vui khôn xiết, hóa ra tôi đã vừa làm được một việc vượt qua chính bản thân mình.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

Khi toàn thân đã mỏi mệt vì các hoạt động vui chơi khám phá thiên nhiên suốt cả ngày dài, bạn hãy ghé tới một quán bar nghỉ ngơi. Từ đây, chọn một vị trí đẹp nhất tại khu vực lan can để có thể ngắm nhìn trọn vẹn khoảnh khắc hoàng hôn bao trùm hòn đảo Bali xinh đẹp. Đó sẽ là mặt trời đỏ rực dần biến mất sau mặt biển lấp loáng, hay ánh hoàng hôn dần khuất sau ngọn núi lửa kỳ vĩ. Dù là khung cảnh nào thì hoàng hôn Bali cũng thật mê hoặc. Tôi cứ lặng ngắm mãi cho tới khi ráng vàng hoàn toàn biến mất, để lại nhiều dư vị đẹp đẽ và ngọt ngào cho những khoảnh khắc cuối cùng ở Bali.

Ôm mối tình với Bali trở về Việt Nam, thi thoảng tôi vẫn nhớ nhung lắm hòn đảo của những ngôi đền thiêng, của thiên nhiên kỳ vĩ và người dân tài hoa. Và bạn cũng hãy ít nhất một lần đến Bali, để yêu, để say đắm, như tôi đã đánh rơi một phần trái tim mình ở Bali như thế…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Tôi đã đánh rơi trái tim mình ở Bali

W. TIPS

Di chuyển tới Bali

Từ Việt Nam chưa có đường bay thẳng đến Bali, vì vậy bạn sẽ phải bay nối chuyến, dừng tại 1 điểm. 3 hãng bay lớn thường được lựa chọn là: Vietnam Airlines (nối chuyến tại Jakarta, Indonesia), Tiger Air (nối chuyến ở Singapore), Air Asia (nối chuyến ở Kuala Lumpur). Bạn nên canh các đợt khuyến mại và đặt vé sớm để có giá tốt nhất.

Thời điểm

Thời điểm tốt nhất để đến Bali là vào tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Đây cũng là lúc Bali bắt đầu vào thu, tiết trời mát mẻ, khô ráo, không có mưa giông kéo dài. Tuy nhiên, các tháng 7, 8, 9 lượng khách du lịch đổ về Bali rất đông nên có thể hết phòng, đường tắc nghẽn mà chi phí sinh hoạt, ăn uống, thăm thú lại tăng lên rất nhiều. Vì vậy bạn có thể tránh 3 tháng trên và đi vào các tháng 5, 6 hoặc 10.

Lưu trú

Bali là một điểm du lịch nổi tiếng với những khách sạn kiến trúc đẹp, view đắt giá. Giá cả ở đây cũng rất đa dạng từ bình dân đến cao cấp để phù hợp với nhiều nhu cầu của du khách. Tuy nhiên những khách sạn đẹp mà vừa túi tiền không phải lúc nào cũng còn phòng trống, vì vậy lời khuyên là nên đặt khách sạn trước đó khoảng 2 tháng để giữ chỗ, đặc biệt là nếu đi vào những tháng cao điểm.

Ngôn ngữ

Người Indonesia nói tiếng Anh bồi cũng khá dễ hiểu nên bạn có thể giao tiếp với họ bằng một số vốn tiếng Anh nhất định trong việc chào hỏi, mua bán, hỏi đường hay một số từ thông dụng về món ăn, phương tiện giao thông hoặc giờ giấc.

Tiền tệ

Cũng giống nhiều khu vực khác ở Indonesia, người dân đảo Bali sử dụng đồng tiền Rupiah có tỷ giá 1IDR = 1.59VND (có thể thay đổi lên xuống tuỳ thời điểm). Bạn nên đổi tiền ở sân bay hay các ngân hàng để có giá tốt nhất.

Di chuyển ở Bali

Xe máy là phương tiện di chuyển thuận tiện và có chi phí thuê rẻ nếu bạn muốn khám phá các khu vực trên hòn đảo. Tuy nhiên lưu ý tại đây mọi người sẽ di chuyển theo làn đường bên trái thay vì bên phải như Việt Nam. Khi thuê xe, bạn cũng cần kiểm tra bình xăng và mũ bảo hiểm. Ở khu vực trung tâm thành phố thường tắc đường, đặc biệt là tầm chiều tối.

Mua sắm

Ở Bali, thường sẽ có mức giá cho người dân địa phương và mức giá dành riêng cho khách du lịch. Đặc biệt là khi mua bán tại các khu chợ, người dân thường nói thách gấp đôi, hoặc thậm chí gấp ba, gấp bốn lần. Nếu khéo léo, bạn có thể mặc cả để có được những món hàng giá hời. Thậm chí cả những dịch vụ tưởng chừng đã cố định giá như khách sạn hay tour du lịch, bạn vẫn linh động thỏa thuận được.

Trang phục

Nhiều ngôi đền yêu cầu du khách vào tham quan phải mặc trang phục truyền thống Sarong – một tấm vải cuốn từ bụng xuống dưới chân. Bạn có thể mua Sarong tại các khu chợ với nhiều lựa chọn đa dạng hoặc tại các ngôi đền cũng có dịch vụ cho thuê Sarong. Sarong bằng vải batik – vải truyền thống Indonesia với nhiều hoa văn và màu sắc phong phú, được nhiều du khách ưa chuộng.

Ẩm thực

Có rất nhiều món ngon tại Bali mà bạn nên thưởng thức như: cơm nasi goreng, thịt xiên nướng sate lilit, heo sữa quay babi guiling, lawar, betutu…

Ly Nguyễn | Wanderlust Tips