Trách nhiệm ở đâu từ chuyện sống ảo thiếu hiểu biết với sao biển Phú Quốc?

Câu chuyện đau lòng đang diễn ra với sao biển Phú Quốc khiến chúng ta một lần nữa phải suy nghĩ lại về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các sinh vật biển.

[rpi]

SAO BIỂN PHÚ QUỐC CHẾT HÀNG LOẠT DO SỰ THIẾU HIỂU BIỂU

Gần đây, có rất nhiều bài viết trên Internet đăng tải những thông tin có nội dung như: check-in với vương quốc sao biển ở Phú Quốc, không thể bỏ lỡ vương quốc sao biển tuyệt đẹp ở Phú Quốc… Quả thực, với hình dáng ngôi sao và màu đỏ hút mắt, sao biển chính là điểm nhấn đặc sắc cho những bức ảnh du lịch biển ngày hè.

Ý tưởng các bài báo không đáng chê trách, tuy nhiên phần hình ảnh thì cần được xem xét lại khi nhiều bức ảnh chỉ rõ rằng một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đã cầm hẳn sao biển lên tay hoặc xếp chúng lên bãi cát khô để chụp ảnh sống ảo.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Sao biển ở Phú Quốc

Việc làm này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng và đặc biệt bùng nổ khi theo hình ảnh được chia sẻ mới đây, trên dọc bãi biển Rạch Vẹm (Gành Dầu, Phú Quốc), rất nhiều sao biển bị cháy khô dưới nắng ở những nơi sóng biển không vào tới. Những con sao biển Phú Quốc cong queo, đen cả cánh lại là hậu quả của những khách du lịch thiếu ý thức.

Đây là tác hại nghiêm trọng của việc thiếu hiểu biết. Mọi người lầm tưởng rằng các sinh vật biển vẫn có thể tồn tại trên cạn trong 5 phút nhưng trên thực tế, nhiều loài sinh vật chỉ có thể thở dưới nước. Cá biệt với sao biển, chúng chỉ có thể nín thở trong khoảng 30 giây.

SUY NGẪM VỀ TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN

Việc tàn phá thiên nhiên bấy lâu nay vẫn luôn là vấn nạn của cả nhân loại. Phá hủy môi trường biển để khai thác, phục vụ con người đã là một khía cạnh nhức nhối nhưng việc hủy hoại vì sự thiếu hiểu biết lại càng khủng khiếp hơn. Cần phải nhấn mạnh rằng: “Bất kì loài sinh vật biển nào cũng có vai trò của chúng trong sinh học và sinh thái học”.

Sao biển, chẳng hạn như sao biển Pisaster ochraceus đã trở thành ví dụ điển hình về loài chủ chốt trong hệ sinh thái. Các loài sao biển khác, chẳng hạn như các thành viên của Asterinidae, thường được sử dụng trong sinh học phát triển. Còn sao biển Phú Quốc phần nhiều được ngư dân đưa về (trong điều kiện đảm bảo an toàn) để bảo vệ các San hô.

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Sao biển ở Phú Quốc

Mặc dù hàng năm sẽ có một số lượng sao biển Phú Quốc chết đi để đảm bảo sự cân bằng tự nhiên nhưng điều này không có nghĩa con người được quyền tác động, gây ra cái chết hàng loạt của sao biển.

Có lẽ không cần nói đến hậu quả của việc mất cân bằng trong tự nhiên bởi hàng ngày, loài người đã và đang phải trả giá cho việc khai thác nguồn tài nguyên thiếu bền vững. Chẳng lẽ, chúng ta phải đợi tới khi đại dương nổi cơn thịnh nộ và các loài sinh vật hoàn toàn biến mất mới chịu tìm hiểu về giá trị của chúng sao?

Tạp chí du lịch Wanderlust Tips | Sao biển ở Phú Quốc

Khi dạo bước trên những bãi cát dài ấm áp, hẳn bất cứ ai cũng nhìn thấy vô số vỏ sò, những mảnh xác động vật biển trôi lên bờ và cũng đã từng hoặc nghĩ đến chuyện cầm chúng lên để chụp ảnh hay thu lượm về làm kỷ niệm. Sẽ không ai trách khi bạn chụp ảnh với những vỏ sò tuyệt đẹp ở biển, nhưng nếu vì vài bức ảnh mà làm tổn hại đến sinh vật sống thì vô cùng đáng lên án.

Tạp chí Du lịch Wanderlust | Trách nhiệm bảo vệ môi trường biển

Câu chuyện sao biển Phú Quốc chỉ là một ví dụ nổi cộm trong bức tranh tổng thể về vấn nạn tàn phá sinh vật biển ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Trước khi đến bất cứ địa điểm du lịch nào, hãy chắc chắn rằng bạn đã có hiểu biết về hệ sinh thái biển ở khu vực đó để không vô tình do thiếu kiến thức mà tàn phá môi trường sống tự nhiên của chúng nhé! Hãy cùng nâng cao ý thức du lịch văn minh.

Ảnh: Internet

Wanderlust Tips | Cinet