Trần Đặng Đăng Khoa và giấc mơ vòng quanh thế giới bằng xe máy
- 02/08/2017
- E.MAGAZINE, ĐỐI THOẠI
- Du lịch vòng quanh thế giới, du lịch vòng quanh thế giới bằng xe máy, phượt bằng xe máy, phượt thủ, Trần Đặng Đăng Khoa
30 tuổi, 200 chuyến đi, và 700 ngày vòng quanh thế giới. Đó là chân dung Trần Đặng Đăng Khoa – chàng trai trẻ tuổi đã bắt đầu hành trình 2 năm rong ruổi khắp các châu lục bằng… xe máy từ ngày 1/6/2017.
[rpi]
Chào anh Khoa, từ khi nào anh bắt đầu đam mê du lịch, đặc biệt là tự lái xe chinh phục các điểm đến?
Có lẽ niềm đam mê này đã bắt đầu từ khi tôi còn nhỏ vẫn hay tỉ mẩnnghiên cứu tấm bản đồ thế giới cũ mà ba treo ở góc phòng. Tôi còn thường xem ti vi, đặc biệt là các chương trình về du lịch, thiên nhiên, tôi cũng mong được tới những nơi tuyệt vời như thế nhưng lúc đó mọi thứ xa vời quá.
Lớn lên tôi bắt đầu đi học, rồi đi làm, khi có tiền rồi mới bắt đầu dấn thân đi đó đây. Những chuyến đi đầu tiên, tôi lựa chọn leo núi, sau đó có xe máy thì tôi lái xe với những chặng đường xa hơn. Cứ thế cung đường dần rộng mở qua những tỉnh khác, vùng miền khác, xuyên Việt rồi sang cả nước ngoài.
Trung bình cứ 2 tuần là tôi lại xách ba lô lên đường. Tới nay, số chuyến đi của tôi có lẽ cũng xấp xỉ 200 chuyến. Tôi cũng đã đi đủ tất cả các tỉnh thành Việt Nam, tới các nước Đông Nam Á và một vài nước châu Âu. Ở Việt Nam thì tôi thích Lâm Đồng nhất. Mảnh đất Tây Nguyên này có rất nhiều cung đường off-road hay trekking thú vị và đầy thách thức, bên cạnh đó Lâm Đồng cũng có vị trí gần Sài Gòn nơi tôi sống nên thuận tiện để thực hiện nhiều chuyến thăm nơi đây hơn. Còn nước ngoài thì Thái Lan và Lào là hai đất nước tôi thích nhất, vị trí gần Việt Nam, phong cảnh đẹp, chi phí du lịch rẻ và người dân bản xứ rất thân thiện.
Trong khoảng 200 hành trình đã thực hiện, kỷ niệm nào ấn tượng và khiến anh khó quên nhất?
Có lẽ để chọn chỉ một kỷ niệm thì rất khó vì tôi có vô số kỷ niệm đáng nhớ trong những hành trình của mình. Đó là lần phải xin ngủ nhờ ở Lào và Campuchia hay ngủ ở trạm xe bus trên cao nguyên Cameron (Malaysia). Lần khác là khi tôi bị lạc và tình cờ phát hiện ra cung đường Tà Năng – Phan Dũng qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận của Việt Nam tuyệt đẹp mà ít người biết tới. Hay một lần nữa là khi tôi hỏng xe nặng trong lúc đang đi du lịch một mình ở Thái Lan nhưng đã được người dân địa phương hỗ trợ hết mình dù hai bên đều không hiểu ngôn ngữ của nhau… Kỷ niệm nào cũng đều ấn tượng và đáng nhớ đối với tôi và mở ra những góc khác của thế giới mà tôi chưa từng biết tới với những vẻ đẹp của thiên nhiên, của tình người.
Được biết anh đang bắt đầu những ngày đầu tiên của hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy từ ngày 1/6/2017. Từ đâu mà anh có ý tưởng này?
Giấc mơ được đi vòng quanh thế giới thì chắc hẳn rất nhiều người có và tôi cũng không phải ngoại lệ. Tôi đã nghĩ về điều này từ những ngày đầu tiên bắt đầu đi du lịch bụi, nhưng có lẽ ý tưởng trở nên rõ ràng và thực tế hơn trong vòng hai năm trở lại đây, tôi đã bắt tay vào chuẩn bị mọi thứ với một tinh thần quyết tâm cao nhất. Hai năm này là khoảng thời gian tôi nghiên cứu tỉ mẩn các loại giấy tờ cần thiết, cung đường những người đã từng đi trước mình, cần phải lưu ý vấn đề gì ở các điểm đến… Thời điểm từ Tết âm lịch đến cuối tháng 5 là thời gian chạy nước rút để tôi hoàn tất tất cả những vấn đề tồn đọng trước khi lên đường.
Rất nhiều người trên thế giới đã từng hoàn thành hành trình này, ở Đông Nam Á cũng có người Singapore, người Malaysia và Thái Lan. Thậm chí có người còn đi bằng những chiếc xe cũ kỹ và thiếu thốn phương tiện hơn nhiều. Vì vậy tôi nghĩ rằng không có lý do gì mà chúng ta – người Việt Nam không làm được như họ.
Anh có thể chia sẻ thêm với độc giả của Wanderlust Tips các thông tin chi tiết hơn về hành trình này của anh?
Tôi dự định cả hành trình sẽ kéo dài khoảng 600 – 700 ngày, chia làm 3 chặng: 200 ngày để đi từ Đông Nam Á tới châu Âu, 200 ngày đi Nam Mỹ, và 200 ngày đi khám phá châu Úc và về lại Việt Nam.
Nếu có tiền và thời gian tôi còn muốn sang châu Phi nữa để đủ 5 châu lục vì sau này chưa chắc đã có cơ hội thế này lần thứ hai. Thực sự chi phí cho cả hành trình là khá lớn, vì vậy bên cạnh khoản tiền tiết kiệm cá nhân, tôi cũng đã mời một số đơn vị tài trợ và hợp tác một cách chuyên nghiệp nhất.
Tôi luôn nghĩ xe nào chạy được là đi được, vì vậy không mất nhiều thời gian cho việc lựa chọn loại xe cộ, với tôi chiếc xe tốt nhất là chiếc xe bạn đang có.
Để sử dụng trong suốt hành trình dài như vậy tôi vẫn lựa chọn chiếc xe quen thuộc Honda Wave RSX đời 2008, 97cc. Đây là chiếc xe đầu tiên tôi có và luôn gắn bó với tôi trong các hành trình với đầy kỷ niệm và tôi tin rằng nó sẽ mang lại cho mình động lực và cả những điều may mắn trong hành trình sắp tới.
Với hành trình vòng quanh thế giới đầy thách thức, lại di chuyển với phương tiện xe máy, anh đã và sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?
Khó khăn đầu tiên tôi gặp phải là ở Việt Nam chưa ai từng đi hành trình này, vì vậy tôi chỉ có thể hỏi bạn bè quốc tế, những người đã từng hoàn thành việc lái xe vòng quanh thế giới trước đây. Khó khăn tiếp nữa là giấy tờ, Việt Nam không nằm trong hiệp hội các nước có thể cấp “giấy thông hành xe quốc tế” vì vậy tôi phải tìm kiếm thông tin về quốc gia có thể cấp cho Việt Nam, sau đó là hàng loạt nỗ lực hoàn thành các thủ tục và thuyết phục họ chịu cấp cho người Việt. Thêm nữa là hàng loạt rủi ro như: tai nạn giao thông trên đường vì mình sẽ phải liên tục di chuyển, phải sắp xếp thời hạn visa, tính toán các bước xin visa tiếp theo ở đâu khi nào, hay xe cộ có thể hư hỏng trên đường dù trước khi đi tôi đã cố gắng sửa chữa cũng như tân trang hết mức có thể. Yếu tố thời tiết cũng rất quan trọng, theo dự tính tôi sẽ phải băng ngang vùng hoang mạc Iran – Pakistan trong mùa hè oi bức và sẽ gặp phải thời tiết mùa đông châu Âu vô cùng giá rét… Trước những khó khăn đó tôi chỉ có thể chuẩn bị thông tin, các phương án khắc phục tối đa, phần còn lại chỉ có thể là tiếp tục đi tới đâu tính tới đó. Tôi cũng chưa biết mình sẽ đi được tới đâu nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình để có một hành trình trọn vẹn nhất.
Khi biết về kế hoạch táo bạo này của anh, người thân và bạn bè có ủng hộ anh không?
Hầu hết người thân và bạn bè đều ủng hộ tôi, đặc biệt là ba tôi cũng động viên tôi rất nhiều. Tuy nhiên mẹ tôi khá lo lắng, chuyện đó cũng dễ hiểu thôi. Tôi cũng đã giải thích cho bà cụ thể về những điều tôi đã chuẩn bị cho hành trình, tôi cũng đã mua bảo hiểm tự bảo vệ mình, do đó mẹ tôi cũng yên tâm hơn.
Xét cho cùng, đây không phải hành trình “chơi dại” hay liều mạng của một người trẻ thiếu suy nghĩ hay nông nổi bất chấp mọi rủi ro, mà là kết quả của một quá trình 7 năm trời tập luyện, học hỏi kinh nghiệm và thử thách bản thân liên tục từ dễ đến khó, từ gần đến xa, và từ cả những lần từng thất bại.
Sau khi kết thúc hành trình, dự định tiếp theo của anh là gì?
Nếu đi và về thành công, tôi dự định sẽ viết sách về chuyến đi này của mình. Đó là một cuốn sách du ký cho trẻ em và một cuốn photobook, tất cả tiền nhận được từ viết sách tôi đều sẽ tặng hết cho trẻ em nghèo ở Việt Nam. Tôi cũng dự định sẽ tới trang trại ở Đà Lạt nghỉ ngơi vài tháng rồi về trở lại với công việc, sau đó là lập gia đình.
Hiện nay xu hướng du lịch bụi mà đặc biệt là phượt bằng xe máy đang được rất nhiều người yêu thích, tuy nhiên việc này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Anh có lời khuyên gì cho những người đam mê loại hình du lịch này?
Để đảm bảo an toàn thì trên hết là bạn phải cẩn thận, nên luyện tập những hành trình gần trước rồi mới chinh phục những chặng đường xa xôi, khó khăn. Trước khi đi hãy tìm hiểu các thông tin kỹ lưỡng, mang theo những đồ dùng và thiết bị bảo hộ cần thiết, nếu đi theo đoàn thì phải có tính kỷ luật và trách nhiệm.
Chân thành cám ơn vì những chia sẻ của anh. Chúc anh có một hành trình thú vị.
Cập nhật hành trình của Trần Đặng Đăng Khoa:
Vân Ly | Wanderlust Tips | Cinet