Trào lưu leo núi và những đỉnh núi đáng chinh phục nhất Việt Nam
- 07/06/2021
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- Du lịch an toàn, du lịch Việt Nam, Editor picks, leo núi
Con người từ thuở hồng hoang vẫn luôn mang trong mình khát vọng chinh phục tự nhiên. Những đỉnh núi cao sừng sững không chỉ là tuyệt tác của tự nhiên mà còn đại diện cho ước mơ được thách thức giới hạn thể chất và tinh thần của con người.
[rpi]
BỘ MÔN THỬ THÁCH NHỮNG GIỚI HẠN CỦA CON NGƯỜI
Leo núi (tiếng Anh: Rock climbing) là một bộ môn thể thao hoặc dùng để chỉ hoạt động leo lên mặt đá, với sự hỗ trợ của dây thừng và các thiết bị đặc biệt. Mặc dù ẩn chứa nhiều nguy hiểm nhưng leo núi lại tạo nên sự hấp dẫn cho bộ môn này.
Không chỉ yêu cầu sức mạnh thể chất mà leo núi còn đòi hỏi một tinh thần thép và ý chí kiên cường của con người. Mặt đá gồ ghề hay vách núi dựng đứng không phải là những thách thức duy nhất, người leo núi còn phải trải qua sự thay đổi liên tục về thời tiết và đối diện với nhiều mối nguy tiềm tàng trên đường đi như tai nạn hay bị động vật tấn công.
Hành trình leo núi đôi khi được ví như chính cuộc đời của con người. Sẽ có lúc dốc lên xuống thăng trầm, khi vấp ngã, khi thì có những vách thẳng đứng tưởng như chẳng bao giờ có thể chạm đến đỉnh. Hoạt động này đòi hỏi một tinh thần sắt đá và quyết tâm cao độ, cũng giống như cuộc đời chỉ có thể chạm đỉnh khi con người ta biết nỗ lực và không chùn bước trước khó khăn.
Giữa cuộc sống hiện đại với muôn vàn tiện nghi, leo núi đưa con người trở lại những giá trị gần gũi với tự nhiên. Trải qua hành trình leo núi gian nan, người ta mới có thể khai phá giới hạn của bản thân. Leo núi còn là bộ môn tuyệt vời để nâng cao sức khỏe và rèn luyện ý chí tinh thần cũng như học hỏi nhiều kỹ năng sinh tồn cần thiết. Nếu có thể chinh phục một đỉnh núi cao, dường như chẳng điều gì có thể làm bạn ngần ngại trong đời thường được nữa.
TRÀO LƯU LEO NÚI Ở VIỆT NAM
Tuy không mới nhưng leo núi chỉ trở nên thịnh hành trong vài năm trở lại đây ở Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, những điểm du lịch đông đúc không còn là lựa chọn hàng đầu thì leo núi lại càng được nhiều người ưa chuộng hơn.
Ở Việt Nam, leo núi thường được kết hợp cùng hiking (đi bộ đường dài) hay trekking (đi bộ xuyên rừng) để tăng thêm nhiều trải nghiệm thú vị trên đường đi cũng như giúp nhiều người có cơ hội tiếp cận với bộ môn này hơn. Nhiều hội, nhóm tập hợp những người có niềm đam mê leo núi được thành lập trên các nền tảng mạng xã hội để cùng chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa những thông điệp tích cực trong hành trình chinh phục tự nhiên.
“Đi để biết Việt Nam mình còn nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ” có lẽ là câu trả lời phổ biến nhất khi được hỏi về lý do người ta đi leo núi. Cảnh đẹp ẩn mình nơi núi cao non ngàn là phần thưởng xứng đáng nhất dành cho những trái tim quả cảm.
NHỮNG ĐỈNH NÚI ĐÁNG CHINH PHỤC NHẤT VIỆT NAM
ĐỈNH FANSIPAN
Độ cao: 3.143m
Địa điểm: nằm giữa Lào Cai, Lai Châu
Mặc dù đã có hệ thống cáp treo lên tới đỉnh Fansipan, nhiều người vẫn ưa chuộng hành trình leo núi ít nhất 2 ngày 1 đêm chinh phục nóc nhà Đông Dương. Theo quy định của vườn quốc gia Hoàng Liên, những du khách leo núi tại Fansipan bắt buộc phải đăng ký đồng thời phải có sự dẫn dắt của các porter được cấp phép.
Hiện nay, người leo đỉnh Fansipan có thể đi theo lộ trình Trạm Tôn (2 ngày 1 đêm) hoặc Cát Cát (3 ngày 2 đêm) để đến với nơi cao nhất. Thời gian thích hợp để leo Fansipan từ tháng 9 tới tháng 4 năm sau.
ĐỈNH CHƯ YANG LẮK
Độ cao: 1.700m
Địa điểm: Buôn Mê Thuột
Nằm trong rừng quốc gia Chư Yang Sin, đây là điểm săn mây tuyệt đẹp của vùng cao Tây Nguyên mà những người đam mê leo núi không thể bỏ lỡ ở Việt Nam. Hành trình chinh phục đỉnh Chư Yang Lắk đòi hỏi những kỹ thuật leo núi cơ bản đồng thời cả sức bền để vượt qua cung đường trekking dài 19km trên địa hình núi đá cheo leo.
Phần thưởng dành cho những trái tim dũng cảm là biển mây tuyệt đẹp ở độ cao 1.634m, những con suối róc rách và thác nước tuyệt đẹp và quan trọng nhất chính là những kỹ năng sinh tồn đỉnh cao mà bạn phải áp dụng trong hành trình này.
ĐỈNH TÀ XÙA
Độ cao: 2.800m
Địa điểm: Sơn La
Đỉnh Tà Xùa được coi như nàng thơ trong cộng đồng những người đam mê leo núi. Còn được biết với cái tên Phu Sa Phìn, nơi đây tuy chỉ là một ngọn núi nhỏ nhưng lại đủ sức hấp dẫn những ai yêu thích thử thách và sự mạo hiểm.
Thời điểm lý tưởng nhất để săn mây ở Tà Xùa vào mùa đông và mùa xuân, từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm. Lúc này, xác suất săn mây thành công rất cao. Và đặc biệt mây mùa này rất đẹp, lâu bốc và có những khoảnh khắc ảo diệu, ấn tượng.
ĐỈNH CHUNG NHÍA VŨ
Độ cao: 2.918m
Địa điểm: Lai Châu
Là “em út” trong top 10 những ngọn núi cao nhất Việt Nam, Chung Nhía Vũ lại được xếp hạng là một trong đỉnh núi có độ khó lớn nhất. Để lên được đỉnh núi, bạn phải vượt qua cung đường cheo leo với những gốc trúc khô nhọn hoắt dưới chân. Đường lên Chung Nhía Vũ có độ dốc lớn, bù lại trên đường đi bạn sẽ được ngắm nhìn những cảnh quan hùng vĩ của núi rừng và đặc biệt ấn tượng khi được ngửi hương thơm phảng phất của thảo quả và tre trúc.
ĐỈNH NÚI BÀ ĐEN
Độ cao: 986m
Địa điểm: Tây Ninh
Được mệnh danh là nóc nhà Đông Nam Bộ, núi Bà Đen là địa điểm leo núi ở phía Nam không thể bỏ lỡ. Có tới tận 7 cung đường để bạn có thể leo tới đỉnh Bà Đen, trong đó đường Chùa và đường Cột Điện là những cung đường dễ dàng nhất dành cho người leo lần đầu.
Vẻ đẹp hấp dẫn của đỉnh Bà Đen chính là bức họa trời mây quyến rũ. Trời và đất như hòa quyện với nhau trong lớp mây mù huyền bí. Mặc dù đã có hệ thống cáp treo nhưng bất cứ ai tới đây cũng đều mang theo quyết tâm chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ theo cách truyền thống.
Ảnh: Trần Đình Toàn, Trần Thị Thu Huyền, Nguyễn Tấn Tài, Internet
Wanderlust Tips | Cinet