Triển lãm ảnh “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội”

“Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội” là chủ đề triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Bích hiện đang được trưng bày tại đình Kim Ngân, số 42 – 44 phố Hàng Bạc, Hà Nội, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2015).

wanderlusttips-trien-lam1

Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lê Bích lấy chủ đề là các nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống của Hà Nội. Mỗi bức ảnh miêu tả hình ảnh của một nghệ nhân đang miệt mài bên tác phẩm của mình. Chia sẻ về triển lãm, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết, xã hội phát triển hơn, hiện đại hơn, nhưng nghề thủ công lại dần mai một đi. Vẫn biết là sự phát triển nào cũng có mặt trái và quy luật đào thải, song sẽ là một mất mát lớn với Hà Nội khi những nghề này mất đi. Do đó, triển lãm đã quy tụ được những bức ảnh, những câu chuyện được thực hiện trong nhiều năm qua của tác giả gửi đến công chúng như một sự nhắc nhở “hãy bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống”.

wanderlusttips-trien-lam2

Những tác phẩm của Lê Bích ghi lại hình ảnh rất đỗi đời thường của các nghệ nhân còn lưu lại những nghề thủ công truyền thống cho đến ngày hôm nay, như tại ngõ 105 Thụy Khuê, ông Doãn Hải, người con trai kế nghiệp duy nhất của nghệ nhân Doãn Đại, hiện vẫn làm đầu lân sư, đầu rồng theo lối truyền thống, hàng làm ra được bày bán tại phố Hàng Mã. Kế tục bí quyết làm đầu lân, ông Doãn Hải đã nghiên cứu thay đổi vật liệu mới để làm đầu lân nhẹ hơn, phù hợp với người dùng và có thể sản xuất được số lượng lớn.

Tại căn gác nhỏ phố Hàng Than, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan đã gắn bó với công việc làm mặt nạ giấy bồi từ 35 năm qua. Ông Hòa làm mặt nạ thuần túy theo lối thủ công truyền thống, vì thế hàng nghìn chiếc mặt nạ được làm ra không cái nào giống cái nào. Nhưng hiện nay các con ông không ai theo nghề của gia đình và cũng chưa có ai theo học nghề của vợ chồng ông.

Hay ở Ngõ Tạm Thương, có một người thợ làm nghề đóng bìa sách theo nghề gia truyền, đã có 3 thế hệ sống trong ngôi nhà tại đây và làm nghề đóng sách từ năm 1954. Ở số 2 phố Tạ Hiện, ông Phúc, năm nay 71 tuổi là người chuyên sửa chữa, phục hồi và sưu tầm quạt điện cổ, nhà ông có nhiều quạt cổ nhất Hà Nội và được mọi người gắn cho tên “vua” quạt cổ.

wanderlusttips-trienlam

Tiếp nối nghề gia truyền làm mứt và ô mai, ông Bùi Văn Hưng, hiện nay 60 tuổi là chủ cửa hàng ô mai Gia Lợi tại phố Hàng Đường. Ô mai của ông tự làm tự bán và làm theo công thức riêng của gia đình. Từ bé đã đam mê vẽ và nặn tượng nên tranh thủ những lúc rỗi ông Hưng tạo hình các con vật bằng ô mai và mứt rồi bày ở tủ kính trước cửa hàng. Dần dần, tủ kính trước cửa hàng của ông đầy ắp những hình con vật bằng các loại ô mai, mứt như: Rùa Hồ Gươm, voi mẹ voi con, đàn hạc, đàn kiến…

Với nhiếp ảnh gia Lê Bích, những con người ấy như là những người đang “giữ gìn những nét tinh hoa của Hà Nội. Những bức ảnh lưu lại là những câu chuyện được thực hiện trong nhiều năm qua, đó là những nghệ nhân của Hà Nội với nghề vẽ tranh truyền thần, nghề vẽ tranh thờ Hàng Trống, nghề làm đầu lân sư, nghề làm mặt nạ, nghề kim hoàn Hàng Bạc…

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2015.

Leave A Comment