Văn hóa chợ nổi: Nét đặc trưng ở miền Tây Nam Bộ
- 28/06/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- chợ nổi, Editor picks, Tây Nam Bộ
Chợ nổi là một nét văn hoá đặc thù của miền Tây sông nước. Nơi mà người bán, người mua đều dùng ghe/xuồng để di chuyển và vận tải.
[rpi]
Từ ngày xưa, văn hoá họp chợ trên sông đã phổ biến với người dân miền Tây Nam Bộ. Dần dà, người ta xem đó là chuyện bình thường. Vào buổi sáng sớm, không quá xa lạ khi thấy các bà nội trợ chèo xuồng ra ngã ba, ngã bảy của sông lớn để mua thực phẩm. Thế là, một loại hình chợ có tên “Chợ Nổi” xuất hiện.
Sự hình thành của văn hoá chợ nổi
Đồng bằng sông Cửu Long là xứ sông ngòi, kênh rạch tạo điều kiện cho xuồng, ghe đi khắp nơi. Các thương lái có thể dễ dàng len lỏi vào các nhà vườn để thu mua trái cây, rau củ để bán.
Những người thương lái theo dòng sông để đem bán ở các tỉnh thành lớn và bán cho các dân cư trên sông. Ngày qua ngày, họ hình thành thói quen họp trên sông, để mua được thực phẩm tươi ngon và giá rẻ.
Thông thường, chợ sẽ họp cả ngày, nhưng sôi nổi, nhộn nhịp nhất là vào sáng sớm. Trên các tàu chứa đầy rau củ, hàng hoá, nhiều nhất là trái cây. Cho nên người mua dễ dàng lựa chọn mặt hàng mình muốn.
Những điều thú vị của chợ nổi
Đối với người dân miền tây, chợ nổi được mở ra nhằm phục vụ cho nhu cầu mua bán thật sự, không phải mở vì hoạt động du lịch.
Những “cửa hàng” không có bảng hiệu. Ghe bán gì thì người bán sẽ treo trên một cây sào hay còn gọi là “cây bẹo” như một hình thức thông báo cho người mua. Chẳng hạn như bán chuối, họ sẽ treo quả chuối lủng lẳng… Đây được xem là phương pháp tiếp thị “có một không hai” ở miền tây.
Tàu thuyền qua lại tấp nập, nên việc nhận biết đồng hương hay phân biệt địa phương đều được thể hiện trên mạn thuyền. Chẳng hạn như tàu đến từ Sóc Trăng, họ sẽ viết “ST”.
Một số quy tắc của chợ nổi mà không phải ai cũng biết
Mặc dù, người dân ai cũng biết quy tắc “treo gì bán đó” thông qua cây bẹo. Thế nhưng, có vài trường hợp ngoại lệ, khiến người mua phì cười khi hỏi mua hàng.
“Cái gì treo mà không bán?”
Câu trả lời là quần áo. Bởi vì, cư dân chợ nổi sống trên sông nên khi giặt giũ, họ sẽ phơi quần áo trên thuyền. Do đó, đây là mặt hàng không bán.
“Cái gì bán nhưng không treo?”
Đó là các thuyền bán đồ ăn, thức uống. Những món này không treo lên được nên họ sẽ thường bán trên các tàu nhỏ dễ di chuyển và trang trí bắt mắt.
“Cái gì treo một đằng lại bán một nẻo?”
Khi tham gia chợ nổi, bạn sẽ thấy các cây bẹo được treo lá dừa nhưng khi hỏi mua thì sẽ không khỏi ngạc nhiên khi món hàng họ bán lại là thuyền của họ.
Một số chợ nổi nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ
Khi đến với miền tây, trải nghiệm chợ nổi là một hoạt động không thể bỏ qua. Các chợ nổi thường tập trung vào lúc 3 đến 4 giờ sáng để giao thương.
Chợ nổi cái Bè nổi tiếng ở Tiền Giang
Nằm ở đoạn sông Tiền giáp với 3 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang. Khi đến đây, bạn sẽ chìm đắm trong các thuyền trái cây bốn mùa. Các chủ tàu hiếu khách, luôn tươi cười niềm nở bán hàng.
Chợ nổi Cái Răng
Nằm cách thành phố Cần Thơ 5km. Có thể nói, đây là biểu tượng và là điểm thu hút khách du lịch đổ về miền Tây. Trong tương lai, chợ nổi Cái Răng được định hướng trở thành trung tâm tự sản tự tiêu lớn nhất khu vực.
Chợ nổi Long Xuyên
Tuy không nổi tiếng bằng các khu chợ khác. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm nhận được sự phong phú của các mặt hàng nông sản và sự thân thiện của người Nam bộ khi đến đây.
Các chợ nổi đã hoạt động từ xưa đến nay và trở thành nét văn hoá đặc sắc của khu vực. Dù hệ thống hạ tầng ở miền tây đã được phát triển nhưng người dân nơi đây vẫn duy trì, gìn giữ hoạt động buôn bán này như một thói quen không thay đổi.
Wanderlust Tips | Cnet
Thương nhớ hương vị bánh cống Sóc Trăng, thức quà dân dã miền Tây sông nước
[…] từ trên đầu lưỡi. Bạn có thể tìm thấy bánh cống ở Sóc Trăng hay các tỉnh miền Tây lân cận như Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp. Tuy nhiên bánh cống ở xã Đại […]