Văn hóa đám cưới Nhật Bản, có giống Việt Nam?
- 03/08/2022
- VĂN HÓA - LỄ HỘI
- Editor picks, văn hóa Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia của lễ giáo. Có bao giờ bạn tò mò về văn hoá đám cưới của họ không?
[rpi]
Nếu một ngày nào đó được mời tham dự đám cưới tại Nhật Bản, vậy bạn có thắc mắc liệu có bao nhiêu quy tắc và luật lệ trong đám cưới này mà bạn phải biết để tránh làm buồn lòng gia chủ. Hãy cùng Wanderlust Tips khám phá nhé!
Nguyên tắc hồi đáp lời mời
Trước ngày cưới, các cặp đôi sẽ gửi lời mời đám cưới đến bạn bè và người thân. Mặc dù, hoạt động này cũng tương tự với các quốc gia khác nhưng ở Nhật lại có chút khác biệt.
Điểm khác biệt đầu tiên, lời mời được thông báo khá gần với ngày cưới, người gửi thiệp không phải là cặp đôi mà là cha của họ.
Thứ hai, ngôn ngữ được sử dụng rất trịnh trọng. Thông thường sẽ được kèm theo một tấm thiệp hồi đáp, để bạn có thể gửi lại lời hồi đáp. Sau khi nhận được thiệp, bạn phải hồi đáp trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày để gia chủ có thể chuẩn bị tốt nhất.
Cô dâu, chú rể sẽ dựa trên lời hồi đáp để tổng hợp số lượng ghế tại hội trường cưới. Nếu bạn chắc chắn tham gia thì khoanh tròn vào ô “THAM DỰ”. Trong trường hợp bạn không thể tham gia, đừng vội vàng trả lời. Bạn nên để khoảng vài ngày để họ hiểu rằng bạn đã cố gắng sắp xếp thời gian. Không nên đưa các lý do liên quan đến bệnh tật hoặc điều không may mắn.
Lựa chọn trang phục phù hợp
Trang phục phù hợp luôn là vấn đề quan trọng khi tham gia lễ cưới. Tuy nhiên vẫn có một số điều cấm kỵ cần được lưu ý khi tham gia đám cưới của người Nhật: màu trắng và đen không được ưu tiên. Giống như các quốc gia, cô dâu thường sẽ lựa chọn váy cưới màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, mong manh.
Vậy nên, người tham dự sẽ hạn chế không mặc cùng màu. Bên cạnh đó, màu đen là sự cấm kỵ vì đây là biểu tượng của sự chết chóc. Phụ nữ Nhật luôn lựa chọn những trang phục tao nhã với váy liền có chiều dài đến gối, phụ kiện đơn giản và trang điểm nhẹ nhàng.
Đối với nam giới, sự lựa chọn hàng đầu vẫn là áo sơ mi trắng, comple, quần tây và giày da.
Đi tiền mừng hay tặng quà cho gia chủ?
Tiền mừng là “món quà cưới” được ưa chuộng nhất của người dân xứ Phù Tang. Bởi vì, nó sẽ giúp cô dâu chú rể phần nào giải quyết chi phí tổ chức đám cưới cũng như chuẩn bị đồ đạc cho cuộc sống hôn nhân sau đó.
Khác với các quốc gia, người Nhật sẽ gửi tiền mừng đến cặp đôi sắp cưới cùng với lá thư hồi âm tham dự buổi tiệc. Tiền mừng sẽ được bọc trong phong thư, gọi là goshugi-bukuro. Màu sắc phong bì nên lựa chọn loại tươi tắn, nhiều màu sắc. Hoặc bạn cũng có thể gửi khi tham dự buổi lễ nhưng đừng quên ghi rõ họ tên, địa chỉ trên phong bì.
Ngoài ra, bạn nên đi tiền mừng với con số lẻ, tránh bỏ tiền mừng số chẵn như 40.000 yên. Điều này thể hiện sự thiếu thành ý, không cầu chúc hạnh phúc cho cặp đôi.
Nghi thức diễn ra trong lễ cưới ở Nhật Bản
Gần 80% dân số Nhật Bản theo Thần đạo có nghĩa là “hướng theo con đường của các vị thần”. Nhiều cặp vợ chồng chọn thực hiện nghi lễ tại khuôn viên đền thờ. Một linh mục Thần đạo (Shinto) thực hiện nghi lễ thanh tẩy và cầu nguyện cho cặp đôi.
Nếu nghi lễ cưới trong Thiên chúa giáo, bạn bè có thể tham dự và chúc phúc thì trong Thần đạo chỉ có thành viên trong gia đình mới được phép tham dự. Trong đám cưới, mọi hoạt động diễn ra đều được lên kế hoạch kỹ lưỡng và chu đáo.
Đám cưới được chia làm hai giai đoạn, bao gồm lễ cưới và tiệc cưới. Trong đó, cô dâu chú rể sẽ “quẩy” hết mình với 3 buổi tiệc, gồm tiệc cưới với sự tham gia của toàn thể người thân, đồng nghiệp và bạn bè. Tiếp đến sẽ là “tăng hai” hậu tiệc với những người bạn và người thân. Sau cùng, buổi tiệc thân mật chỉ dành cho những người quan trọng của cô dâu chú rể.
“Đi ăn đám cưới, nhận quà ra về” – đây là phong tục truyền thống của người Nhật gọi là hikidemono. Cô dâu chú rể sẽ chuẩn bị phần quà, đặt dưới ghế của mỗi người để bày tỏ lòng biết ơn vì sự có mặt của họ trong ngày trọng đại của cuộc đời họ.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu qua những luật lệ và quy tắc khi tham dự đám cưới ở Nhật Bản. Nhưng suy cho cùng thì đây cũng là buổi lễ kỷ niệm, đánh dấu giai đoạn mới của cặp đôi nên sẽ không ai trách bạn vì một vài lỗi vụn vặt. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về một lễ cưới tại xứ sở Phù Tang.
Wanderlust Tips | Cnet