Văn minh Ả Rập: Sự trỗi dậy của một đế chế

[Wanderlust Tips 10/2019] Hơn 1.400 năm trước, tại nơi đây, con người phá biên thống nhất các bộ lạc với nhau, tạo ra nền văn minh rực rỡ và truyền bá một thứ tôn giáo không biên giới để rồi sau đó, mảnh đất này lại bị chia cắt, khép kín với thế giới xung quanh và luôn sống trong một đạo luật khắt khe. Đó chính là bán đảo Ả Rập – vùng đất của những thay đổi vượt ngoài sức tưởng tượng, vùng đất của lịch sử, văn hóa, tôn giáo đậm sắc và của những bí ẩn mà nhiều kẻ lữ hành ao ước chạm tới.

[rpi]

BÁN ĐẢO Ả RẬP HOA NỞ TRÊN ĐÁ

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Văn minh Ả Rập: Sự trỗi dậy của một đế chế

Bán đảo Ả Rập là bán đảo lớn nhất thế giới, nằm ở khu vực Tây Nam Á, bao gồm các quốc gia như Yemen, Oman, Qatar, Bahrain, Kuwait, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, một phần của Jordan và Iraq. Nơi đây vốn có địa hình phần lớn là núi và sa mạc, cùng dải bờ biển khô hoặc đầm lầy trải dài, thỉnh thoảng có thể bắt gặp những đồng cỏ thưa thớt nơi các ốc đảo.

Ban ngày, nơi đây nắng như đổ lửa, cháy cả da thịt, trong không khí luôn bốc lên hơi nóng hầm hập của cái nắng cái gió cuốn theo cả những hạt cát bỏng rát, vậy nên, người dân địa phương thường mặc trang phục che chắn kín hết cả người. Ấy vậy mà khi ban đêm buông xuống, nhiệt độ lại hạ thấp và chênh lệch đến không ngờ, có khi xuống đến 0°C, trời lạnh giá. Có lẽ chính vì những điều kiện khắc nghiệt như thế mà từ thời cổ đại, trong khi hai vùng đất lân cận đã bước vào xã hội văn minh là văn minh Ai Cập và văn minh Lưỡng Hà thì bán đảo Ả Rập lại có dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển, phần lớn chỉ sống theo chế độ bộ lạc quanh các ốc đảo.

Trong lịch sử, hầu hết các nền văn minh trên thế giới đều dựa vào những con sông lớn, cung cấp đất đai màu mỡ và lượng nước tưới tiêu dồi dào giúp phát triển nông nghiệp, là bước tiền đề để phát triển một xã hội văn minh với những thành tựu rực rỡ. Chẳng hạn, văn minh Ai Cập có sông Nile, văn minh Lưỡng Hà có sông Euphrates và Tigris, văn minh Ấn Độ có sông Ấn và sông Hằng, còn văn minh Trung Quốc có sông Hoàng Hà và sông Trường Giang. Trong khi đó, bán đảo Ả Rập không hề có điều kiện tự nhiên khí hậu thuận lợi, cũng chẳng có những con sông lớn chảy qua để phát triển kinh tế. Thế nhưng, tạo hóa đã bù lại nơi đây một vị trí địa lý lý tưởng – đó là nằm trên con đường buôn bán giữa 3 châu lục Á – Phi – Âu, là ngã ba nơi giao lưu văn hóa và tiếp xúc với các nền văn minh đang phát triển khác.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Văn minh Ả Rập: Sự trỗi dậy của một đế chế

Những người dân ở bán đảo Ả Rập cổ đại chủ yếu là người Semite với nghề săn bắn, du mục và đã quen với cái nắng, cái gió cũng như thuộc hết cả đường đi lối về với mảnh đất này. Nhờ vậy mà khi bán đảo Ả Rập trở thành cầu nối giữa các nền văn minh lớn, người dân nơi đây đã bắt đầu chở hàng thuê trên những con đường sa mạc và tìm cách phát triển giao thương buôn bán.

Trước khi Muhammad thống nhất bán đảo Ả Rập và truyền bá đạo Hồi, tổ chức xã hội và chính trị ở bán đảo Ả Rập chủ yếu là các thị tộc và bộ lạc. Do giao thông khó khăn nên các bộ lạc này thường sống tách biệt với nhau, tự trị về mặt kinh tế, văn hóa, tôn giáo cũng như chính trị. Người Ả Rập chỉ có bổn phận trung thành và hy sinh vì bộ lạc của mình mà thôi, cho dù phải nói dối, trộm cắp hay thậm chí là giết người. Hơn nữa, cuộc đời của họ là chiến tranh giữa các bộ lạc với nhau, và không chỉ vậy, họ còn bành trướng lãnh thổ, xâm chiếm các vùng đất xung quanh đó.

Người Ả Rập tiền Hồi giáo thờ vô số thần, từ thần tinh tú, thần mặt trăng, thần trong lòng đất, cả bọn quỷ và đặc biệt là những phiến đá thiêng. Trung tâm của sự thờ phụng đó chính là thành La Mecque hay còn gọi là Mecca. Thánh địa này nằm ngay bờ biển phía Tây, chỉ cách Biển Đỏ khoảng chừng 60km nên hầu hết các thương đoàn nào đi qua đều dừng chân nghỉ ngơi, đồng thời cầu nguyện nơi phiến đá đen linh thiêng tại đền Kaaba tại đây.

TIÊN TRI MUHAMMAD, HỒI GIÁO VÀ SỰ HÌNH THÀNH CỦA VĂN MINH Ả RẬP

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Văn minh Ả Rập: Sự trỗi dậy của một đế chế

Muhammad sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi quý phái nhưng gia sản lại bình thường. Cha ông mất từ trước khi ông sinh ra, mẹ ông cũng qua đời khi ông lên 6 tuổi. Sau đó, Muhammad đến sống cùng ông nội và chú. Không có nhiều tài liệu chi tiết viết về thời thanh niên của người rất được người dân Ả Rập tôn sùng này. Tuy nhiên, trong nhiều câu chuyện truyền miệng, người ta kể cho nhau rằng Muhammad từ nhỏ đã đi theo những thương lái, đi khắp nơi, từ vùng đất này sang vùng đất khác và nhờ đó mà có điều kiện để tiếp xúc với nhiều tôn giáo khác nhau, điển hình là Do Thái giáo và Kito giáo. Và cũng chính trong khoảng thời gian ấy, ông nhận ra rằng, chiến tranh thường xuyên giữa các bộ lạc với nhau, tình trạng chia rẽ về chính trị trên bán đảo Ả Rập là điều không nên có và cần có một tôn giáo mới để có thể thống nhất cũng như kết hợp tất cả các bộ lạc thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ.

Theo truyền thuyết, trong những lần nằm mơ, Muhammad được thiên sứ Gabriel – sứ giả của thánh Allah hiện về trong giấc mơ và truyền cho ông những lời khải thị. Những năm sau đó, ông tuyên bố mình chính là Tiên tri được thánh Allah giao cho sứ mệnh dẫn dắt dân tộc Ả Rập.

Năm 610, Muhammad bắt đầu truyền bá đạo Hồi, thờ thánh Allah ở thánh địa Mecca. Do đây cũng chính là xu thế của thời đại nên Muhammad đã tự tạo cho mình một tiếng nói và chỗ đứng trong cộng đồng người Ả Rập khi những tín đồ theo ông ngày càng nhiều. Các tăng lữ và giới quý tộc ở Mecca do thấy lợi ích bị thiệt hại nên đã tìm cách truy nã và giết chết ông nhưng không thành công. Năm 622, ông bỏ chạy từ Mecca lên phía Bắc tới Yathrib, cách Mecca 400km. Thành phố này sau được đổi tên thành Medina và trở thành thánh địa thứ hai của đạo Hồi, sau Mecca.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Văn minh Ả Rập: Sự trỗi dậy của một đế chế

Ngoài hai thành phố trên, Jerusalem (thuộc Israel ngày nay) chính là thánh địa thứ ba bởi tương truyền rằng, có một khoảng thời gian trước khi đến Yathrib, Muhammad thường có cảm giác được một phép màu nào đó chở ông tới Jerusalem trong giấc ngủ, ở đây ông được con ngựa thần Borak đợi dưới chân bức tường Than Khóc của đền Do Thái đã bị phá hủy và chở ông bay lên trời cao. Đây cũng chính là nơi mà Muhammad hướng về khi bắt đầu sứ mệnh của mình bởi ông coi Hồi giáo là sự tiếp nối và đổi mới của dòng họ tín ngưỡng Abraham. Giờ đây, mảnh đất này được mệnh danh là vùng đất thiêng, là nơi tụ họp ba tôn giáo lớn: Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo với những giá trị tôn giáo đầy lung linh nhưng bí ẩn vô cùng.

Tại Yathrib, ông xây dựng lực lượng phát triển, đặc biệt là lấy của cải đem chia cho người dân khiến cho tiếng tăm của ông ngày càng lan rộng và tôn giáo mà ông truyền bá ngày càng có nhiều tín đồ. Nhiều bộ lạc, các quý tộc cũng bắt đầu hưởng ứng đông đảo. Ngay cả những quý tộc vốn chống đối với Muhammad ở Mecca cũng dần quy thuận, bán đảo Ả Rập dần dần thống nhất, quy về một mối và phát triển hùng mạnh.

Đạo Hồi do Muhammad truyền bá ngày càng phát triển đến mức ức ảnh hưởng của nó vắt qua 3 châu lục Á – Âu – Phi. Không ai ngờ được, những người dân du mục này lại có thể chiếm được một nửa những nước ở châu Á thuộc về đế quốc Byzantine, toàn bộ Ba Tư, Ai Cập, một lần lớn Bắc Phi và cả Tây Ban Nha. Sự phát triển của bán đảo Ả Rập lúc đó được xem là một trong những sự phát triển kỳ lạ nhất trong lịch sử thời Trung cổ, dẫn đến một nửa thế giới ở xung quanh Địa Trung Hải đã bị người Ả Rập xâm chiếm và cải giáo. Cùng với đó, nền kinh tế ngày càng phát triển, kéo theo các phương diện khác của xã hội cũng phát triển tạo nên một nền văn minh rực rỡ với nhiều thành tựu.

TỪ THỜI KỲ HOÀNG KIM CHO TỚI NGÀY CHIA CẮT

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Văn minh Ả Rập: Sự trỗi dậy của một đế chế

Văn minh Ả Rập ra đời muộn hơn so với các nền văn minh cổ đại khác nên các thành tựu của văn minh Ả Rập được xây dựng dựa trên cơ sở thừa kế, chắt lọc đầy sáng tạo từ các thành tựu của những nền văn minh trước đó.

Đạo Hồi ra đời, tạo cơ sở để thống nhất bán đảo Ả Rập và phát triển rực rỡ. Và sự phát triển này cũng đã giúp mở rộng lãnh thổ, tạo điều kiện cho đạo Hồi được truyền bá mạnh mẽ và dần trở thành một thứ tôn giáo quốc tế. Từ sau khi ra đời, Hồi giáo phát triển nhanh như vũ bão, chủ yếu bằng con đường chiến tranh với công thức “thanh gươm – vó ngựa – kinh Qur’an”. Tôn giáo ấy nhanh chóng tràn ngập vùng Trung Đông, cải đạo cả đế chế Ba Tư hùng mạnh và đẩy lui siêu đế chế La Mã về phía châu Âu, tỏa ra khắp ba châu lục, đạt đến đỉnh điểm của văn minh và kỹ nghệ vào thế kỷ 13 trong khi châu Âu còn vùi trong mông muội của đêm trường Trung cổ.

Trải qua hơn 1.400 năm thăng trầm, cũng như tất cả các tôn giáo khác, Hồi giáo nguyên thủy và truyền thống chia năm xẻ bảy thành vô số những nhánh, những chi, những tổ hợp khác nhau với mục đích tôn giáo và cách thức khai sáng hoàn toàn khác nhau.

Cùng với Hồi giáo là sự phát triển vượt bậc của văn học Ả Rập. Tác phẩm tiểu biểu và nổi tiếng nhất phải kể tới đầu tiên chính là kinh Qur’an, đây cũng chính là kim chỉ nam quan trọng của mỗi một tín đồ Hồi giáo với những điều răn dạy khắt khe cùng những bài học sâu sắc. Bên cạnh đó, một tác phẩm khác cũng được cả thế giới biết tới, đó chính là “Nghìn lẻ một đêm”. Những câu chuyện như: “Aladdin và cây đèn thần”, “Những cuộc phiêu lưu của chàng thủy thủ Sindbad”, “Ali Baba và bốn mươi tên cướp”… đã và đang đồng hành cùng tuổi thơ của rất nhiều trẻ nhỏ trên khắp thế giới.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips | Văn minh Ả Rập: Sự trỗi dậy của một đế chế

Hoặc có thể bạn chưa biết nhưng những kiến thức cơ bản mà chúng ta được học trong toán học, từ đại số cho đến hình học như hệ thống chữ số thập phân, phương trình bậc 3, 4, lượng giác, các khái niệm về sin, cosin, tang, cotang đều là thành tựu to lớn của các nhà toán học Ả Rập, trên cơ sở tiếp thu từ người Ấn Độ để phát triển và sáng tạo.

Không chỉ vậy, bán đảo Ả Rập còn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong việc gìn giữ và truyền tải các thành tựu văn hóa Đông – Tây như những kĩ thuật làm giấy, thuốc súng, la bàn, nghề in của Trung Hoa được truyền sang châu Âu; nhiều tác phẩm triết học của Hy Lạp, La Mã được truyền sang phương Đông…

Mặc dù Hồi giáo với những đạo luật khắt khe bao trùm lên khắp bán đảo Ả Rập nhưng tận sâu bên trong, nơi đây vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi văn hóa bộ lạc, vốn đã gắn rễ trong tâm thức mỗi người. Chỉ chưa đầy một trăm năm trước kể từ khi Muhammad thống nhất bán đảo Ả Rập, kẻ này sẵn sàng bắn chết kẻ kia để đảm bảo quyền lợi cho bộ tộc của mình. Có lẽ chính vì thế mà dù thống nhất nhưng lòng người vẫn chia năm xẻ bảy, phân chia thế lực.

Và điều gì đến cũng sẽ đến, khi đế quốc Ottoman – một đế chế Hồi giáo khổng lồ, nay là Thổ Nhĩ Kỳ – đang dần mất đi quyền làm chủ trên lãnh thổ rộng lớn kéo dài khắp ba lục địa Á – Âu – Phi vào tay người Pháp và người Anh, các bộ lạc nơi đây đã dễ dàng bị chi phối để nổi dậy chống lại nhà cầm quyền người Thổ. Và sau khi đế chế Ottoman sụp đổ, các nước lớn đã bắt tay vào chia sẻ chiến lợi phẩm là đất đai và các vùng đô hộ, vạch ra các đường biên giới để dễ bề cai quản. Bán đảo Ả Rập từ chia cắt đi đến thống nhất rồi lại quay trở về phân tách như ban đầu.

* Bài viết có sự tham khảo từ các tài liệu: Lịch sử Văn minh Ả Rập (Will Durant – Nguyễn Hiến Lê dịch); Con đường Hồi giáo (Nguyễn Phương Mai)

Lan Anh | Wanderlust Tips