Về làng Chuông nghe nón kể chuyện
- 31/08/2019
- E.MAGAZINE, VĂN HÓA - LỄ HỘI
- các công đoạn làm nón, chợ Chuông, Editor picks, hội Chuông, làm nón, làng Chuông, nón làng chuông, Wanderlust Tips 08/2019
[Wanderlust Tips 08/2019] Tôi ghé thăm làng Chuông vào một ngày tháng 6, trời nắng chói chang, đường làng lặng im như tờ, tựa như nghe được tiếng thở của nón.
[rpi]
GỌI LÀ LÀNG CHUÔNG NHƯNG LẠI LÀM… NÓN
Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Làng rộng, ít nhiều cũng rộng nhất so với những làng tôi đã từng đi. Đem chuyện hỏi mới biết ở huyện Thanh Oai, làng Chuông rộng nhất nên mới có câu “ở Chuông nhất làng, nhất xã”, và cũng bởi theo địa giới hành chính nhiều làng tạo nên một xã, nhưng xã Phương Trung thì chỉ có độc một làng Chuông là đã thành.
Ở làng Chuông có câu “thứ nhất làm quan, thứ nhì nan nón” (theo cách gọi của người làng, nan nón là may nón) để nói chuyện làm quan đỗ đạt vinh quang như thế nào thì chuyện may nón cũng như vậy.
Người làng Chuông làm nón từ bao giờ, cả làng không ai biết, chỉ biết thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước mà thành. Trước kia làng làm nhiều loại nón cổ như nón ba vòng dấu, nón thúng quai thao, nón mười, nón chóp dứa… Nón của làng đẹp có tiếng, được bán khắp nơi và còn là sản phẩm cúng tiến cho các hoàng hậu, công chúa trong cung. Thế nhưng, cũng có lúc nghề nón Chuông lao đao. Cho đến những năm 20 của thế kỷ XX, nghệ nhân Hai Cát là người đã có công mang nón Xuân Kiều (còn gọi là nón Ba Đồn) về làng sản xuất để thay thế cho các loại nón cổ, nhờ vậy mà nón làng Chuông hồi sinh và phát triển trở lại sau những năm tháng khó khăn, tưởng chừng như không bao giờ làm nón nữa.
Chiếc nón cùng người làng Chuông đã trải qua bao thăng trầm. Những năm tháng ấy, nếu làng Chuông không làm nón, nếu không có chiếc nón, chắc làng chẳng tồn tại cho đến bây giờ. Ruộng làng không đủ chia cho các nhân khẩu, gạo làm ra vẫn phải chạy từng bữa, làm nón trở thành nghề chính. Cả làng ai cũng làm nón, từ lớn tới bé. 5 tuổi bắt đầu biết rẽ lá (một công đoạn trong làm nón), 6 tuổi đã biết may nón, 80 mươi tuổi mắt còn tỏ, tay còn nhanh thì vẫn còn làm. Người làng tranh thủ may nón như một thói quen dù là ngày xưa hay ngày nay đều vậy, cứ may mải miết tới lúc nào mệt mới nghỉ.
Những ngày mùa, người ta tranh thủ may nón vào buổi tối; những ngày rảnh, người ta may nón cả ngày; đông nhất là tháng 7 đến tháng 9, trẻ con không phải đi học, người lớn chuyện đồng áng không phải tất bật nhiều thì trong làng nhà nào cũng may nón. May như thế cho đến 23 Tết thì dừng, không ai may nữa, qua hết hội làng, người ta mới lại về với công việc thường ngày.
Lang thang ở làng Chuông, nhìn người làng làm nón, tôi thấy một sự vui vẻ và hạnh phúc lạ kì. Chẳng biết vì người làm nón là những bậc cha chú đã dãi dầu hết nắng mưa cuộc đời nên chẳng còn những đua chen hối hả hay vì chiếc nón là hình ảnh bao đời của dân tộc Việt nên người ta ngồi làm nó cũng phải thanh thản và bình tâm như ngồi thiền vậy.
LỢP VÀO ĐÂY TRĂM MẾN NGÀN THƯƠNG
Điều đặc biệt của nón làng Chuông ở chỗ nón làng dày và chắc chắn bởi giữa hai lớp lá có thêm một lớp mo. Những ngày nón Chuông “reo vui”, mo chở về làng đến 500 tấn một năm. Người làng chỉ nhập mo một lần cho cả năm và mo cũng chỉ chở về làng có một lần trong năm. Mo mua về sau đó đem phơi khô rồi để trên gác bếp, dùng chừng nào lấy chừng ấy. Mo được nhập ở vùng núi Tân Lạc (Hoà Bình), do đồng bào ở đó trồng trên các gò đất, gò đồi. Mỗi chiếc mo khi mới nhú ra cho tới lúc già và rụng xuống mất khoảng 2 tháng. Cuối mùa xuân, đầu mùa hạ là lúc thu hoạch mo tốt nhất. Những mo đẹp là mo có chiều rộng khoảng 25 phân, chiều dài 30 – 40 phân. Mo làm nón phải là mo già, mỏng mo, màu sáng. Mo thường bán theo kí, mo dày thì một kí có khoảng 60 – 70 mo, mo mỏng có khi gần 120 mo. Giá mo cũng có nhiều loại, dao động từ 35.000 – 60.000VND/kg. Bây giờ, nón làm ít, mỗi năm mo về làng chỉ khoảng 200 – 300 tấn.
Muốn làm nón, mo phải được lau sạch, cắt hai đầu, khi may lấy khăn ướt vuốt nhẹ để mo dịu lại rồi đặt lên trên khung đã có sẵn một lớp lá, lấy dây chằng giữ lại để mo cố định. Bằng đôi mắt của mình, người làng sẽ cảm nhận mo như vậy đã tốt chưa, có bị vênh không mà cắt sửa cho đẹp. Nhờ có lớp mo ở giữa mà nón chắc chắn, bền lâu; cũng nhờ vậy mà những chiếc nón làng Chuông ít nhiều đều dùng từ 3 năm trở lên.
Nhưng nón Chuông không chỉ nổi tiếng về bền mà còn ở vẻ đẹp, vẻ đẹp đó được tạo thành từ những chăm chút nhỏ nhất. Nếu mo giúp nón thêm bền thì lá lợp bên ngoài giúp nón thêm đẹp. Người làng Chuông làm nón từ lá cọ và lá lụi. Lá cọ còn gọi là lá hồ hay lá già, được mua về từ nhiều vùng như Phú Thọ, Yên Bái hay Nghệ An… Lá khi mua về còn tươi, người ta đem lá ấy phơi khô. Phơi xong bó lại thành bó, 10 lá một bó đem ngâm nước ba tiếng, sau đó vớt ra phơi lại cho khô. Lấy lá đó đem là thì lá trở nên dai và bền, khi may nón sẽ không bị rách hay đứt. So với lá cọ, lá lụi sơ chế nhiều công đoạn hơn. Lá mua về còn tươi và nhiều nước, người làng phải vò trong cát cho hút bớt nước. Sau đó đem phơi, lá phơi khô được 50- 60% thì tiếp tục đem đi hun lá cho khô hẳn.
Những ngày xưa cũ, khi còn chưa có điện, người làng Chuông vẫn khâu nón dưới ánh đèn tù mù của dầu hỏa, tù mù vậy mà đời nọ nối tiếp đời kia, tù mù vậy nhưng đường may vẫn rất đều và đẹp. Người làng bảo họ không may bằng mắt, họ may bằng trực giác, bằng cảm nhận, chệch mũi kim là biết ngay, chắc linh hồn của nón cũng từ đó mà ra. Ngày ấy người ta không ngồi may nón một mình, họ quây quần lại mà may, vừa may vừa kể chuyện, chuyện đồng áng, chuyện con cái, chuyện áo cơm, những đôi nam nữ cũng nhờ như vậy mà nên duyên vợ chồng. Thấy người miệng cười duyên dáng, đôi tay khéo léo đưa từng đường kim thoăn thoắt, chỉ vậy thôi mà mang hình bóng nhớ thương rồi, nói chiếc nón biết se duyên cũng là từ đó.
VỀ ĐÂU CHIẾC NÓN LÀNG CHUÔNG…
Rồi các cô, các chị trong làng đi lấy chồng xa, mang theo nghề may nón, nghề cứ vậy mà phát triển. Cạnh Thanh Oai bây giờ, rất nhiều làng làm nón, nhưng cội nguồn của nó là làng Chuông nên vẫn không nơi nào qua được.
Bây giờ ở làng, người ta vẫn may nón, nón làng vẫn đẹp như thuở nào. Chỉ có điều khác là người ta may nón ít hơn, chỉ toàn người già may nón, trẻ hơn một chút họa chăng là những cô bán hàng tranh thủ lúc chợ thưa người. Không phải người làng không mặn mà với nón, chỉ là thời thế đổi thay, cuộc sống quá nhiều những lo toan, lớp trẻ với nhiều lựa chọn: thợ may, buôn bán, công nhân, xây dựng, cơ khí… trong khi công nón làm ra một ngày không đủ gánh gồng cơm áo. Người làng Chuông nhìn nón một tình thương nghẹn ngào nỗi xa xót.
Tôi hỏi người làng buồn không, họ nói, buồn chứ. Nhưng trong nỗi buồn có những niềm hy vọng, dù rất nhỏ thôi. Chiếc nón đã bền bỉ mà in hình trên trống đồng Đông Sơn, thì trong lòng người, ít nhiều đều có chỗ cho nón, nón bài thơ xứ Huế, nón Quảng Bình cần lao và chắc chắn có cả nón làng Chuông thân thương. Bao đời nay cả một dải sông Hồng người ta đã quen với hình ảnh chiếc nón làng Chuông bền bỉ qua năm tháng. Và tôi tin hình ảnh đó sẽ chẳng dễ dàng mà mất đi.
Cũng như chiếc khung nón trong công đoạn làm nón, khung nón là một trong những yếu tố quan trọng quyết định. Khung nón rất bền, có người cả đời làm nón chỉ dùng một khung là đủ, rồi cũng có những khung nón người ta truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như cách giữ gìn và tiếp nối của lớp trước tới lớp sau vậy: “Ngàn năm vẫn giữ lời nguyền/ Nhất quan nhì nón lưu truyền dài lâu” (Nguyễn Sinh Thủy).
Và để hợp với thời đại mới, người ta nghĩ thêm nhiều mẫu mã mới cho nón, như nón quai thao thì thêm các chi tiết, hoa văn; như nón Xuân Kiều thì thêm lớp lụa bên ngoài; như công năng của nón, ngoài che mưa che nắng thì còn trang trí, nội thất… Tôi may mắn trong những ngày ở làng, thấy người ta về làng đặt những chiếc nón đường kính 100cm hay những chiếc nón quai thao 2m để trang trí nội thất, người làng phấn khởi hẳn. Rồi thì các trường múa, các đoàn văn công năm nào cũng về làng để đặt nón. Có cả những đoàn khách về thăm làng, họ tìm cách nghiên cứu may nón công nghiệp, sản xuất hàng loạt, nghe đâu nón ấy mà để che cây thì tốt lắm; cũng có người là Việt Kiều về nước muốn mang nghề làm nón sang quê người dựng xây.
Người làng vui mừng, họ không mong nhà lầu xe hơi nhờ nón, chỉ mong chiếc nón vẫn có được chỗ đứng trong cuộc đời nhiều đổi thay này.
W.TIPS
DI CHUYỂN
Đường đi tới làng Chuông khá thuận lợi. Từ trung tâm Hà Nội, đi theo hướng QL6 đi Hòa bình, tới ngã ba Ba La, rẽ trái để đi theo hướng chùa Hương qua thị trấn Kim Bài khoảng 2km, thấy ngã ba thì rẽ phải, bạn sẽ thấy làng Chuông xinh đẹp nằm bên dòng sông Đáy.
HỘI CHUÔNG
Trước đây, hội Chuông được tổ chức định kỳ vào ngày 10 tháng Giêng. Hội được tổ chức nơi sân đình, bao gồm lễ tế, rước thần, trò đánh cờ người và thổi cơm thi. Ngày nay, hội được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch cùng với ngày giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tỏ lòng biết ơn tổ tiên ông bà. Hội vẫn giữ nguyên những yếu tố tâm linh cũng như nét đẹp truyền thống, tuy nhiên những thủ tục rườm rà và cầu kì đã được bỏ bớt.
CHỢ CHUÔNG
Trước đây, chợ Chuông ngày nào cũng họp nhưng một tháng chỉ có 6 ngày là chợ bán nón, đó là các ngày mồng 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch. Những ngày này chợ họp từ rất sớm, 5 giờ sáng chợ đã họp rồi, đến 9 giờ là chợ đã tan. Bây giờ, chợ nón vẫn họp những ngày ấy, chỉ khác là chợ chủ yếu bán các nguyên liệu làm nón mà thôi. Còn nón thành phẩm thường được đặt tại nhà của dân, tới hẹn người ta đến chở nón về.
CÁC HOẠT ĐỘNG THAM QUAN LÀNG CHUÔNG
Đến làng Chuông, bạn có thể tham gia các hoạt động như:
- Dạo quanh làng, cảm nhận nét đẹp của ngôi làng truyền thống Bắc Bộ.
- Đi chợ Chuông hay ghé các nhà làm nón để tìm hiểu cách làm ra một chiếc nón đẹp và bền của làng Chuông.
- Bên cạnh đó, bạn có thể đi dạo bên dòng sông Đáy hiền hòa và thăm một số điểm lân cận cách làng Chuông khoảng 15km, như chùa Trầm, chùa Long Tiên… Những ai yêu thích leo núi có thể chinh phục đỉnh núi Trầm Tử Sơn. Núi Trầm với địa hình thoai thoải, bao quanh là những dãy núi đá nhỏ tạo nên khung cảnh thật hữu tình.
Đài Trang | Wanderlust Tips