Về nghe gió kể non nước Cao Bằng
- 30/08/2018
- ĐIỂM ĐẾN VIỆT NAM
- Cao Bằng, Du lịch Cao Bằng, Editor picks, khu di tích Pác Bó, kinh nghiệm du lịch Cao Bằng, Thác Bản Giốc, thác bản giốc kì vĩ
Non nước Cao Bằng – mảnh đất nơi vùng biên ải Tổ quốc, với núi ngàn và các dòng sông xanh mướt tuyệt đẹp, là địa điểm sẽ khiến bạn mê say quên lối về.
[rpi]
Để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm
Nước Cao Bằng ngâm thì trắng gạo
Anh biết em liệu có được chăng…”
BẢN GIỐC – VIÊN NGỌC XANH NƠI MIỀN BIÊN ẢI
Trên đường đi tới Bản Giốc, chúng tôi có dịp được chứng kiến quang cảnh nước non Cao Bằng vào mùa hè rất ấn tượng. Con sông Quây Sơn xanh biếc một màu, róc rách chảy, soi rõ cả từng hòn cuội dưới đáy. Bên triền núi, từng chùm hoa hồng phấn nở rộ, hương bay ngào ngạt. Những ngọn lau bên đường phất phơ bay. Non xanh nước biếc Cao Bằng tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, đẹp nên thơ.
Thác Bản Giốc gồm có 2 phần thác, thác chính thuộc chủ quyền Trung Quốc, thác phụ với 3 nhánh chính đổ xuống là của Việt Nam mình, phân định bằng cột mốc 836. Đến với Bản Giốc vào mùa khô, lượng nước của thác tuy đổ xuống ít hơn so với mùa mưa, nhưng vẻ đẹp của con thác vẫn khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng. Từ trên cao, những khối nước lớn ào ạt đổ xuống, tung bọt trắng xóa. Nếu như ở phần thác phụ, nước cuồn cuộn đổ từ độ cao 30m xuống đem lại cảnh tượng rất kì vĩ, choáng ngợp thì ở phần thác nước chính, nước chảy đổ xuống êm đềm và hiền hòa hơn, bung xõa như những dải lụa trắng mềm mại.
Vẻ đẹp của Thác Bản Giốc có thể ví như một viên ngọc xanh nơi miền biên ải. Đó là sự kết hợp đẹp đẽ giữa địa thế núi non, sông nước, giữa những gam màu đậm chất thiên nhiên: màu xanh thiên thanh của trời, xanh của núi ngàn, xanh của màu nước hắt lên từ màu xanh của trời đất. Nước chảy qua từ các khu rừng nguyên sinh, đổ về đây những gì trong lành nhất, mát ngọt nhất. Bên dưới chân thác là mặt nước trong xanh, phẳng lặng như gương. Hai bên bờ là những vạt cỏ xanh tươi với những chú trâu thung thăng gặm cỏ.
THÂN THƯƠNG NGHĨA TÌNH PÁC BÓ
Thiên nhiên Pác Bó còn mang những nét hoang sơ, nguyên sinh của núi rừng kì vĩ. Cảnh vật nơi đây gợi nên cảm giác thân thương và gần gũi đến kì lạ. Con suối Lê Nin xanh trong hiền hòa róc rách chảy, với từng đàn cá lăng cá tẩu bơi lội tung tăng. Núi Các Mác sừng sững, uy nghiêm trong nắng. Hang Pác Bó thân thương, bình dị, mang dấu ấn của một thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc. Những xóm làng bình yên nép mình bên chân núi. Cảnh vật bình dị và thân thuộc, khiến cho lòng người dịu lại, tâm hồn trong sáng hơn. Mọi âu lo biến mất, để hòa mình vào thiên nhiên, để sống như đời núi, như đời sông, như cây cỏ…
Trong những tháng ngày Người sống và làm việc ở Pác Bó, điều kiện vật chất thiếu thốn, khó khăn gian khổ đủ bề. Bữa ăn chỉ có cháo bẹ, rau măng, khi ốm đau hái lá cây rừng làm thuốc. Đồng bào Pác Bó rất thương yêu và kính trọng Bác, thường chia sẻ cơm áo với Bác và các chiến sĩ cách mạng. Sau này, trong thư gửi đồng bào Cao Bằng ngày 2/9/1947, Người đã từng viết về tấm lòng của những người con người nơi đây với một sự tri ân sâu sắc: “Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo cho đến người anh em Hoa kiều, người thì giúp cho chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo, có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật quý hóa vô cùng”.
Giản dị và thanh bạch, hiền hòa như một thi tiên, Bác đã ở đây “dịch sử Đảng” bên chiếc bàn đá, sáng tối “cháo bẹ rau măng”, sống cuộc đời người chiến sĩ cách mạng, tuy gian khổ và vất vả, nhưng luôn vững tin về tương lai, về một ngày mai độc lập tự do trên đất nước Việt Nam.
Tạm biệt Pác Bó, tạm biệt quê hương cách mạng Cao Bằng mà trong lòng chúng tôi còn bao nhiêu nỗi niềm bâng khuâng nhớ tiếc. Nhất định chúng tôi sẽ còn trở lại, để một lần nữa được lắng nghe gió hát, về những khúc ca của đại ngàn và rừng già sâu thẳm, để được say trong tình người nồng thắm, để được hòa mình vào non xanh nước biếc trời mây Cao Bằng!
Thương về nơi ấy thênh đại ngàn
Mai này rời xa em có quên ta
Xin gửi chút nắng cho ta lại về”