Về Tiền Giang đừng quên thưởng thức những món đặc sản này
- 13/11/2018
- ẨM THỰC VIỆT NAM
- ẩm thực, chuối quết dừa, Editor picks, hủ tiếu Mỹ Tho, mắm tôm Gò Công, miền Tây, món ăn ngon, Tiền Giang, đặc sản
Tiền Giang là vùng đất trù phú, cảnh quan thanh bình, người dân thân thiện, mến khách và đặc biệt nền ẩm thực độc đáo khiến người ta nhớ mãi không quên. Hủ tiếu Mỹ Tho, ốc gạo Tân Phong, chuối quết dừa… là những món đặc sản nổi tiếng ở vùng đất xinh đẹp này.
[rpi]
HỦ TIẾU MỸ THO – MÓN NGON NỨC TIẾNG Ở TIỀN GIANG
Món ăn được nhắc đến đầu tiên khi nhớ về miền đất Tiền Giang chính là hủ tiếu Mỹ Tho – một trong ba thương hiệu hủ tiếu nức tiếng nhất, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Nguyên liệu gạo Gò Cát thơm dẻo đã làm ra sợi hủ tiếu nhỏ, khô và dai.
Khi chế biến, sợi hủ tiếu được chần sơ qua nước sôi. Các loại rau cũng phong phú không kém như xà lách, hẹ, cần tây, cải cúc. Nước dùng ngon phải là loại đậm vị nước hầm xương, tôm khô và mực nướng, pha một chút vị của củ cải thanh thanh.
ỐC GẠO TÂN PHONG
Thông thường, ốc gạo bắt về cho vào rổ, đặt vào thau nước cách đáy thau khoảng vài phân, ngắm chừng từ 5 đến 10 phút xốc rổ một đợt cho ốc nhả sạch cát. Sau đó cho ốc gạo vào nồi với ít nước để ốc không bị cháy, cho lửa lớn rồi luộc, ốc vừa chín thì đổ ra rổ lại. Nước chấm dùng cho món ốc này phải là nước mắm chanh ớt thêm chút gừng thì ăn mới đúng điệu. Ốc gạo luộc chín, con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ngọt giòn, ăn không thấy ngán.
Từ con ốc gạo, qua bàn tay khéo léo của nhiều đầu bếp còn chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như ốc gạo xào tỏi ớt, gỏi ốc trộn bưởi và cơm dừa, ốc gạo cháy tỏi, ốc gạo tiềm thuốc Bắc, ốc gạo cuốn bánh tráng, ốc gạo luộc lá ổi, ốc gạo chiên bơ, bánh xèo ốc gạo… Dù được chế biến theo cách nào thì ốc gạo cũng ngon, giòn, mùi vị thơm lừng, hấp dẫn nhiều thực khách.
CHẢ NƯỚNG CHỢ GẠO
Món ăn này được làm vào dịp giỗ chạp hay lễ tết với các nguyên liệu như thịt nạc vai, hành tím, tỏi, trứng vịt, bánh tráng, lá chuối, các loại rau ăn kèm… Thịt luộc chín thái mỏng, xào với hành tỏi cho thơm rồi trộn chung với trứng vịt, tỏi, tiêu, nước mắm, hạt nêm.
Chả nướng có thể ăn nóng, ăn kèm với bún nhưng cách ăn ngon nhất là cuốn. Bánh tráng ngon, thêm vài vị rau cuộn lại chấm với nước mắm chua ngọt sẽ khiến bạn nhớ mãi hương vị thơm ngon của món ăn nức tiếng Tiền Giang này.
CHUỐI QUẾT DỪA
Chuối phải là loại chuối sứ xanh, già nhưng vẫn giữ được độ dai, tròn trịa và căng vỏ. Muốn món ngon phải cần đến dừa xiêm có lớp cơm ngọt giòn và mọng nước. Sau khi chuối ngâm cho bớt mủ thì sẽ luộc chín. Tách vỏ để nguội, phần thịt sẽ được trộn cùng dừa nạo, thêm muối, đường rồi giã nhuyễn trong cối. Khi ấy, nước dừa sẽ hoà đều cùng chuối để đan xen cái béo ngọt vào từng thành phần.
Người Tiền Giang thưởng thức chuối quết dừa cùng với nước mắm, rau sống mang đến một hương vị vừa lạ lùng nhưng lại rất khó có thể trộn lẫn.
MẮM TÔM GÒ CÔNG
Tôm đất tươi, tỏi, ớt chín cây là ba nguyên chính làm nên mắm tôm Gò Công, song cách chế biến tỉ mỉ mới làm cho mắm giữ được hương vị ngon. Tôm làm sạch, giữ nguyên gạch rồi đem ngâm với rượu nếp 20 phút, vớt để ráo nước. Tôm trộn với tỏi, ớt giã nhuyễn sau đó đem ủ kín một tuần. Sở dĩ món này còn được gọi là mắm tôm chà là vì sau bước ủ, hỗn hợp sẽ được đem chà qua rây để loại bỏ phần xác tôm. Phần còn lại đem phơi dưới nắng trong vòng khoảng 20 ngày sẽ cho ra lò thành phẩm mắm tôm. Người Tiền Giang dùng thứ mắm chua ngọt đậm đà này để chấm thịt luộc, bún tươi, cuốn bánh tráng.
Wanderlust Tips | Cinet