Việt Nam trong tôi và những thước phim

[Wanderlust Tips 04/2019] Chẳng biết từ bao giờ, tôi có thói quen chú ý đến địa danh xuất hiện trong phim, để rồi thứ xúc cảm mãnh liệt ấy đi vào niềm cảm mến của tôi đầy lấp lánh và mê hoặc. Phim ảnh lúc ấy đâu chỉ là sự giải trí đơn thuần, mà hơn hết, những thước cảnh đẹp mỹ miều được trau chuốt qua con mắt của người đạo diễn tài ba sẽ chạm đến trái tim, thôi thúc những kẻ như tôi bắt đầu cuộc hành trình phiêu du khắp mọi miền đất nước Việt Nam xinh đẹp.

[rpi]

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

PHÚ YÊN NGỌT NGÀO NHƯ TUỔI THƠ QUA TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH

Vốn dĩ trước đây tôi rất hiếm khi để ý đến những bộ phim Việt Nam chiếu rạp, tôi thích phim truyền hình hơn với những nhân vật hay cảnh đời được khắc họa rõ nét và sâu sắc qua từng tập phim. Cho đến một ngày đầu tháng 10, cách đây chừng vài năm, tôi thấy đám bạn bàn tán xôn xao về bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ cuốn truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Một phần vì tò mò những gì truyền thông ca ngợi, một phần tôi rất yêu thích những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh nên quyết định “mạo hiểm” ra rạp, để rồi mọi định kiến trước đó của tôi dường như bay biến đâu mất, thay cả bằng niềm yêu thích và say mê.

Bộ phim là câu chuyện về hai anh em Thiều và Tường, cùng nhau lớn lên tại một vùng quê nghèo ven biển cuối thập niên 1980. Thiều mọt sách, thương em, nhưng cũng mang nhiều mặc cảm ghen tỵ với em trai. Còn Tường thần tượng anh trai, là “cái đuôi” sẵn sàng lẽo đẽo đi theo Thiều tới khắp mọi nơi. Rồi sự xuất hiện của cô bé Mận cùng những rung động đầu đời nhẹ nhàng, hay những tình huống thể hiện tình anh em Thiều – Tường ấm áp… Tất cả đủ để cho thế hệ 7X, 8X rưng rưng xúc động nhớ về một quãng ký ức tuổi thơ “một đi không trở lại”.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Các tình tiết phim không quá cao trào hay bi lụy, chỉ đơn giản là những câu chuyện vụn vặt ở một vùng quê nghèo miền Trung, nhưng chính những mảnh ghép nhỏ nhặt ấy đã làm nên bức tranh ăm ắp ký ức tuổi thơ của bất cứ đứa trẻ đồng quê nào, như tôi. Từng cảnh phim tua đi, từng mảng dĩ vãng hoen úa đã ngả màu rêu phong sống dậy, những khung cảnh quen thuộc đẹp yên ả. Đó là Phú Yên – cái tên chỉ nghe thôi cũng cảm thấy một nỗi niềm khó gói gọn trong đôi ba câu chữ. Có chăng vì cũng từng lớn lên từ một miền quê nghèo của miền Trung nên ít nhiều tôi có thể cảm thấu và yêu mến nhiều hơn khung cảnh bình yên trong phim.

Theo hành trình của từng thước phim, tôi tìm đến cánh đồng mía huyện Sông Hinh, nơi bát ngát màu xanh của bãi mía, triền cỏ và của cả bầu trời cao vợi trên kia, gió thổi rì rào khẽ lướt qua như một bản nhạc đầy sống động những thanh âm tươi đẹp. Tiếp đó, đồng ruộng huyện Tuy An mở ra trước mắt những vạt lúa, vạt ngô mỡ màng reo vui dưới ánh nắng vàng như rót mật. Hay Bãi Xép thơ mộng đầy xương rồng tựa như bức tranh về sự kiên cường vươn lên giữa khắc nghiệt đất trời, cũng dễ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho kẻ viễn du. Màu xanh của trời, hòa lẫn màu đại dương bao la mênh mông và thêm màu xanh của trảng cỏ rộng lớn khiến cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung cũng bất chợt trở nên êm dịu, mát mắt hơn.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Rong ruổi theo những gành đá dọc bờ, lặng yên nghe tiếng sóng vỗ từ xa khơi, tôi như được trải lòng mình ra bao la sóng nước. Đứng giữa đất trời lộng gió, bãi cát vàng như màu nắng ươm đầy trong mắt, tuổi thơ đẹp như một thước phim tua chậm cứ hiển hiện trước mắt tôi. Những xúc cảm mà bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mang lại cho tôi có lẽ không chỉ là bầu trời kỷ niệm vang vọng từ thời xa vãng, mà hơn hết còn là một phần của dải đất miền Trung đẹp bình yên như tranh vẽ. Và cũng chính điều đó đã giúp trái tim những người con miền Trung xa quê như tôi cảm thấy được sưởi ấm và tự dặn lòng sẽ trở về quê vào một ngày không xa.

Còn giờ đây, mỗi khi nhớ nhà, tôi lại xem “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để tận hưởng hơi quê tỏa ra qua từng thước phim êm dịu ấy.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

LẶNG YÊN DƯỚI VỰC SÂU VÀ MỘT HÀ GIANG ĐẸP MÀ BUỒN

Với những ai thích vi vu rẻo cao đại ngàn, khi chân đi đã mỏi thì hãy thử một lần dành thời gian ngồi xem lại những thước phim trong “Lặng yên dưới vực sâu” của đạo diễn Đào Duy Phúc. Cái chất sơn cước in đậm trong từng cảnh quay, tôi từng xem đi xem lại nhiều lần chỉ để ngắm nhìn cho đã mắt cảnh sắc của miền cao nguyên đá.

“Lặng yên dưới vực sâu” là câu chuyện tình yêu mãnh liệt nhưng cũng lắm bi ai của hai nhân vật chính là chàng Vừ và nàng Súa. Đôi trai gái yêu nhau nhưng lại không thể đến được với nhau vì Súa bị Phống – một thanh niên nhà giàu cướp về làm vợ. Những tưởng tình yêu Vừ – Súa sẽ kết thúc, nhưng với bản năng mạnh mẽ và khát vọng tự do, Súa không chấp nhận đầu hàng trước số phận. Còn Vừ đã có lúc chìm trong những phút tuyệt vọng định buông xuôi nhưng cuối cùng anh vẫn làm theo tiếng gọi của trái tim. Tình yêu ấy mạnh mẽ của Vừ và Súa sinh sôi nảy nở như chính những bông hoa tươi thắm kiên gan khoe sắc trên đá.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Thiên nhiên miền cao nguyên Hà Giang tuyệt đẹp nơi địa đầu Tổ quốc với triền núi ngút ngàn, thung lũng hoa tam giác mạch thơ mộng cùng lớp lớp đá chồng lên đá, cũng là nơi chứng kiến cuộc tình của đôi trai gái người H’Mông trong “Lặng yên dưới vực sâu”. Những cánh đồng hoa tam giác mạch rung rinh trong gió bên núi đá sừng sững, hòa kết cùng cái tình nồng say miền cao, khiến người ta dễ liên tưởng đến sự e thẹn nép vào người yêu của cô gái H’Mông. Chính màu hồng hồng, tím tím của loài hoa khoe sắc nơi cao nguyên khô cằn là minh chứng cho tình yêu bất diệt của lứa đôi. Những hủ tục, nghèo khó, hận thù nghiệt ngã cũng chẳng thể chiến thắng được sự bền bỉ, mãnh liệt, như những mùa hoa tam giác mạch nở rộ năm này qua năm khác làm xuyến xao trái tim người lữ khách.

Bức tranh mà “Lặng yên dưới vực sâu” vẽ lên cho khán giả không chỉ là khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn đâm tua tủa lên bầu trời cao xanh tưởng chừng như muốn thi gan cùng tuế nguyệt, với hình ảnh mái nhà ẩn sau bờ rào đá, hay tà váy xòe rực rỡ sắc màu của các cô gái H’Mông… mà hơn hết bộ phim còn đưa Hà Giang đến gần hơn bằng những phong tục tập quán. Nét văn hóa ấy thể hiện qua những lễ hội, cưới xin, những làn điệu da diết, rồi tiếng sáo mạnh mẽ vang vọng giữa núi rừng hoang vắng. Người H’Mông sinh ra trong đá, sống cùng với đá và giữ gìn thứ tình cảm trinh nguyên, mộc mạc như chính mảnh đất Hà Giang hữu tình. Họ chân chất, giản dị mà mạnh mẽ, đầy tự trọng và luôn khao khát giành lấy tình yêu đích thực.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Hà Giang có lẽ là mảnh đất bén duyên với những thước phim điện ảnh, bên cạnh “Lặng im dưới vực sâu”, còn nhiều bộ phim nổi tiếng khác cũng lấy bối cảnh quay ở Hà Giang như: Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Bầu trời đỏ (đạo diễn Olivier Lorelle), Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải)… Sau khi chìm đắm trong những tác phẩm điện ảnh ấy, hẳn nhiều người đã trót đem tim mình bỏ lại chút tình giữa núi rừng Hà Giang.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

ĐÔNG DƯƠNG, VẺ ĐẸP VIỆT NAM QUA CON MẮT CỦA NGƯỜI PHÁP

Tôi từng dành thời gian kiếm tìm hình ảnh dải đất hình chữ S trong các bộ phim nước ngoài để trả lời cho niềm hoài nghi rằng “chẳng biết trong mắt người ngoại quốc thì đất nước mình sẽ như thế nào?”. Và câu hỏi ấy của tôi đã được hồi đáp trong bộ phim “Đông Dương” (tiếng Pháp: Indochine).

Nhà quay phim người Pháp – François Catonné trong hành trình bấm máy cho bộ phim này ở Việt Nam đã thốt lên rằng: “Trái tim của tôi cũng đã để lại nơi này rồi”. Phải nói rằng Việt Nam luôn có sức hấp dẫn diệu kỳ với điện ảnh thế giới bởi tất thảy những gì dung dị, đơn thuần mà không hề nhàm chán. Và với những ai yêu thích lịch sử, muốn tìm hiểu về bối cảnh xã hội của thời đại trước thì ngần ngại gì mà không ngồi xem lại những cảnh phim đắt giá của bộ phim nổi tiếng “Đông Dương”.

Tôi biết đến bộ phim này chỉ vì một lần cô giáo dạy lịch sử kể câu chuyện về thời thuộc địa, trong đó chất chứa những khổ ải, trăn trở của đủ mọi tầng lớp xã hội và đó như là một lớp trầm tích đầy bí ẩn khiến tôi tò mò khôn nguôi. Sau đó, tôi đã xem “ngấu nghiến” bộ phim, từng thước cảnh cuốn hút đến nỗi ý niệm về sự tồn tại của thời gian lúc này đã hoàn toàn biến mất. Và có chăng Việt Nam hiện lên trong phim chính là “trái tim” của Đông Dương?

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Dù gây được tiếng vang sau khi thắng giải Oscar năm 1993, song chỉ đến năm 2016 “Đông Dương” mới được chính thức công chiếu tại Việt Nam trong dịp Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội. Khán giả hào hứng xem bộ phim mà họ vốn dĩ đã “văn kỳ thanh, bất biến kỳ hình” và mải mê chiêm ngưỡng Việt Nam tuyệt đẹp qua những thước phim Pháp.

Phim “Đông Dương” lấy bối cảnh Việt Nam thời thuộc địa của Pháp, và dù cho đến bây giờ giai đoạn ấy đã đi qua hơn 70 năm nhưng nhiều giá trị mà bộ phim mang lại vẫn vẹn nguyên theo thời gian. Bộ phim do người Pháp thực hiện, nói về chính vùng đất thuộc địa mà họ từng cai trị và tái hiện một cách sâu sắc cuộc chiến mà họ đã trở thành kẻ bại trận. Thế nhưng, phim không hề bênh vực, chê bai hay bôi xấu bên nào, mà ngược lại đó là cái nhìn khách quan, lăng kính đầy tôn trọng với lịch sử, với người dân nước thuộc địa mà họ – người Pháp đã thua. Chính điều này khiến tôi vừa xúc động, vừa hân hoan khi dõi theo.

Sơi dây rung cảm ngân lên khi tôi hiểu thấu được tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý vô ngần giữa Éliane Devries cùng cô con gái Camille; hay sự trái ngang, trắc trở của mối tình tay ba giữa họ và viên sĩ quan điển trai Jean – Baptiste Le Guen. Và rồi, cuộc sống của ba nhân vật đều bị xáo trộn, kèm theo đó là những bất ngờ, đổi khác của thời cuộc khiến mỗi người đành đi theo những ngã rẽ cuộc đời khác nhau.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Không nói quá nhiều đến nội dung phim, vì có lẽ những mỹ từ mà báo chí dành cho “Đông Dương” đã lột tả được hết độ nổi tiếng của bộ phim này. Với “kẻ khó tính” và hay “soi xét” các cảnh quay như tôi thì thường nghiền ngẫm nhiều đến những hình ảnh, địa danh xuất hiện trong phim. Và “Đông Dương” đã hoàn toàn thuyết phục tôi.

Đạo diễn đã biết cách khai thác những danh thắng của Việt Nam và hô biến chúng trở nên đẹp lung linh qua góc nhìn của người ngoại quốc. Đó là một Việt Nam e lệ, hoang sơ mà kiều diễm đang từng bước chuyển mình trước thời đại mới. Mỗi một bối cảnh đều được đem ra “cân đo đong đếm” kỹ lưỡng, chính sự tỉ mẩn đó của nhưng người làm phim đã thể hiện được bức tranh Việt Nam tuyệt đẹp, chân thực đến vậy.

Quả thật không ngoa chút nào nếu như nói rằng “Đông Dương” là tuyệt phẩm, là viên ngọc quý giá về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Thú thực, trong tiềm thức của tôi vẫn luôn nghĩ, hẳn rằng thời chiến đất nước sẽ tồi tàn, điêu đứng và xơ xác biết bao nhiêu. Và rồi, khi thước phim đầu tiên được vén màn, tôi đã ồ lên vì hình ảnh Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn đẹp đến nao lòng trên màn ảnh nhỏ. Vịnh Hạ Long xuất hiện đi xuất hiện lại khá nhiều lần trong phim, nhẹ nhàng khắc vào tâm khảm người xem những ấn tượng đẹp đẽ. Trong lúc theo dõi bộ phim này, lóe lên trong đầu tôi là suy nghĩ “mình nhất định phải ghé chân đến đây, nhất định”.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Hay những cảnh quay ở Ninh Bình, tái hiện một cách rõ nét vẻ đẹp chân chất và có phần rất “Đông Dương”. Hay một cố đô Huế trang nghiêm, trầm mặc xuất hiện tựa một phần ý nghĩa quan trọng trong câu chuyện của người Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1930 – 1950. Thậm chí chính quyền địa phương lúc ấy còn cho phép đoàn làm phim tiến hành dàn dựng cảnh quay trong điện của vua Bảo Đại.

“Đông Dương” không dừng lại hay gói gọn trong một bối cảnh mà trải dài dọc khắp đất nước hình chữ S. Dường như, đối với những ai hiểu bộ phim bằng tất thảy sự quan sát, thấu cảm thì sẽ nhận ra được một bức tranh đẹp nhưng cũng thật buồn. Đẹp bởi khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ nhưng lại khiến người ta bất chợt trầm buồn vô ngần vì vẻ đẹp ấy bỗng hóa phù du khi dân tộc Việt Nam đang “sống dở chết dở” dưới chế độ thực dân.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Và lồng trong những cảnh đẹp là tinh thần quật cường, bền bỉ của người dân Việt Nam. Tôi bỗng thấy thương biết bao nhiêu những đêm nạo mủ cao su với ánh đuốc lập lòe trên trán người thợ nạo, họ lao động trong đêm, mồ hôi chan lẫn đắng cay. Hay những gánh hát tuồng đi khắp nơi để âm thầm vận động kháng chiến, những chiến sĩ cách mạng bền bỉ nuôi hy vọng một ngày vùng lên đòi lại đất nước. Cứ thế “Đông Dương” không chỉ cho tôi trầm trồ về cảnh đẹp đất nước mà còn ngời sáng vẻ đẹp của con người. 2 tiếng 40 phút tôi không bỏ sót một chút xúc cảm nào, dường như một Việt Nam từ xa vãng, một Việt Nam mà tôi chỉ được nghe qua sách vở nay bỗng nhiên sống động lạ thường.

Những người Việt Nam, như tôi, hẳn rằng sẽ rất hãnh diện khi được ngắm nhìn đất nước qua lăng kính của người ngoại quốc. Còn với khách quốc tế, “Đông Dương” góp phần không nhỏ tựa như lời mời gọi đầy quyến rũ, thôi thúc bước chân họ tìm đến với một Việt Nam nhỏ bé nhưng mạnh mẽ và đẹp lạ kỳ.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

TẠM KẾT

Mỗi bộ phim sẽ mang đến những cảm xúc và ấn tượng khác nhau, tùy vào cách cảm nhận của mỗi người. Có người xem phim ảnh cũng nhẹ nhàng như việc thưởng trà, nghiền ngẫm mọi thứ một cách từ từ, chậm rãi và sau cùng dư vị đọng lại sẽ khiến bạn trầm trồ, khắc sâu. Và cũng có những người nuôi giấc mơ du lịch qua từng thước phim, tôi gọi đó là hành trình du lịch qua phim ảnh. Còn đối với tôi, tôi không chỉ đặc biệt thích xem đi xem lại, cảm thật sâu những thước phim về Việt Nam quê hương mà tôi còn thích nhìn thấy chúng hiện lên đầy chân thực qua những chuyến đi. Có lẽ chẳng cần đi đâu xa xôi khi mà đất nước nơi ta sống còn muôn vàn điều thú vị chờ ta đến khám phá và yêu thương.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Việt Nam trong tôi và những thước phim

Thi Thi | Wanderlust Tips