Vilnius: Trái tim bình yên của Litva
- 03/07/2019
- E.MAGAZINE, ĐIỂM ĐẾN CHÂU ÂU
- biển Baltic, du lịch Litva, du lịch Vilnius, Editor picks, Phố cổ Vilnius, Unesco
[Wanderlust Tips 06/2019] Dù đã đi châu Âu nhiều lần nhưng tôi chưa có dịp ghé thăm cụm ba nước trong vùng biển Baltic bao gồm Litva, Latvia và Estonia, vốn được xem là những viên ngọc quý không ngừng tỏa sức hút mê hoặc, mời gọi bước chân người du khách. Sau thời gian ấp ủ dự định, với quyết tâm cao ngùn ngụt, cuối cùng tôi cũng thực hiện được chuyến đi tới những quốc gia xinh đẹp này, bắt đầu với Vilnius – thủ đô nước Cộng hòa Litva, thành phố được nhà xuất bản nổi tiếng về du lịch bình chọn là “Một trong 10 địa điểm tuyệt vời nhất châu Âu năm 2018”.
[rpi]
Litva là nước thuộc vùng biển Baltic nhưng đồng thời cũng nằm ở Đông Bắc Âu. Tuy nhiên, theo sự phân chia của Liên Hiệp Quốc, Litva được xếp vào nhóm Bắc Âu. Litva giáp với Latvia về phía Bắc, giáp với Belarus về phía Đông Nam, giáp với Ba Lan và tỉnh Kaliningrad thuộc Liên bang Nga về phía Tây Nam và giáp với biển Baltic về phía Tây. Vilnius đóng vai trò thủ đô, đồng thời là thành phố lớn nhất của quốc gia này. Đặc biệt, Phố cổ trung tâm của Vilnius được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994 bởi giá trị chung cho nhân loại và nguồn gốc lịch sử. Cụ thể, Phố cổ Vilnius là một trong những phố cổ thời Trung cổ rộng lớn nhất còn tồn tại ở Bắc Âu. Theo thống kê, khu vực này chiếm diện tích gần 3,6km², bao gồm khoảng hơn 70 khu phố và ngõ nhỏ, với hơn 1.450 toà nhà dưới các phong thái kiến trúc đẹp nhất của châu Âu như Gothic, Phục Hưng, Baroque, tân cổ điển nằm kề cạnh tôn dáng cho nhau. Phố cổ Vilnius không hình thành nên trong một sớm một chiều mà được xây dựng và gọt dũa qua hàng thế kỷ, dưới nhiều thời đại và nhiều nguồn ảnh hưởng văn hoá.
Lần này, tôi bay từ Bucharest (Rumani) sang Vilnius (Litva). Chiếc taxi chạy bon bon chỉ mất khoảng 20 phút để đưa tôi từ sân bay quốc tế Vilnius về khách sạn nằm trong trung tâm, ngay bên hông Phố cổ Vilnius. Từ khách sạn lưu trú, tôi tốn khoảng năm phút đi bộ là ra tới phố Pilies (hay còn gọi là phố Lâu Đài), con phố chính trong Phố cổ Vilnius, nối liền giữa Quảng trường Nhà thờ và Quảng trường Toà thị chính. Phố Pilies không quá dài nhưng thường xuyên đông vui, nhộn nhịp, kẻ mua người bán tấp nập dù ở khu Quảng trường Toà thị chính có diễn ra sự kiện chính trị hay văn hoá đi chăng nữa. Bởi vì, con phố này tập trung những mặt hàng vô cùng bắt mắt như tranh vẽ, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ của các nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật thủ công. Ngoài ra, dọc mặt phố còn có rất nhiều hàng quán cà phê, nhà hàng và các cửa hàng boutique chuyên bán hổ phách và đồ linen. Những quán cà phê dạng có mặt tiền thu hút du khách bằng vô số những lẵng hoa tươi treo bắt mắt, hay các nhà hàng với dãy bàn phủ khăn trắng tinh sang trọng ngay nơi sân trước lát gạch sạch sẽ không ngừng mời gọi du khách dừng chân nghỉ ngơi và lót dạ.
Và sẽ thật thiếu sót nếu không ghé thăm các cửa hàng bán hổ phách nơi đây. Cùng với các mặt hàng trang trí bằng hổ phách, vô số những trang sức hổ phách tinh xảo, chất lượng cao nổi tiếng vùng Baltic được trưng bày trong tủ kính sáng lóa, toát lên vẻ đẹp đầy mê hoặc. Những ánh mắt kinh ngạc, trầm trồ của các vị khách tham quan; những khuôn mặt dí sát vào tủ kính trưng bày đủ để nói lên vẻ đẹp của hổ phách vùng này. Nhân viên bán hàng nói tiếng Anh với cách phát âm đặc trưng khu Đông Âu nhiệt tình giải thích cho người mua sự khác biệt giữa hổ phách và nhựa giả hổ phách, sự chênh lệch giá cả giữa món này và món khác. Thiên đường của người đam mê trang sức hổ phách chính là đây! Bên cạnh đó, nếu là “fan” của quần áo có nguồn gốc sợi thiên nhiên, hẳn bạn cũng không thể bỏ qua được những món đồ bằng vải linen. Ở đây, không chỉ có linen trơn một màu, mà còn có cả linen in hoa văn theo thiết kế riêng rất bắt mắt. Mẫu hoa văn nào cũng sắc sảo, sang trọng và “mát mắt” người mua.
Cứ men dọc theo phố Pilies là có thể thấy rất nhiều những toà nhà ấn tượng, chỉ cần đứng vào là có ngay tấm hình long lanh mà không hề cần cố gắng. Này là toà nhà tường gạch đỏ – một màu rất cổ kính có phong cách riêng, này là toà nhà với màu hồng pastel nhẹ nhàng vươn lên trong nắng dịu dàng. Một đầu của phố Pilles sẽ dẫn ra Quảng trường Nhà thờ, cũng là quảng trường chính của Phố cổ Vilnius. Quảng trường được biết đến bởi vị trí đắc địa và là địa điểm diễn ra các hoạt động cộng đồng của thành phố như hội chợ, diễu binh, các buổi tụ họp, sự kiện tôn giáo, chính trị, triển lãm và các buổi biểu diễn ca nhạc. Ngoài ra, lí do Quảng trường Nhà thờ được coi là biểu tượng của Litva còn bởi một công trình kiến trúc tân cổ điển vô cùng đẹp mắt – nhà thờ Vilnius. Tuy Quảng trường Nhà thờ được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 nhưng đền thờ của nhà thờ Vilnius lại được xây dựng rất sớm từ thế kỷ 13. Vào khoảng 1922, nhà thờ Vilnius được phong tặng Vương cung thánh đường bởi Đức Giáo Hoàng Pius XI. Không thể tách rời khỏi nhà thờ Vilnius là toà tháp chuông Belfry, cùng hiên ngang đứng bên nhà thờ từ thế kỷ thứ 13. Toà tháp chuông Belfry là một phần trong hệ thống phòng thủ của thành phố Vilnius khi xưa và là một trong những toà tháp chuông cổ xưa nhất, cao nhất của Phố cổ Vilnius. Toà tháp chuông cao 52m, cùng với chiếc thánh giá trên đỉnh, chiều cao của cả công trình là 57m. Khi leo lên toà tháp, du khách sẽ có cơ hội khám phá toàn cảnh Vilnius từ trên cao, chiêm ngưỡng những chiếc chuông, chiếc đồng hồ cổ của thành phố, những bức hình ghi dấu quá trình xây dựng lại nhà thờ và tháp chuông theo từng giai đoạn. Một điều tuyệt vời về tháp chuông Belfry mà ít người biết, đó chính là chiếc đồng hồ cổ hiện vẫn đang hoạt động được treo bên ngoài trên tường tháp chuông từ năm 1672, lâu đời hơn cả chiếc đồng hồ Big Ben ở London.
Vilnius dẫn du khách từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Vì Phố cổ Vilnius là thành cổ nên những chiếc cổng thành cũ còn tồn tại cho tới ngày nay luôn gợi nên cảm xúc phấn khích và sự trầm trồ. Gate of Dawn hay còn gọi là Cổng Bình Minh, là cổng thành duy nhất trong 5 cổng thành nguyên thuỷ của Phố cổ Vilnius, được xây dựng từ năm 1503 tới 1522, còn được lưu giữ và bảo tồn cho tới ngày nay. Những chiếc cổng thành cổ được nhắc tới đầu tiên trong khoảng năm 1514. Riêng Cổng Bình Minh trước đó còn có tên gọi là Cổng Medininkai bởi nó nằm trên con phố dẫn tới Medininkai, hoặc Cổng Sharp bởi chiếc cổng nằm ở phía cực Nam của thành phố, nơi được gọi là Sharp. Sau đó, vì liên quan tới lòng tôn kính, sùng bái với Đức Mẹ Maria mà cổng được liên hệ với ban mai, ánh bình minh. Đi qua Cổng Bình Minh là ra ngoài hoặc bước vào trong địa phận của thành cổ. Tầng hai của Cổng Bình Minh, trong nhà nguyện là bức tranh vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh, Đức Mẹ của Sự Khoan Dung được biết tới trên toàn thế giới. Những nhà thờ khác ở nhiều quốc gia đã sao chép lại bức hoạ này. Bức hoạ cũng được gọi với tên “Vilnius Madonna” và được hoàn thành vào khoảng thế kỷ 17 theo phong cách Phục Hưng bằng màu keo trên nền bảng gỗ sồi, rồi sau đó được sơn lại bằng sơn dầu. Tương truyền, bức hoạ có những sức mạnh diệu kỳ. Và Đức Mẹ Thiêng Liêng của Cổng Bình Minh được phong tặng danh hiệu Đức Mẹ của Sự Khoan Dung tới tận hai lần. Chính vì thế, Cổng Bình Minh là biểu tượng tôn giáo quan trọng không chỉ đối với Litva mà còn với toàn nhân loại.
Vilnius rộng lượng còn mang đến cho du khách một công trình kiến trúc Gothic đẹp mắt quan trọng khác chỉ cách phố cổ Pilies khoảng 4 phút đi bộ, đó là Nhà thờ Thánh Anne. Đây là kiệt tác của giai đoạn sau của kiến trúc Gothic. Tương truyền, Napoleon Bonaparte đã từng say mê vẻ đẹp của Nhà thờ Thánh Anne và phải thốt lên trong lá thư gửi vợ mình rằng Vilnius là một thành phố tuyệt đẹp. Nhà thờ Thánh Anne trường tồn hơn 500 năm tới ngày nay với rất ít những biến đổi và tất nhiên cũng trở thành một biểu tượng của Vilnius. Một điều bí ẩn về Vilnius nữa là ngay cạnh Nhà thờ Thánh Anne, về phía sau là Nhà thờ Thánh Francis (Francis of Assisi) và Thánh Bernard (Bernardino of Siena) theo kiến trúc Gothic bằng gạch. Màu đỏ đặc trưng của hai nhà thờ này hút ngay tầm nhìn của bất cứ du khách nào và lôi cuốn tới mức bất cứ ai nhìn thấy cũng phải đi vòng xung quanh công trình để chiêm ngưỡng và thán phục.
Nếu đã cất công tới Vilnius, một chuyến đi ngắn tới nơi ẩn náu thiên đường và nhịp sống thanh bình mang tên Trakai, chắc chắn cũng là điều mà bạn không thể bỏ qua. Đây là thị trấn nhỏ được coi là thủ phủ và báu vật của các công tước đứng đầu các lãnh thổ của Litva ngày trước, đặc biệt nổi tiếng với hồ Galvė chỉ cách trung tâm Vilnius khoảng 35km. Trakai được người dân địa phương, khách du lịch vô cùng yêu thích bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trong lành. Đặc biệt, lâu đài trên đảo Trakai được bao quanh bởi hồ Galvė trong xanh vào mùa hè nhưng đóng băng trắng muốt vào mùa đông. Lâu đài này xuất phát từ thế kỷ 14 và được chính phủ xây dựng lại vào thế kỷ 20. Du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, rực rỡ của toà lâu đài sắc cam đỏ soi bóng trên nền nước hồ xanh biếc hoặc tự mình đi vào nội thành của toà lâu đài. Một cây cầu gỗ dài khoảng 300m sẽ đưa du khách lạc lối vào công trình kiến trúc với các tầng nhà, lan can, đồ nội thất, đồ sứ Trung Quốc và các cúp chiến tích săn bắn. Sắc đỏ gạch, những cổng sắt, cầu ròng rọc đặc trưng của lâu đài gây ấn tượng mạnh mẽ khó quên đối với bất cứ du khách nào ghé chân. Vào năm 1962, toà lâu đài trở thành Bảo tàng Lịch sử Trakai. Nơi đây hiện nay thường diễn ra vô số những cuộc triển lãm, biểu diễn, lễ hội và các sự kiện quan trọng của vùng. Dọc theo hồ là các quán cà phê xinh xắn cùng những cửa hiệu bán đồ lưu niệm nho nhỏ với đủ các món đồ xinh xắn, dễ thương, nhất là những chiếc túi và khăn trải bàn linen in hoạ tiết.
Vilnius thanh bình, không quá đông đúc, chen lấn và có những nét đẹp riêng ẩn mình như viên ngọc quý. Hoàn toàn xứng đáng nếu Vilnius của Litva được xếp vào điểm đến đáng khám phá năm 2019, dành cho những tâm hồn yêu xê dịch, thích nét đặc trưng riêng nhưng không thoả mãn với sự đông đúc, náo nhiệt thường thấy ở những địa điểm du lịch nổi tiếng. Còn chần chứ gì nữa, bạn của tôi, hãy lên kế hoạch ghé thăm Vilnius, Litva trong những ngày không xa, bạn nhé!
W. TIPS
TIỀN TỆ
Litva dùng đồng Euro (Ký hiệu: EUR) như các nước trong khối Schengen của châu Âu. 1EUR ~ 26.000đ (theo tỷ giá hiện tại).
DI CHUYỂN
Từ sân bay quốc tế Vilnius tới Phố cổ Vilnius có khoảng cách là 6km, nếu đi taxi sẽ tốn khoảng 13-15EUR (~338.000-390.000đ)/chiều. Chuyến đi trong ngày thăm hồ Galvė và lâu đài trên đảo Trakai có giá khoảng 50-70EUR (~1,3-1,8 triệu đồng) bao gồm 2 chiều xe taxi và thời gian đợi. Từ Litva, bạn có thể dễ dàng mua vé xe bus sang thăm thủ đô Riga của Latvia.
LƯU TRÚ
Bạn nên đặt khách sạn trong khu Phố cổ Vilnius để tiện đi lại. Khách sạn dạng boutique có tên gọi Old Shakepeare cách phố Pilies chỉ khoảng 4 phút đi bộ. Old Shakepeare có phòng rộng rãi, khang trang, theo kiến trúc Anh, mỗi phòng mang một tên gọi đại văn hào khác nhau. Hơn nữa, khách sạn có bữa ăn sáng ngon lành, nước trái cây tươi và bánh pancake ngon tuyệt kèm trong giá phòng.
ĂN UỐNG VÀ MUA SẮM
Khi dạo chơi trên phố Pilies, bạn nên thưởng thức kem trái cây tươi mát lạnh, thơm ngát. Tại đây bạn cũng đừng quên ghé thăm các quầy hàng lưu niệm để mua các món đồ trang sức hổ phách và trang phục linen nổi tiếng của địa phương.
Alex Tu | Wanderlust Tips