Xứ Huế, dĩ vãng thân quen

Tôi có một cái duyên kỳ lạ với mảnh đất cố đô. Từ lần đầu tiên đặt chân đến đây với sự háo hức của chàng thiếu niên được đi du lịch, cho đến lần này với những trầm mặc của cái tuổi ngấp nghé vợ con… đếm quanh co phải hơn chục lần. Vậy mà hay ở chỗ, không lần nào tôi đến Huế giống bất kỳ lần nào!

[rpi]

Có chuyến đi tôi chỉ là thằng nhãi ranh Hà Nội lắm điều, oang oang khắp đường. Có chuyến đi tôi vào vai một chàng hướng dẫn viên non kinh nghiệm ú ớ dẫn đường cho anh công nhân xứ Bắc đi tìm mua chiếc nón bài thơ về tặng mẹ và vợ. Cũng có chuyến tôi lê thê điếu thuốc một mình trong chiều mưa âm u rả rích trên con đường nhỏ Huyền Trân Công Chúa dưới chân đồi Vọng Cảnh. Lại có chuyến đi tôi tay trong tay bên nàng thơ của mình, lái xe chạy dọc bờ sông Hương để hít hà cái không gian chậm rãi đến tĩnh lặng của đất cố đô. Và lần gần nhất, tôi đến Huế cùng những người bằng hữu lâu năm. Mỗi lần gặp gỡ, Huế mang đến cho tôi những trải nghiệm kỳ lạ, khác biệt nhưng đều mang một gam màu chung, đó là màu dĩ vãng…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

NHỮNG MẢNH KÝ ỨC CỐ ĐÔ

Những mảng tường cũ kỹ chạy dọc trên các con đường ở Huế luôn là nơi lưu giữ nhiều ký ức phôi pha của đất cố đô. Bức tường thành cổ thủng lỗ chỗ những vết bom đạn năm xưa như còn nguyên mùi thuốc súng. Những bức tường nhà quét vôi vàng đặc trưng phủ kín rêu xanh và hoa giấy tím hồng lãng mạn trong nắng chiều. Hay những bức tường bụi bặm hằn lên đôi dòng quảng cáo nguệch ngoạc của chốn thành thị chậm chạp đổi thay.

Tôi thường dậy sớm vào buổi sáng mỗi ngày ở cố đô, tản bộ dọc bờ sông Hương thơ mộng, xuôi chiều qua cầu Tràng Tiền đẹp nên thơ, và cuối cùng dừng chân ở một quán cà phê vỉa hè trước cổng chợ Đông Ba. Tựa mình vào bức tường vàng chân nhá nhem màu cà phê lẫn trà đá, tôi trầm tư thưởng thức ly cà phê sữa đá bình dân, lắng nghe những âm thanh náo nhiệt của phường buôn và phố thị thưa thớt người.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

Và cho dù tôi uống ly cà phê sữa đá một mình 5 năm về trước, hay mới đây tôi ngồi hàn huyên với những người bạn vẫn chỗ đó trước cổng chợ Đông Ba, vị cà phê không hề thay đổi. Vẫn là chút ngọt ngọt của sữa, vị nhạt nhạt của hạt cà phê thấm đẫm mùi dĩ vãng thân quen.

Không giống như nhiều khách du lịch khi đến Huế sẽ đến thăm các lăng tẩm, tôi chỉ thích được dạo quanh khu Kinh thành Huế bằng một chiếc xe đạp cũ mượn của người quen. Vì chỉ khi đó, tôi mới được thỏa mãn cái không gian xưa cũ của Huế trọn vẹn nhất.

Tôi đạp xe chậm rãi dọc theo đường Đoàn Thị Điểm để đến một trong những “Thần kinh nhị thập cảnh” mà vua Thiệu Trị vịnh thành chùm thơ. Đó là hồ Tịnh Tâm, nơi “Thiềm nha ảnh thủy trám tinh hà” (Dịch nghĩa: Thềm hiên in bóng loáng ngân hà), nơi có cây cầu Hồng Cừ mảnh mai vắt ngang sang đảo Bồng Lai, sang điện Bồng Doanh với mái ngói lưu ly cổ kính, quả không hổ danh chốn tiêu dao của vua chúa năm xưa. Cảnh sắc hữu tình, dị biệt giữa một kinh thành đang đổi thay từng ngày với nhà cửa quán hàng mọc san sát. Đó cũng là một trong số ít nơi mà tôi lưu dấu những dĩ vãng lung linh về kinh đô một thời của đất nước.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

KHÚC SÔNG TÍNH TANG RÁNG CHIỀU

Song có lẽ nơi tôi cảm nhận rõ nhất về cái màu dĩ vãng của Huế đó là khúc đường thắt quanh co dưới chân chùa Thiên Mụ, nơi tôi chụp cho anh bạn lều khều lơ đễnh của tôi một bức ảnh.

Ở nơi đó, cuối con đường xa xa là Văn Miếu Huế nơi làng Hương Hồ trầm mặc xưa, trước mặt là dòng sông Hương êm đềm, dịu dàng bên những dãy núi ở Bình Điền xa xăm hùng vĩ. Bên trên là tháp Phước Duyên nghiêm cẩn tĩnh lặng. Thỉnh thoảng, đâu đó lại vang lên tiếng hò trên sông, tiếng hát tính tang đan tiếng nhạc cổ. Tất cả cảnh vật ấy hòa quyện với nhau đẹp lạ tê tái, nhưng lại phảng chút man mác buồn.

Lê những bước chân lơ đãng của mình dọc theo con đường tản bộ ven sông Hương buồn thênh thang trong ráng chiều, tôi chợt nhớ tới dăm câu hát thấp thoáng trong đầu:

“Huế… ơi!… có biết bây chừ

Tiếng ca nào vương bên mạn thuyền

Có ai chờ ai qua Tràng Tiền…”

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

Tôi thuê một chiếc thuyền gỗ du lịch nhỏ của cặp vợ chồng già lam lũ ven sông dưới chân chùa Thiên Mụ, ngược dòng sông tìm về chân cầu Tràng Tiền để trông mong xem bóng ai chờ ai… Có lẽ đây là một quyết định kỳ lạ, bồng bột mang đến cho tôi những cảm xúc bất ngờ nhất trong hành trình du lịch đất cố đô của mình.

Sóng ngược dòng nhấp nhô xô mạn thuyền thẫm màu rêu, tiếng máy thuyền tùng tục khuấy lên xa xăm như đánh thức cả một vùng sông nước tĩnh lặng. Khi đó, chỉ có âm thanh của chiếc đài cassette cũ kỹ của ông lão ngư dân rẹt rè những điệu hò xứ Huế bi ai bầu bạn cùng nắng chiều buông lơi trên dòng sông xanh thắm. Ba người ngồi trên thuyền đều lặng thinh, ông lão điều chiếc máy thuyền nhẹ nhàng với điếu thuốc sắp tàn thường trực trên môi, bà vợ vừa chăm chú nhặt nhạnh những mớ rau hè cho bữa tối, còn tôi ngồi đầu thuyền đưa ánh mắt nhìn xa xăm về cố đô nơi đang tiến về, chờ đợi những điều hư vô lãng mạn nơi cầu Tràng Tiền…

Trong không gian trầm mặc và khoảnh khắc lơ đãng đó, tôi thấy mình như bắt đầu si mê cái điệu buồn man mác của xứ Huế rồi!

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

GỬI HỒN NƠI “HẺM SẦU” NHÂN GIAN

Một buổi chiều tàn, tôi đưa nàng đi ăn quán chè quen trong một hẻm ở đường Hùng Vương, nơi mà tôi gọi đó là quán chè buồn nhất thế gian.

Nàng hỏi tôi sao lại gọi như vậy, tôi cũng không biết giải thích thế nào cho rõ, đành bảo nàng hãy cứ đến và tự tìm câu trả lời cho riêng mình.

Bước vào hẻm phố chẳng to cũng chẳng nhỏ, quán cũng chẳng nhỏ mà chẳng to, người bán chè mặt chẳng vui cũng chẳng buồn, cốc chè ngon mà cũng chẳng ngon. Đến khi thanh toán và ra về, đắt mà cũng chẳng đắt. Tất cả chỉ tựu chung lại một hương vị chè xưa cũ, một không gian tĩnh lặng trầm ngâm.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

Ra đến phố xá tấp nập khác xa với không gian cũ kỹ trong hẻm, tôi hỏi nàng đã tìm được câu trả lời chưa. Nàng cũng trầm ngâm đến lạ, nhập tâm cái buồn lặng thinh, mắt xa xăm ngó nghiêng lên trời xanh như bị Huế xưa hớp mất hồn…

Tôi cũng giống như nàng, bị cố đô hớp mất hồn mỗi khi đặt chân tới. Bị thả hồn mình vào những không gian cổ xưa buồn lặng, bị lặng thinh trước mùi cỏ cây sông nước thân quen…
Sau nhiều lần ghé Huế, tôi phát hiện ra mình bị nghiện cái cảm giác mất hồn mà không hay ấy, chỉ khi đi về tôi mới chiêm nghiệm ra. Và chắc chắn rằng tôi sẽ còn quay trở lại cố đô để cho thỏa nỗi nhỡ những dĩ vãng thân quen luôn lẩn khuất trong lòng.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

W. TIPS

wanderlust tips ICON 27 12

DI CHUYỂN

Di chuyển tới Huế

Từ Hà Nội và TP.HCM, bạn có thể tới Huế bằng nhiều phương tiện như máy bay, tàu hỏa, ô tô, thậm chí nhiều dân phượt còn thích tự lái xe máy tới Huế.

Di chuyển máy bay tiết kiệm thời gian nhất với thời gian bay chỉ khoảng 1 tiếng, máy bay sẽ đáp xuống sân bay Phú Bài ở Huế. Hiện nay các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific đều có đường bay từ Hà Nội và TP.HCM tới Huế.

Nếu có nhiều thời gian hơn thì bạn có thể di chuyển bằng tàu hỏa hoặc xe khách. Thời gian đi tàu từ Hà Nội đến Huế khoảng 13 tiếng, từ TP.HCM đến Huế khoảng 20 tiếng. Mặc dù thời gian di chuyển nhiều nhưng bù lại bạn có thể ngắm cảnh trên đường đi. Thời gian đi xe khách tương đương với đi tàu hỏa, xong giá vé thường sẽ rẻ hơn giá vé tàu hỏa.

Lựa chọn tự lái xe máy hoặc ô tô tới Huế được nhiều người yêu thích phượt bụi lựa chọn, tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bạn là người có kinh nghiệm lái xe tốt, có sức khỏe đảm bảo và luôn chú ý an toàn trên suốt hành trình.

Di chuyển tại Huế

Để cảm nhận Huế một cách trọn vẹn thì bạn có thể sử dụng nhiều phương tiện như đi ô tô, xe máy đối với các địa điểm xa; đi bộ, đạp xe hay đi xích lô ở khu vực trung tâm thành phố; ngoài ra, đi thuyền trên sông Hương cũng là một trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua.

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

wanderlust tips ICON 9

THỜI TIẾT

Ở Huế có hai thời điểm rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, nhiệt độ lên tới 35 – 40°C, trời nắng nóng nực và oi bức. Mùa mưa từ tháng 8 tới tháng 1, nhiệt độ lại thấp từ 18 – 20°C, có khi nhiệt độ thấp dưới 10°C, trong đó từ tháng 10 trở đi là mùa bão lụt. Đặc biệt, từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, thời tiết lúc nào rất đẹp, nắng chiếu rọi qua hàng cây, không khí mát mẻ, se lạnh của những cơn gió cuối mùa cùng với mảng trời hồng khoe sắc khi những bông hoa điệp anh đào nở rộ… Từ tháng 9 tới tháng 12 là mùa của những cơn mưa xối xả và dầm dề, tuy nhiên Huế đã rất khéo léo để biến chúng thành “đặc sản” mà bạn nên khám phá.

wanderlust tips ICON 68 11

ẨM THỰC

Ẩm thực Huế cũng rất nổi tiếng với nhiều món ăn ngon như: bánh khoái Thượng Tứ Lạc Thiện (6 Đinh Tiên Hoàng)…, các quán cơm hến ở Cồn Hến, các quán ở khu vực đường Hàn Mặc Tử…, bánh cuốn, bún thịt nướng ở quán Huyền Anh số 52/11 Kim Long, bún bò Huế số 5 Nguyễn Du hay gánh bún bò Mệ Kéo số 20 Bạch Đằng, chè Hẻm số 1 kiệt 29 Hùng Vương và quán chè trước công viên Thương Bạc ở đường Trần Hưng Đạo…

Tạp chí Du lịch Wanderlust Tips Xứ Huế, dĩ vãng thân quen - cảm hứng lên đường

Phong Du | Wanderlust Tips