Ý nghĩa ẩn sau tục thiên táng rùng rợn của người Tây Tạng

(#wanderlusttips #TayTang) Trên thế giới có rất nhiều hình thức mai táng người chết: thổ táng (chôn xác xuống đất), thủy táng (thả trôi sông) hay hỏa táng (thiêu)… Thế nhưng ở Tây Tạng, người ta có một hình thức mai táng đặc biệt, đó chính là thiên táng hay còn gọi là điểu táng, người ta sẽ xẻ thịt xác chết và cho chim kền kền ăn…

[rpi]

Nghi thức mai táng rùng rợn

Đối với thiên táng, người Tây Tạng chia ra làm 2 hình thức dành cho dân thường và dành cho những người quý tộc, giàu có. Trong thiên táng cơ bản dành cho người dân thường, thi thể người chết sẽ được đưa lên núi và để chim kền kền tự tìm đến.

wanderlust-tips-y-nghia-an-sau-tuc-le-thien-tang-cua-nguoi-tay-tangi-2

Trong thiên táng dành cho những người giàu có, các nghi lễ phức tạp hơn. Thi thể người đã khuất sẽ được tắm rửa sạch sẽ, bọc vải trắng và đặt trong góc của nhà từ ba đến năm ngày. Vào ngày trước khi tiến hành nghi thức thiên táng, gia đình cởi quần áo của người chết và uốn cong thân thể của họ theo tư thế ngồi, với đầu chạm vào gối. Đồng thời, các Lạt Ma sẽ cầu nguyện cho người quá cố trong suốt 24 giờ, nghi thức nhằm cầu nguyện để đưa linh hồn thoát ra khỏi địa ngục.

Ngày hôm sau, lễ mai táng được cử hành vào sáng sớm, sau khi các vị Lạt ma chọn được vị trí cố định thích hợp trên núi cao để tiến hành nghi thức. Người chết bắt đầu được đưa tới bãi thiên táng. Một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình sẽ đeo xác trên lưng và đoàn người bắt đầu cuộc hành trình đi lên núi. Các thành viên trong gia đình đi sau, giữ một khoảng cách nhất định với người chết để tụng kinh và chơi nhạc.

Đến nơi, thi thể người chết được đặt nằm sấp xuống một phiến đá, tại đây các rogyapa (người chuyên chôn cất bằng hình thức thiên táng) sẽ bắt đầu công việc của mình bằng dao và rìu sắc bén. Tóc được cắt bỏ đầu tiên. Sau đó đến thịt cắt thành từng tảng. Các cơ quan nội tạng được xẻ thành miếng và xương được đập vỡ thành những mảnh nhỏ li ti. Chỗ duy nhất họ không chạm dao vào là đầu mà chỉ để hở bộ não ra ngoài bởi đây là nơi chứa linh hồn và ý thức.

Khi các rogyapa bắt đầu làm việc, bách hương cũng được đốt cháy để triệu hồi đàn kền kền. Những con chim khổng lồ xấu xí bay lượn thành vòng tròn trên bầu trời, quanh xác chết để chờ đợi bữa tiệc dành cho chúng.

wanderlust-tips-y-nghia-an-sau-tuc-le-thien-tang-cua-nguoi-tay-tangi-1

Khi lửa được thắp lên là lúc việc xẻ thịt đã kết thúc. Người ta rải các bộ phận đã được “bóc tách” ra trên mặt đất. Xương vụn cũng được trộn với bột lúa mạch, trà và bơ yak để lũ chim có thể ăn hết, như vậy có nghĩa là người chết không có tội lỗi gì và linh hồn sẽ được siêu thoát hoàn toàn. Sau khi đàn kền kền làm xong phần việc của mình thì lễ an táng cũng kết thúc.

Ý nghĩa của tục thiên táng đối với người Tây Tạng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người Tây Tạng lựa chọn tục lệ an táng này. Nguyên nhân đầu tiên chính là do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Tây Tạng. Nơi đây nằm trên dãy Himalaya, biệt lập ở độ cao từ 5.000m so với mặt nước biển, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là rất lớn. Trên nóc nhà của thế giới này, đất vô cùng hiếm mà trải dài đến vô tận chỉ là lớp đá cứng hay băng lạnh, vì vậy việc chôn cất khá khó khăn. Bên cạnh đó, ở thảo nguyên, những người dân du mục quen sống trên lưng ngựa, việc tiến hành thả trôi theo dòng nước như ở đồng bằng cũng là điều không phù hợp. Đối với người Tây Tạng, gỗ là nhiên liệu đốt khan hiếm nên cũng không thể dùng để hỏa táng được… Nhưng những đàn kền kền háu đói lượn trên bầu trời, sói lang thang quanh vùng lại rất nhiều. Câu hỏi về việc chôn cất ở Tây Tạng được giải đáp. Với những đặc điểm đó của vùng, tục “thiên táng” là điều hợp lý nhất mà người Tây Tạng có thể làm.

wanderlust-tips-y-nghia-an-sau-tuc-le-thien-tang-cua-nguoi-tay-tangi-5

Nguyên nhân thứ hai là do niềm tin tâm linh của người Tây Tạng. Đa số người Tây Tạng theo Phật giáo Kim cương thừa (Vajrayana), họ tin rằng các linh hồn người chết đã rời khỏi cơ thể và cái xác còn lại chỉ là phần “con”. Còn kền kền được tôn kính như linh vật thiêng liêng. Chúng không phải loài ăn xác thối ma quái mà là “thánh đại bàng”. Người Tây Tạng tin rằng việc an táng người chết bằng cách nuôi kền kền cũng giống như đức Phật tổ Như Lai lấy xác mình nuôi hổ dữ để khỏi hại các sinh linh khác trong thế giới. Vì thế, thi thể người chết được chim ăn sẽ nhanh chóng lên thiên đàng.

Người Tây Tạng coi chim kền kền là “thần điểu” và tin rằng thi thể được chim kền kền ăn hết là điềm lành, người chết sẽ nhanh chóng được lên thiên đàng, nếu chim ăn không hết, người ta sẽ gom những gì còn lại để hỏa táng. Sở dĩ có quan niệm này là bởi những con chim đầu hói, sải cánh dài tới 2m này ngoài việc ăn xác thối ra thì không làm hại tới ai. Vì thế, nó được coi là đại diện sứ giả của các chư thần linh trong tín ngưỡng Tây Tạng. Và đương nhiên, ai cũng muốn thân nhân mình sau khi chết đi được các thần linh cử sứ giả tới đón đi, đó là niềm hạnh phúc đối với chính những người đã khuất.

Ảnh: Tâm Bùi

LN (TH) | Wanderlust Tips | Cinet