10 bí quyết cho chuyến du lịch bụi
- 16/11/2015
- KINH NGHIỆM DU LỊCH
- du lịch bụi, hành lý, hành trình, kinh nghiệm, mua sắm, tài chính, tâm lý, đặt phòng, điểm đến
Để có chuyến du lịch bụi hoàn hảo, ngoài việc tìm hiểu thông tin điểm đến, chuẩn bị tài chính, hành lý khoa học, bạn cần phải chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái.
1. Xây dựng lịch trình và tìm hiểu thông tin điểm đến
Đây là vấn đề quan trọng cho chuyến đi du lịch bụi hoàn hảo. Trước tiên, bạn nên hoạch định lịch trình tham quan theo nhu cầu, sở thích của riêng bạn. Có bạn thích di sản thế giới, tìm hiểu văn hóa địa phương, trekking, hiking… thì sẽ xây dựng chương trình theo sở thích cá nhân. Dùng công cụ Google maps để chấm những điểm cần khám phá trên bản đồ. Sau đó, lên lịch trình tham quan, cách thức di chuyển, tìm chỗ ngủ.
Một mẹo dành cho các bạn lúng túng khi chọn lịch trình, vì ngay cả bản thân cũng chưa biết tham quan những gì thì tìm đến các đại lý du lịch, hay công ty lữ hành tham khảo lịch trình tương tự để từ đó đưa ra kế hoạch riêng cho bản thân.
Sau khi có lịch trình, bạn nên tìm hiểu thông tin về nơi mình muốn đến. Vào các diễn đàn hoặc các trang web về du lịch bụi, đọc những bài viết liên quan để có những thông tin phù hợp cho chuyến đi của mình. Tiếp tục tra cứu những thông tin điểm đến về giá trị tài nguyên du lịch, về văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, tôn giáo để không bị những cú sốc văn hóa, đặc biệt là các bạn đi những vùng sâu vùng xa của đồng bào dân tộc ít người, hay vi vu ra nước ngoài với văn hóa tôn giáo bản địa hoàn toàn xa lạ với bạn. Chẳng hạn như khi đến những quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, bạn nên cẩn thận khi giao tiếp với phụ nữ, không nên chụp ảnh khi chưa có sự cho phép của họ…
Việc chọn lựa thời gian xuất phát cho chuyến đi cũng là nhân tố góp phần cho chuyến du lịch bụi của bạn được hoàn hảo. Bạn phải tìm hiểu thời tiết để đến trước khi xuất phát. Mùa này điểm đến có gì đặc biệt? Nơi đó có lễ hội hay không? Hiện những thảm hoa khoe sắc như thế nào? Ruộng bậc thang đã vàng óng hay chưa? Thời tiết dễ chịu, nắng ấm hay có mưa, có tuyết. Nhiệt độ điểm đến như thế nào để bạn còn chuẩn bị quần áo cho phù hợp.
Người Việt Nam thường không tưởng tượng được nhiệt độ âm như thế nào nên chủ quan trong vấn đề chọn lựa hành lý. Việc mang hành lý quá cồng kềnh khi thời tiết không quá lạnh sẽ làm cho hành lý của bạn quá ký và khó khăn trong việc di chuyển. Nếu thời tiết quá lạnh mà bạn không mang theo những quần áo giữ nhiệt thì bạn sẽ dễ bị cảm và sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi.
2. Chuẩn bị tài chính
Bạn cần phải lên kế hoạch chi trả cho toàn bộ chuyến đi của mình và một khoản tiền dằn túi trong thẻ tín dụng. Bạn được khuyên nên chia đều quỹ tiền mặt của mình ra thành 2 phần, trong đó 50% là tiền mặt, 50% còn lại trong thẻ ATM. Điều này có thể sẽ hạn chế rủi ro do quá trình du lịch bụi có thể tạo ra những tình huống không lường trước được. Thẻ tín dụng nên mang theo đặc biệt là những chuyến du lịch bụi ra nước ngoài để tiện việc thanh toán khi cần trả tiền khách sạn, đặt thêm vé máy bay, hay mua một số mặt hàng lưu niệm.
Khoản tiền mặt mang theo người bạn cũng nên chia ra thành những phần nhỏ, cất giữ những nơi khác nhau: trong ba lô, trong quần áo thậm chí trong cả tất hay giày.
3. Hành lý gọn nhẹ
Đối với những chuyến du lịch bụi, việc sắp xếp hành lý khoa học giúp bạn không bận bịu trong chuyến tham quan của mình. Tùy theo điều kiện thời tiết và mục đích chuyến đi mà bạn sẽ cân đối hành lý cho phù hợp.
Những vật dụng thông thường như thuốc y tế, dao bấm, ổ khóa, các thiết bị điện tử, sạc dự phòng, ổ điện, ô, nón rộng vành cần được mang theo. Trang phục, quần áo sử dụng những chất liệu nhẹ, có tác dụng dịu mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
Bạn nên mang theo lượng quần áo đủ dùng cho chuyến đi của mình. Nếu cần có thể mua thêm mặc trong quá trình di chuyển ở các điểm đến. Hầu hết những nơi lưu trú đều có dịch vụ giặt ủi nên điều này cũng sẽ tiện lợi khi bạn không cần phải mang theo quá nhiều quần áo. Bạn nên cân hành lý ở nhà và xem vali hay ba lô của bạn mang vác có phù hợp với thể trạng.
Để tránh việc thiếu sót các hành lý, vật dụng mang theo chuyến đi, bạn nên liệt kê thành một danh sách các hành lý cần mang đi.
4. Đặt phòng khách sạn
Bạn có thể sử dụng những website đặt phòng phổ biến để chọn lựa khách sạn phù hợp theo nhu cầu. Một khách du lịch bụi thường không chọn những khách sạn theo tiêu chí sang trọng, đắt tiền mà thường theo sự tiện dụng của nó.
Bạn nên quan tâm đến những tiêu chí như sau khi đặt phòng khách sạn: giá, điều kiện hủy phòng – đặt cọc, điểm đánh giá khách sạn, các dịch vụ tiện nghi trong khách sạn hay trong phòng, vị trí của khách sạn có gần trung tâm, các điểm tham quan hay không…
5. Bản sao giấy tờ quan trọng
Những giấy tờ cá nhân quan trọng như hộ chiếu, chứng minh nhân dân, bảo hiểm du lịch, thẻ tín dụng… cần có bản photo, phòng lúc bị mất sẽ có thông tin để trình báo kịp thời. Bạn nên để những giấy tờ quan trọng trong một túi nylon đề phòng bị mưa làm ướt trong quá trình di chuyển.
Ngoài ra, bạn nên in ra giấy những địa chỉ và số điện thoại cần thiết cũng như bản đồ du lịch, lịch trình, vé máy bay, booking khách sạn… Không nên ỷ lại vào điện thoại, ipad, bởi không phải ở đâu cũng có tín hiệu nối mạng, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa hoặc đề phòng kẻ xấu có thể lấy cắp những thiết bị này.
6. Mua sắm
Di chuyển liên tục nên bạn hãy suy nghĩ cẩn trọng khi mua những hàng hóa lưu niệm cho những chuyến du lịch bụi của mình. Thông thường hành lý của bạn là những ba lô, kể cả vali, nên việc mua những sản phẩm lưu hiệm bằng gốm sứ, thủy tinh sẽ dễ dàng hư hỏng khi va chạm.
Tuy nhiên những món hàng lưu niệm gọn nhẹ như bưu thiếp, miếng dán tủ lạnh, búp bê bằng vải, khăn choàng với hoa văn địa phương đặc trưng bạn cũng có thể mua vì sẽ rất khó tìm được ở đất nước mình.
Bạn hãy mua những món hàng của người dân bản địa, qua đó, bạn cũng có thể trò chuyện để tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống và góp phần nâng cao cuộc sống của người dân ở đây.
7. Thưởng thức ẩm thực
Ngoài việc tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, ẩm thực cũng là nhu cầu không thể thiếu của các bạn du lịch bụi. Mỗi vùng miền sẽ có những món ăn truyền thống được chế biến theo phong cách địa phương. Khi bạn thưởng thức những món ăn của nơi đó, bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa, lối sống cũng như các yếu tố về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của những vùng đất tạo ra những món ăn đặc trưng.
Đến Tây Bắc thưởng thức món thắng cố, về miền Tây thường thức món lẩu mắm cá linh đặc trưng, đến Ma rốc tìm hiểu món Tagine nổi tiếng… Thậm chí có thể thử những món ăn đường phố để có một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến đi.
8. Mang theo máy ảnh du lịch hay điện thoại thông minh
Trong những chuyến đi dài, bạn cần mang theo những chiếc máy ảnh gọn nhẹ, chịu va đập, bảo vệ tốt với điều kiện thời tiết xấu như mưa hay qua những vùng biển có hàm lượng muối cao làm cho máy ảnh dể hỏng hóc.
Ngoài việc ghi lại những hình ảnh độc đáo về danh lam thắng cảnh, các công trình kiến trúc, cuộc sống thường nhạt của người dân trong chuyến đi, chiếc máy ảnh du lịch hay điện thoại thông minh nhỏ gọn rất cơ động trong vấn đề lưu trữ hình ảnh đề phòng bạn cần tìm hình ảnh của những nơi bạn đi qua lúc lạc đường. Điều này rất hữu dụng khi bạn đi du lịch nước ngoài mà không biết tiếng bản địa.
9. Mua bảo hiểm du lịch
Nên mua bảo hiểm cho chuyến đi du lịch của mình. Điều này thật sự cần thiết cho những chuyến du lịch bụi. Việc mua bảo hiểm giúp các bạn hạn chế dược những thiệt hại cho chuyến đi. Có rất nhiều loại bảo hiểm mà bạn cần được tư vấn bởi các công ty bảo hiểm. Bạn nên mua bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm hành lý cho chuyến đi. Tùy theo mức phí mua bảo hiểm thì sẽ có những mức đền bù phù hợp. Một số chuyến đi mạo hiểm, bạn cần mua ở mức cao để có được sự hỗ trợ lớn từ các công ty bảo hiểm khi xảy ra sự cố.
10. Chuẩn bị tâm lý trước khi đi
Việc tiếp cận một vùng đất mới là một thú vị nhưng cũng mang lại nhiều điều lo lắng cho các bạn du lịch bụi, nhất là những chuyến đi du lịch ra nước ngoài hay những chuyến vi vu bằng xe gắn máy ở những cung đường đèo hiểm trở phía Bắc.
Ngoài việc trang bị cho mình những kỹ năng cứng như cách thiết kế lộ trình, cách đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, kỹ năng ngoại ngữ khi ra nước ngoài, kỹ năng leo núi, đi bộ đường dài thì bạn cần phải được trang bị những kỹ năng mềm cho những chuyến đi lớn.
Trước hết bạn phải giữ cho mình một tâm lý thoải mái trước chuyến đi, chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt và phải tự trang bị vốn sống cho việc giải quyết những tình huống xảy ra trên đường. Ví như các bạn nam khi đi bụi bằng xe gắn ở những vùng núi cao cần chú ý vào mùa mưa, những vùng bị sạt lở, hay những đoạn đường đèo dốc nguy hiểm. Cần trang bị những tình huống bất trắc trên đường như xe hư, cách điều khiển nhóm. Việc lượng sức mình để tham gia các hoạt động tốn hao nhiều sức khỏe cũng cần được xem xét nghiêm túc.
Đối với các bạn nữ không đi trên những đoạn đường vắng, đi đêm khuya. Bạn nên tìm hiểu cách xử lý tình huống khi bị tấn công hay tìm hiểu cách bảo vệ mình trong những tình huống bất trắc. Bạn phải vận dụng khả năng phán đoán, nhận xét người khác bằng trực quan của mình. Điều quan trọng cần phải giữ bình tĩnh để chúng ta có những phương án giải quyết tình huống tốt nhất.
Ivivu | Wanderlust Tips | Cinet
Leave A Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.