5 điều kiêng kị du khách cần nhớ khi đi lễ chùa

(#wanderlusttips) Vào dịp Tết Nguyên đán, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu bình an cho mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, nơi cửa chùa cũng có những điều cần kiêng kị mà không phải ai cũng biết.

1. Trang phục

Chùa là nơi thanh tịnh, chính vì vậy, lựa chọn trang phục đi lễ chùa là một việc hết sức quan trọng. Du khách không nên mặc đồ quá xuề xòa, bất lịch sự hay hở hang… vì điều đó sẽ phạm giới uế tạp và bất kính Phật đường, khiến công quả tiêu tán hết. Do đó, du khách nên lựa chọn những trang phục lịch sự, giản dị và sạch sẽ.

Một điều cần lưu ý là không nên đi giày cao gót để tránh gây tiếng động nơi đình, chùa thanh tịnh. Bên cạnh đó, đầu năm cũng rất nhiều du khách đi lễ chùa nên việc đi giày cao gót cũng gây nhiều bất tiện.

kinh-nghiem-di-le-chua-wanderlusttips

2. Đi lại trong chùa

Không chào hỏi các sư, đi lại khệnh khạng hay vội vàng làm lễ trong chùa là một điều hết sức kiêng kị mà du khách nên chú ý. Khi vào chùa, du khách nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay cho tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt, công đức mang lại vô lượng cho cả người vãn cảnh và nhà chùa.

Theo quan niệm của nhà Phật thì khi vào chùa, du khách không được đi cửa giữa, đồng thời không dẫm lên bậu cửa khi bước vào để tránh phạm tội bất kính. Theo quan niệm xưa, cửa giữa chỉ dành cho đức Phật, Ngọc đế, quốc vương, khi qua cổng Tam quan vào chùa thì du khách nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và ra bằng cửa Không quan (bên trái).

3. Thắp hương và nghi lễ

Nhiều du khách quan niệm rằng, đi lễ chùa phải thắp hương thì mới thiêng nhưng điều này không chính xác. Khi đi lễ chùa, du khách chỉ nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật và pháp khí. Nhiều chùa ở Việt Nam cũng có những tấm biển hướng dẫn nơi thắp hương. Khi thắp hương, du khách nên chú ý rằng không phải chỗ nào cũng cắm hương. Chỉ cắm vào bát hương, nếu bát hương có hương rồi thì không cần cắm tiếp. Không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây hay đồ lễ… Nếu thắp hương que thì phải cắm thẳng, không nghiêng lệch. Chỉ dùng một nén hương là được, không thắp cả thẻ/gói hương. Còn với hương tháp, du khách phải đặt vào giữa đĩa hoặc lư hương, hương vòng thì chú ý đặt theo chiều thuận kim đồng hồ.

kinh-nghiem-di-le-chua-wanderlusttips1

Khi lễ, du khách cũng cần lễ bái chư Phật, Thánh từ giữa trước theo hướng từ phải sang, không nên nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh. Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.

4. Đồ lễ

Đi lễ chùa, du khách không nên mang quá nhiều đồ đạc bên mình như mũ, áo, khăn, bao tay, túi xách… vì theo nhà chùa, nếu chẳng may lỡ đặt những đồ này lên bàn, trên chiếu hoặc trong góc tam bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu nay đều tiêu tán.

Điều kiêng kị khi lễ chùa là tự tiện đặt lễ mặn ở khu vực chính điện – nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ. Vàng mã hay tiền âm phủ cũng không cần phải dâng cúng quá nhiều, nếu có thì du khách đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Còn nếu lễ tiền thật thì nên bỏ vào hòm công đức.

5. Kiêng chụp ảnh

Chốn cửa Phật vô cùng linh thiêng nên việc tự ý chụp ảnh hoặc quay phim là một điều kiêng kị mà du khách cần phải ghi nhớ. Đặc biệt là chụp những bức ảnh tạo dáng không lịch sự, trang nghiêm, không phù hợp với quang cảnh thanh tịnh nơi cửa chùa.

Timeout | Wanderlust Tips | Cinet

Trả lời